Pages

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Ân xá Quốc tế lên án Việt Nam kết án ông Vi Đức Hồi 8 năm tù

Đức Tâm
Hôm qua, 26/01/2011, ngay sau khi tòa án tỉnh Lạng Sơn tuyên án 8 năm tù nhắm vào ông Vi Đức Hồi, tổ chức Ân xá Quốc tế - Amnesty International - đã lên tiếng phản đối bản án này. Ông Vi Đức Hồi, cựu đảng viên cộng sản, đã bị kết tội « tuyên truyền chống Nhà nước”. Ngoài án 8 năm tù giam, ông còn bị quản thúc tại gia thêm 5 năm nữa.
Ông Hồi là thành viên của khối 8406 tập hợp những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Ông đã viết nhiều bài về tệ nạn tham nhũng và bất công tại Việt Nam.

Phó giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Amnesty International, Donna Guest, nói, “bản án và mức án là một bằng chứng gây sốc cho thấy chính quyền Việt Nam hoàn toàn coi thường tự do ngôn luận khi liên quan đến những người phản đối một cách ôn hòa các chính sách của chính phủ. Thật là khỏi hiểu vì sao chính quyền lại cảm thấy lo ngại trước những nhà ly khai ôn hòa như ông Vi Đức Hồi. Thay vì bắt giam ông, lẽ ra, chính quyền phải cho phép ông đóng góp vào xã hội dân sự và quảng bá cho tự do ngôn luận, nhân quyền.”

Ông Vi Đức Hồi là một trong 30 nhà ly khai ôn hòa hiện đang bị cầm tù dài hạn; một số người khác đang đợi ra tòa. Ân xá Quốc tế coi tất cả những người này là tù nhân lương tâm.

Ông Hồi vào đảng Cộng sản Việt Nam năm 1980 và giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng. Ông đã bị khai trừ khỏi Đảng năm 2007 sau khi kêu gọi cải cách dân chủ. Ông bị bắt ngày 27/10 năm ngoái.

Trước đó, vào tháng Tư năm 2008, ông Hồi đã bị bắt vì tham gia phản đối cuộc Rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh tại Việt Nam. Tháng Sáu năm 2008, ông đã bị đấu tố công khai trong một cuộc họp của đảng Cộng sản có tới 300 người tham gia.

Theo giới quan sát, điều 88 của bộ Luật Hình sự Việt Nam thường được sử dụng để kết tội và bỏ tù các nhà ly khai ôn hòa đã chỉ trích chính phủ.

Đại diện của Amnesty International nhận định, “từ lâu nay, bộ Luật Hình sự cần phải được sửa đổi để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam phê chuẩn và tuyên bố tôn trọng”.

Phúc thẩm vụ Cồn Dầu : Y án sơ thẩm

Ngày hôm qua, 26/01/2011, tòa án Đà Nẵng đã mở phiên xử phúc thẩm vụ án giáo dân Cồn Dầu về tội gây rối trật tự công cộng. Phiên xử kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ. Các bị cáo có luật sư bào chữa. Quyết định của tòa không gây ngạc nhiên : Y án sơ thẩm đối với bốn bị cáo kháng án.

Vụ án Cồn Dầu xuất phát từ việc chính quyền thành phố Đà Năng muốn trưng dụng đất đai của người dân để thực hiện dự án xây khu đô thị sinh thái. Cộng đồng giáo dân Cồn Dầu đã sinh sống tại đây qua nhiều thế hệ. Chính sách cưỡng bức trưng dụng, đền bù không thỏa đáng đã gây ra sự bất bình của người dân.

Ngày 04/05/2010, chính quyền đã ngăn cản một đám tang, không cho chôn cất tại nghĩa trang Cồn Dầu. Xô xát đã xẩy ra. Nhiều người bị bắt và phải ra tòa với tội danh gây rối trật tự công cộng, chống lại người thi hành công vụ.

Trong phiên xử sơ thẩm, ngày 27/10/2010, hai người bị kết án từ 9 đến 12 tháng tù giam, bốn người khác bị kết án tù treo từ 9 tháng đến một năm.

Bốn người này đã làm kháng án. Tòa phúc thẩm ngày hôm qua, đã giữ nguyên mức án của tòa sơ thẩm.

Điểm đáng chú ý là hai người bị tù giam trong phiên xử sơ thẩm, đã được tòa phúc thẩm tuyên bố trả tự do ngay lập tức, một người coi như mãn án, người thứ hai ra tù trước ba tháng.

Không có nhận xét nào: