Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Cậu học sinh tiểu học khiến nhiều người Việt phải xấu hổ


Cậu học trò không để lại danh tính đã góp phần làm thay đổi cách nhìn cuộc sống của một kiến trúc sư ở TP.HCM. Có thể cậu khiến nhiều người xúc động hoặc xấu hổ.

LTS: Sau khi đăng tải bài viết Người Việt quen cướp giật lúc đồng loại gặp nạn? Phunutoday nhận được chia sẻ của anh Trần Thanh Bình, TP.HCM bằng câu chuyện thật của mình. Phunutoday xin  đăng nguyên văn:

Đọc bài Người Việt quen cướp giật lúc đồng loại gặp nạn trên Phunutoday tôi thấy đó đâu phải là kiểu bài đầu tiên tôi đọc được. Ai cũng trách những con người đó là vô cảm.

Đành rằng vô cảm là một cái xấu, chẳng ai muốn muốn xui xẻo hay mang tiếng xấu cả mà đôi lúc trong cuộc sống muốn làm Lục Vân Tiên nhưng vì trình độ hạn hẹp nên đứng ngoài nhìn! Hay vì áp lực mưu sinh dù bản tính có hướng thiện cũng nhào vô giựt đồ!

Trước kia, khi còn trẻ, ít kinh nghiệm, lần đầu tiên đọc những chuyện như thế này, đọc xong rồi cảm thán: kinh quá! Có lúc lại thử đặt mình vào vai trò là nạn nhân bị giật đồ, bị chèn ép mà không đủ bản lĩnh đối phó xem như thế nào nhỉ?

Còn giờ thì kinh nghiệm nhiều rồi, cũng chả buồn, đau, hay thấy xấu hổ nữa mà giống như con trâu nằm trệu trạo nhai cỏ nhìn xung quanh một cách lờ đờ, vô hại.
Người dân tranh thủ
Người dân tranh thủ "hôi" dưa hấu sau khi chủ xe gây tai nạn ngày 14/04/2011. Ảnh: SGTT
Tùy vào mục đích sống và mục tiêu của mình mà khi có những chuyện xẹt qua thì thường người ta lờ đi. Cho nên giáo dục con người thì phải có thêm môn học kỹ năng tồn tại, tự bảo vệ! (cá nhân hay phối hợp theo nhóm) mà môn này thì cho đến giờ vẫn chưa có. (Không tính những môn võ thuật chuyên biệt không phải ai cũng theo được hay mấy nhóm hướng đạo sinh chất lượng có vấn đề!)

Đức Phật nói con người ai cũng có Phật tính, nhưng dòng đời xô đẩy dù bản tính có thiện. Tốt xấu ai chả có, chỉ đợi đúng thời điểm là xổ ra thôi!

Nhân đây, tôi muốn kể cho mọi người một câu chuyện mà tôi vô cùng ấn tượng, thấy hiếm hoi nhưng vẫn cho tôi niềm tin rằng người tốt còn đó. Chỉ ít gặp thôi.

Hằng ngày đến công ty làm việc, tôi thường gửi xe (cub 86 90cc) ở bãi xe cạnh Trương Định mở rộng trong Tao Đàn, TP.HCM.

Buổi sáng gần 2 năm trước, như mọi ngày tôi đến bãi gửi xe rồi vào cơ quan, chiều về lấy xe thì phát hiện đèn sau xe bị bể. Lúc đó bực và buồn nhưng không nhiều vì dù sao xe tôi cũng đã cũ, nghĩ ai đó va chạm vào xe mình.

Rồi lúc đó tự an ủi mình rằng trời kêu ai người ấy dạ, xui xẻo đành chịu thôi. Nhưng khi lấy chiếc giẻ dưới yên ra để lau xe tôi phát hiện thấy có một tờ giấy học sinh và kẹp ở trong 50.000 đồng.

Tờ giấy ghi tôi còn nhớ: "Xin lỗi chú vì làm hư đèn xe của chú, xin gửi chú 50k". (chữ nguệch ngoạc nên tôi nghĩ chắc học sinh tiểu học).

Lúc ấy cảm giác quay ngoắt 180 độ, như cất được gánh nặng rồi mỉm cười. Tôi tự thấy có lỗi vì đã có ý nghĩ xấu về ai đó. Hóa ra vẫn còn người tốt và có tự trọng.

Vụ đó tôi lời 20.000 đồng, còn được xài đèn mới nữa chứ! Người tốt không thiếu và thấy rằng học sinh ngày nay cũng giàu thật. Chú bé đó chắc có thiện tính, được giáo dục đầy đủ và quan trọng là có tự trọng!

Sau này tôi có kể lại cho bạn thân nghe, nó nói với tôi: Mày cứ nghi ngờ, người tốt còn nhiều nhưng ít gặp. Tôi cũng đưa tờ giấy đó cho mẹ xem, bà là giáo viên dạy văn đã hưu trí và cũng hủ nho lắm, bà chỉ cười thôi, tôi cũng không nhớ bà đã nói gì. Tờ giấy cũng thất lạc từ đó...

Xã hội bây giờ nhiều cảnh rối ren. Nước mình đất hẹp, người đông tranh nhau kiếm tiền, người tốt không phải là không có nhưng tùy người.

Gia đình tôi cũng thuộc gốc Hà Nội, năm 1990 mới chuyển vào trong Sài Gòn sống. Hồi đó tôi mới 17 tuổi, nhỏ xíu và khờ lắm. Xã hội Hà Nội thời đó đâu như bây giờ. Hà Nội hồi đó nghèo nhưng vui, giờ giàu có và lộn xộn quá.

Có lúc khi đi xe ngoài đường, có người hỏi đường mình thiện chí chỉ cho nhưng có cảm giác họ không hiểu lắm nên đề nghị họ dừng xe tôi cho coi bản đồ. Thế nhưng họ nhấn ga bỏ đi, tấp vào quán nước đông người... Thế đó, có vẻ họ đề phòng mình, họ tưởng mình làm tiền.

Giờ người tốt, việc tốt hiếm quá nên người ta nghi ngờ. Nhiều chuyện trong xã hội giúp đỡ xong đâu cần cảm ơn. Có lúc chỉ cần một cái gật đầu, ánh mắt hay là nụ cười, hoặc đưa ngón tay cái ra là đủ hiểu họ cảm ơn, biết ơn. Thế là được rồi.

Những chuyện như vậy ai cũng từng là người trong cuộc. Muốn nhận giúp đỡ hoặc giúp đỡ người cũng còn tuỳ thuộc vào 2 bên. Nhưng non sông dễ đổi bản tính khó dời, có chăng thì điều chỉnh sắp xếp lại thôi, tất nhiên phòng cháy vẫn hơn chữa cháy chứ!

Cũng có những lúc tôi không sẵn sàng giúp đỡ nếu cảm giác khó chịu vẫn còn vì tôi có phải bồ tát đâu,  trong tôi phần con vẫn còn mà. Có những câu tôi thường trích khi chat, comment trên các diễn đàn hoặc nói chuyện với bạn bè: sự đời vốn lắm éo le, nhân sâm thì ít rễ tre thì nhiều!

Thứ gì nguy hiểm nhất thế giới nhỉ? Ví dụ trong xung đột giữa Iran và Israel người ta thường nói tới hạt nhân! Nhưng ai xài hạt nhân nhỉ? Nhân Tâm con người là thứ nguy hiểm nhất đó các bạn.

Việt Nam mình có đủ thứ chuyện phải lo, các nước đi trước thiếu gì kinh nghiệm để học hỏi, nhưng cái Việt Nam cần triển khai thì lại thiếu người có khả năng và cũng là vì nước mình còn nghèo nữa, tiền đâu mà làm nhiều thứ ngay được!

Lại liên quan đến Nhân Tâm nhé! Nhân Tâm thì tôi không dám dạy đời đâu! Bộc bạch vài suy nghĩ với các bạn đọc Phunutoday tới giờ dài rồi.

Thôi, chúc các bạn vui vẻ nhé.

Trần Thanh Bình (TP.HCM)

(PN today)

Không có nhận xét nào: