Pages

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tự tử để phản đối việc chính quyền Cam Bốt cướp đất dân nghèo

Dân Cam Bốt phản đối chính quyền chiếm đoạt đất đai (Reuters)
Dân Cam Bốt phản đối chính quyền chiếm đoạt đất đai (Reuters)
Phạm Phan
 
Tranh chấp đất đai tại hồ Boeung Kak giữa chính quyền và cư dân đã lên đến đỉnh điểm. Hôm 22/11/2011 vừa qua, một người đàn bà đã nhảy sông trầm mình để phản đối việc chính quyền Cam Bốt cướp đất của dân nghèo. Xác của nạn nhân chỉ được phát hiện vài ngày sau đó.
Tối thứ Ba 22/11/2011, bà Chea Dara 33 tuổi có chồng và hai con nhỏ, đứng trên thành cầu Nhật Bản sát trung tâm Phnom Penh và gọi điện thoại về cho chồng là ông Doeur Phou với lời nhắn nhủ sau cùng là ở lại trên trần thế này và cố gắng nuôi hai con. Nhận được cú điện thoại, người chồng cứ ngỡ là vợ mình bi quan quá nên nói chơi, thế nhưng từ sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó, ông không còn nhìn thấy người vợ thân yêu nữa. Vài ngày sau, xác bà Chea Dara trôi tắp vào bờ sông Mekong thuộc vùng Kiên Svay, cách Phnom Penh khoảng 20 cây số về hướng Đông Nam.

Sự tranh đấu của hàng ngàn dân nghèo để có một mái ấm nương thân trong mấy năm qua rất quyết liệt như biểu tình, vũ trang gậy tre, cuốc, ná cao su đánh lại cảnh sát, nhưng đây là lần đầu mà một phụ nữ đã can đảm liều mình để bày tỏ lòng bất mãn quá đổi với sự bất công mà gia đình bà đang gặp phải.
Bà Chea Dara là cư dân tại hồ Boeung Kak, một trung tâm điểm đang thu hút sự chú ý của công luận về cuộc tranh chấp đất giữa chính quyền với dân nghèo mà theo bà Tep Vanny cũng là người sống tại hồ Boeung Kak trên 18 năm nói rằng, tòa án không bao giờ đứng về phía dân nghèo đang ngóng cổ chờ mong công lý thực thi sự bình đẳng.

Ân Xá Quốc Tế lên án việc Phnom Penh xua đuổi cư dân

Chỉ sau 2 ngày xảy ra sự kiện trầm mình trên giòng sông Mekong của bà Chea Dara, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã công bố một phúc trình, trong đó có đoạn nói như sau: Sự thất hứa và những cam kết suông của chính quyền phải được ngừng lại và phải được thay thế bằng các hành động thật sự trong những đợt trục đuổi dân nghèo ra khỏi căn nhà, miếng đất của họ.
Phúc trình của Ân Xá Quốc Tế còn nói họ cảm thấy bất an về cách đối xử với những người binh vực nhân quyền ở Cam Bốt. Và trong các tranh chấp đất hiện nay, những người can đảm lên tiếng phản đối hành động trục đuổi của chính quyền lại là đa số phụ nữ.
Theo bà Donna Guest, Phó Giám Đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế nói phụ nữ Cam Bốt ngày càng gia tăng trong tuyến đầu chống lại làn sóng trục đuổi dân nghèo đang lan rộng trên khắp đất nước. Khi tổ chức Ân Xá Quốc Tế công bố bản phúc trình tại địa điểm mang tên “Nỗi Thống Khổ” gần ngôi chùa Wat Botum trong nội vi Phnom Penh, đã có 3 người đàn bà nổi bật trong cuôc đấu tranh chống lại cưỡng bức trục đuổi bất công cùng đến tham dự.
Một trong 3 người đó là bà Tep Vanny phát biểu: Chồng chúng tôi phải đi xa làm ăn nuôi sống gia đình và như thế đàn bà chúng tôi ở nhà vừa làm mẹ, vừa làm người nội trợ chăm sóc bầy con nhỏ, nên đối diện trực tiếp với sự cưỡng bức trục đuổi do chính quyền tiến hành. Chúng tôi cảm thấy được sự tệ hại của sức ép kinh tế cùng nỗi đau khổ khi bị đuổi khỏi miếng đất đang sinh sống.
Trong buổi công bố bản phúc trình, các phụ nữ ở hồ Boeung Kak cũng cho chiếu lại đoạn phim ngắn về bà Chea Dara, người đã nhảy sông tự tử, để mọi người biết được cảnh ngộ bà lúc còn sống tại hồ Boeung Kak.
Cũng tại căn nhà mang tên “Nỗi Thống Khổ”, bà Mu Sochua, một Dân Biểu Đảng Sam Rainsy cũng là một phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền đã nói với báo mạng Phnom Penh Post ngày 25/11 rằng: “Đất nước này đang bị cai trị bởi một lũ tham quyền cố vị, lòng dạ tham lam, ăn không biết bao nhiêu mới hả dạ, chứ đất nước không được cai trị bởi luật pháp công bằng. Và cộng đồng quốc tế đang hoạt động tại Cam Bốt rất hãi sợ bị đóng cửa văn phòng và bị đuổi về nước cho nên họ không dám nói gì cả, đó là một sự ngu si.”
Tình hình tranh chấp đất đai hiện nay
Trong vài năm nay khi chính quyền chủ trương đô thị hóa cũng như khuyến khích các nhà đầu tư vào làm ăn thì không những tại nông thôn, mà ở thành thị cũng đã xảy ra nhiều vụ trục đuổi mạnh tay, đặc biệt nổi bật là tại hồ Boeung Kak, ở phía sau Tòa Đại Sứ Pháp.
Tình hình tổng quát cho biết, có khoảng 4.000 gia đình đã bị mất nhà và đất tại hồ Boeung Kak do vì một dự án xây khu đô thị mới tại đây do công ty Shukaku của viên Thượng Nghị Sĩ Lao Meng Khin thuộc Đảng Nhân Dân cầm quyền đầu tư, trong đó có cổ phần của các công ty Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm nay, sau các xung đột dữ dội giữa cư dân với chính quyền, tiếng than của dân nghèo động đến tai Ngân Hàng Thế Giới, và định chế này đưa ra lời cảnh báo sẽ ngưng cho mượn tiền nều chính quyền vẫn tiến hành trục đuổi. Nhờ vào cảnh báo này, nên đích thân ông Thủ Tướng Hun Sen ra lịnh cho cơ quan thành phố Phnom Penh trích ra 12,4 mẫu đất để cấp cho hơn 750 gia đình đã bị trục đuổi khỏi hồ Boeung Kak để họ có nơi sinh sống. Tuy nhiên, theo báo chí địa phương, không phải tất cả 750 gia đình nói trên được cấp đất dễ dàng theo lịnh của Thủ Tướng. Nạn nhân nhảy sông tự tử như có nói bên trên đây đã bị gạt ra khỏi danh sách những người được cấp đất trong số diện tích 12,4 mẫu đất.
Hồ Boeung Kak được chọn làm dự án khu đô thị mới từ năm 2007, cho đến nay hầu hết khu vực này đã bị bơm cát để chuẩn bị xây dựng các cao ốc và trung tâm mua sắm hiện đại, nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết được hết những thưa kiện của dân cư.
Những tồn đọng trong tranh chấp đất hiện nay trên khắp lãnh thổ Cam Bốt là quyền sở hữu của người dân không được giải quyết rõ ràng, giấy tờ sở hữu đất đã bị đốt cháy hết thời Khmer Đỏ, và nhiều người định cư trên những khu đất từ sau năm 1979 lại không được chính quyền cấp giấy xác nhận, kế nữa khi thị trường bất động sản phất lên cao như bong bóng cách đây khoảng 7 năm đã khiến cho giá trị đất quý như vàng, và rồi lòng tham không đáy bừng bừng nổi dậy. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn giữa mãnh lực đô la và quyền có nhà để ở này, kẻ thua cuộc tất nhiên phải là dân nghèo.

Không có nhận xét nào: