Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Việt Nam không dám theo Mỹ vì phải dựa Bắc Kinh

Nam Phương/Người Việt
BẮC KINH (NV) - Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, hôm Chủ Nhật, 29 tháng 1, có bài bình luận nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam không dám theo Mỹ và quay lưng lại với Bắc Kinh, vì còn phải dựa vào họ để tồn tại.

Hàng trái cây, rau củ từ Trung Quốc chuyển về chợ bán sỉ nông sản Tam Bình (Sài Gòn) trước khi được phân phối bán lẻ khắp nơi. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hoàn Cầu Thời Báo là một ấn bản bằng cả Anh ngữ và Hoa ngữ của Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh.
Nội dung chính của bài viết có tựa đề “Make Phillipines pay for balancing act” (Bắt Phillipines gánh hậu quả cho trò đi dây” là bình luận và đe dọa Phillipines khi thấy nước này tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Hải quân và Không quân của Phillipines quá lạc hậu và nhỏ bé, không thể đối phó với các hành động lấn chiếm của Trung Quốc. Nếu muốn đối phó với Bắc Kinh, Phillipines phải dựa vào hiệp định tương trợ quốc phòng ký với Mỹ từ năm 1951 để yêu cầu Hoa Thịnh Ðốn hậu thuẫn.
Tin tức thời sự hồi tuần qua cho hay Phillipines đã đồng ý để Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự ở nước này cùng với sự gia tăng tập trận giữa hai nước.
Bắc Kinh, về chính thức thì ăn nói nhẹ nhàng, nhưng lại cho Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa ra mặt.
Trong bài bình luận ngày 29 tháng 1, 2012, Hoàn Cầu Thời Báo không những nói sẽ trừng phạt kinh tế trực tiếp Phillipines mà gián tiếp còn dùng các nước ở Ðông Nam Á để đánh hội đồng.
Một mặt áp lực về kinh tế, Hoàn Cầu Thời Báo cũng nói Bắc Kinh sẽ gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Ðông.

Hàng điện, điện tử Trung Quốc ở khắp Việt Nam. (Hình: Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam)

“...Trung Quốc có một số nguyên tắc. Họ không chấp nhận cho một nước nhỏ ở khu vực tạo ra các căng thẳng quân sự bằng chiến lược đu dây. Giá phải trả nếu vi phạm nguyên tắc này. Phillipines không phải là ngoại lệ.” Hoàn Cầu Thời Báo viết.
“Rung cây dọa khỉ”
Trong bài bình luận này, Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng: “Phillipines và Việt Nam là hai nước chính yếu quậy cho sóng nổi lên ở Biển Ðông. Tuy nhiên Việt Nam cần sự hậu thuẫn chính trị của Trung Quốc (để tồn tại) nên sự hợp tác (liên minh) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất khó đạt được.”
Cuối tháng 10, 2011, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã có bài bình luận đe dọa cả Việt Nam và Phillipines nên chuẩn bị tinh thần để “nghe tiếng đại bác” trong một bài viết về tranh chấp Biển Ðông.
Mới ngày 27 tháng 1, 2012, tờ South China Morning Post ở Hongkong có một bài phân tích về sự tăng cường quân sự của Việt Nam, từ mua máy bay chiến đấu Sukhoi SU-30MK2 đến tàu ngầm lớp Kilo của Nga, dự tính mua hỏa tiễn Brahmos của liên doanh chế tạo Nga-Ấn. Trong bài viết này, một chiến lược gia của quân đội Trung Quốc không thấy nêu tên nói rằng: “Dĩ nhiên, những sự tăng cường quân sự đó là bình thường trong một chừng mực nào đó. Sự quan tâm chính của chúng tôi trong đoản kỳ là Hà Nội trở nên quá tự tin và những kế hoạch như vậy dẫn đến sự hung hăng. Họ phải hiểu như vậy là làm mất ổn định.”
Bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 29 tháng 1, 2012 tuy chỉ có một câu ngắn đề cập đề Việt Nam nhưng cũng đủ để mô tả cho thấy Bắc Kinh nắm được tử huyệt của chế độ Hà Nội. Không có Bắc Kinh chống lưng, cái chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội không thể tồn tại.
Theo các con số được nêu ra trên báo Tuổi Trẻ ngày 24 tháng 3, 2011, sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Ít nhất 60% hàng hóa Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc là nguyên liệu và máy móc giá rẻ để phục vụ kỹ nghệ sản xuất xuất cảng và tiêu thụ tại Việt Nam.
Hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn hàng hòa cùng loại sản xuất tại Việt Nam nên đủ mọi thứ từ nông sản phẩm đến máy móc, đồ điện tử quần áp từ Trung Quốc tuồn sang Việt Nam cả “chính ngạch” (chính thức) đến nhập lậu có mặt cả ở thành phố đến hẻm hóc thôn quê.
Ðến cuối năm 2010, Trung Quốc xuất cảng (chính ngạch) sang Việt Nam $20 tỉ USD trong khi Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc có $7.3 tỉ USD, thâm thủng mậu dịch tới $12.7 tỉ USD.
Trong mối quan hệ mậu dịch với toàn thế giới, Trung Quốc là nước duy nhất mà Việt Nam bị thâm thủng mậu dịch.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa dùng kinh tế đánh Phillipines, chưa chắc đã làm nước này sợ vì không lệ thuộc nhiều vào Bắc Kinh như Việt Nam và còn có thể dựa vào các mối quan hệ thương mại khác, đặc biệt là Mỹ.
Trong năm 2010, Trung Quốc xuất cảng sang Phillipines một số lượng hàng hóa trị giá $16.2 tỉ USD trong khi nhập cảng $11.5 tỉ USD. Phillipines chỉ bị thâm thủng mậu dịch $4.7 tỉ USD.
Nếu Bắc Kinh giở võ kinh tế, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi điêu đứng.
Nếu không có kế hoạch thay đổi đường lối kinh tế từ sản xuất đến mậu dịch, Việt Nam ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc kinh tế sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng áp lực chính trị. Ðiều này có thể giúp giải thích tại sao các lãnh tụ Hà Nội đều rất tránh né làm phiền lòng phương Bắc.
“Về lâu về dài, Trung Quốc sẽ dùng lợi thế kinh tế để cắt các hoạt động giữa các nước ASEAN với Phillipines.”
Bài bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo không cần giấu diếm dã tâm của họ khi muốn đạt các mục tiêu trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông với Phillipines, và cũng là bắn tiếng cho cả Việt Nam.

Không có nhận xét nào: