Pages

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin”

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/9/9c/DuongTrungQuoc.jpg/385px-DuongTrungQuoc.jpgNguyên Thảo
Theo: VnEconomy

Không ồn ào theo kiểu “gây sốc” song những phát biểu của ông đã nghe rồi, đọc lại vẫn thú vị. Một phần, ở sự thể hiện, và quan trọng hơn là ở sự phát hiện.
Khi Quốc hội khóa 13 đang sôi nổi thảo luận các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Chính phủ trình, ông vẫn tiếp tục băn khoăn vì chưa nhìn thấy sự đầu tư đúng mức đối với vấn đề văn hóa, xã hội và đời sống. Điều mà đã từng được ông nhìn nhận như là hạn chế trong điều hành của Chính phủ.
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12, khi thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ông đã nói: “Khi chúng ta gặp khủng hoảng về kinh tế, chúng ta có thể đầu tư để kích cầu về kinh tế, nhưng tôi chưa thấy Chính phủ kích cầu về niềm tin, về đời sống xã hội, văn hóa. Tôi cho đó là điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo”.

ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin"
Đại biểu Dương Trung Quốc (phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang bên hành lang kỳ họp Quốc hội thứ hai – Ảnh: Hải Hà
Đến kỳ họp này, phát biểu của ông trước diễn đàn Quốc hội vẫn thể hiện tâm tư về câu chuyện này.
Xin chào nhà sử học Dương Trung Quốc. Báo cáo đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới trình Quốc hội đã “đậm đà” về văn hóa, xã hội như ông mong đợi chưa ạ?
Có lẽ Chính phủ cũng phải tập trung quá nhiều vào việc ứng phó kinh tế, điều đó chúng ta phải có sự chia sẻ.
Nhưng cái quan trọng nhất là niềm tin của dân, nếu người dân có tin thì vẫn tin một cách rất cảm tính, cơ sở để người dân có niềm tin thực sự chưa nhiều. Tôi có cảm giác hình như Chính phủ chưa chia sẻ nhiều với dân, chưa làm tốt việc tranh thủ ý kiến của dân.
Ví dụ, gần đây Chính phủ đã nói nhiều đến việc tập hợp chuyên gia để tham khảo những ý kiến khác nhau, nhưng từ tham khảo đến thực hiện tôi cho vẫn còn khoảng cách rất lớn. Tuy nhiên mình cũng hiểu là Chính phủ phải chịu trách nhiệm, quyết định tất cả nhưng vẫn cần tranh thủ nhiều hơn nữa, vì nguồn lực trong dân còn rất nhiều.
Nguồn lực kinh tế thì Chính phủ quan tâm, nhưng nguồn lực trí tuệ thì chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi cũng là người tiếp xúc khá nhiều với các vị lão thành trong lĩnh vực kinh tế, các vị cũng nói là những điều đóng góp chưa được thể hiện nhiều trong thực tiễn đời sống. Mặc dù mình hiểu Chính phủ phải có bản lĩnh của mình, quan điểm của mình, mình rất tôn trọng việc đó, nhưng vẫn cần để dân chia sẻ nhiều hơn.
Thưa ông, xin phép được tranh luận một chút…
Để mình nói tiếp đã nhé, trở lại một vấn đề cũ thôi, cũ nhưng vẫn là mới.
Đó là việc đề cập đến hiện tượng “tụ tập đông người” mà chủ yếu mới thấy một chiều là dân bị lợi dụng, điều đó tôi e rằng sẽ dẫn đến nhận thức không đúng đắn. Phải coi đó là hiện tượng mới nảy sinh trong thực tiễn đời sống và phải tỉnh táo nhìn nhận nó.
Cách đây hơn một thập kỷ chúng ta đã chứng kiến việc nông dân ở Thái Bình biểu tình, con mắt ban đầu chúng ta cũng nhìn ra như một hình thức bạo loạn. Nhưng tôi nhớ hồi đó các nhà lãnh đạo đã rất sáng suốt tiếp cận với thực tiễn, đến tận với dân, đi vào tận cả những nơi tưởng như hiểm nguy nhất, và nhận ra rằng có cả hai mặt, để rồi chúng ta trừng trị những kẻ quá khích, những kẻ xúi giục, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy những tác động của nó như tham gia đóng góp vào công bằng xã hội hay chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương.
Nhưng với những hiện tượng xảy ra gần đây, tôi thấy chúng ta còn lúng túng, lúng túng ở lập pháp, lẫn hành pháp.
Tôi nhắc lại là chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận biểu tình như là một hiện tượng mới và tôi tin rằng nó sẽ còn phát triển trong bối cảnh đời sống ngày càng phát triển hiện nay. Nếu ta không chủ động nhìn nhận trước, phân tích nó và đưa ra những hệ thống pháp lý thích hợp cùng với tổ chức toàn bộ đời sống xã hội thì chúng ta sẽ càng lúng túng, và đó có thể là lúc những kẻ xấu lợi dụng.
Tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết không phải là bộ, ngành nào mà chính Thủ tướng đề xuất xây dựng Luật Biểu tình. Như vậy cũng có thể thấy Chính phủ đã lắng nghe ý kiến đại biểu và chủ động ứng phó?
Bản thân tôi cũng thấy đó là đáng mừng, đương nhiên người ta cũng nói là nếu Chính phủ làm luật thì có thể dẫn đến thiên về lợi ích của nhà quản lý hơn là những quyền của người dân. Cho nên tuy là Thủ tướng đề nghị xây dựng luật nhưng đây chính là thử thách của Quốc hội, Quốc hội có chấp nhận hay không, vì quy trình phải qua Quốc hội. Quốc hội là tập hợp tiếng nói của rất nhiều lực lượng xã hội nhưng quan trọng là anh có đủ bản lĩnh để điều chỉnh dự thảo luật được không, tôi cho là không cần e ngại điều đó.
Ở hoàn cảnh hiện nay, khi mà như ông nói, Chính phủ đang phải dồn lực cho các vấn đề kinh tế thì có thể sự “kích cầu” niềm tin chưa rõ nét. Nhưng nếu đây là “điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo” như ông đã phát biểu thì liệu ông có thể “hiến kế” cho Chính phủ?
“Kích cầu” niềm tin chính là quan tâm đến dân, tạo niềm tin cho dân bằng chính hành động gương mẫu của những người lãnh đạo.
Tôi luôn luôn liên tưởng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất nhiên mọi sự liên tưởng đều có thể khập khiễng, nhưng lúc đó người dân ghé vai giải quyết được rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội.
Hiện nay chúng ta thấy Chính phủ có lúc làm được, nhưng về căn bản mà nói dường như đấy chưa là chiến lược, là nguyên lý hoạt động, cho nên mới xảy ra nghịch lý là hình như lúc nào đất nước khó khăn thì quyền lực Chính phủ càng lớn, bởi vì vẫn là quan hệ xin – cho.
Vừa rồi thì Chính phủ có trình ra Quốc hội cả kế hoạch năm 2012 và 5 năm tới song hầu như tôi không tìm thấy giải pháp “kích cầu” niềm tin đâu cả.
Các báo cáo của Chính phủ năm nào cũng như năm đấy, nó rất dàn trải bằng các mục tiêu và không biết thực hiện đến đâu. Và tôi còn đặt câu hỏi rất lớn là định lượng không ai giám sát được, những con số là rất khó giám sát.
Tuy nhiên 6 tháng thì cũng thời lượng chưa đủ dài để thay đổi về chất, nên theo tôi thì mỗi lần báo cáo nên tập trung vào một số điểm nào đó thôi và làm rõ được nó.
Tuy không có trong hệ thống chỉ tiêu được Chính phủ trình và Quốc hội quyết định hàng năm, song “chỉ tiêu niềm tin” gần đây được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến với sự quan ngại sâu sắc. Ông có chia sẻ?
Nói định lượng thì khó vì phải có phương pháp, còn nếu cảm nhận thì chúng tôi cũng cảm nhận là niềm tin bị hao hụt, mà điều này tôi nghe từ các nhà lão thành cách mạng. Đánh giá về niềm tin của người dân thì mỗi người đứng ở lợi ích khác nhau, nhưng điều tôi muốn chia sẻ là cần làm cho người dân tin rằng là Chính phủ đã đưa ra chính sách gì là có thể thực thi được. Nhưng trên thực tế thì có nhiều chính sách có rồi mà có thực thi được đâu. Năng lực của nhà nước là quan trọng, mà chưa bao giờ chúng ta có bộ máy nhà nước lớn như thế này, tất nhiên lớn có thể cồng kềnh và ít hiệu quả.
Tôi nói ngày xưa – tất nhiên nói ngày xưa thì khó so sánh – trong làng có ông lý trưởng, nếu dây điện đi qua làng thì sẽ tính trừ cho ông ấy bao nhiêu suất đinh hay bao nhiêu tiền thuế, còn nếu cái dây đó đứt hay bị ăn cắp thì ông lý trưởng đi tù đã. Do đó thì ông lý trưởng phải làm tất cả mọi chuyện, tất cả mối liên hệ nhà nước chỉ có một người thôi.
Trách nhiệm cá nhân rất quan trọng, nên đó là lý do tại sao tôi ủng hộ anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, không phải là việc làm cụ thể mà tôi ủng hộ cách làm của anh ấy là dám chịu trách nhiệm. Anh làm đúng thì mọi người sẽ đánh giá, còn anh làm sai anh phải chịu trách nhiệm, anh cách chức người ta đúng hay không thì anh phải chịu trách nhiệm, còn cái nguy hiểm nhất là lãnh đạo tập thể và hậu quả của tập thể, hòa cả làng.
Đương nhiên, càng ngày càng thấy Chính phủ mới là những người có tính chuyên nghiệp hơn. Nếu nhìn vào cả quá trình đào tạo và làm việc thì đã qua thời kỳ cán bộ chính trị chay rồi. Vấn đề còn lại cơ chế hoạt động thôi, mà yếu nhất vẫn là trách nhiệm cá nhân.
Mới qua thời gian rất ngắn nên cũng khó có thể đưa ra đánh giá về điều hành của Chính phủ, song tôi vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào sự điều hành của Chính phủ mới.
Vậy còn vai trò của Quốc hội thì sao, thưa ông?
Quốc hội chưa có gì thay đổi lớn về cơ chế, trừ một điều mà tôi rất muốn hy vọng là là ông Chủ tịch Quốc hội rất am hiểu Chính phủ, tôi đang quan sát xem ông ấy sẽ hành xử như thế nào, nhưng chưa có gì để nói cả vì vẫn còn mới mà.

Không có nhận xét nào: