Pages

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Một Viễn Cảnh Để Suy Tư:Trung Quốc Đánh Việt Nam


    
 NGUYỄN CAO QUYỀN
   Một cuộc thế chiến với sự tham dự của các quốc gia cốt lõi trong các nền văn minh thế giới là khó có thể tưởng tượng vào lúc này.  Tuy nhiên nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển với tham vọng làm bá chủ Á Châu và tranh ngôi lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ thì việc đó cũng có thể xảy ra.
            Để mường tượng một viễn cảnh chiến tranh phức tạp như vậy ta có thể mở đầu bằng một giả định: Trung Quốc đánh Việt Nam, và xây dựng tiếp theo những tình huống sát thực tế nhất có thể xuất hiện. 
                                                                                               ***                                                                      
            Giả dụ là vào năm 2015 quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Nam Hàn vì hai miền Triểu Tiên thống nhất, và đồng thời giảm số quân đóng tại Nhật Bản.  Đài Loan trở về với Hoa Lục, được Bắc Kinh cho hưởng một quy chế tự chủ khả quan và cho gia nhập Liên Hiệp Quốc như trường hợp của Ukraine và Belorussia năm 1946.

            Cuộc khai thác dầu hỏa ở Biển Đông được tiến hành xuông sẻ do sự thỏa thuận từ nhiều phía nhưng đột nhiên Bắc Kinh tuyên bố là sẽ kiểm soát toàn bộ vùng biển này.  Việt Nam phản đối và một cuộc hải chiến nhỏ xảy ra.  Trung Quốc làm tới và cho bộ binh đánh thẳng vào Bắc Việt.
            Việt Nam cầu cứu sự trợ giúp của Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh cảnh cáo Hoa Kỳ đừng can thiệp.  Nhật Bản và các nước Á Châu khác không phản ứng.  Hoa Kỳ tuy không can thiệp nhưng quyết định trừng phạt kinh tế Trung Quốc và phái vài hàng không mẫu hạm cùng một số tàu chiến xuống Biển Đông.  Bắc kinh tố cáo với thế giới đây là một sự vi phạm hải phận của quốc gia họ và dùng phi cơ chiến dấu xạ kích.                          
            Liên Hiệp Quốc và thủ tướng Nhật cố gắng dàn xếp một cuộc thương thuyết nhưng thất bại và chiến tranh lan rộng khắp Đông Á. Nhật Bản không cho Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự và tuyên bố trung lập.  Tàu ngầm Trung Quốc tham chiến và máy bay chiến đấu xuất phát từ các phi trường Đài Loan và Hoa Lục gây thiệt hại nặng cho hải quân Hoa Kỳ và các cấu trúc quân sự tại Đông Á.  Trong khi đó bộ binh Trung Quốc tiến chiếm thủ đô Hà Nội và một phần lớn lãnh thổ của Việt Nam.
            Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử chưa được hai bên sử dụng.  Mặc dầu vậy dân chúng Hoa Kỳ lo ngại.  Họ tự hỏi tại sao Hoa Kỳ lại phải hành động và có lợi gì để hành động như vậy tại Đông Nam Á.  Và họ tự trả lời: đó không phải là cuộc chiến tranh của chúng ta.  Washington chuyển sang khuynh hướng muốn thương lượng.                                                                     
                                                                                        ***
       Mặc dầu mới bắt đầu nhưng chiến tranh đã ảnh hưởng và để dấu ấn nặng nề trên một số quốc gia trong các nển văn minh khác. Ấn Độ lợi dụng cơ hội Trung Quốc bị kẹt ở vùng Đông Á, bèn tấn công Pakistan nhằm phá hoại khả năng nguyên tử và sức mạnh quân sự của xứ này.  Trong một đòn tấn công phủ đầu thắng lợi, Ấn Độ dần dần gặp phản ứng của liên minh quân sự Pakistan, Iran và Trung Quốc.  Iran bắt đầu đánh trả với kho vũ khí tối tân và đa dạng.  Hậu quả là Ân Độ phải đương đầu cùng một lúc với vũ khí cổ điển của Iran và sách lược du lích chiến của Pakistan tại nhiều địa điểm.  
            Chiến tranh tiếp diễn.  Cả Ân Độ lẫn Pakistan đều lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của khối quốc gia Ả Rập.  Ân Độ đưa ra viễn tượng Iran xâm chiếm vùng Tây Nam Á nhưng không được nước nào ủng hộ vì trước thắng lợi sơ khởi cuả Trung Quốc, cao trào chống Mỹ trong khối Ả Rập lên mạnh. 
            Phong trào chống Mỹ lan sang cả Thổ Nhĩ Kỳ.  Tất cả khối Ả Rập động viên quân lực và hợp đồng tấn công tới tấp vào lãnh thổ Do Thái.  Với sự giúp đỡ của Đệ Lục Hạm Đội Mỹ, túc trực bên cạnh, Do Thái cũng không thể nào ngăn cản được cuộc tấn công như vũ bão.
                                                                                        ***
            Chiến tranh Trung - Mỹ leo thang tại Đông Á.  Trước những thắng lợi ban đầu của Trung Quốc, Nhật Bản thay đổi thái độ.  Tokyo chuyển từ thế trung lập sang thế đồng minh với Bắc Kinh và dùng quân lực chiếm lại những căn cứ quân sự Mỹ.  Hoa Kỳ phản ứng bằng cách phong tỏa Nhật Bản và hải quân hai nước liên tiếp đụng độ tại vùng biển phía Tây Thái Bình Dương.
            Thắng lợi của Trung Quốc tại vùng Đông Á bắt đầu làm cho nước Nga lo sợ.  Nga ra mặt chống lại Trung Quốc và bắt đầu chuyển binh sang vùng Siberia, đe dọa sinh mạng và quyền lợi của một số dân chúng gốc Tàu tại vùng này.  Bắc Kinh động binh sang bảo vệ dân mình và đánh chiếm Vladivostock, thung lũng Amur cùng nhiều địa điểm khác.  Chiến sự xảy ra giữa Nga và Trung Quốc ở vùng trung tâm Siberia trong khi nhiều cuộc nổi dậy xuất hiện tại Mông Cổ. 
            Chiến tranh làm cho vấn đề tiếp tế dầu hỏa trở nên căng thẳng thẳng.  Nhật Bản phải hết sức lấy lòng Trung Quốc để bảo đảm nguồn tiếp tế năng lượng thiết yếu này.  Việc phân phối dầu lửa từ vịnh Ba Tư bị cản trở, cho nên Tây phương phải phụ thuộc vào khối lượng dầu của Nga, của các nước miền Caucase và vùng Trung Đông.  Vì lý do này các nước Tây phương phải kéo Nga về phía mình và dùng thế đồng minh mới để kiểm soát các mỏ dầu Hối Giáo tại miền Nam.
            Hoa Kỳ cũng cố gắng hết sức để tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng minh Âu Châu mặc dầu các quốc gia này nhất quyết không can dự vào cuộc chiến.  Trung Quốc lo ngại là rồi ra Anh, Pháp sẽ đứng sau lưng Hoa Kỳ để trả ơn những gì đã nhận được từ Hoa Thịnh Đốn trong hai cuộc thế chiến.  Để đề phòng trường hợp này Trung Quốc bí mật đặt hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử tầm trung tại Algeria và Bosnia để đe dọa các nước Tây Âu không cho họ dính vào cuộc tranh chấp.  Tình báo Hoa Kỳ phát hiện được việc này nhưng trước khi NATO ra tay hành động thì Serbia đã nhanh chóng lập công đầu.
                                                                                      *** 
            Serbia với truyền thống bảo vệ Thiên  Chúa Giáo, tự động đứng về phía các nước Tây phương, đem quân tấn công Bosnia.  Croatia cũng tiếp tay và hai nước chia  nhau chiếm đóng Bosnia.  Họ phá hủy tất cả những dàn hỏa tiễn tại đó và lợi dụng tình thế để thanh toán nốt những phần tử dân tộc địa phương đối nghịch.
            Albania và Thổ Nhĩ Kỳ ra tay giúp sức Bosnia.  Hy Lạp và Bulgaria tấn công phần đất Thổ thuộc Âu Châu.  Trong thời gian này một hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử được bắn tới Marseille (Pháp), khiến NATO phản ứng dữ dội và dùng phi cơ làm cỏ các mục tiêu quân sự của đối phương.
            Cuộc chiến tiếp tục nhưng Trung Quốc vẫn không sử dụng bom nguyên tử.  Hoa Kỳ và các nước Âu Châu áp dụng chiến tranh quy ước và chấp nhận cho Nga gia nhập NATO để kiểm soát những mỏ dầu tại vùng Trung Á và đạo diễn những cuộc nổi dậy tại Tây Tạng, Tân Cương và Mông Cổ.  Thế trận này chuẩn bị cho cuộc tấn công tối hậu, vượt Vạn Lý Trường Thành vào trung tâm lãnh thổ của người Hán và phần đất Mãn Châu.
            Như vậy là Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga và Ấn Độ đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc thế chiến chống Trung Quốc, Nhật Bản và Islam.  Nếu cường độ của chiến tranh có thể kiểm soát được thì những quốc gia chính yếu đó phải thương lượng để đi đến chấm dứt cuộc tàn sát.  Và dù thương lượng thế nào đi chăng nữa thì vấn đề Trung Quốc nổi lên như một cường quốc bá quyền ở Á Châu cũng không thể nào tránh khỏi.
 Cả hai bên đều có vũ khí nguyên tử, và nếu chiến tranh cứ tiếp diễn mỗi ngày một nghiêm trọng thêm thì chắc chắn những quốc gia chính yếu cùa chiến sự sẽ lãnh hậu quả nguy hại.  Quyền lực thế giới không phải chuyển từ Tây sang Đông mà chuyển từ Bắc xuống Nam.  Các nước ở ngoài cuộc chơi sẽ trở thành lớn mạnh.
                                                                            ***
Viễn cảnh chiến tranh trình bày ở trên có thể thiếu thực tế.  Tuy nhiên, từ một thí dụ có thể biến thành sự thật, kinh nghiệm rút ra phải là: nếu muốn tránh chiến tranh giữa các nền văn minh thì các quốc gia cốt lõi trong các nền văn minh tuyệt đối không được can thiệp vào những tranh chấp xảy ra trong nội bộ của các nền văn minh khác.  Đó là nguyên tắc căn bản đầu tiên cần tôn trọng.
Nguyên tắc thứ hai là thay vì về phe với nhau để tham chiến, các quốc gia cốt lõi phải luôn luôn tính táo và lúc nào cũng sẳn sàng để có thể biến mình thành trung gian hòa giải giữa các bên tranh chấp.
Thêm nữa, cần nhận biết rằng:  tính phổ quát của cộng đồng nhân loại là ở chỗ nó là một cộng đồng của các con người, một xã hội bao gồm những vùng khác biệt.  Cho nên trong một thế giới đa văn minh thái độ khôn ngoan nhất mà con người cần đối xử với nhau là phài quên đi thuật ngữ nhạy cảm “phổ quát” để chấp nhận khác biệt và cùng nhau đi tìm những cái gì “chung nhất”.  Một nền văn minh phổ quát chỉ có thể xuất hiện sau khi nhân loại đã đồng thanh chấp nhận và đã đưa ra những điều “chung nhất” đó.  Và đây là nguyên tắc thứ ba cần phải ghi nhớ.
Hiện tượng hiện đại hóa sẽ nâng cao trình độ của mỗi nền văn minh, chủ yếu là về các phương diện luân lý và văn hóa.  Dần dần hiện đại hóa sẽ xóa nhòa biên giới của các nền văn minh khác biệt để chỉ còn giữ lại những vấn đề “chung nhất” mà ai cũng tôn trọng và coi như là những giá trị phổ quát chung.  Một thế giới được xây dựng trên những giá trị phổ quát đó sẽ là một thế giới thật sự văn minh và hòa bình vĩnh cửu. /.

Không có nhận xét nào: