Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Chuyển giao quyền lực Trung Quốc và cơ hội, thách thức cho Hoa Kỳ

Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 11 tới với sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 tại nước này.

(AFP photo) Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 29/9/2012

Đây là một thay đổi lớn không những đối với Trung Quốc mà còn đối với cả thế giới và nhất là với Hoa Kỳ khi Trung Quốc đang nổi lên là một cường quốc trên thế giới, thách thức vai trò bá chủ của Mỹ.

Sự chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc mang đến những cơ hội và thách thức nào với Mỹ, Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư môn quan hệ quốc tế trường đại học George Mason về vấn đề này.

Thách thức cho Hoa Kỳ

Trước hết, nói về tầm quan trọng của sự chuyển giao quyền lực lần này tại Trung Quốc với Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét:

Ngay trong thế hệ mới nhất của Trung Quốc bây giờ là họ có hai điều tương đối mâu thuẫn nhau. Thứ nhất là họ không cảm thấy an toàn, bởi vì họ sợ Mỹ kiềm chế họ, mặt khác họ rất arrogant (ngạo mạn), họ muốn đòi hỏi một thế đứng của họ quan trọng trên mặt trời này. Nên thế hệ thứ 5 này còn có thể ngạo mạn hơn. Hôm nọ có ông kể chuyện là khi ông Giang Trạch Dân bị ông Michael Wallace chỉ mặt nói ông là độc tài, chính thể ông độc tài, còn ông Tập Cận Bình này thì sẽ không chấp nhận chuyện đó.

Việt Hà: Sự chuyển giao quyền lực tại Trung quốc thế hệ thứ 5 này. Nhìn lại quá trình lịch sử quan hệ Trung Mỹ trong suốt 40 năm qua, từ thời ông Nixon đến Trung Quốc lần đầu tiên cho đến nay thì Trung Quốc đặt ra những thách thức và cơ hội nào với nước Mỹ?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất nó là một thách thức lớn với Mỹ, bởi Trung Quốc là một nước đang lên và họ đòi được đối xử như vậy, vấn đề họ đòi mức đối xử thế nào thì chưa ai có thể nói rõ. Nhưng nhìn hành động của họ thì thấy là họ đang đòi thế trội yếu, nếu không phải là bá chủ của vùng biển Đông. Sau đó là sự cạnh tranh của Trung Quốc về tài nguyên trên khắp thế giới thì Trung Quốc sẽ không thể, không bao giờ chấp nhận là một cường quốc địa phương đâu, mà là cường quốc trên thế giới nữa.

Đó là thách thức cho nước Mỹ. Vậy Mỹ phải đối phó ra sao? Một số bên Mỹ, một số nhỏ nói là tình hình nguy hiểm, nếu Mỹ không cẩn thận thì sẽ bị hất cẳng những chỗ quan trọng nhất, nhất là ở Á châu, các vùng mà Mỹ cho là phát triển mà tương lai là còn hơn cả Âu châu. Đại đa số học giả khác nói là chuyện Trung Quốc lớn mạnh là không thể tránh được, và do đó Mỹ phải thích ứng với chuyện đó. Ngay cả ông Kissinger cũng nói là không phải chia đôi nhau ra mà thích ứng với điều đó, phải nhân nhượng và tôn trọng họ. Cho nên hiện tại đang có hai luồng đó tại Mỹ và người Mỹ phải quyết định.
Sự cạnh tranh của Trung Quốc về tài nguyên trên khắp thế giới thì Trung Quốc sẽ không thể, không bao giờ chấp nhận là một cường quốc địa phương đâu, mà là cường quốc trên thế giới nữa.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chuyện này đẩy lại cái chuyện ngày xưa khi chưa có chiến tranh lạnh cũng vậy. Cũng có người chỉ khuyên nói là chỉ mạnh mồm là đủ rồi, có người nói phải kiềm chế, cứng rắn hơn thì như ông Churchill. Nhưng cuối cùng chúng ta thấy là tất cả cảnh cáo xảy ra vào năm 1946 thôi, mãi đến năm 47 thì Mỹ mới có chính sách kiềm chế. Và chính sách này cũng không phải là do Mỹ chọn mà do đẩy Mỹ vào thế phải thế. Nga lúc đó đã ủng hộ các cuộc chiến huynh đảo ở Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó Anh có vai trò quan trọng nhưng sau Anh nói là tôi bị chiến tranh nặng rồi, tôi phải bỏ, anh muốn làm gì thì làm, thì lúc đó Mỹ mới can thiệp. Trường hợp này cũng tương tự, ai cũng thích có giải pháp tốt nhất nhưng cuối cùng phải có sự chọn lựa. Lần trước sự chọn lựa là không phải là do Mỹ mà Mỹ bị đẩy vào. Còn hiện nay thì Mỹ vẫn chưa có sự chọn lựa rõ rệt.

Đây là một sự thích ứng với một nước đương lên với những đòi hỏi của họ. Vấn đề thích ứng là thế nào, nếu họ lấn lướt như của Nga thì không thể để họ lấn lướt và cuối cùng đưa đến chiến tranh lạnh và kiềm chế. Nếu Mỹ chấp nhận thì phải chấp nhận cho Trung Quốc vai trò địa phương. Vai trò nào, và nếu vai trò trội yếu thì Mỹ sẽ phải ra khỏi vùng đó. Mỹ ra khỏi vùng đó thì thế của Mỹ sẽ yếu rất nhiều vì nếu đây là vùng quan trọng hơn Âu châu thì chẳng còn gì cả, và cuối cùng Mỹ cũng chẳng còn là cường quốc hạng nhất nữa, cũng chẳng còn tương đồng nữa.

Cơ hội cho Hoa Kỳ?

000_Hkg7834449-250.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (T) và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 9 năm 2012. AFP photo

Việt Hà: Có một vấn đề ở đây khi người ta nói đến một thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc là ông Tập Cận Bình thì người ta nói rằng ông cũng đã trải qua thời kỳ cách mạng văn hóa, ông cũng biết sự khổ cực thế nào, và ông cũng có kinh nghiệm ngoại giao với nước ngoài, con gái ông học ở trường Havard, và ông có kinh nghiệm với người nước ngoài và có cởi mở hơn. Vậy chúng ta có thể hy vọng lãnh đạo mới của Trung Quốc với cái đầu cởi mở hơn, với kinh nghiệm trong quá khứ thì có thể tạo ra cơ hội phát triển kinh tế hay là hợp tác tốt hơn với Mỹ không? 

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không thấy có bằng chứng để nói… hy vọng là họ cởi mở hơn thì có, bằng chứng thì không có bằng chứng rõ rệt. Bằng chứng con ông học ở Havard thì con gái của các nhà lãnh đạo Việt Nam học ở Havard nhiều lắm, và con cái của các ông kia cũng họ ở Havard nhiều lắm mà không cởi mở gì cả. Thành ra điều đó còn tùy thuộc vào sự tính toán của người đó, thứ nhất là về quyền lợi cá nhân của họ, và cái họ nghĩ là quyền lợi quốc gia của họ phóng qua quyền lợi cá nhân của họ. Thành ra hiện nay chúng ta chưa có bằng chứng rõ rệt, là ông Tập Cận Bình đã đi ngoại quốc, học ngoại quốc, thì chúng ta chưa nhìn thấy cái đó.
Nền kinh tế Trung Quốc không phát triển mạnh mẽ như xưa nữa ... Đó là những vấn đề lớn, và khi mình nghĩ một cách hợp lý thì sẽ phải để ý vào vấn đề trong nước
GS. Nguyễn Mạnh Hùng
Việt HàNgười ta cũng nói đến rằng khi lãnh đạo mới của Trung Quốc lên thì sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong nước, trong nội bộ xã hội Trung Quốc, vấn đề về chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng duyên hải và vùng trong nội địa, cũng như là sự phát triển của mạng xã hội. Những cái đó sẽ làm cho lãnh đạo Trung Quốc phải tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nội địa, thay vì vấn đề bên ngoài, theo giáo sư thì đó có phải là một cơ hội với Mỹ với các nước khác hay không, hay đó là một thách thức?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Khi một lãnh tụ đối phó với các vấn đề trong nước thì nó có hai cách chứ không phải một phương cách. Phương cách thứ nhất là hướng những khó khăn ra bên ngoài để cho người dân hài lòng, chẳng hạn kích thích chủ nghĩa dân tộc để nó quên đi những khó khăn trong nội bộ. Còn hành động thứ hai là chú trọng đến quyền lợi nội bộ như cô vừa nói, chứ không phải là một. Nó tùy thuộc sự lãnh đạo của anh lãnh đạo đó.

Ai cũng thấy là trong những năm tới Trung Quốc sẽ có nhiều vấn đề. Vấn đề về chênh lệch giàu nghèo đã có từ thời ông Ông Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào mới lên nên họ mới có chính sách phát triển hài hòa vì họ thấy cái khó khăn đó rồi. Cái khó khăn bây giờ còn trầm trọng hơn, có nhiều chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không phát triển mạnh mẽ như xưa nữa, rồi vấn đề về hệ thống ngân hàng, xí nghiệp nhà nước, tham nhũng đang lên cao. Đó là những vấn đề lớn, và khi mình nghĩ một cách hợp lý thì sẽ phải để ý vào vấn đề trong nước.

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư. 
Việt Hà, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: