Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

BÁC BỎ LẬP LUẬN VỀ DANH NGHĨA LỊCH SỬ CỦA YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”



Bản đồ “đường lưỡi bò” được một người Trung Quốc vẽ vào năm 1948, song từ đó đến nay Chính quyền Trung hoa Dân quốc hay chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa khi nào có sự giải thích chính thức về sự tồn tại của yêu sách này. Kể cả khi Trung Quốc cho lưu hành tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc tháng 5/2009, Trung Quốc cũng không hề có một lời giải thích nào cho yêu sách phi lý này.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng “đường lưỡi bò” là cơ sở cho yêu sách về “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc đối với các đảo và vùng nước bên trong giới hạn của đường này. Những học giả này đưa ra lập luận rằng trong hơn nửa thế kỷ từ khi “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các bản đồ của Trung Quốc đã không có quốc gia nào có phản đối chính thức qua đường ngoại giao. Sự im lặng như vậy có thể được coi là sự “chấp nhận” của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách này. Họ còn biện hộ rằng yêu sách “vùng nước lịch sử” đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” là phù hợp với luật pháp quốc tế vào thời điểm xuất hiện “đường lưỡi bò” và rằng “đường lưỡi bò” có trước Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 nên không chịu tác động của luật này.

Một nhóm học giả khác của Trung Quốc và Đài Loan thì cho rằng việc đưa ra yêu sách “vùng nước lịch sử” đối với vùng biển bên trong phạm vi “đường lưỡi bò” là không có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Hơn thế nữa, bản thân định chế “vùng nước lịch sử” đã trở nên lỗi thời và sau khi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 có hiệu lực thì việc tiếp tục một yêu sách như vậy không còn phù hợp với sự phát triển của luật pháp quốc tế hiện đại nên sẽ không được các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế chấp nhận. Thay vì đưa ra yêu sách “vùng nước lịch sử” với đòi hỏi một quy chế pháp lý tương tự như nội thủy hay lãnh hải, những người này đưa ra quan điểm về yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên giới hạn bên trong “đường lưỡi bò”.
alt
Ảnh minh họa: Internet.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng cả 2 cách tiếp cận nói trên đối với yêu sách đường lưỡi bò đều không thể đứng vững và hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế ở vào thời điểm xuất hiện “đường lưỡi bò” hay luật pháp quốc tế hiện đại. Cho đến tận năm 1958, theo quy định của luật pháp quốc tế thì vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển chỉ được mở rộng ra 3 hải lý vậy không hiểu trí tưởng tượng của các họa sĩ Trung Quốc đến mức nào mà họ có thể vẽ ra yêu sách “đường lưỡi bò”, cách bờ biển của Trung Quốc đến cả ngàn hải lý. Trong luật pháp quốc tế hiện đại không có khái niệm về “quyền lịch sử”. Còn theo thực tiễn quốc tế và nghiên cứu của Uỷ ban Luật pháp quốc tế một vùng biển được coi là “vùng nước lịch sử” phải hội tụ 3 yếu tố: một là, thực thi chủ quyền trên thực tế đối với vùng biển cụ thể; hai là, thực hiện quyền quản lý một cách liên tục trong một khoảng thời gian nào đó; ba là, sự ủng hộ của các nước khác đối với yêu sách đó. Yêu sách “đường lưỡi bò của Trung Quốc không đáp ứng bất kỳ yếu tố nào trong 3 yếu tố nêu trên. Do vậy, có thể khẳng định rằng yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý bởi lẽ “đường lưỡi bò” được vẽ ra một cách hết sức tùy tiện không có một tọa độ hay một lời giải thích cụ thể nào. Cho đến nay, người ta không thể xác định được chính xác không gian bên trong đường lưỡi bò, không biết được phạm vi cụ thể của yêu sách này và nó nằm cụ thể ở vị trí tọa độ nào?
Sự thiếu tin cậy của tấm bản đồ “đường lưỡi bò” còn thể hiện ở tính thiếu nhất quán của nó: ban đầu khi mới xuất hiện vào năm 1948 gồm 11 đoạn; đến năm 1953 Trung Quốc bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ còn lại 9 đoạn và các nét vẽ không đồng nhất trên các bản đồ khác nhau như vậy không thể lấy danh nghĩa lịch sử để gán ghép bừa bãi cho yêu sách “đường lưỡi bò” được.
Ngay cả nhiều học giả Trung Quốc cũng không đồng tình với yêu sách này, thậm chí nhiều học giả Trung Quốc và Đài Loan còn phản bác lại lập luận của những người ủng hộ yêu sách “vùng nước lịch sử” đối với “đường lưỡi bò”. Họ cho rằng những người đưa ra lập luận “không có quốc gia nào phản đối và sự im lặng như vậy có nghĩa là đã chấp nhận yêu sách này” đã hiểu sai lệch và vận dụng xuyên tạc khái niệm “chấp nhận” trong luật pháp quốc tế vì cho đến ngày hôm nay, chính quyền Trung Quốc cũng chưa bao giờ chính thức đưa ra yêu sách “vùng nước lịch sử” đối với vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Do vậy, các quốc gia có quyền và lợi ích liên quan có thể bị xâm phạm và ảnh hưởng bởi yêu sách này không có lý do gì và cũng không cần thiết phải đưa ra tuyên bố phản đối qua đường ngoại giao hoặc tiến hành các biện pháp pháp lý và trên thực tế để nhằm vô hiệu hóa một “yêu sách không tồn tại trên thực tế”.
Trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ thực hiện ý đồ mập mờ khi đính kèm theo Công hàm gửi Liên hợp quốc một tấm bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” thì các nước liên quan đã chính thức có công hàm phản đối gửi lên Liên hợp quốc như Việt Nam có Công hàm phản đối tháng 5/2009; Indonesia có Công hàm phản đối tháng 7/2010; Philippin có Công hàm phản đối tháng 5/2011. Một số nước khác cũng lên tiếng trực tiếp hay gián tiếp bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò’ phi lý của Trung Quốc như tại Hội nghị ARF 19 tại Campuchia. Nhật Bản đã cho rằng, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông nêu trong Công hàm tháng 5/2009 là hoàn toàn trái với quy định của luật pháp quốc tế; Mỹ cũng đã nhiều lần yêu cầu các nước phải làm rõ yêu sách vùng biển của mình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực chất là gián tiếp bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.
Các học giả, nhà nghiên cứu trên thế giới (trừ học giả Trung Quốc) đều lên tiếng phê phán mạnh mẽ yêu sách “đường lưỡi bò”. Họ cho rằng “đường lưỡi bò là một yêu sách hết sức quá đáng, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Với sự phản đối của cả cộng đồng quốc tế như vậy thì yêu sách “đường lưỡi bò” có thể coi là được “chấp nhận” hay không? Như vậy, dù nhìn từ bất cứ góc độ nào “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” thì yêu sách “đường lưỡi bò” đều không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của luật pháp quốc tế.
Do không có cơ sở pháp lý, nên Trung Quốc luôn đưa ra yếu tố lịch sử để bảo vệ các yêu sách phi lý của họ. Sở dĩ Trung Quốc luôn đề cao yếu tố lịch sử trong vấn đề biên giới lãnh thổ là vì họ muốn tạo cơ sở để gây sức ép, dọa nạt các nước láng giềng thực hiện tham vọng bá quyền về biên giới lãnh thổ phi lý của mình.
                                                                                Thu vân

Không có nhận xét nào: