Pages

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Sóng trước, sóng sau


Nguyễn Huy Cường (Tamnhin.net) - Một con ruồi, nếu hôm nay không bị triệt, ba tháng sau ta sẽ rất vất vả để đập vài trăm con ruồi con được sinh ra. Hơn lúc nào hết, kỷ cương cần được siết chặt, thực hiện nghiêm minh để hỗ trợ và bảo đảm cho xã hội thăng tiến vững bền, lành mạnh và tiến bộ. “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Đã đến lúc phải tạo nên những con sóng mới, quyết liệt, mạnh bạo để xóa mờ hình ảnh những đợt sóng buồn…
Trong một xã hội đang thăng tiến, tăng trưởng thì những sai lầm, khuyết thiếu luôn có thể xảy ra. Để chế ngự, hóa giải các mâu thuẫn và hạn chế sự gia tăng của các biểu hiện tiêu cực thì sức mạnh của pháp chế, sự nghiêm túc khi thực thi pháp luật là nhân tố hữu hiệu và là một công cụ mạnh.

Thế nhưng, chỉ nhìn vào khung thời gian 10 năm nay thôi, khi đất nước đang hòa nhập nhanh vào dòng chảy chung của thời đại, của thế giới thì ở ta, việc áp dụng các chế tài, vận dụng các công cụ này còn yếu nên di chứng của chúng xem ra ngày càng nặng nề hơn, cái sau thường tệ hơn cái trước.

Có thể xem xét hai mô hình:

Năm 1996, tại Cần Thơ, “thầy giáo” Lê Thái Bình của Trường THPT Thới Long, huyện Ô Môn dụ dỗ một nữ sinh quan hệ tình dục. Vụ việc nghiêm trọng đến mức em này không chịu nổi, phải đi tự tử nhưng “thầy giáo” kia… được chọn một trong hai hình thức kỷ luật: bị thôi việc hoặc… chuyển sang trường khác (!?).

Con người mất nhân tính kia đương nhiên chọn hình thức “kỷ luật” thứ hai và vẫn điềm nhiên đứng trên bục giảng làm thầy bao nhiêu học trò. Gần đây, thú tính của “thầy” tiếp tục “phát triển” và tòa án địa phương đã phải cho “thầy” ngồi tù khi có tái phạm nguy hiểm, tiếp tục ép một học sinh làm tình, bí mật quay phim và khống chế em này suốt 9 tháng trời.

Sau đó năm 2009, tại Hà Giang, hiệu trưởng Sầm Đức Xương đã cùng đồng bọn tổ chức mua dâm và tha hóa các học sinh chỉ bằng tuổi con của mình.

Mô hình thứ hai: sau khi bị pháp luật xử lý, chủ tiệm massage Tân Hoàng Phát ở TP.HCM là Phan Cao Trí còn bộc lộ cả việc dùng súng đe dọa, khống chế người làm và khi các cơ quan chức năng kiểm tra đã “tòi” ra việc cấp phép sử dụng súng sai quy định của Công an Long Khánh.

Vụ việc cấp súng sai này trôi qua rất êm ả và thoáng cái, tháng ba năm 2010 một giám đốc ở Vũng Tàu lại dùng súng giải quyết mâu thuẫn cá nhân, bắn trọng thương hai anh em nhà nọ và khi truy ra, khẩu súng này cũng được cấp… sai quy định.

Một thầy giáo cùng lúc phạm vào hai tội danh hình sự: hiếp dâm trẻ vị thành niên và có hành vi dẫn đến bức tử, chết người được “ngành” cho tự chọn hình thức kỷ luật và cơ quan an ninh địa phương cấp phép dùng súng cho các thành phần bất hảo thì cho qua, mọi việc mau chóng trở vào quên lãng.

Giữa hai mô hình, hai khoảng cách thời gian đó là một loạt tội ác tương tự mọc lên.

Năm 2008 xảy ra vụ một sĩ quan công an “múa kiếm”, dùng hành vi vũ lực đe dọa nhân viên thừa hành công vụ ở sân bay Đà Nẵng giữa thanh thiên bạch nhật, cuối cùng cũng lu mờ và chìm vào… thinh không.

Tháng 3/2011, lại một phó trưởng phòng cảnh sát giao thông (CSGT) công an Hậu Giang hành xử như xã hội đen với tài xế taxi và CSGT sở tại.

Nằm kẹp giữa hai sự kiện này là nhiều vụ xô xát, thậm chí cả án mạng xảy ra khi CSGT trấn áp công dân, nhiều khi chỉ vì lỗi… không đội mũ bảo hiểm!

Rõ ràng, việc thả lỏng kỷ cương hoặc mặc cho những nhóm quyền lợi, nhóm thế lực thao túng không chỉ để lọt người lọt tội trong một vụ việc, gây thiệt thòi cho người bị hại mà còn có vẻ như đang tạo nên một khuôn thức, một hình mẫu giải quyết vấn đề kiểu phi luật hóa cho nhiều nơi, nhiều lúc áp dụng theo.

Một con ruồi, nếu hôm nay không bị triệt, ba tháng sau ta sẽ rất vất vả để đập vài trăm con ruồi con được sinh ra. Hơn lúc nào hết, kỷ cương cần được siết chặt, thực hiện nghiêm minh để hỗ trợ và bảo đảm cho xã hội thăng tiến vững bền, lành mạnh và tiến bộ.

“Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Đã đến lúc phải tạo nên những con sóng mới, quyết liệt, mạnh bạo để xóa mờ hình ảnh những đợt sóng buồn nói trên.

Nguyễn Huy Cường

Không có nhận xét nào: