Pages

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Nguyễn Tấn Dũng chính thức mất quyền kiểm soát 21 doanh nghiệp lớn nhà nước

Thủ tướng CSVN sẽ không còn nắm quyền sinh sát trực tiếp đối với 11 tập đoàn và 10 tổng công ty quốc doanh lớn nhất của chế độ. 
 
Tàu vận tải biển Vinalines Queen bị đắm và mất tích ngày 25 tháng 12, 2011 ở khu vực gần đảo Luzon (Philippines) khi chở quặng Nickel từ Indonesia đi Trung quốc. (Hình: Tiền Phong)

Bản tin chinhphu.vn loan tin, ông Vũ Ðức Ðam, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ họp báo hôm Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012, loan báo phiên họp thường lệ của chính phủ trong tháng 10 đã có quyết định là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn nắm quyền trực tiếp tất cả 21 đại công ty nói trên. 

Các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh CSVN đầy tai tiếng từ tham nhũng đến kinh doanh bừa bãi thất thoát tiền của nhà nước hàng tỉ đô la, nổi tiếng hơn một năm qua như Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Ðiện Lực, Tập Ðoàn Than Khoáng Sản, v.v... 


Theo một nghị định chưa thấy công bố, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn “có một số quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp... có thể sẽ ít hơn 10” trong tổng số tập đoàn và tổng công ty nói trên. Phần còn lại “về cơ bản trách nhiệm, quyền hạn đó sẽ được giao cho các bộ quản lý chuyên ngành, bộ quản lý tổng hợp UBND tỉnh, thành phố,” theo bản tin chinhphu.vn. 
Quyết định này có dấu hiệu đến từ hậu quả của cuộc họp Trung Ương Ðảng từ 1 đến 15 tháng 10, 2012 vừa qua mà tin tức hé lộ cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị đả kích mạnh mẽ về sự thất bại của hệ thống quốc doanh. Ðám đại gia quốc doanh lâu nay nổi tiếng “lời giả lỗ thật” nhờ được nuông chiều, lấy những khoản tiền khổng lồ của nhà nước đầu tư bừa bãi đủ mọi thứ ngành nghề ngoài phạm vi chuyên môn. Ðặc biệt những khoản tiền rất lớn được các tập đoàn điện lực, tập đoàn đóng tàu, tổng công ty tàu biển, than đá, v.v... đổ vào xây dựng biệt thự, chung cư. Nhà bán không được, không có tiền trả nợ ngân hàng dù là tiền lời. Nay cả đám từ ngân hàng đến con nợ là các đại gia quốc doanh đều đang kẹt. 
Một số tiền không nhỏ của những khoản đầu tư này chui vào túi tham của các quan dưới hình thức “lại quả” cho những chữ ký thuận. 
Ngày 25 tháng 10, 2012, báo Thanh Niên có bản tin Thanh tra Bộ Xây Dựng “đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị lên thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân HÐQT và Ban Giám Ðốc PVN khi ban hành các văn bản chỉ thị cho các đơn vị cấp dưới chỉ định thầu trái với luật đấu thầu.” 
Theo bản tin này, Thanh tra Bộ Xây Dựng CSVN công bố một bản kết luận khi tới thanh tra dự án xây dựng nhà máy sản xuất ống thép của Tập Ðoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) thì thấy nó “không thuộc danh mục các dự án được phê duyệt quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2012, định hướng 2025 của Thủ tướng Chính phủ.” Nói khác dự án này đã được PVN tự ý thực hiện “vượt thẩm quyền cho phép.” Ðủ mọi mặt từ thiết kế đến xây dựng và kế toán đều “có nhiều sai phạm” mà không ai không hiểu các quan tìm cách chấm mút, rút ruột. 
Những gì xảy ra tại PVN cũng đã thấy xảy ra ở Vinashin, Vinalines mà ông Nguyễn Tấn Dũng là người có thẩm quyền cao nhất. Tất cả các dự án lớn nhỏ ở Việt Nam dù là quốc doanh hay cấp nhỏ ở một thôn làng đều là các cơ hội để các quan chia nhau ăn bẩn. 
Trước rất nhiều lời tố cáo quan chức PVN làm bậy, ông Vũ Ðức Ðam cho hay một hội đồng kỷ luật được thành lập và sẽ đưa ra kết luận trong tháng 11. 
Một vấn đề nhức nhối khác đang là nỗi khó khăn cho chế độ Hà Nội là nợ xấu nằm trong hệ thông ngân hàng thương mại, gồm cả các ngân hàng quốc doanh, rất lớn. Con số nợ xấu ước lượng trên 200,000 tỉ đồng hiện chế độ Hà Nội chưa biết đối phó ra sao, chỉ mới thấy ông Vũ Ðức Ðam nói Ngân Hàng Nhà Nước CSVN “đang lên phương án về quy mô cụ thể của công ty và các nguồn vốn huy động, nhưng chắc chắn Nhà nước sẽ không lấy tiền ngân sách trả nợ thay doanh nghiệp.” 

Từng có những dự đoán của giới chuyên viên quốc tế cho rằng chế độ Hà Nội sẽ phải cầu cứu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho vay để giải quyết nợ xấu. Tuy vậy, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã phủ nhận điều đó. 

Tuy ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không còn nắm trực tiếp trọn quyền sinh sát đối với 11 tập đoàn và 10 tổng công ty quốc doanh lớn nhất của chế độ nhưng nó vẫn còn nằm trong vòng tay của chính phủ. Ông chỉ bớt đi phần chỉ huy trực tiếp mà như vậy vẫn không mất đi phần ảnh hưởng. 

Ngày 26 tháng 10, 2012, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ CSVN đại diện đọc một tờ trình tại Quốc Hội về một dự luật sửa đổi Luật Phòng Chống Tham Nhũng. Cái chính yếu trong dự luật sửa đổi này là chuyển quyền “chỉ đạo” chống tham nhũng từ tay ông thủ tướng sang tay ông tổng bí thư đảng.

Sự sửa đổi là hậu quả của cuộc họp Trung Ương Ðảng mà ông thủ tướng bị quy cho sự thất bại của các chính sách kinh tế tài chính buộc ông phải “nhận trách nhiệm chính trị.” 

Việc mất quyền “lãnh đạo” chống tham nhũng đến giảm bớt quyền hạn chỉ huy đám quốc doanh của ông thủ tướng cho hiểu ông Nguyễn Tấn Dũng bị mất bớt uy thế và hậu thuẫn trong đảng. Các chính sách và kế hoạch của chính phủ ông sẽ bị phe phái chống đối trong nội bộ đảng CSVN soi mói nhiều hơn. 
(Người Việt)

Không có nhận xét nào: