Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ Kêu gọi sinh viên - thanh niên, cùng tham gia đấu tranh


Bức thư tâm tình của Lê Văn Trinh (Thành viên Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ) gửi các anh chị và bạn hữu cùng chung lý tưởng đấu tranh

Thưa quý Anh Chị và Bạn Hữu,

Đã hơn 51 năm qua -- nửa thế kỷ -- mà tôi cứ tưởng như mới hôm nao... Ngày ấy Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam kêu gọi mọi thành phần dân tộc, đặc biệt là tầng lớp sinh viên - thanh niên, cùng tham gia đấu tranh giải phóng đất nước.

Thời điểm đó, chúng ta đang ở độ tuổi học trò ở khắp nẻo quê hương, từ nông thôn đến thành thị; không quen biết nhau, không cùng mái trường song có cùng lý tưởng, cùng chọn một con đường đi cầm súng chiến đấu, hoặc xuống đường chống chiến tranh xâm lược đòi lại hoà bình, độc lập, tự do, ấm no và quyền dân tộc tự quyết. Nhưng chiến tranh đã chấm dứt mà hoài bão ngày nào vẫn còn đó.

Rồi chiến tranh giải phóng Campuchia xảy ra, tiếp theo đó là cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lấn từ phương Bắc. Đất nước tiếp nối với những đổ vỡ, dân tộc chịu đựng tiếp với bao nhiêu tang thương. Cùng lúc đó, Tổ quốc bị xâm phạm. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, tung quân lấn chiếm 3 tỉnh cận biên miền Bắc năm 1979, tấn công đoạt Trường Sa năm 1988, rồi cưỡng đoạt thêm hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ với Hiệp định Biên giới năm 1999, và hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải qua Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Cuộc chiến tranh "Quốc-Cộng" gây thương vong cho hàng triệu người nhưng không làm thương tổn lãnh thổ Tổ Quốc, nhưng đảng Cộng sản VN đã làm mất đi một phần lãnh thổ to lớn nhất trong suốt quá trình lịch sử đất nước chỉ vì cần sự bảo hộ chính trị.

Năm 1974, khi Hải quân Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, nguyên Tổng Thư Ký LHQ, ông U-Than đã  tuyên bố: "Một nước lớn uy hiếp một nước nhỏ là nguyên nhân của chiến tranh". Lúc đó, với tư cách là thành viên trung ương Hội Bảo vệ Nhân Quyền và Dân Quyền Việt Nam (chi nhánh của Quốc Tế Nhân Quyền, hoạt động theo mục tiêu của LHQ là hoà bình, công lý, bình đẳng, hợp tác và hữu nghị) chúng tôi đã bày tỏ thái độ trước diễn đàn thế giới.

Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục gây hấn, xâm phạm lãnh hải Việt Nam và có thái độ hung hãn táo tợn. Sự kiện này nói lên nguy cơ chủ quyền đất nước thật sự đang bị đe doạ. Nếu tình trạng này kéo dài, chủ quyền đất nước sẽ mất dần và nguy cơ bị xâm chiếm sẽ trở thành hiện thực. Từ đó, hàng ngàn sinh viên thanh niên và đồng bào yêu nước đã căm phẩn đứng lên, cùng nhau xuống đường biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Trong số này tôi thấy có quý anh Phạm Đình Vượng, Vương Đình Chữ, Nguyễn Đình Đầu, Lê Hiếu Đằng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quốc Thái, Trần Tử Vân Anh, André Menras Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm...

Sự hiện diện của những khuôn mặt quen thuộc ngày nào làm lòng tôi xúc động mãnh liệt. Tôi tin rằng trong số những người xuống đường bảo vệ chủ quyền đất nước ngày 5/6/2011 còn có nhiều anh chị em thành viên CLBNNKCC và tập thể sinh viên học sinh tranh đấu ngày trước. Có phải chăng thời thể thay đổi, chế độ chính trị khác đi nhưng trong lòng những người sinh viên, thanh niên ngày nào, mục đích và hoài bão đấu tranh vẫn còn đó?!!

Tôi cảm ơn tất cả những ai đã hiện diện và sẽ tiếp tục tham gia những cuộc biểu tình, tuần hành vì công lý, vì lẽ phải, và vì tương lai của đất nước, đồng bào mình.

Thưa quý Anh Chị và Bạn Hữu,

Chúng ta hầu hết đã bước vào tuổi lục tuần hoặc hơn... Thời gian còn lại không bao nhiêu mà bức xúc trong lòng thì luôn nặng nề, canh cánh. Với tư cách là một thành viên CLBNNKCC, và một tấm lòng dành cho đất nước đồng bào như ngày nào, tôi mạo muội viết thêm thư ngỏ này gửi đến những người tôi luôn quý mến và kỳ vọng. Mong đợi của tôi là trong thời gian tới, những tấm lòng son sắt cho quê hương sẽ bước qua được những cản trở khắc nghiệt của xã hội ngày nay, để cùng góp với nhau tiếng nói, thái độ và hành động; hầu không phải xấu hổ với các thế hệ con em hôm nay và mai sau là thời gian đã mài mòn đi ý chí của những người yêu nước.

Chúng ta không gây chiến với Trung Quốc nhưng chúng ta cũng đừng quên những kinh nghiệm đắng cay với nước láng giềng nhiều tham vọng này. Tôi nhớ năm 1969, báo Newsweek đăng bài "Giải pháp hoà bình cho Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt", ghi lại nội dung 13 câu phỏng vấn của nhà báo Walter Lippmann với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày ông mãn phần. Trong đó, ông đã nhấn mạnh về bản chất của nhà nước Trung Quốc và sự cần thiết của vai trò nhân dân là Lấy Dân Làm Gốc. Ông cũng đã nêu cao sự cần thiết cho quyền tự quyết của dân tộc.

Ngày nay, trước nguy cơ bị Trung Quốc gây hấn, xâm phạm, lịch sử đang chứng kiến thái độ của những thế hệ Việt Nam hôm nay, trong đó có cả chúng ta.

Nhà nước Việt Nam, đúng ra nên có một thái độ khôn ngoan hơn để vừa giữ được nước, giữ được lòng tin của nhân dân, và giữ được một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử. Nhưng thực tế chính trị nước ta có quá nhiều điều đáng bức xúc, những người yêu nước không có nhiều sự chọn lựa như chúng ta đã có vào hơn 50 năm trước.

Thưa quý Anh Chị và Bạn Hữu,

Từ một góc nhìn nào đó, cuộc đấu tranh của chúng ta rõ ràng chưa chấm dứt. Khi xã hội còn lắm điều bức xúc, đất nước còn đứng trước nguy cơ và dân tộc còn nhiều đau khổ thì hoài bão ngày nào vẫn còn đó.

Nhiệm vụ của chúng ta có lẽ chưa chấm dứt. Nó sẽ tiếp diễn thế nào, điều đó tuỳ thuộc vào thái độ và quyết định của chính mỗi chúng ta.

Những dòng chữ này xin được gửi đến quý Anh Chị và Bạn Hữu với tất cả niềm tin và hy vọng. Hy vọng sao những thành viên của CLBNNKCC ngày nào sẽ tiếp tục nhiệm vụ đấu tranh của mình trong những tháng ngày còn lại trước khi thời gian cướp đi sự chủ động của chúng ta.

Kính chúc quý Anh Chị và Bạn Hữu được luôn có nhiều sức khoẻ và niềm tin.

Chân thành và trân trọng.

Lê Văn Trinh
Thành viên Ban Thường Trực CLBNNKCC

Không có nhận xét nào: