Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Indonesia tự chế tạo loại máy bay không người lái.



Máy bay không người lái Reaper. Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Trong tuần qua, Indonesia đã tiến hành bay thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) tự chế tạo tại căn cứ không quân Halim Perdanakusuma ở Đông Jakarta, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng (TNI) Purnomo Yusgiantoro và Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Gusti Hatta.

Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Gusti Hatta cho biết chiếc UAV này do Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Quốc gia Indonesia (BPPT) phối hợp với Cục Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Quốc phòng Indonesia thiết kế và chế tạo, nhằm phục vụ mục đích giám sát dân sự và quân sự.



Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro, sau cuộc thử nghiệm này, Indonesia sẽ tiến hành chế tạo một phi đội UAV để trang bị cho Không quân Indonesia, đưa nước này trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới tự chế tạo được UAV.

Ngoài chức năng giám sát, nhất là giám sát biên giới trên biển, UAV cũng có thể được trang bị một số thiết bị nhằm thực hiện các nhiệm vụ quân sự khác như nâng cấp để có thể mang theo bom hay tên lửa.

Ông Purnomo Yusgiantoro nhấn mạnh việc phát triển UAV trang bị cho không quân là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội và mục tiêu xây dựng sức mạnh phòng thủ quốc gia cần thiết tối thiểu vào năm 2025 của Indonesia.

Hiện BPPT và Cục Nghiên cứu và phát triển Bộ Quốc phòng Indonesia đã chế tạo được 12 mẫu UAV, thuộc các loại Sriti, Alap-Alap, Gagak, Pelatuk và Wulung.

Chiếc UAV bay thử nghiệm nói trên thuộc loại Wulung, được sơn màu xanh, kích thước nhỏ với sải cánh khoảng 6 mét, cao 1,2 m và dài khoảng 4 mét, và có các đặc điểm như những loại UAV khác trên thế giới, ngoại trừ tiếng ồn của động cơ còn lớn.

Mặc dù chuyến bay thử nghiệm đạt kết quả tốt, song các chuyên gia BPPT thừa nhận rằng Indonesia vẫn còn tụt hậu so với các nước khác về phát triển AUV.

Theo chuyên gia của BPPT, ông Adrian Zulkifli, vào năm 2011, Mỹ chỉ có 11 chiếc UAV khi tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố, song hiện đã có tới 7.500 chiếc, được triển khai trong nhiều hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Các UAV của Mỹ được điều khiển từ các căn cứ quân sự trong nước và có thể bay xa tới Afghanistan, Iran và Pakistan.

Trong khi loại Wulung nói trên mới chỉ hoạt động liên tục được trong 4 giờ, với tầm bay 73 km, và các nhà chế tạo Indonesia đang cố gắng nâng tầm bay lên 300 km.

Hiện BPPT đã lập trình được phần mềm điều khiển hoạt động, song động cơ và máy ảnh thám không của UAV vẫn còn phải nhập từ nước ngoài./TTXVN

Không có nhận xét nào: