Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Biển Đông đẩy Hoa Kỳ và Trung Quốc đến bờ chiến tranh lạnh ?


Một cuộc gặp Mỹ - Trung về quân sự
REUTERS/Andy Wong/Pool
Trọng Nghĩa
Trong bài nhận định đăng trên trang web của Hội Asia Society tại New York ngày 02/10/2012, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ) đã cho rằng tranh chấp Biển Đông hiện nay, với thái độ lấn lướt của Trung Quốc và quyết định can dự của Hoa Kỳ đã có đầy đủ dấu hiệu của một cuộc ‘chiến tranh lạnh mới’. Theo ông cần phải công nhận thực tế này thì mới có được giải pháp né tránh thích hợp.
Trong thời gian gần đây, ngoài việc làm dấy lên căng thẳng với Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái bị xem là khiêu khích đối với các nước nhỏ ở Đông Nam Á nhằm áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên toàn bộ Biển Đông. Trong tình hình đó, cường quốc Thái Bình Dương là Hoa Kỳ đã tiếp tục phô trương uy lực quân sự của mình trong toàn khu vực Tây Thái Bình Dương, mà gần đây nhất là tung một lực lượng hùng hậu vào cuộc tập trận hỗn hợp với Philippines.

Trong bối cảnh đó, ngày 02/10/2012 vừa qua, trang web của Hội Asia Society tại New York đã công bố một bài nhận định viết bằng tiếng Anh, mà tựa đề là một câu hỏi : « Tranh chấp Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc ‘chiến tranh lạnh mới’ hay không ? (Could Conflict in the South China Sea Lead to a 'New Cold War' ?) ». Tác giả bài viết là giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ).
Nội dung bài phân tích nêu bật tính chất tương đồng trong đối sách của Mỹ hiện nay trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, với tình hình quan hệ Hoa Kỳ - Liên Xô liên quan đến Châu Âu, hai năm đầu tiên sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, khi Washington phân vân trong cách ứng xử trước các đòi hỏi quá trớn của Mátxcơva, bất chấp các cam kết trước đó.
Đối với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, “Trung Quốc ngày nay đã bộc lộ tất cả các dấu hiệu của một cường quốc đòi thay đổi nguyên trạng (revisionist power) ở châu Á. Bằng việc công bố tấm bản đồ 9 đường gián đoạn, nước này đã đòi chủ quyền trên hơn 80% Biển Đông, ăn vào vùng lãnh hải của các láng giềng nhỏ hơn. Một cách từ từ nhưng đều đặn, Trung Quốc đã hung hăng củng cố các đòi hỏi chủ quyền bằng cách áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong vùng biển tranh chấp, chăng giây chặn lối vào bãi Scarborough ngoài khơi bờ biển Philippines, cắt cáp của tàu Việt Nam đang thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và cho đấu thầu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.”
Trước tình hình đó, giáo sư Hùng đã ghi nhận sự kiện là có rất đông nhà học giả hay nghiên cứu Mỹ cho rằng “Hoa Kỳ không nên khuấy động tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, rằng hòa bình tốt hơn là chiến tranh, rằng đàm phán tốt hơn là xung đột, rằng… mọi nỗ lực nên được tập trung vào việc tránh trở về chính sách vây chặn.”, tức là tạo ra một cuộc ‘chiến tranh lạnh’ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là giữa Mỹ và Trung Quốc, đang có mâu thuẫn quyền lợi rõ rệt tại vùng Biển Đông. Ông giải thích : “Trong khi Hoa Kỳ muốn được quyền tự do hàng hải bên trong giới hạn lãnh hải 12 hải lý, thì Trung Quốc đòi là việc thực hiện quyền tự do đó phải có sự cho phép của Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ muốn có một hệ thống đa cực ở châu Á, Trung Quốc lại tìm kiếm thế bá chủ, chứ không muốn cân bằng quyền lực… Phó tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc từng nói rõ là tranh chấp về Biển Đông về thực chất là một cuộc đối đầu gián tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Do vậy, đối với giáo sư Hùng, cần phải nhìn thẳng vào thực tế, công nhận nguy cơ chiến tranh lạnh, để từ đó rút ra những kết luận cần thiết để né tránh. Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một giải pháp công bằng và bền vững cho tranh chấp Biển Đông phải dựa trên ba yếu tố có quan hệ hỗ tương và phụ thuộc lẫn nhau : Trung Quốc tự kiềm chế, ASEAN đoàn kết lại, và Mỹ dấn thân vào khu vực, với nhân tố ASEAN vững mạnh và đoàn kết là quan trọng nhất.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - Đại học George Mason (Hoa Kỳ)
 
15/10/2012
by Trọng Nghĩa
 
 
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh khả năng chiến tranh lạnh Trung Mỹ xẩy ra do các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng đây sẽ là một cuộc chiến tranh lạnh "mới", khác với thời kỳ Liên Xô trước đây.
NMH : - Một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể xẩy ra, nếu các quốc gia Đông Nam Á không thể đoàn kết được với nhau để tạo thành một sức mạnh, có thể vừa kềm chế được Trung Quốc, vừa khuyến khích được Mỹ can thiệp vào vùng đó.
Nếu không thì sẽ xẩy ra tình trạng chiến tranh lạnh như kiểu ngày xưa, tức là có một số yếu tố, thứ nhất là sự vây chặn (containment), kế đến là sự sắp hàng theo những liên minh khác nhau (alignment). Nhưng cuộc chiến tranh lạnh này khác với ngày xưa vì có một số yếu tố làm giảm bớt độ mạnh : thứ nhất là sự liên lập chính trị toàn cầu (political interdependance) và thứ hai là khung cảnh toàn cầu hóa về kinh tế...
Ngày xưa, nhất là vào thời kỳ đầu tiên, chỉ có đối đầu mà không có cộng tác, và thế giới đứng trước bờ vực thẳm của chiến tranh nguyên tử. Lần này thì không như thế… không có chiến tranh nguyên tử, và có đối đầu nhưng cũng có sự cộng tác.
RFI : Không khí chiến tranh lạnh xuất phát từ các hành động quyết đoán của Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông ?
NMH : Vâng, những tranh chấp gần đây, nhất từ năm 2009, phần lớn xuất phát từ phiá Trung Quốc, từ những hành động của Trung Quốc... tìm cách chậm chạp, từ từ và dần dần thực hiện các đòi hỏi của mình, nhất là đòi hỏi về đường lưỡi bò.
Và nếu thực hiện được điều đó, Trung Quốc sẽ biến vùng Biển Đông thành cái hồ của họ, và trong cái hồ đó, Trung Quốc sẽ đòi rất nhiều quyền và sẽ làm cho ảnh hưởng của Mỹ mất hẳn đi trong vùng đó.
Mà khi ảnh hưởng của Mỹ mất hẳn trong vùng, thì các quốc gia Á châu chỉ còn cách là phải xếp hàng, nghiêng về phía bên này hoặc bên kia, và trong trường hợp Mỹ đi ra như vậy, thì châu Á phải thích ứng (accommodate) với sự hiện diện lớn lao của Trung Quốc.
RFI : Nguy cơ có thể dẫn tới tình hình chiến tranh lạnh ?
NMH : Nó tùy thuộc ba yếu tố. Thứ nhất là thái độ của Trung Quốc, thứ hai là khả năng các nước Đông Nam Á và thứ ba là sự cam kết (engagement) của Mỹ... Khi tôi nói không khí gần như là chiến tranh lạnh ngày xưa, đó là vì có một số hiện tượng tương tự.
Thứ nhất là ngày xưa, sau Đệ nhị Thế chiến, bên Châu Âu có một quốc gia (Liên Xô), tuy bị chiến tranh tàn phá, nhưng lại nổi trội lên và ngày càng áp đảo các quốc gia khác và không tôn trọng những thỏa thuận ở Yalta giữa các ông Roosevelt, Churchill và Stalin, yêu cầu cho Đông Âu được quyền tự quyết qua những cuộc tuyển cử tự do. Nhưng Nga cứ tiếp tục áp đặt ý định của mình là thiết lập ảnh hưởng trong những vùng đó.
Nga lại không chiụ rút khỏi Iran như đã thoả thuận, rồi lại còn đòi quyền quản trị chung hai eo biển quan trọng nhất là Dardanelles và Bosphorus, thuộc thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Thì đấy là khuynh hướng bành trướng thêm, không những trên đất liền, mà còn trên biển.
Trung Quốc lấn lướt, Mỹ đang chần chừ
Giờ đây cũng có một hiện tượng như vậy. Cạnh những quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, có một quốc gia lớn là Trung Quốc, đang hiện đại hóa quân đội - bị người ta phàn nàn là mục tiêu không rõ ràng, tức là bị nghi ngờ hiện đại hóa quân đội để gây áp lực trên các quốc gia khác. Và quốc gia đó cũng đòi một cái 'đường lưỡi bò', cũng là một đòi hỏi không hợp lý, và làm áp lực trên các nước nhỏ, đó là điểm giống nhau thứ nhất.
Điểm thứ hai liên quan đến Mỹ. Thời đó, sau khi thấy hành động của Nga, Mỹ cũng có nhiều đề nghị khác nhau. Có những đề nghị có tính cách ôn hòa như của ông Harriman chẳng hạn, bảo ông Truman cứ nói mạnh lên là Nga sẽ rút lui. Thì ông Truman cũng nói mạnh lên, nhưng không thành công gì cả. Rồi cũng có ý định khác của ông George Keenan - đề nghị phải vây chặn, vì không chặn thì Nga cứ tiếp tục bành trướng - và lời cảnh cáo thứ hai của ông Churchill, nói rằng bức màn sắt đã bắt đầu đổ xuống các quốc gia Đông Âu rồi, phải tìm cách giữ các vùng còn lại.
Bây giờ ở Mỹ cũng có những khuyến cáo khác nhau. Đa số học giả Mỹ thì khuyến cáo nên ôn hòa, nên thích ứng với Trung Quốc. Nhiều người còn cảnh cáo là lãnh đạo mới của Trung Quốc rất tự phụ, họ không tự ti như ngày xưa, và Trung Quốc lại còn không ổn định, vì có cảm tưởng bị vây chặn, cho nên phải tìm cách làm cho Trung Quốc đừng lo ngại. Cũng như ngày xưa người ta khuyến cáo về Stalin, cho là ông ta chỉ paranoid (hoang tưởng) về vấn đề bị (chủ nghĩa tư bản) vây chặn, thì bây giờ Trung Quốc cũng sợ bị vây chặn thì phải xoa dịu !
Còn một số người khác - số người này nhỏ thôi - nói là hành động của Trung Quốc không thể chấp nhận được… Mỹ không thể nào để Trung Quốc trở thành bá chủ ở Á châu. Như vậy hiện nay, ở Mỹ cũng những quan điểm khác nhau !
Và điểm thứ ba là sự lưỡng lự của Mỹ. Đến năm 1946, ông Truman đã biết (về ý định của Nga). Khi lên cầm quyền thay ông Roosevelt, ông Truman đã muốn hòa hoãn, tức là tiếp tục chính sách của Roosevelt. Đến năm 1946, sau khi có phúc trình của ông George Keenan về những hành động lấn lướt của Nga, thì ông Truman đã thấy nguy hiểm rồi.
Nhưng tình hình nước Mỹ lúc bấy giờ vừa mới hết chiến tranh, người Mỹ không muốn dấn thân ra bên ngoài, mà muốn được hưởng hoà bình, thành ra ông Truman cứ chần chừ mãi cho đến năm 1947, khi nổ ra khủng hoảng ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, có cuộc chiến tranh khuynh đảo mà có Nga tham dự.
Lúc bấy giờ Anh Quốc – nước thường có trách nhiệm trong vùng – tuyên bố rút lui, bảo rằng không còn khả năng tiếp tục, và Mỹ muốn làm gì thì làm. Hoa Kỳ lúc ấy đã quyết định điền vào chỗ trống đó. Thì như vậy là Mỹ chần chừ cả một năm, dù có biết bao cảnh báo, cho đến năm 1947 mới quyết định chính sách vây chặn (containment).
Bây giờ cũng thế. Mỹ đang chần chừ. Có cảnh cáo, có đủ các thứ, có những hành động xâm lấn, nhưng vẫn có hy vọng có thể hòa hoãn. Dĩ nhiên, hy vọng tốt nhất là hai bên có thể thích ứng với nhau. Nếu không thì phải đi đến cạnh tranh.
RFI : Phải công nhận thực tế là đã có không khí chiến tranh lạnh để có hành động thích ứng ?
NMH : Tôi nghĩ là phải nhìn nhận thực tế bởi vì có những yếu tố như tôi đã nêu ra.
Trước hết Trung Quốc cần phải uyển chuyển về vấn đề đường lưỡi bò, cần phải bớt đi những đòi hỏi quá khích. Thứ hai là các quốc gia Á châu phải đoàn kết với nhau và chống lại cái « bá quyền » của Trung Quốc. Và thứ ba là Mỹ phải có can dự. Một trong 3 yếu tố đó mà không có, thì mọi sự lệch đi, không có giải pháp ổn thoả được.
Thì cũng có nhiều dấu hiệu là Trung Quốc có thể chấp nhận. Ở bên Trung Quốc, một số học giả cũng nói là đánh nhau với Mỹ bây giờ không có lợi, thứ hai nữa là về cơ bản, đòi hỏi của đường lưỡi bò không ổn cố, và thứ ba là nếu không cẩn thận, thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù của người khác.
Còn yếu tố thứ hai, là yếu tố « cam kết » của Mỹ, thì Mỹ đã nói là có cam kết. Và thật sự, họ cũng đã có một vòng đê chặn bên ngoài : Những nước như Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Nam Hàn, đều là đồng minh của Mỹ… Còn lại Thái Lan, Nam Dương (Indonesia), nhưng Thái Lan, Nam Dương một phần nào đó cũng là một loại đồng minh... Thành ra sự sắp hàng đã bắt đầu xẩy ra rồi.
Thế nhưng ngay bên Mỹ này, có thời Mỹ bị kẹt ở vùng Trung Đông, nên đã lơ là (châu Á), trong lúc đó thì Trung Quốc tiến ra. Nếu Mỹ không tỏ thái độ cứng rắn thì dĩ nhiên sẽ bị Trung Quốc lấn lướt.
ASEAN là yếu tố quan trọng nhất, nhưng yếu nhất
Điểm thứ ba là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố Đông Nam Á. Đông Nam Á quả thực là vùng đệm (buffer zone) tốt nhất, bởi vì Mỹ và Trung Quốc chả muốn đụng độ trực tiếp với nhau.
Thành ra, nếu các nước Đông Nam Á có thể đoàn kết với nhau, thì có thể có một sức mạnh để mặc cả tập thể với Trung Quốc. Họ đương tìm cách lập ra cái gọi là Quy tắc ứng xử COC với Trung Quốc, nếu họ đoàn kết với nhau thì có thể được.
Điều khiến tôi bi quan là các quốc gia này có vẻ như là đồng sàng dị mộng, không làm được việc đó… Đầu tiên là vụ Scarborough giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc. Phi Luật Tân đòi đưa (tranh chấp) vào nghị trình của ASEAN, nhưng không được…, không có một lời tuyên bố giúp đỡ nào cả, cuối cùng là trong lịch sử bao nhiêu năm của ASEAN, (hội nghị ở Phnom Penh tháng 07/2012) không ra nổi một thông cáo chung.
Sau đó, khi Ngoại trưởng Indonesia đi khắp các nước thì mới đưa ra được 6 nguyên tắc rất yếu. Bây giờ Đông Nam Á đang cố tiến đến bộ COC, nhưng không biết có được hay không ? Trong khi đó, chúng ta thấy Trung Quốc dùng cách chia để trị, chia rẽ những quốc gia đó.
Yếu tố ASEAN là yếu tố quan trọng nhất, nhưng tôi thấy là yếu nhất.
RFI : Trong phần phân tích, cần nhấn mạnh điểm nào trong thái độ của Mỹ ?
NMH : Chính sách Mỹ trong rất nhiều thập niên nay là ngăn chặn không cho một cường quốc nào không thân thiện với mình nổi lên đe dọa, làm bá chủ của vùng Á-Âu (Eurasia), tức suốt từ Trung Quốc sang đến Đông Âu... Nước nào kiểm soát vùng đó, thì Mỹ coi như là đe dọa đến quyền lợi của Mỹ, không những về an ninh mà cả về thương mại.
Đó là chính sách xuyên suốt từ bao nhiêu thập niên, nhưng uyển chuyển, khi rắn, như thời ông Reagan, khi mềm như thời ông Carter... Còn chính sách căn bản, theo tôi, có tính cách liên tục.
Chính sách xoay trục (pivot) qua châu Á là chính sách lâu bền, nhưng tùy thuộc vào khả năng của Mỹ. Nếu chẳng hạn xẩy ra việc Do Thái (Israel) đánh nhau với Iran, rồi cả thế giới Ả Rập bùng lên, thì Mỹ sẽ bị chìm đắm trong cuộc chiến tranh. Khi bị chìm trong cuộc chiến đó, dĩ nhiên Mỹ không có khả năng (lo đến châu Á). Ý định là một đằng, nhưng khả năng không có !

Không có nhận xét nào: