Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

NGÕ BÍ NHÂN QUYỀN TRÊN VŨ ĐÀI CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

 NGUYỄN CAO QUYỀN

 
                                                                            
            Sau biến cố Thiên An Môn tại Trung Quốc năm 1989 vấn đề nhân quyền đã trở thành đề tài nổi cộm và gây nhiều tranh cãi nhất trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.  Dư luận Mỹ lên án và chỉ trích nặng nề thái độ và hành động của Bắc Kinh, coi đó là một vi phạm trầm trọng không thể tha thứ.  Nhiều biện pháp đã được Hoa Kỳ áp dụng để trừng phạt nhưng không đạt kết quả mong muốn.  Thỉnh thoảng Bắc Kinh có trả lại tự do cho một vài nhân vật hoạt động chính trị bị tù nhưng nhìn chung thì tình trạng tôn trọng nhân quyềntrên Hoa Lục tiếp tục dật lùi.
 
            Tại Trung Quốc, trong cùng một thời gian, vấn đề lại được nhìn dưới một nhãn quan hoàn toàn trái ngược.  Dư luận tại đây đánh giá rằng, trong thời gian hai thập kỷ sau biến cố Thiên An Môn, vấn đề nhân quyền đã được cải tiến đáng kể.  Dân chúng đã được hưởng nhiểu tự do hơn, luật pháp đã được áp dụng nhiều hơn, quốc hội làm đúng vai trò của mình hơn và bầu cữ đã được thi hành rộng rãi hơn, nhất là đối với các khu vực nông thôn.  Người Trung Hoa không hiểu tại sao Hoa Kỳ lại không trông thấy sự tiến bộ đó.
 
            Và đó chính là ngõ bí nhân quyền cho cả hai bên: Hoa Kỳ và Trung Quốc.  Ngõ bí này đã gây tổn hại cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước.  Tại Mỹ người ta cho rằng Bắc Kinh đang âm mưu tiến hành một sách lược bất hợp tác với Hoa Kỳ và đang lợi dụng sự phát triển kinh tế để tăng cường quân lực.
 
            Phía Trung Quốc thì nhìn Hoa Kỳ với con mắt nghi kỵ.  Sự can thiệp quá sốt sắng của Washington vào vấn đề nhân quyền làm cho người dân Trung Quốc thầm nhĩ rằng Hoa Kỳ đang thực hiện sách lược bá quyền đối với nước họ.  Hoa Kỳ đang chia rẽ dân tộc Trung Hoa, đang làm cho trung ương của họ yếu đi và đang hủy hoại rật tự xã hội của họ. Dụng ý xấu của Hoa Kỳ đã hoàn toàn lộ liễu. 
 
            Ngõ bí nhân quyền nói trên được dư luận coi như đang đe dọa an ninh của thế giới: một bên (Hoa Kỳ) kiên trì đấu tranh cho các giá trị của tự do, cá nhân chủ nghĩa và dân chủ, trong khi phía bên kia (Trung Quốc) nhất quyết bảo vệ tính tuyệt đối của chủ quyền và sự kiêu hãnh của dân tộc.  Một câu hỏi quan trọng được nêu lên cho cả đôi bên là: làm sao để có thể ra khỏi ngõ bí này ? 
 
            Ở Mỹ có dư luận cho rằng chính quyền chỉ cần dẹp vấn đề nhân quyền sang một bên thì mọi việc sẽ êm suôi.  Tuy nhiên vấn đề không thể giải quyết như thế được vì nhân quyền liên quan không những đến danh dự và trách nhiệm mà còn là sức mạnh căn bản cho thế bá chủ của hiệp chủng quốc.  Cho nên cần phải thu xếp thế nào để vấn đề nhân quyền có thể được cả hai bên cùng chấp nhận. 
 
            Muốn được như vậy thì phải vượt qua một số điều kiệnTrung Quốc phải thực hiện một chương trình cải cách tiệm tiến và phải nhìn nhận tính chính danh của chế độ nhân quyền quốc tế; Hoa Kỳ phải nới rộng quan điểm về nhân quyền và kiên nhẫn hơn về thời gian thực hiện nhân quyền trong cách tiếp cận.  Chỉ bằng đường lối này, hai bên mới có thể thu xếp ổn thỏa với nhau để giải quyết vấn đề nhân quyền và thành tâm hợp tác với nhau về những vấn đề khác. 
                                                                                ****
            Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, và đặc biệt trong thời gian diễn tiến của cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), đã vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và ly khai gần như hoàn toàn với cách cai trị nhân bản của con người đối với con người.  Các việc thủ tiêu đối lập, giam hãm người vô thời hạn trong các trại tù cải tạo, không có hệ thống xét xử theo pháp luật, bịt miệng báo chí… đã nói lên tính tàn bạo của chế độ, ngược hẳn với những gì cần phải có trong một thế giới văn minh hiện đại.  
 
            Vào thời gian đó, mặc dầu có hiện tượng nói trên, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc  vẫn phát triển tốt đẹp vì nhu cầu chiến lược.  Cả hai phía đều tạm thời gạt bỏ sang một bên những khác biệt về ý thức hệ để chung sức chống lại áp lực bá quyền của Liên Xô.  Hơn thế nữa, sau khi Mao chết, Trung Quốc lại còn thực hiện một số cải cách về chính trị và kinh tế, thậm chí dập theo các hình mẫu thịnh hành tại Hoa Kỳ.  Không khí hợp tác này gây phấn khởi và tin tưởng rằng Trung Quốc đang đi trên con đường “chính đạo”. 
 
            Dòng hợp tác tiến triển tốt đẹp đến giữa thập niên 1980 thì Bắc Kinh trở mặt  làm cho Hoa Thịnh Đốn bất mãn về một số hành động: vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng,đàn áp trí thức và đối lập  trong nước và vô nhân đạo nhất là cưỡng bách phá thai.  Vấn đề nhân quyền lại trở thành một vấn đề tranh cãi nghiêm khắc giữa đôi bên.  Dưới mắt người Hoa Kỳ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc bắt đầu trở nên tồi tệ.  Tuy nhiên họ vẫn kiên nhẫn và hy vọng.
 
            Bất thần biến cố Thiên An Môn xảy ra.  Xảy ra đúng vào lúc mà hy vọng của người Mỹ lên đến điểm cao nhất.  Hy vọng này bỗng chốc vỡ tan và hợp tác trở thành đốinghịch.
 
Tiếp theo là việc các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ.  Đài Loan cũng trở thành một quốc gia dân chủ.  Thế giới kinh ngạc về sự thay đổi nhanh chóng này và không ít người đã lớn tiếng reo lên là “lịch sử đã kết thúc”. Ý thức hệ tự do-tư bản toàn thắng.  Hình mẫu dân chủ trở thành phổ biến khắp nơi và hiện tượng này đã đẩy lui Trung Quốc và một vài nước khác xuống vị trí những nước kém tiến bộ nhất.  Chính sách nhân quyền cũa Mỹ đối với Trung Quốc cũng thay đổi: Hoa Thịnh Đốn đưa ra những biện pháp trừng phạt đội với Bắc Kinh.
 
            Tổng thống Mỹ Clinton, lên cầm quyền năm 1993, cam kết sẽ có một chính sách cứng rắn về việc thực hiện nhân quyền.  Chính sách này dùng việc ban phát quy chế “tối huệ quốc” trong thương mại như là một công cụ để cưỡng ép. 
 
            Về phía Trung Quốc thì sau biến cố Thiên An Môn uy tín của chính quyền đối với nhân dân cũng tụt xuống mức thấp nhất.  Những người lãnh đạo cộng sản phải cố gắng phát triển kinh tế để lấy lại chính danh.  Vào giữa thập niên 1990 họ đạt được thành tích này và bắt đầu lấy lại được đôi chút uy tín. 
 
            Mặt khác họ cũng nới rộng tự do trong hoạt động kinh tế và tiến hành bầu cử tại nông thôn.  Những sự cởi mở tuy chưa đáng kể là bao nhưng cũng khiến uy tín của họ dần dần tăng lên.  Thực tế này cung cấp cho họ thêm sức mạnh để đương đầu với những áp lực nhân quyền đến từ Hoa Thịnh Đốn.
 
            Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ chỉ chú trọng đến một vài  tiểu tiết nhỏ, chẳng hạn như việc bắt giam trí thức đối lập, để đánh  giá hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc mà quên rằng trên thực tế Bắc Kinh đã tiến hành thực hiện rất nhiều chính sách dân chủ hóa đáng được ghi nhận.   
 
            Chính sách nhân quyền cứng rắn của tổng thống Clinton đã khiến chính quyền cộng sản và nhân dân Trung Quốc nghĩ rằng Hoa Kỳ không thật tâm trong chính sách nhân quyền.   Họ cho rằng, thật ra Hoa Kỳ chỉ muốn dùng chính sách này để làm mất ổn định và gây chia rẽ, với mục đích tối hậu là làm Trung Quốc sụp đổ.  Vì thế mà sách lược của tổng thống Clinton không mang lại kết qủa mong muốn. 
 
            Tình trạng căng thẳng trong vấn để nhân quyền mỗi ngày một tăng thêm, làm cả hai bên cùng lo ngại.  Hoa Kỳ sợ Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa nguy hiểm cho nền an ninh của chính mình. Trung Quốc thì bắt đầu dồn mọi nỗ lực vào việc tăng cường và hiện đại hóa quân đội để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.  Không khí chiến tranh không còn lả tiềm ẩn..  Giải tỏa ngõ bí nhân quyền trở thành một vấn đề cấp thiết. 
 
                                                                      * ***
            Giải tỏa “ngõ bí nhân quyền” đòi hỏi một sự tiếp cận thận trọng về quan hệ hiện tại giữa đôi bên.  Điều thận trọng đầu tiên phải rút ra là: không thể nào có được một sựthỏa thuận tuyệt đối về nhân quyền giữa hai nước.  Cho nên sách lược chỉ cần đề cập đến  vấn đề “ích lợi chung” mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.  Từ lợi ích chung này sẽ triển khai những chương trình hợp tác nhằm đạt tới mục tiêu và những phương pháp để mỗi bên vẫn tiếp tục giữ được những nét khác biệt của riêng mình.
 
            Mục đích tối hậu của sự tiếp cận này là chuyển vấn đề nhân quyền từ một đe dọa chiến tranh sang một thiện chí hợp tác tối đa ngõ hầu có thể thực hiện hòa bình trường cửu cho toàn thể nhân loại.  Nhiều cố gắng để tự chế và tinh thần thông cảm để xây dựng cần được vận dụng, nhất là đối với Hoa Kỳ.
 
            Hoa Kỳ phải đưa ra một định nghĩa “mềm dẻo và thông cảm” hơn về nhân quyền, chẳng hạn như chấp nhận các quyền về xã hội và kinh tế (social and economic rights) mà Trung Quốc đòi hỏi.  Cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ đặc biệt chú trọng đến các quyền dân sự và chính trị như: tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn giáo, tự do bầu cử, quyền lựa chọn đối lập, quyền không bị tra tấn, quyền được xét xử bình đẳng trước tòa án, quyền có luật sư biện hộ và cố vấn…
 
            Đối với Hoa Kỳ tất cả những quyền trên đều là những quyền quan trọng.  Đó là những giá trị cốt lõi của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, những giá trị đã làm cho Hoa Kỳ nhanh chóng trở nên hùng cường và được toàn thế giới kính nể.  Đó là những quyền được ghi trong Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Chính Trị và Dân Sự và đã trở thành luật pháp quốc tế.
 
            Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng những quyền đó chưa phải là tất cả những quyền được nêu ra trong định nghĩa nhân quyền.  Định nghĩa này còn bao gồm cả những quyền xã hội và chính trị chẳng hạn như: quyền được tồn tại, quyền được phát triển, quyền được giáo dục, quyền được có công ăn việc làm, quyền của phụ nữ, quyền của trẻ em, quyền của người già… Tất cả những quyền này được ghi trong Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa nhưng chưa được quốc hội Hoa Kỳ chuẩn nhận.  Đó là chưa kể quyền được hưởng một “nền cai trị tốt” không tham nhũng và có tinh thần trách nhiệm đẩy đủ, rất cần thiết cho những nước kém mở mang.
 
            Thái độ của Hoa Kỳ như vậy là chưa hoàn toàn vô tư.  Là không quan tâm đến những quốc gia kém phát triển và nghèo khổ.  Ngay thẳng mà nói thì, nếu chỉ quan tâm đến một vài nhà tranh đấu bị bắt giam mà không quan tâm đến việc thành lập các định chế nhân quyền và đân chủ,  thì rõ ràng là Hoa Kỳ chỉ muốn gây mất ổn định và rối loạn.
 
            Thái độ này đã thu hẹp “mặt bằng quyền lợi chung” với các nước khác, đặc biệt là với Trung Quốc và ngày càng làm gia tăng những vụ bất đồng.  Do đó Hoa Kỳ phải nới rộng quan điểm nhân quyền của mình để tạo hòa đồng nhiều hơn với quan điểm của các vùng khác trên thế giới.  Phải làm như thế Hoa Kỳ mới có thể gia tăng hợp tác với Trung Quốc về lãnh vực nhân quyền.
 
            Hoa Kỳ cũng phải có một thái độ kiên nhẫn hơn đối với tiến trình phát triển dân chủ tại Trung Quốc.  Người Mỹ thường cho rằng dân chủ và nhân quyền là hai vấn đề đi đôi với nhau.  Cho nên chỉ cần giải quyết vấn đề dân chủ thì rồi vấn đề nhân quyền cũng sẽ tự động được giải quyết theo.  Tiếc thay, thực tế lại chứng minh rằng quan niệm này không hoàn toàn chính xác.  Và riêng đối với vấn đề dân chủ thì cũng còn cần phải có một tầm nhìn rộng rãi hơn.
 
            Dân chủ hóa là một tiến trình dài hạn.  Đài Loan và Nam Triều Tiên là hai nước được Hoa Kỳ giúp đỡ rất nhiểu mà cũng đã phải chờ 30 năm để đạt tới một nền dân chủ sơ khai.  Vậy thì Hoa Kỳ phải hiểu rằng không thể nào dùng áp lực từ nước ngoài để buộc Trung Quốc tiến tới một nền dân chủ nhanh hơn.  Trong sự nghiệp dân chủ hóa, vì thế, kiên nhẫn là một đức hạnh cần phải có. 
 
            Người Mỹ cũng không nên tin rằng các việc tốt thường đồng hành với nhau (all good things go together).  Thực tế đã chứng minh là dân chủ hóa không tự nhiên dẫn đến kinh tế thị trường, tự do mậu dịch, ngoại giao hòa bình.  Tổng thống Clinton đã sai lầm khi ông nghĩ rằng dân chủ hóa sẽ làm cho thế giới ổn định và phát triển.
 
            Những cuộc nghiên cứu gần đây nhất cho biết là thường khi tiến trình dân chủ hóa lại đưa đến chủ nghĩa dân tộc sau khi chế độ độc tài bị lật đổ.  Chủ nghĩa này chưa chắc đã thuận lợi cho tự do mậu dịch và kích thích phát triển,  Cũng chưa chắc gì nó sẽ tạo ổn định trong nước và một nền ngoại giao hài hòa trên trường quốc tế.  Cho nên đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ chỉ nên coi vấn đề dân chủ hóa như là một mục tiêu trong những mục tiêu khác cần đạt tới mà thôi.
 
            Hoa kỳ cũng nên biết rằng, dưới con mắt người ngoại quốc, nền dân chủ của Mỹ không phải là không thiếu sót.  Nền chính trị của Mỹ được họ gọi là “chính trị kim tiền” (money politics) chỉ có lợi cho người giàu và bỏ quên số phận của kẻ nghèo. Tất cả những nước nào coi dân chủ chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích (as a mean to an end) thì đều coi nền dân chủ Hoa Kỳ không phải là một mẫu hình tuyệt hảo.
 
            Sau cùng, có lẽ người Mỹ cũng phải thấy rắng chế độ chính trị của họ có nhiều sắc thái đặc biêt mà nhiều nước khác không muốn bắt chước.  Đối với Trung Quốc là một nước hãnh diện cao về lịch sử văn minh của họ và lại đang cạnh tranh ráo riết với Hoa Kỳ về mọi mặt thì sự bắt chước lại càng khó xảy ra.  Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ triển khai một số định chế dân chủ hoàn toàn khác lạ với kỳ vọng của người Mỹ.  Nếu bản chất những định chế đó không quá xa vời với bản chất dân chủ nói chung thì đó là một thắng lợi không nhỏ mà người Hoa Kỳ đã đạt được.
 
            Về phần mình, Bắc Kinh nên nhớ rằng người dân Trung Hoa đang sống trong một cộng đồng quốc tế được cai trị bằng một chế độ đặt căn bản trên sự tôn trọng nhân quyền mà phần lớn của căn bản này đã được Trung Quốc nhìn nhận.  Vào lúc này, một chế độ chính trị không còn được bảo vệ một cách tuyệt đối bởi “nguyên tắc chủ quyền”.  Giờ đây cộng đồng quốc tế đã được điều hành bởi một mạng lưới pháp luật coi nhân quyền như môt ý niệm mang tính phổ quát.  Đã xảy ra nhiều trường hợp các chính quyền bị trừng phạt vì vi phạm thô bạo luật nhân quyền.
 
            Nói khác, Trung Quốc đã nhìn nhận tính chính danh của chế độ nhân quyền quốc tế hiện nay. Bắc kinh cũng không còn lạ gì thành tích của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và cũng đã ký vào Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Chính Trị Và  Dân Sự cũng như vảo Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa.
 
            Cả hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải thường xuyên xem lại hồ sơ nhân quyền của nước mình để từ đó có thể tìm thấy một mẫu số chung dùng làm căn bản cho sự hợp tác tích cực giữa hai nước.
 
            Trung Quốc cũng phải tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách chế độ chính trị gồm một số định chế tạo lập trên căn bản trách nhiệm của một cường quốc. Lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ ra rằng vấn đề nhân quyền có thể giải quyết không mấy khó khăn nếu Trung Quốc tiến hành liên tục một chương trình cải cách chính trị, cho dù có đôi khi bị tạm thời đứt đoạn.  Trước khi biến cố Thiên An Môn xảy ra Trung Quốc  đã có thái độ này.
 
            Đại hội đảng CSTQ lần thứ 13 năm 1987 đã đi đúng chiều hướng.  Nhiều biện pháp dân chủ đã được ban hành nhưng không được phối hợp chặt chẽ để tạo thành một mạng lưới cần thiết cho vấn đề dân chủ hóa.
 
            Bắc Kinh không cần làm những hành động dân chủ đơn lẻ, như thả mấy người đối lập bị giam giữ, để lấy lòng Washington trong chốc lát mà phải nghĩ đến và thực hiện những chương trình cải cách thuận lợi cho công việc hiện đại hóa và cho sự hội nhập nhanh chóng vào cộng đồng dân chủ thế giới.  Chỉ có hành động theo phương thức này mới mong tiếp nhận được sự ủng hộ chân thành  của quần chúng và thế giới.
 
            Ngoài sự ủng hộ chân thành của quần chúng, Bắc Kinh còn sẽ tiếp nhận được nhiều phần thưởng khác từ cộng đồng dân chủ toàn cầu.  Nếu không phải nghe những lời chỉ trích về nhân quyền nữa thì điều đó cũng có nghĩa  là Trung Quốc đã tạo được một không khí hòa đồng với thế giới và nhất là với với Hoa Kỳ để đi tới những sự hợp tác càng ngày càng quan trọng và có lợi hơn cho vị thế đang lên của xả hội Trung Hoa.
 
            Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ cần tìm ra những vùng thuận lợi nhất trên mảnh đất nhân quyền chung và làm việc phối hợp với nhau để thăng tiến nhân quyền  tại quốc gia mình.  Căn cứ vào cách hành xử như đã mô tả ở trên, hai bên có thể biến các vấn đề nhân quyền từ tình trạng bất đồng sang trạng thái thỏa thuận và hợp tác.  Trên căn bản thỏa thuận này, cả hai bên đều phải phát huy đối đa tinh thần thông cảm, và đặc biệt phía Hoa Kỳ phải ý thức rằng Trung Quốc cần có thời gian để ổn định và tiệm tiến đi vào con đường dân chủ hóa. 
 
Trước tiên, hai bên phải đi đến một định nghĩa về nhân quyền có thể chấp nhận được, và tiến hành thực hiện ngay những định chế nhằm thăng tiến và bảo vệ định nghĩa đó.  Hoa Kỳ phải chấm dứt chính sách “hai tiêu chuẩn ”(double standards) đối với Trung Quốc trong việc đánh gíá hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, phải khuyến khích Trung Quốc hoàn tất những gì còn dang dở, đồng thời chân thành yểm trợ những gì còn thiếu sót.
 
Sự yểm trợ không phải chỉ đến từ chính quyền mà còn phải đến cả từ các hiệp hội Hoa Kỳ, từ các xã hội dân sự nhân quyền quốc tế và trong nước.  Nhiệt tình yểm trợ chắc chắn sẽ được đáp ứng bằng sự tin tưởng từ phía bên kia. Hai bên phải cùng nghiên cứu và đưa ra một bản chỉ đạo về cách ứng xử trong việc giải quyết những bất đồng về nhân quyền chưa được thanh toán.  
           
                                                                        ****
 
            Với cách tiếp cận như được trình bầy ở trên, hy vọng là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tiến tới việc giải quyết ổn thỏa vấn đề nhân quyền.  Tuy nhiên cũng có thể là nhiều người sẽ đánh giá cách tiếp cận này là  hơi mang tính “dễ tin người”.
 
            Những đầu óc tự cho là thực dụng (realist)  chắc chắn sẽ bác bỏ cách tiếp cận này và đề nghị loại bỏ triệt để vấn đề nhân quyền ra ngoài chương trình nghị sự của hai nước. Những người này quên rằng phía Trung Quốc cũng cần giữ cho họ là miếng đất đầu tư hấp dẫn và cố hết sức tránh tự gây tổn hại đến nền an ninh của đất nước họ nếu cứ phải tiếp tục đàn áp tàn bạo dân chúng và đối lập. 
 
            Nhiều nhà quan sát khác cũng nghĩ rằng có rất ít hy vọng là Hoa Kỳ sẽ chấp nhận nới rộng định nghĩa nhân quyền và tin vào sự thành thực của những người lãnh đạo ngồi trong Trung Nam Hải.   Về phía Trung Quốc cũng rất ít hy vọng là họ có thể công bố một chính sách dân chủ hóa tiệm tiến, sợ rằng việc này sẽ khiến dân chúng đòi hỏi dân chủ nhiều hơn nữa và tăng gia đấu tranh đưa tới biến lọan. 
 
            Vấn đề không phải là dễ.  Điều quan trọng là hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải ý thức được nguy cơ khủng khiếp đằng sau lưng nếu không dàn xếp được với nhau để thoát khỏi ngõ bí nhân quyền.  Nếu họ có “đầu óc thực dụng” thì phải vượt qua tất cả những rào cản về văn hóa và mặc cảm để cùng nhau tiến vảo bàn hội nghị và đưa vấn đềnhân quyền lên vị trí cao nhất trong chương trình nghị sự.  Nếu không làm được việc này thì sự va chạm giữa hai nền văn minh Tây Phương và Trung Quốc sẽ khó lòng tránh khỏi. /.
 

Không có nhận xét nào: