Pages

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Hạ triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam




Mức tăng trưởng của Việt Nam chững lại trong vòng một năm qua do phải kiềm chế lạm phát
Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự đoán tăng trưởng của Việt Nam xuống thấp hơn so với mức đưa ra hồi tháng Năm trong báo cáo mới nhất đăng tải trên trang web của tổ chức này ngày 8/10.
Theo "Báo cáo kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương", dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2012 bị hạ xuống còn 5,2% so với mức 5,7% hồi cuối tháng Năm.

Báo cáo này cũng hạ triển vọng tăng trưởng chung của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương xuống còn 7,2% so với mức 7,6% đưa ra trong tháng Năm; riêng tăng trưởng GDP của Trung Quốc bị hạ xuống 7,7% so với mức 8,2% được đưa ra cũng trong tháng này.
Tuy nhiên WB nhận định rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có triển vọng sẽ tăng lên 5,7% trong năm 2013.

Lá chắn trước suy thoái toàn cầu

Trong bối kinh tế toàn cầu hiện tại, WB nhận định rằng hầu hết các nền kinh tế Đông Á đã được định hướng sẵn sàng để thích nghi với khủng hoảng ở khu vực Châu Âu và sự đình trệ chung của kinh tế toàn cầu.
Phần lớn các nước trong khu vực đều có thặng dư trên tài khoản vãng lai hoặc thâm hụt không đáng kể, đồng thời sở hữu những khoản dự trữ quốc tế cao so với trách nhiệm chi trả quốc tế.
Tuy nhiên theo WB, Việt Nam và Đông Timor là hai quốc gia duy nhất hiện tại không có một hệ thống ngân hàng được trang bị đầy đủ vốn, kinh doanh có lời và tỷ lệ nợ xấu thấp.
Mặc dù đang phải hứng chịu sự đình trệ rõ rệt của tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng nhu cầu thị trường nội địa của các nước Đông Á-Thái Bình Dương hiện tại lên đến 9,4% trong quý hai năm nay, trở thành động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng tại những nền kinh tế lớn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Dự đoán GDP
Dự đoán GDP của các nước trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: Ngân hàng thế giới.)
Trong lúc đó, Việt Nam, vì phải kiềm lạm phát suốt từ một năm rưỡi qua, tăng trưởng đầu tư đã chậm lại rõ rệt trong một năm qua. Tuy nhiên WB cho rằng điều này có thể đang được khắc phục khi các chính sách đang có nhiều sự điều tiết hơn.
Trung Quốc cũng đang hứng chịu đình trệ trong tăng trưởng nhu cầu nội địa vào nửa đầu năm 2012, với đóng góp vào tăng trưởng giảm còn 8,4% so với 9,7% cùng kỳ năm ngoái kể từ lúc chính sách thắt chặt đầu tư vào bất động sản được đưa ra.

Những cải thiện đáng ghi nhận

Năng suất lao động
Năng suất lao động thể hiện qua GDP trên đầu người tại của Việt Nam so với các nước trong khu vực. (Nguồn: WB)
Mặc dù đang đứng trước những khó khăn hiện tại, Việt Nam đã có những thành tựu rõ rệt trong những năm qua.
Báo cáo của WB cho thấy xu hướng đi lên rõ rệt của năng suất lao động tại Việt Nam so với các nước trong khu vực, với GDP trên đầu người không ngừng tăng qua các năm.
Việt Nam và Trung Quốc cũng là hai nước duy nhất trong khối Đông Á-Thái Bình Dương không bị tụt tăng trưởng xuất khẩu, trong lúc hầu hết các nền kinh tế chủ đạo trong khu vực đều giảm mạnh so với mức 15-20% năm ngoái, đưa tăng trưởng xuất khẩu khu vực xuống mức 4,5% trong quý hai so với 5,2% nhập khẩu, gây chênh lệch trong cán cân thương mại.
Tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới theo xu hướng chung của các nước, với tỷ lệ người thu nhập dưới 2 đôla/ngày trong khu vực giảm từ 28,8% trong năm 2010 xuống 24,5%.

Xu hướng điều tiết trong chính sách

WB nhận định các nước Đông Á-Thái Bình Dương đang có xu hướng điều phối chính sách tiền tệ để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong khu vực đang giảm dần và quan ngại hiện tại đang hướng về tăng trưởng.
Hầu hết các ngân hàng trung ương tại khu vực đều hạ lãi suất trong năm 2012; một số ngân hàng khác như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lại giảm yêu cầu dự trữ tại các ngân hàng trong nước để tăng tính thanh khoản.
Riêng Việt Nam đã liên tục hạ lãi suất từ 15% cuối năm 2011 xuống 11% tính đến giữa năm nay để thích ứng với sự đi xuống của lạm phát.
Thanh khoản cao cũng đang thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở Philppines, Indonesia, hai nước với tỷ lệ tín dụng trên GDP thấp; đồng thời châm ngòi cho tái tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc.

Viễn cảnh tương lai

Báo cáo của WB nhận xét kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương hiện tại vẫn đang bị bao bọc bởi những sự bất định; và mặc dù các thay đổi trong chính sách đã giảm bớt rủi ro đến từ khối Châu Âu, biến động trong thị trường tài chính vẫn tiếp tục là rủi ro rất lớn đối với khu vực.

Ngân hàng Thế giới đánh giá lạm phát lương thực ở khu vực xuống thấp trong những tháng gần đây
Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng tại Châu Âu, các nước đang phát triển tại Đông Á-Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng nặng qua thương mại cũng như thị trường tài chính, với khả năng mất 2% tăng trưởng GDP trong năm 2013.
Chính sách tài chính ở Mỹ cũng đang là một quan ngại lớn, với khả năng đình trệ 5% trên GDP vào năm 2013 nếu không được thay đổi hợp lý.
Tăng trưởng ở Trung Quốc đang đối mặt với quan ngại có khả năng sẽ tiếp tục xuống thấp trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang ra sức siết chặt đầu tư bất động sản, khiến doanh thu từ khu vực này giảm xuống rõ rệt. Trong khi đó nhiều ý kiến từ giới quan sát cho rằng khó có khả năng một gói tăng trưởng sẽ được tung ra.
Các nền kinh tế phụ thuộc nặng vào hàng hóa như Mông Cổ, Lào, Đông Timor, Fiji và Papua New Guinea, với xuất khẩu hàng hóa chiếm đến 80% tổng lượng xuất khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng trong trường hợp kinh tế toàn cầu tiếp tục bị đình trệ.
Sự gia tăng đối với giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu được WB cho là không có nhiều ảnh hưởng lên khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Nhìn chung lạm phát giá thực phẩm trong khu vực đã xuống thấp trong những tháng gần đây.
Nhu cầu đối với thị trường nội địa, các chính sách điều phối và khả năng quay đầu của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục là động cơ thúc đẩy tăng trưởng của hầu hết các nước Đông Á-Thái Bình Dương, đưa tăng trưởng khu vực lên mức 7,6% trong năm 2013.
Trong tương lai gần, WB nhấn mạnh việc đảm bảo năng suất lao động tại các nước thu nhập trung bình để tránh nguy cơ phải đối mặt với bẫy thu nhập. Hiện chỉ 13 trong số 101 nước thu nhập trung bình trong năm 1960 trở thành các nước thu nhập cao trong năm 2010.

Không có nhận xét nào: