Pages

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Cơ hội định mệnh cho Việt Nam nhân ngày 4/4


Quyết tâm vận động vì vụ án Cù Huy Hà Vũ


Vụ án của Cù Huy Hà Vũ đã được dời sang ngày 4/4/2011. Thế là sau khi nhận được những tín hiệu dân oan, giáo dân dự định tụ tập trước tòa vào ngày 24/3, công an Việt Nam đã phải dời ngày nhằm phân tán lực lượng quần chúng. Rõ ràng công an đã bị đẩy đến nước lùi một cách ngoạn mục giống như tình huống một con cọp dữ bị thất thần trước bản năng kháng cự quyết liệt khiến vị trí dữ dằn lúc rượt đuổi của nó đã mất đi sự hung hãn ban đầu.

Hiện nay, tinh thần đối đầu với thế lực công an đang tự động hình thành, thu hút động lực và trở thành nguồn thông tin áp đảo trên mạng lưới internet. Tâm lý liên kết kháng cự dần dần mang tính tổ chức dẫn đến sự hoàn thiện sức mạnh hợp quần một ngày không xa.

Công an đang từ thân phận chỉ làm dụng cụ chân tay cho thế lực cầm quyền chỉ huy nay bị tách dần thành thực thể riêng biệt làm đối tượng cho lòng oán hận ngút trời của nhân dân.

Ngay cả những người ở vị trí bảo vệ thể chế hiện nay hoặc vì một lý do chủ quan nào đó do lịch sử để lại cũng phải lắc đầu ngao ngán trước nạn kiêu binh lộng hành, coi thường tính mạng người dân như cỏ rác qua vụ giết chết dã man anh Trịnh Xuân Tùng “vì mũ bảo hiểm” ngay giữa ban ngày, giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Công an chìm và nổi rình đám tang

Độc ác hơn, để ngăn chặn những lời than khóc của nhà anh Trịnh Xuân Tùng có nguy cơ biến thành những lời kêu gọi cho công lý toàn dân, công an đã bịt các nẽo đường đưa tang, khủng bố luôn cả những người theo tiễn nạn nhân về nơi mộ địa.

Điều trớ trêu là lúc công an chìm đã trà trộn vào đám ma lại ngang nhiên đi xe ôm chốt ở các nút giao thông mà không cần đội mũ bảo hiểm. Nhân dân Việt chỉ còn biết lắc đầu than thở trên đời này sao lại có thế lực ác đảng lộng hành, khinh trời miệt đất như thế?

Công an lo sợ những tiếng kêu đứt ruột trong ngày đám tang anh Trịnh Xuân Tùng hôm 23/3 trở thành những cơn òa vỡ thét gào của “tình trời nghĩa đất” biến phiên tòa Cù Huy Hà Vũ hôm sau đó vào ngày 24/3 (trùng với hôm Hà Nội bị động đất) trở thành phiên tòa lịch sử mà chánh án và bồi thẩm, đại diện cho nền bạo chính này bị lật ngược tư thế trước mặt nhân dân.

Việc dời ngày sang 4/4 chẳng qua là một chiến lược câu giờ để bộ công an tìm cách đối phó với quần chúng.

Định mệnh lại rơi vào ngày 4/4

Nhưng do quyết định trong lúc thất thần cho nên bộ công an đã quên mất việc dời sang ngày (4/4) chính là ngày trùng với vận hội lịch sử vô cùng quan trọng.

Đúng là đại sự trời sắp, thời điểm này của 85 về trước, nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24/3/1926. Và đúng vào ngày 4/4/1926, lễ quốc tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh được tuyên bố hình thành, biến tang lễ trở thành cuộc vận động xuống đường vĩ đại với 60,000 – 100,000 người dân Sài Gòn tham dự.
Cảnh Quốc Tang nhà Cách mạng Phan Châu Trinh ở Sài Gòn vào ngày 4/4/1926Uỷ ban tổ chức tang lễ tuyên bố: “Nhà cách mạng Phan Chu Trinh suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, cho áp bức của dân tộc, nay người tạ thế, thì toàn dân Việt nam phải có bổn phận làm tang lễ linh đình để mọi người công dân tham dự, đền đáp một phần công ơn của người đối với quốc gia dân tộc”. Trích Website Quê Hương Gò Công.

Với điều kiện thông tin in ấn hạn chế của đầu thế kỷ 20, thế mà nhân dân Sài Gòn đã vận động một cuộc xuống đường long trời lở đất tạo tiền đề cho những cuộc vận động đình công bãi khóa đối đầu với chế độ thực dân Pháp sau này.

Vậy là kể từ lúc cụ Phan Chu Trinh tạ thế đến lúc lễ quốc tang do nhân dân Nam Kỳ phát khởi vừa đúng ngay thời điểm di dời phiên tòa Cù Huy Hà Vũ (24/3 – 4/4). Thật đúng là điềm “Song Tứ Vi Bát, Tiền Hung Hậu Cát”.

Với sự cổ vũ nhiệt tình cho tinh thần Cù Huy Hà Vũ của thời nay, nhân dân ta khắp mọi miền sẽ biến ngày 4/4/2011 thành một dàn đồng ca hợp xướng Nam Bắc kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả lại tự do và nhân phẩm không những cho Cù Huy Hà Vũ mà còn những người Việt Nam vì có chính kiến khác biệt mà lâm vào chốn lao tù.


Vận hội “Thố Mao Long Khẩu” – da thỏ miệng rồng

Ngày 4/4/2011 theo âm lịch là ngày mồng 2 tháng 3 của năm Tân Mão. Theo lịch số dân gian Đông Á thì đây chính là ngày trước tiết Thanh Minh, 三月初二﹐清明前夕 (Tam Nguyệt Sơ Nhị, Thanh Minh Tiền Tịch), ngày sửa sang hương án bàn thờ, dâng hoa cho vong vị tổ tiên, đốt nhang đèn cho lễ tảo mộ: “Thanh Minh trong tiết tháng ba”.

Về phương diện duy linh hiện nay mà lý luận, đây là ngày hội tụ của những linh hồn về nhà thăm lại gia đường.

Cách đây vừa đúng 36 năm, năm1975, lại vào thời điểm này, nhân dân Việt Nam gặp thời chiến loạn. Nhiều người chết không có nấm mồ vì trận tổng tấn công miền Nam và dẫn đến những thảm cảnh thuyền nhân sau này. (Tuy chiêm tinh không phải là khoa học, nhưng những biến cố mang tính tình cờ liên tiếp xảy ra không thể mà người không suy nghĩ.)

Nhà tử vi Thiên Đức ở Califonia còn dự đoán 36 năm sau (ba con giáp), đây là cơ hội định mệnh khởi đầu cho một cuộc cách mạng “nắm tay mà trả lại” quyền tự quyết cho nhân dân – ít ra cũng được như thời thực dân phong kiến, thời của cụ Phan Chu Trinh của 85 năm về trước.

Thực sự, ngày Hai tháng Ba (tức tháng Thìn, rồng) của năm Tân Mẹo (mèo hoặc thỏ) theo khoa chiêm tinh nhâm độn là thuộc về “Thố Mao Long Khẩu” (da thỏ miệng rồng). Căn cứ theo ý chỉ diễn giải là nhân dân nhìn hiền hòa mềm yếu như thỏ nhưng khi mở miệng lên là tiếng gầm của rồng tạo nên muôn vạn âm hưởng vọng theo như thiên binh vạn mã làm thế lực tàn ác phải buông tay quay đầu.

Ngày 4/4 là ngày Dương lịch là ngày Song Tứ (雙四), theo phép đồng âm trong chữ Hán là trùng âm với chữ Tử, ngày Trùng Tử (có lẽ dành cho lực lượng công an ngoan cố, nợ máu với nhân dân, các chú công an hôm đấy mà nặng tay đánh đập thế nào cũng bị qủa báo cho mà xem).

Nếu nhân dân và các giới sĩ phu không chịu mở miệng thì coi là con thỏ đã chết rồi trước hang hùm miệng sói. Cùng nhau mở miệng thì lại thành miệng rồng, Song Tứ Vi Bát, hai con số bốn thì thành số tám (tiền hung hậu cát). Lại đem phép chiết tự chữ Hán ra mà đối chiếu chữ Tứ (四) chính là chữ Bát(八) nằm trong chữ Khẩu(口). Thật là vi diệu không sao nói hết. Nếu như nhà tử vi Thiên Đức đọc trúng một sách, luận cùng một kiểu thì những nhận định về mặt duy linh theo mô hình rõ ràng và trong sáng này không có gì là không hợp lý.

Tinh Thần Phan Chu Trinh

Lễ quốc táng Phan Chu Trinh có nhiều chi tiết về nghi thức mô phỏng theo quốc táng nhà cách mạng Tôn Dật Tiên, Trung Hoa. Sinh viên, học sinh nghỉ học. Công chức nghỉ trọn một ngày đưa tang. Các tiệm buôn, hàng quán đều đóng cửa tạm nghỉ. (Trích website Quê Hương Gò Công).

Tôn Dật Tiên, người đã làm nên cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 (kỷ niệm ngày Song Thập 10/10) mà năm nay đúng 100 năm chu niên. Cho nên này ngày 4/4 này là chính là linh hồn cuộc “Cách Mạng Song Tứ” 4/4/2011 của Việt Nam đã được thai nghén cách đây 85 năm cũng không có gì là cường điệu.

Định mệnh đã đến trong tầm tay, ngày 4/4 nhân dân miền Nam xuống đường coi như là tưởng niệm 85 năm tang lễ cụ Phan Chu Trinh. Nhân dân miền Bắc hãy vì Cù Huy Hà Vũ. Nhân dân cả nước đồng lòng biến ngày 4/4 trở thành ngày toàn quốc mở miệng đòi nợ công lý cho những người con nước Việt bị nền bạo chính chôn vùi một cách bất nhân phi nghĩa.

Nhân dân Việt Nam chọn ngày 4/4 tức là ngày mồng 2 tháng 3 Tân Mẹo quyết tâm không chịu làm thỏ (Mão), làm mèo để bị bạo lực chà đạp mà mở miệng thành rồng để giành lại bầu trời.

Những vị thân bằng quý quyến của những bạn Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương… và bao nhiêu người khác như hãy đồng tâm “đánh trống kêu oan” vào ngày 4/4/2011. Ngay trước cổng tòa trước đây kết tội con, em, cha, chồng của mình, quý quyến hãy coi đây như là sự khởi đầu cho động lực đòi nợ công lý với lòng quyết tâm cao độ, quyết không chấp nhận một sự thỏa hiệp nào với công an cho đến khi người thân của mình được thả vô điều kiện.

Đây chính là một “trận chiến vô hình” giữa hai bên “lề trái lề phải” như nhà báo Đoan Trang đã viết trên facebook đang tới thời kỳ ác liệt đấu tranh cho một mặt trận pháp lý.

Theo nhận định chung thì báo “lề phải” đang mất hẳn ưu thế áp đảo vì chính nghĩa đã mất.

Nếu coi đây là một trận “Long tranh Hổ đấu” trong cuộc vận động vì “tình trời nghĩa đất” thì con cọp dữ kia đã bị thất thần hồn, khí thế đã mất chỉ chờ nhân dân rượt đuổi.

Chỉ cần một tiếng hò reo, hai tiếng đồng thanh, ba bước xuống đường thì nhân dân ta như rồng thiêng cuồn cuộn lấy lại cả bầu trời ngay trong những ngày xuân Tân Mão.

Trần Đông Đức

Không có nhận xét nào: