Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Công viên nòng nọc và chủ nghĩa hình thức


Những người dân thủ đô không phải ai cũng có bằng tiến sĩ nhưng ai cũng biết ai là mới thực sự là “Nguyễn Phế Thải”

Tại kỳ họp HĐND TP chiều 10-12- 2010, phản ứng trước ý kiến của các đại biểủ cho rằng chất lượng các công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không tốt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bức xúc: “Có công trình tốt, có công trình chưa tốt, có hạng mục tốt, hạng mục chưa tốt, song nếu đánh giá chất lượng công trình không tốt là không công bằng”. Ông còn nói thêm rằng: “Chỗ này sụt lún, mẻ vữa vài viên gạch mà đánh giá cả công trình chưa tốt là không khách quan. Chủ nghĩa hình thức giờ đã không còn”.

Ông Chủ tịch cáu cũng là phải, bởi mới 2 tháng sau Đại lễ mà đã nói đến chuyện “chất lượng” các công trình mà “hoa khánh thành còn chưa kịp héo”, kể cũng là “khiếm nhã”, hoặc “lo bò trắng răng”. Nhưng giờ đây, có lẽ Chủ tịch Thảo chắc sẽ nghĩ lại bởi sau 2 năm, nhiều “lún sụt”, nhiều “mẻ vữa” đến mức nó giống với biểu hiện của “chủ nghĩa thành tích” tại hầu hết các công trình gắn mác “1000 năm”.
Tại công trình “biểu tượng cho sự lãng phí” mang tên Bảo tàng Hà Nội sai phạm xảy ra trong công tác chọn nhà thầu, quản lý đầu tư dự án, lựa chọn vật liệu…Chính UBND TP đã có “lựa chọn không đúng” khi thay đổi chủ đầu tư nên gây ra nhiều vướng mắc trong triển khai xây dựng. Kết quả là đến khi dự án hoàn thành nhưng tổng dự toán công trình  vẫn chưa được phê duyệt. Nhưng, lớn hơn cả gần 7 tỷ đồng sai phạm, là việc 54.000 m2 và tòa nhà cao 30m với vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng này đang trở thành “căn nhà hoang khồng lồ nhất Thủ đô”. Hàng xóm của Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, được xem là thiết kế đẹp nhất, hiện đại nhất thủ đô, xuống cấp ngay khi vừa hoàn thành. Và giờ, đá xanh ngả vàng; lún nứt khắp nơi, trở thành một thứ “công viên nước” dành cho bọ gậy tập bơi. Ngược ra sông Hồng, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, từng được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chính thức tuyên bố và trao bằng công nhận lập kỷ lục là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới giờ đang thất thanh kêu cứu với “nứt toác, bong tróc, thậm chí có những bức tranh “tuột” hẳn khỏi triền đê. Thật đau khổ, con đường gốm sứ, con đường Guinness vừa “vô chủ”, vừa “hữu sinh vô dưỡng” đến nỗi nó trở thành, “con đường xú uế”.
Và nói đến “1000 năm”, không thể không nhắc đến đường 32, con đường mà cách đây 2 năm, vào sáng 11-9, chính Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đã đi thị sát và sau đó đưa ra tuyên bố: Phải hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất. Thưa ông Chủ tịch, đường 32 đáng lẽ phải hoàn thành vào dịp đại lễ, nhưng đến giờ, nó vẫn là “con đường đau khổ”.
Những người dân thủ đô không phải ai cũng có bằng tiến sĩ nhưng ai cũng biết ai là mới thực sự là “Nguyễn Phế Thải”. Không phải ai cũng là kiến trúc sư để lý luận về “Chủ nghĩa hình thức”. Nhưng việc không muốn nhìn vào thực tế, nhưng việc quá giang để đưa ra một tuyên bố chắc nịch về một mốc thời gian không xác định, và một đi không trở lại, bất kể sự thể, thì có lẽ khó có thể gọi khác đó là hình thức.

Không có nhận xét nào: