Pages

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Nhật Bản đánh bài ngữa với Trung Quốc ở biển Hoa Đông


  • Hoàng Huy và Đinh Ngọc Khánh
Nhật Bản đánh bài ngữa với Trung Quốc ở biển Hoa Đông
Hoàng Huy và Đinh Ngọc Khánh xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới để mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến chuyện Nhật Bản đánh bài ngữa với Trung quốc ở biển Hoa Đông. Kính mời quý thính giả theo dõi qua sự trình bày của Hoàng Huy và Đinh Ngọc Khánh.
Vào thượng tuần tháng 9/2012, phong trào bài Nhật ở Hoa lục bộc phát mạnh trước việc chính quyền Tokyo muốn quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) một cách bất hợp pháp vì đó là khu vực hạch tâm quyền lợi ( lợi ích cốt lõi) của Trung quốc. Bắc Kinh không dám nói thẳng đó là lãnh thổ bất khả xâm của Trung quốc nên mới sử dụng thuật ngữ này. Để gia tăng áp lực với Tokyo, Bắc Kinh đã làm ngơ cho người dân của họ xuống đường bài Nhật, lúc đầu những cuộc biểu tình này diễn ra trong tầm kiểm soát của chính quyền, nhưng qua các ngày sau đã lan rộng khắp 108 tỉnh thành và các đô thị lớn, không một cuộc biểu tình nào dưới 1 vạn người, vượt khỏi sự tưởng định của nhà cầm quyền. Những người biểư tình kéo đến bao vây Đại sứ quán, tòa Tổng lãnh sự Nhật, một số xông vào đập phá và hôi của tại nhiều cơ sở làm ăn của người Nhật ở Hoa lục. Như đổ dầu thêm vào lửa, Cục Hải dương Trung quốc còn cho báo đài của họ hay rằng kể từ ngày 17/09/2012, lệnh cấm đánh cá ở vùng biển Điếu Ngư / Senkaku đã mãn hạn nên sẽ có trên 1000 tàu đánh cá Trung quốc kéo đến vùng biển này hành nghề. Họ làm như vùng biển đảo này là của mình giống như chủ trương Hoàng Sa & Trường Sa là của Trung quốc chứ không phải của Việt Nam nên ngư dân Trung quốc có quyền đến đó đánh cá khi được chính quyền Bắc Kinh cho phép.

Khác với sự việc gần 9000 tàu đánh cá Trung quốc đồng loạt kéo đến vùng biển Đông (đặc biệt xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam) vào trưa ngày 01/08/2012 để giăng câu, thả lưới một cách trái phép theo lịnh của Bắc Kinh, nhưng chỉ bị chính quyền Hà Nội phản đối chiếu lệ, thì lần này Tokyo ra thông báo cho hay bất cứ tàu bè nào của Trung quốc được cảnh cáo là đang xâm phạm lãnh hải của Nhật mà không ra thì sẽ bị lực lượng tuần duyên sử dụng biện pháp mạnh (ai muốn hiểu nghĩa mấy chữ biện pháp mạnh này là có thể bắn, chắc cũng không sai). Sau thông báo này, người ta thấy lực lượng tuần duyên Nhật được tăng cường canh giữ xung quanh vùng quần đảo Senkaku, tàu chiến, phi cơ của lực lượng Tự vệ đội Nhật được điều động đến nhiều hơn ở vùng biển đảo này để sẵn sàng tiếp ứng cho lực lượng tuần duyên.
Đúng vào lúc Nhât Bản chuẩn bị đối ứng với 1000 tàu đánh cá Trung quốc thì có chuyến công du Tokyo của ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, để hội đàm với các quan chức cao cấp của Nhật. Mặc dù Hoa Kỳ giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật và Trung quốc, nhưng Senkaku sẽ được Hoa Kỳ bảo vệ theo tinh thần Hiệp ước Bảo an Mỹ-Nhật. Chính vì lẽ đó mà vào hôm 17 tháng 9 vừa qua, tại Tokyo, ông Leon cho biết đã chỉ thị cho quân đội Mỹ trú đóng ở Nhật phải liên lạc thường xuyên với lực lượng tuần duyên Nhật nhằm đối ứng với mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ còn cho biết thêm là Mỹ vừa mới trang bị thêm một dàn radar X Band trên tàu chiến của họ ở Nhật để chống tên lửa.
Nếu 1000 tàu đánh cá Trung quốc xuất phát từ cảng Thạch Phố vào ngày 18/09 theo như những gì mà báo đài ở Hoa lục loan thì một ngày sau sẽ có mặt ở vùng quần đảo Senkaku, nhưng ngày 19 rồi ngày 20 và những ngày kế tiếp chẳng thấy bóng dáng một tàu đánh cá nào của Trung quốc ở khu vực này, ngoại trừ 5 chiếc tàu Ngư chính của Trung quốc đang lãng vãng ở hải phận quốc tế quanh đảo Senkaku gọi là để bảo vệ cho 1000 tàu cá sẽ kéo đến.
Những tổ chức bài Nhật ở Hồng Kông cũng dự định vào cuối tháng 9 này sẽ tìm cách leo lên đảo Senkaku thêm một lần nữa, nhưng thấy thái độ của Nhật quá cương quyết nên hơi rét nên vào ngày 20/09/2012 tuyên bố rằng không cần thiết phải đến đảo Senkaku nữa vì sẽ có cả 1000 tàu đánh cá Trung quốc đến đó để phản đối Nhật muốn quốc hữu hóa hòn đảo này.
Những người Đài Loan chống Nhật, đợi hoài không thấy 1000 tàu cá Trung quốc đến Điếu Ngư nên lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh rằng chỉ nói chứ không dám hành động, rung cây nhát khỉ kiểu này thì Nhật Bản không sợ đâu. Nói là làm, những người Đài Loan này đã thuê 60 tàu đánh cá đến quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), nhưng đến nơi thì chỉ lãng vãng ngoài hải phận quốc tế chứ không dám xâm phạm vào lãnh hải của Nhật.
Thật ra trước đây lực lượng tuần duyên của Nhật cũng đủ sức bảo vệ biển đảo của họ, nhưng Bắc Kinh vẫn không hề từ bỏ ý đồ xâm lược vùng biển Hoa Đông, nay chính phủ và người dân Nhật cương quyết bảo vệ đến cùng sự toàn vện lãnh thổ của mình, cộng thêm với sự hiệp tác bảo an của Hoa Kỳ nên Trung quốc phải gờm chưa dám động thủ, thế mới biết sự quyết tâm quan trọng vô cùng. Điều này chỉ có ở trong tâm khảm người dân Việt Nam chứ không có trong đầu lãnh đạo đảng CSVN vì vậy nên biển đảo của ta đã và đang bị bá quyền phương bắc chiếm dần, chiếm dần....Nếu chính quyền Cộng sản cứ còn ngự trị đất nước thì bao giờ chúng ta mới có thể lấy lại Hoàng Sa & Trường Sa đây, hởi Mẹ Việt Nam.
Vì sao Bắc Triều Tiên phải triệu tập Hội nghị Nhân dân Tối cao ?
Hết việc làm rồi hay sao mà Bắc Triều Tiên phải triệu tập Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) chỉ để quyết định thay đổi thời gian học hành hệ trung, tiểu học phổ thông từ 11 năm thành 12 năm. Kính mời quý thính giả lắng nghe qua sự tóm lược của Hoàng Huy và Đinh Ngọc Khánh.
Gần cả tháng trước, chính quyền Bình Nhưỡng đã loan báo cho hay Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) sẽ nhóm họp vào ngày 25 /09/2012. Đây là điều dị thường vì hàng năm Quốc hội của nước này chỉ nhóm họp một lần mà lần mới nhất là vào tháng 4 vừa rồi. Vì không nói rõ lý do tại sao năm nay Quốc hội phải nhóm họp lần thứ hai nên các quan sát viên lẫn bình luận gia về tình hình bán đảo Triều Tiên đoán non, đoán già rằng họp để quyết định về đường lối cải cách kinh tế. Việc dự đoán này là căn cứ trên những diễn tiến xảy ra trong thời gian gần đây, trước hết là vào ngày 28/06/2012 chính quyền Bình Nhưỡng đã gởi một thông đạt cho các Bộ, các Ngành để giải thích về đường hướng cải cách kinh tế trong thời gian sắp tới (Thông tư này còn gọi là đường hướng 6-28); kế đến là chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Kim Yong Nam (Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên) vào đầu tháng 8/2012 để tìm hiểu thêm về hệ thống kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và mới đây nhất vào ngày 14 tháng 8 là chuyến thăm Trung quốc của ông Trương Thành Trạch (chồng bà cô Kim Chính Ân) để yêu cầu Bắc Kinh yêu cầu hợp tác kinh tế trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế.
Trong ngày khai mạc Hội nghị, người ta thấy có sự hiện diện của tân lãnh tụ trẻ Kim Chính Ân nên ai cũng nghĩ sẽ đưa dự án cải cách kinh tế ra để cho thông qua, thế nhưng chương trình hội nghị chỉ có hai vấn đề được đem ra nói đó là việc thay đổi thời gian học hành hệ trung, tiểu học phổ thông từ 11 năm thành 12 năm và vấn đề tổ chức giáo dục. Chủ tịch Quốc hội, ông Thôi Thái Phúc, đã dành nhiều thời giờ của Hội nghị để trình bày việc phải đào tạo cho học sinh về khả năng sinh ngữ, điện toán bên cạnh các môn toán, lý hóa để đưa đất nước trở thành một quốc gia tiến bộ về mặt kỹ thuật theo như sự chỉ đạo của lãnh tụ Kim Chính Ân.
Mặc dù trong mấy ngày hội nghị, không thấy nhắc đến chuyện cải cách kinh tế, nhưng các quan sát viên vẫn hy vọng nó sẽ được đưa ra vào phút chót để tạo sự ngạc nhiên, thế nhưng đến ngày cuối hội nghị vẫn không thấy đem ra bàn, coi như chẳng có gì cả.
Theo các bình luận gia thì Bắc Triều Tiên đang đói nên không thể bỏ tiền, bỏ bạc ra để tổ chức họp Quốc hội chỉ để cho thông qua hai vấn đề không quan trọng mấy, chuyện này chỉ cần một quyết định của bộ Giáo dục là đủ, phải có một ẩn trắc nào đó vào phút chót nên trở tay không kịp. Ẩn trắc này có thể là do Bắc Kinh đòi thêm quyền lợi khi giúp Bắc Triều Tiên cải cách kinh tế.
Nếu có trách thì trách Bình Nhưỡng không chịu mở cửa giao tiếp với các nước Tây phương để phát triển kinh tế, chứ không thể trách họ bỏ ngang đường hướng phát triển kinh tế thị trưòng theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam hay Trung quốc mà thực chất bị Bắc Kinh chi phối gần như toàn diện.
Đến đây đã chấm dứt tiết mục Từ Á Sang Âu, Hoàng Huy và Đinh Ngọc Khánh và xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớ đón nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 ki lô chu kỳ của đài Chân Trời Mới.

Không có nhận xét nào: