Pages

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Kinh tế Việt Nam dưới thời hai thủ tướng Phan Văn Khải- Nguyễn Tấn Dũng


Bạch Huỳnh Duy Linh
Tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát là hai chỉ số kinh tế quan trọng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà hoạch định chính sách cũng như của người dân do phản ánh được toàn bộ chính sách cũng như khả năng điều hành nền kinh tế của chính phủ. Một chính phủ được điều hành tốt sẽ giữ được nền kinh tế ở mức lạm phát thấp, tăng trưởng cao, ngược lại, một chính phủ điều hành tồi sẽ gây ra lạm phát cao gây nên bất ổn kinh tế vĩ mô khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và hậu quả của nó là doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, đồng tiền của người dân bị mất giá, cuộc sống của toàn bộ người dân trở nên khó khăn hơn.

Ở các nước phương Tây, Mỹ chẳng hạn, khi một chính phủ đương nhiệm để xảy ra nạn thất nghiệp, bất chấp nguyên nhân gì người chính phủ đó phải ra đi để một lãnh đạo mới lên thay thế. Bài học đơn giản về sự liên quan mật thiết giữa kinh tế và chính trị đó dường như chưa được áp dụng ở Việt Nam.
Biểu đồ về tăng trưởng GDP và lạm phát được vẽ dưới đây cho thấy rõ sự khác biệt về hiệu quả trong chính sách điều hành của hai thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đối với nền kinh tế thể hiện qua hai thông số kinh tế: tỷ lệ tăng trưởng GDP và lạm phát.
Ông Phan Văn Khải đảm nhận chức vụ thủ tướng Việt Nam trong hai nhiệm kỳ từ ngày 25 tháng 9 năm 1997 đến ngày 27 tháng 6 năm 2006, tổng cộng gần 9 năm.
Ông Phan Văn Khải nhậm chức thủ tướng trong một bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7 năm 1997 ở Thái Lan rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á và thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt nam đã giảm xuống còn 4,8% vào năm 1999.
Thế nhưng, đến năm 2000, tốc độ trưởng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm. Khi mà tăng trưởng kinh tế trên 6% là ước mơ của nội các chính phủ đương nhiệm thì tăng trưởng GDP 7-8%/năm liên tục trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của thủ tướng Phan Văn Khải hết sức ấn tượng, bất chấp việc ông không để lại ấn tượng sâu sắc trong điều hành chính phủ như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Người kế nhiệm ông Phan Văn Khải là ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng đương nhiệm, nhậm chức thủ tướng từ ngày từ ngày 27 tháng 6 năm 2006. Đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhậm chức thủ tướng được hơn một nhiệm kỳ.
Vào thời điểm ông Nguyễn Tấn Dũng lên thay thế ông Phan Văn Khải trong cương vị người đứng đầu chính phủ, giữa tháng 6 năm 2006, một làn sóng tin tưởng và lạc quan vào sự cất cánh của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Sự lạc quan đó có cơ sở khi tăng trưởng GDP của Việt Nam trong hai năm liên tục 2005, 2006 đạt mức trên 8%/năm. Đến năm 2007, tăng trưởng GDP đạt mức cao kỷ lục 8,5%. Sự lạc quan đó thể hiện rất rõ trong phát biểu của nguyên phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khi nói về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008: “Đặt tăng trưởng 9% là trong thế… khiêm tốn”. Ông Hùng, nay là chủ tịch Quốc hội, vào thời điểm đó cho rằng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 9% là hợp lí. Nếu chúng ta đã có cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân tương đối tốt… chúng ta có khả năng tăng trưởng cao hơn, thậm chí là 2 con số.
Kể từ năm 2008, chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu chưa bao giờ đưa được tăng trưởng GDP Việt Nam lên mức 7%/năm, chứ chưa nói đến tăng trưởng hai con số. Bất ổn kinh tế vĩ mô là vấn đề mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phải giải quyết kể từ năm 2008 trong cương vị là người đứng đầu chính phủ, ngoại trừ hai năm đầu yên ổn với tốc độ tăng trưởng trên 8%/năm.
Lạm phát tăng tốc trở lại trên hai con số vào năm 2007 với 12,6% và đạt tới đỉnh điểm vào năm 2008 với gần 20%/năm. Người dân Việt Nam vừa mới tạm quên đi ấn tượng đồng tiền mất giá trong suốt thời kỳ ông Phan Văn Khải làm thủ tướng thì đến thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng, ấn tượng tiền bị mất giá lại quay trở lại. Lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô, thắt chặt chính sách tiền tệ, khủng hoảng tín dụng… là những thuật ngữ kinh tế được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành chính sách kinh tế.
Những nhà đầu tư bỏ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ ông Phan Văn Khải sẽ trở nên giàu có vào cuối nhiệm kỳ của ông, rất nhiều người đã trở thành tỷ phú vào thời điểm chứng khoán bùng nổ năm 2006-2007. Ngược lại, những nhà đầu tư bỏ tiền vào thời điểm ông Nguyễn Tấn Dũng lên nắm chính phủ thì đến thời điểm này đã mất gần hết số tiền đã bỏ vào cổ phiếu khi mà giá trị tài sản chỉ còn lại 30-40% trên tổng số tiền đã bỏ ra, nhiều nhà đầu tư thậm chí còn bị mất nhiều hơn.
Đến bao giờ Việt Nam mới trở lại mức tăng trưởng 7-8%/năm, lạm phát ổn định dưới 10%/năm, đến bao giờ nhà đầu tư chứng khoán trở nên giàu có trở lại, đến bao giờ các doanh nghiệp mới có thể yên tâm làm ăn, người lao động có việc làm trở lại đó vẫn còn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp cho đến khi Hội nghị trung ương 6 khóa XI kết thúc vào ngày 15/10 tới đây.

Không có nhận xét nào: