Pages

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Hiến pháp tăng quyền Chủ tịch nước?




Hiện giữ chức Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang có thể sẽ có thêm nhiều quyền hạn
Tin từ Việt Nam cho hay trong cuộc thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang có ý kiến đề nghị tăng quyền của Chủ tịch nước nhằm kiểm soát chặt hơn hoạt động của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Chủ tịch nước, chức vụ hiện nằm trong tay ông Trương Tấn Sang, sẽ có thể phong hàm cấp tướng, đô đốc hải quân và bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng.

Tuy thế, vẫn có câu hỏi có phải đây chỉ là thay đổi hình thức vì quyền lực cao nhất vẫn thuộc về Đảng.
Nếu các đề nghị này được Quốc hội Việt Nam thông qua tới đây, đây sẽ là chuyển biến quan trọng về thể chế và xác nhận quyền lực mà Đảng Cộng sản Việt Nam trao cho Chủ tịch nước.

Theo Bấmbáo Việt Nam, Chủ tịch nước ở cương vị đứng đầu Nhà nước sẽ đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác. Chủ tịch nước cũng có quyền bác bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng hoặc các thành viên chính phủ.
Tuy nhiên, bình luận với BBC Tiếng Việt, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói bản chất quyền lực vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản.
Ông nói hôm 29/10 rằng: "Việc bãi bỏ văn bản trước đây thuộc về Ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, bây giờ chuyển về cho Chủ tịch nước. Nhưng đó chỉ là việc hợp thức hóa một quy trình đã có sẵn, cũng mang tính rất hình thức… không có nội dung thực tế."

"Các chức vụ đó đều phải thông qua tập thể Bộ Chính trị... Ông Chủ tịch nước không có thực quyền trong việc bổ nhiệm người."
Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội
"Việc bổ nhiệm các chức vụ tướng tá cũng chỉ là hình thức. Thực tế các chức vụ đó đều phải thông qua tập thể Bộ Chính trị, phải được Bộ Chính trị gật đầu đồng thuận. Ông Chủ tịch nước không có thực quyền trong việc bổ nhiệm người. Thực ra luật đã quy định việc bổ nhiệm, nay chỉ là nhắc lại ở tầm cao hơn với việc đưa nội dung đó vào Hiến pháp."
Dư âm Hội nghị 6
Hồi giữa tháng 8 năm nay, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã họp tại Quốc hội Việt Nam để bàn về việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung gồm Lời nói đầu, chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Theo báo chí Việt Nam khi đó, họ cũng nghe các ý kiến về các chương đề cập đến Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và Chính quyền địa phương.
Nhưng từ sau Hội nghị Trung ương 16 diễn ra trong hai tuần liền tới giữa tháng 10 vừa qua, công tác sửa đổi Hiến pháp 1992 mang thêm ý nghĩa mới.

"Đảng lãnh đạo Chính quyền không có nghĩa là Đảng phải tham chính, sa đà vào các công việc sự vụ của Hành pháp"
LS Nguyễn Bính Châu
Đó là nhu cầu giám sát cơ quan hành pháp, cụ thể là Chính phủ và các bộ ngành, theo sau các đổ vỡ về làm ăn, gây ra nợ xấu trầm trọng cho nền kinh tế.
Hội nghị Trung ương kết thúc với quan điểm được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra nói rằng cần chỉnh đốn Đảng và các cơ quan Nhà nước.
Ngay sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã mở đợt “phê bình và tự phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban lãnh đạo”.
Sau đó, đến hôm 22/10, theo tường thuật của truyền thông trong nước, ông Nguyễn Tấn Dũng, ở cương vị Thủ tướng Chính phủ đã “nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ”, trước Quốc hội.
Ông đề cập cụ thể đến sai phạm của Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế dẫn đến những ‘tổn thất nghiêm trọng’ ở Vinashin và Vinalines.
Ông Dũng nói Chính phủ và từng thành viên đã ‘thành khẩn nhìn nhận những yếu kém’ và ‘chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất’ trong việc thực thi chức trách.

Việt Nam liệu có theo mô hình Trung Quốc với quyền cho Chủ tịch nước rất lớn?
Tuy thế, việc Đảng Cộng sản tăng quyền lãnh đạo được đề cao qua Hội nghị Trung ương cũng đặt ra câu hỏi rằng Đảng sẽ làm gì để thực hiện quyền lực đó.
Tuần qua, các thảo luận tại Việt Nam về vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng đã làm nảy sinh chủ đề này.
Cho tới gần đây, Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng nắm chức vụ này nhưng đang có ý kiến để cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phụ trách Ban Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng.
Hôm 26/10, dự thảo Luật phòng chống tham nhũng đã bỏ quy định Thủ tướng là Trưởng ban này.
Nhưng cũng theo báo chí Việt Nam, vấn đề để ông Trọng lo công việc đó không đơn giản vì còn thiếu cơ sở pháp luật.
Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” chỉ được ghi trong một điều là điều 4 Hiến pháp, và ngoài ra không có các văn bản gì cụ thể.
Chưa kể, ngay trước thời gian họp Hội nghị Trung ương 6, đã có ý kiến trong giới luật gia tại Việt Nam cho rằng “Đảng lãnh đạo Chính quyền không có nghĩa là Đảng phải tham chính, sa đà vào các công việc sự vụ của Hành pháp, phải ngồi vào ghế và làm việc của Chính quyền”.
Viết cho BBC đầu tháng 10, Luật sư Nguyễn Bính Châu từ Tp. HCM cho rằng Đảng “nên tập trung trí tuệ làm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, hoạch định đường lối chính sách và tổ chức chính quyền, thanh tra Chính phủ, lập danh sách Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, bổ nhiệm các chức danh chủ tịch, trưởng các sở các phòng ban tỉnh thành quận huyện”.
Rất có thể việc tăng quyền lực của Chủ tịch nước, một vị trí cho tới nay bị cho là chỉ mang tính hình thức, là cách Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam thể chế hóa những biến đổi sau Hội nghị 6.
Trong các nước còn theo chế độ cộng sản, Trung Quốc, Cuba và Bắc Triều Tiên đều để cho Chủ tịch nước có quyền khá lớn.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch nước cũng là Chủ tịch Đảng còn ở Cuba, hiện ông Raul Castro vừa làm Chủ tịch nước, vừa nắm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng).

Không có nhận xét nào: