Pages

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Các doanh nghiệp nhà nước nợ hơn 415 nghìn tỷ đồng


Lời bình: Những số liệu về nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty toàn là tự biên tự diễn, số liệu không nhất quán, trùng khớp, do đó khó biết sự thật vễ nền kinh tế trong một nước cộng sản như Việt nam hay Trung hoa. Ví dụ trong bài báo của VnEconomy dưới đây, các số liệu của tháng 9/2011 thì đến hiện tại tình trạng nợ đã tệ hại hơn nhiều.
Dẫu vậy, hãy xem vài ví dụ: Tập đoàn Điện EVN nay chỉ còn nợ 62.800 tỉ đồng (>3 tỉ USD), trong khi cách đây không lâu nợ 200 ngàn tỉ đồng tức 10 tỉ USD: 
Trích: “Nợ của EVN đã lên tới 200.000 tỷ đồng

(Tin tuc) – Theo đó, tính đến ngày 31-12-2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con.” hết trích
Còn VINASHIN, nay phù phép sao đó, từ gần 100 ngàn tỉ đồng nay chỉ còn… 19.600 tỉ đồng. Vào tháng 7/2010 VINASHIN ngập nợ trên 86.000 tỷ đồng (hơn 4 tỷ đô la), mà đến 9/2011 lại xuống chỉ còn 19.200 tỷ đồng (gần 1 tỷ đô la) trong khi ai cũng biết làm ăn thua lỗ, chính phủ phải cho vay thêm lãi suất 0% để trả lương cho công nhân!
Nếu không nắm vững tình trạng kinh doanh hiện tại của các DNNN thì làm sao tái cơ cấu có hiệu quả?? Hay đây lại là một thủ thuật của cán bộ chóp bu để bỏ túi một số tiền lớn khác mà chẳng thay đổi được cách làm ăn thất bại của các doanh nghiệp NN này?
Đây toàn là số liệu gian trá! Đúng là Xạo Hết Chỗ Nói!
Mai Anh

————————-
VnEconomy
ANH TUẤN
29/05/2012
Chỉ riêng 12 tập đoàn kinh tế của nhà nước dư nợ đã lên tới 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng.
Đây là con số tại thời điểm tháng 9/2011, được đề cập trong đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện.
Báo cáo này đề cập khá chi tiết về tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, cũng như phân tích những điểm tồn tại và là những vấn đề mà quá trình tái cơ cấu phải xử lý.
Theo đề án, thực trạng tài chính ở không ít tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp rất yếu kém, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính và có tình trạng thua lỗ kéo dài.
Khối doanh nghiệp này chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đề án cho biết, đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là 415.347 tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng.
Đáng chú ý là chỉ riêng 12 tập đoàn kinh tế của nhà nước dư nợ đã lên tới 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) với 72.300 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng thứ hai với 62.800 tỷ đồng; thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản (TKV) với 20.500 tỷ đồng; kế đến là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) với 19.600 tỷ đồng.
Về tình hình nợ, đề án cho biết có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần (như Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc).
“Tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Mức lỗ bình quân của các tập đoàn, tổng công ty còn lớn: theo báo cáo thống kê mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước”, đề án đưa ra đánh giá.
Cụ thể, có một số tập đoàn có lỗ lớn như EVN (năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng, lũy kế hợp nhất 2010 là 24.262 tỷ đồn), Vinashin (năm 2009 lỗ 5.000 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (năm 2009 theo kết luận của kiểm toán là 1.026 tỷ đồng) và một số tổng công ty khác…  Tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến ngày 31/12/2011 là 26.110 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đề án, đa số các doanh nghiệp nhà nước đều có lãi và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Điển hình như các tập đoàn Petro Vietnam, VNPT, TKV, Viettel, Sông Đà, các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Miền Nam và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn…
Ở những hạn chế chung, là công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước, nhưng theo đánh giá tại đề án, nhiều lĩnh vực quan trọng doanh nghiệp nhà nước giữ thị phần lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế; một số ngành, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác có thể tham gia nhưng doanh nghiệp nhà nước giữ thị phần lớn tạo ra tình trạng độc quyền; khu vực doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều tài sản, đất đai, nhưng hiệu quả sử dụng thấp, lãng phí, thậm chí sai mục đích…

Không có nhận xét nào: