Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Chưa Cuốn Theo Chiều Gió

Chắc hầu hết người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhứt,nhì, ba đều có dịp đọc sách hay xem phim “Cuốn Theo Chiều Gió”, ấn bản tiếng Việt, Pháp, hay Anh. Cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai miền Nam Bắc Hoa kỳ vì ý thức hệ tự do, giải phóng nô lệ đã gây ra hàng trăm trận đánh nồi da xáo thịt. Tổn thất sinh mạng tài sản lớn nhứt trong lịch sử Mỹ.
Một tổng thống tài danh Mỹ, Ô Lincoln, bị ám sát chết. 620,000 người tử thương; hàng triệu người bị thương. Tài sản thiệt hại vô số kể. Kéo dài 4 năm trời. Kết cục Miền Nam thua, Miền Bắc thắng
Nhưng không bao lâu sau chánh quyền Mỹ thống nhứt được đất nước và lòng dân để phát triển và dần dần thành một siêu cường thế giới. Hậu thế đánh giá đó là nhờ đức độ của những người chỉ huy quân đội và lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ và sau này, và ý thức văn minh cao, tinh thần xây dựng dân tộc mạnh của nhân dân Mỹ.

Trong khi đó cuộc chiến tranh ý thức hệ của Miền Bắc và Miền Nam VN đã kết thúc 37 năm rồi, mà vết thương trong tim người Việt ở hai miền chưa lành. Nỗi buồn chiến tranh, nỗi đau chia đôi đất nước, vết thương chia rẽ đồng bào, xung đột ý thức hệ, cơn say chiến thắng, tủi nhục thua trận bị đọa đày — chưa “cuốn theo chiều gió”.
Trái lại CS qua hành động của người say sưa chiến thắng, góp gió thành trận bão hận thù, “xuyên suốt” đòi quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa trả nợ máu xương. “Phân biệt đối xử”, âm mưu xóa sạch những gì còn lại của quân dân Miền Nam, nghĩa trang, sách vở, lối sống tự do.
Chẳng những CS Hà Nội tiếp tục gây hấn với người sống sót – đàn áp tôn giáo, bỏ tù các lãnh tụ tinh thần và chánh trị mà còn gây hấn với người chết – đập phá mồ mả các nghĩa trang Quân Đội chết trong chiến tranh mà còn vận động đập phá bia tưởng niệm người không chịu nổi CS vượt biên tìm tự do bằng thuyền nang vượt đại dương chết trên biển cả.
Cho nên sau 37 năm thống nhứt đất nước mà không thống nhứt được lòng dân một chút nào, một ly nào.
Người Mỹ thống nhứt đất nước và lòng dân được là nhờ hai bên dù đã đánh nhau chí chết nhưng vẫn tương kính nhau và biết rõ không có vấn đề thua thắng trong một cuộc tranh chấp, xung đột của một dân tộc, một quốc gia. Và quan trọng nhứt không trả thù, không đòi nợ máu xương của nhau. Người Mỹ giải quyết vấn đề theo chiều hướng đối lập xây dựng, đối kháng tương sinh, cộng tồn, khác với CS theo tương quan ai thắng ai, một mất một còn. Một số sự kiện lịch sử đã chứng minh điều đó.
Về Quân Đội, khi Phủ Tổng Thống Miền Nam ở Richmond thất thủ, bộ tham mưu của Tướng Lee thấy quân số hao hụt nặng, tiếp vận kiệt quệ như Quân Lực VNCH, đề nghị phân tán quân đội dựa vào dân để trường ký kháng chiến. Tổng Tư Lịnh Quân Lực Miền Nam là danh tướng Lee từng là Chỉ huy trưởng Trường Võ bị West Point nổi danh, quyết định chấp nhận một điều khó làm nhứt đối với một tướng lãnh: là đầu hàng. Không cứu giữ nước được thì cứu giúp quân dân. Ông gởi lá thư riêng cho Tướng Grant, Tư lịnh Quân Đội của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Tướng Grant đón nhận thư và tiếp Tướng Lee như người đồng đội, ngang hàng, ra quân lịnh phải tuyệt đối tôn trọng Tướng Lee, đúng lễ nghi quân cách, quân phong, quân kỷ. Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4 năm 1865, khi Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cỡi ngựa đến, quân nhạc Miền Bắc nổi lên, sĩ quan quân lễ đón đưa vị Tư Lịnh Miền Nam vào nơi họp. Hoàn toàn khác với mấy người Bộ Đội CS Bắc Việt ăn nói ngang tàng, hăm he, bắt buộc vị Tư Lịnh Tối cao Quân lực Miền Nam VNCH là Tướng Dương văn Minh đầu hàng dù trước đó Tướng Minh đã ra lịnh buông súng chờ bàn giao.
Hai vị Tướng Nam và Bắc của Mỹ thỏa thuận. Quân Miền Nam chỉ giải giới và hoàn toàn tự do về nhà làm ăn, được mang theo lừa ngựa vì đó là tài sản của người “lính công dân” Miền Nam đem theo khi nhập ngũ. Thỏa thuận này không ghi vào văn tự vì không hợp quân luật xem đó là quân dụng phải giao nộp. Nhưng Tướng Grant thi hành trên thực tế hết sức nghiêm chỉnh. Hoàn toàn không có tù binh, không có cải tạo tập trung, không tịch thu tài sản riêng, không đối xử theo lý lịch gia đình. Lịch sử Mỹ gọi thỏa thuận này là thỏa thuận của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement).
Còn đối với tử sĩ, hai bên đều tôn kính, xem việc đi lính là nghĩa vụ của công dân của một đất nước, hy sinh cho đất nước là người con yêu của Tổ Quốc và Tổ quốc ghi ân. Đất nước, Tổ quốc là của chung không có màu sắc phe đảng, địa phương, khác với CS Hà Nội sơn lên Tổ Quốc VN thành Tổ Quốc Xã Hội Chủ nghĩa đó lòm.
Nghĩa Trang Quốc gia Arlington của nước Mỹ thống nhứt dành một khu tương xứng cho tử sĩ Miền Nam với tượng đài tưởng niệm hẳn hoi và long trọng – Confederate Memorial. Khắp các tiểu bang Miền Nam, các nghĩa trang lớn nhỏ đều để y. Cây cờ gạch chéo biểu tượng của Miền Nam vẫn phất phới trên các phần mộ của những người chết để bảo vệ.
Và đối với chánh quyền thống nhứt, tại nơi trang trọng nhứt của Quốc Hội Mỹ, dựng lên Tượng đài Bà Mẹ Chiến sĩ Miền Nam đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến với bài thơ đại ý tôn vinh những người đã chết vì nhiệm vụ đối với đất nước là giá trị trên hết.
Thế cho nên, với tâm thức và tinh thần đó, trong vấn đề Chiến tranh và hậu Chiến tranh VN, người Mỹ thường khuyên hãy để quá khứ ra sau, hướng về tương lai phía trước, cái gì qua cho nó qua luôn.
Nhưng tiếc thay CS Hà Nội không nghĩ và làm như vậy. CS Hà Nội cư xử như những tự thực dân (auto-clonialists) đối với người ở lại, coi Miền Nam nhu thuộc địa khai thác, thuộc địa di dân của CS Hà Nội, nhân dân Miền Nam là nhân dân bị trị, xóa sạch lối sống Miền Nam CS gọi là “tàn dư Mỹ Ngụy” Trồng lên đầu dân quân cán chính Miền Nam một bản án không cần xét xử: Ngụy. Bắt quân dân cán chính đi cải tạo tập trung, tịch thu tài sản, nhà cửa. Đổi tiền, đánh tư sản, phân loại cho đi kinh tế mới, cấm cửa con của “Ngụy quân Ngụy quyền” vào đại học, CS gọi là “ưu tiên 13”. Triệt hạ đảng phái chánh trị, lũng đoạn các tôn giáo; ngần ấy là những “bài bản” chánh CS Hà Nội làm với tính toán, kế hoạch hẳn hoi.
Đối với người di tản tỵ nạn CS, CS Hà Nội chỉ cần tiền, cần sức học của họ, chiêu dụ họ như người “chiêu hồi”, đối xử như người chiêu hàng, chớ không phải là người đồng bào đồng đẳng
Không thể có hòa giải hòa hợp với người chiến thắng khi họ còn xem người kẹt bị thua dưới cái nhìn “ta và địch.” Không thể có hòa giải hòa họp giữa kẻ cướp với người bị cướp. Không có hòa giải hòa họp bằng đầu gối, theo kiểu xin cho. Công bình, bình đẳng, tương nhượng, thỏa hiệp, thông cảm là đạo người ta ở đời — đối với cá nhân, đoàn thể cũng như quốc gia.
CS Hà Nội không chấp nhận chân lý và đạo lý đó, bên ngòai dùng mỹ từ để tuyên truyền chiêu dụ, nhưng bền trong vẫn coi là “lực lượng thù địch”. Thế cho nên suốt 37 năm, CS Hà Nội thống nhứt được đất nước mà không thống nhứt lòng dân VN, ở Nam, ở Bắc, ở Trung và ở Hải Ngoại. Con tàu Thống Nhứt của CS Hà Nội chạy hàng vạn chuyến, hàng muôn dặm và mà lòng dân không xích lại gần CS được một ly nào./.

Không có nhận xét nào: