Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

NGÔ BẢO CHÂU ĐANG NGẢ DẦN SANG PHÍA NHÀ CẦM QUYỀN

Một con người, dù tài giỏi đến đâu, cũng không đáng để làm đề tài tranh cãi liên miên cho cả thiên hạ. Nhưng khi cách hiểu về một con người, kể cả người bình thường nhất, liên quan đến vấn đề nhận thức về xã hội, thì sự tranh cãi là cần thiết. Đó là lý do xảy ra những cuộc tranh cãi kéo dài liên quan đến cái tên Ngô Bảo Châu, chứ không hẳn vì cái tầm lớn lao của anh ta.
Về Ngô Bảo Châu, đa số những người quan tâm đến thời cuộc đều nhận thấy sự tha hóa của anh ta đang diễn ra từng ngày. Và nếu không nhận ra điều đó thì cũng khó hiểu đúng nhiều vấn đề xã hội khác.
Cách đây 2 năm, Ngô Bảo Châu, người đã nhiều năm được hít thở không khí tự do ở một trung tâm đẻ ra những tư tưởng dân chủ, đã nhận ra sự tùy tiện và những mưu đồ nguy hiểm của giới cầm quyền VN. Và để thể hiện nhận thức cũng như sự chính trực của mình, anh ta đã lên tiếng phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Lúc đó, những người yêu tự do dân chủ đã thấy ở anh ta một con người không chỉ có tài cao mà còn biết lo lắng cho vận mệnh của dân tộc.

Nhưng khi con người về bản chất không phải là người phi vụ lợi thì bả danh lợi dễ dàng làm họ thay đổi cách cư xử. Ngay sau khi được nhà cầm quyền tôn vinh và ban tặng lợi ích vật chất, giáo sư họ Ngô đã lập tức đổi giọng. Nhưng anh ta thừa hiểu rằng nếu nói hẳn theo giọng nhà cầm quyền thì anh ta sẽ hứng chịu sự khinh miệt, nên, với đầu óc lúc nào cũng tính toán cân đong đo đếm của mình, anh ta đã nói nước đôi, kiểu như đứng giữa – không, đúng hơn là tỏ ra đứng trên! Khi được hỏi anh ta đi bên ‘lề’ nào, anh ta đã nói cái câu mà nhiều người còn nhớ: “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.” Thật quá ngạo mạn!
Do quá say sưa với ý nghĩ rằng anh ta đã đem lại niềm vinh quang tột đỉnh cho dân tộc, nhiều người đã cố tình không chịu hiểu ý nghĩa sâu xa của câu nói này. Anh ta đã gọi những người có ý thức chống lại cường quyền là những ‘con cừu’. Một sự miệt thị không thể nào tha thứ.
Nhà văn Đào Hiếu là một trong những người đầu tiên nhận ra giọng điệu miệt thị này. Trong một comment nào đó, ông đã nhắc nhở họ Ngô lưu ý về cái kiểu ‘tự do’ nhảy từ lề này sang lề khác.
Do cơn khát muốn được thể hiện mình như một nhân cách siêu đẳng và một trí tuệ hoàn hảo, đồng thời muốn được mọi tầng lớp và cả hậu thế tôn vinh, họ Ngô đã lên tiếng răn dạy những tên quan tòa xử vụ Cù Huy Hà Vũ, ‘nhắc nhở’ bọn này không nên ‘cẩu thả’ và tỏ ý ‘khen’ Hà Vũ, với kiểu hạ cố làm cho người ‘được khen’ thực ra bị hạ thấp. Đến khi đó thì Đào Hiếu, với cái ‘khứu giác’ nhạy bén và bầu máu nóng của mình đã không ngần ngại chỉ ra huỵch toẹt ‘cái mùi cơ hội’ của họ Ngô. Tiếp sau ông, hàng ngàn cư dân mạng đã trút tức giận lên Châu, làm anh ta tối tăm mặt mũi, cuối cùng phải đóng blog riêng.
Tuy đóng blog, nhưng Châu không đóng kín nổi cái bình đựng sự tự tôn và sự thỏa mãn ghê gớm về thành tích của mình. Cho nên, trong một lần trả lời phỏng vấn về “trí thức và phản biện xã hội”, Châu lại giở giọng ngạo mạn. Mặc dù thừa nhận vai trò của phản biện (cái này thì chính kẻ ghét phản biện nhất là Nguyễn Tấn Dũng cũng nói được!), Châu đã giễu cợt những người coi phản biện là việc mà trí thức chân chính cần làm, bằng một câu mỉa mai: Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?”
Đỉnh điểm của sự miệt thị đối với những người coi trọng phản biện là bức thư Châu gửi ‘bọ’ Lập. Với lối xưng hô ‘bọ’ với ‘em’, Châu tỏ ra mềm mỏng để làm cho người đọc blog của Nguyễn Quang Lập khó nhận ra sự mỉa mai và sự khinh thị. Tuy nhiên, Châu thừa biết Nguyễn Quang Lập dễ dàng nhận ra sự mỉa mai đó, và đó chính là ý đồ của Châu: hạ nhục Lập và những người bạn của Lập.
“Bọ rút kinh nghiêm thôi không chế tạo ra những cơn bão trong cốc thủy tinh nữa bọ nhé. Vui thì vui rồi, nhưng đợi một tuần nữa nhìn lại mà xem, sẽ thấy nó thảm lắm bọ ạ.”
Gọi những gì Nguyễn Quang Lập và những người bạn của ông đang cố gắng làm để nhân dân nhận ra chân tướng của những kẻ đang hãm hại họ là “những cơn bão trong cốc thủy tinh”, Châu đã và đang thóa mạ họ đến tận cùng. Cái từ “thảm lắm” ở cuối câu còn có ý nhân danh quyền lực để ‘cảnh cáo’ họ nữa. Châu và những người như Châu có thể bảo đây là suy diễn, nhưng chỉ người ngu mới không nhận ra điều đó. Mà chính Châu cũng muốn cho người đọc suy diễn như vậy.
Sắp tới, khi đã bắt đầu tận hưởng những ân sủng từ nhà cầm quyền, Châu sẽ im hẳn, không nói về các vấn đề xã hội nữa hoặc sẽ ca ngợi nhà cầm quyền đã tạo điều kiện cho phát triển khoa học. Bằng cách đó, Châu sẽ chứng minh với nhà cầm quyền sự trung thành của mình, và quay hẳn lưng về phía những người tâm huyết với vận mệnh dân tộc.
Cần nói rằng những công trình nghiên cứu như của giáo sư Châu chẳng liên quan gì đến quyền lợi của nhân dân. Ai đó có thể cho rằng thái độ không coi trọng những nghiên cứu như vậy là thái độ thực dụng, chỉ lấy miếng ăn làm trọng. Nhưng xin nói rằng đừng cố tưởng tượng ra những lợi ích của việc nghiên cứu đó. Cùng lắm nó cũng chỉ giải tỏa được sự tò mò của mọi người như kiểu giải quyết “bài toán 4 màu” mà thôi. Chẳng lẽ không giải được bài toán này thì người ta không thể tô màu bản đồ? (Nó không có ứng dụng như những nghiên cứu về phép tính vi phân – tích phân ở những thế kỷ trước, hay lý thuyết toán tử ở thế kỷ 20.)
Và với những người cho rằng Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh non sông thì tôi khuyên rằng: hãy đi ra nước ngoài, hỏi những người dân đi trên đường phố xem họ có biết Ngô Bảo Châu là ai không. Tôi tin rằng số người biết chiếm không tới 1 trên 100 ngàn!
Hãy nhận diện cho rõ tất cả những kẻ ôm chân nhà cầm quyền, kẻ thù của nhân dân!
TRẦN NAM CHẤN

Không có nhận xét nào: