Pages

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Ông Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận thất bại trong chính sách kinh tế

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
(Ảnh chụp 31/10/2011) REUTERS

Hôm nay, 22/10/2012, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận trách nhiệm về những sai lầm và thất bại trong chính sách phát triển kinh tế, những yếu kém, không hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã buộc phải thừa nhận những sai lầm, thất bại về kinh tế, vài ngày sau khi Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc. Trong Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét phần phê và tự phê của từng Ủy viên bộ Chính trị, đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng. Giới phân tích cho rằng, tuy không bị kỷ luật và vẫn giữ được chiếc ghế thủ tướng, uy tín và quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị suy yếu, sau Hội nghị Trung ương 6.

Theo AFP, ông Nguyễn Tấn Dũng, được coi là gần gũi với giới kinh doanh và tài chính Việt Nam, đã bị đánh giá là phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng kinh niên, lan tràn, về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng với các khoản nợ xấu chồng chất, về việc làm ăn thua lỗ nghiêm trọng, sụp đổ của một số tập đoàn lớn của Nhà nước mà chính ông là người đã chủ trương xây dựng và phát triển.
Tại Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng nói : « Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của nguời đứng đầu chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ».
Thủ tướng Việt Nam cũng thừa nhận « những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Một số đơn vị điển hình là Vinashin, Vinalines đã sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế Nhà nước ».
Thủ tuớng Việt Nam khẳng định là ông và các thành viên trong chính phủ « đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm » và hứa là « chân thành, cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc » để sửa chữa các khuyết điểm.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ trích các website và blog đã đưa ra « các thông tin sai lạc và không khách quan », yêu cầu phải có những biện pháp hiệu quả trừng phạt những người lợi dụng internet để phá hoại đất nước.
Giữa tháng Chín vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị yêu cầu xử lý một số blog « đăng tải những thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước », mà chủ yếu là nhắm vào thủ tuớng và những người thân cận với ông. Văn bản này cũng cấm cán bộ Nhà nước xem và phổ biến những thông tin trên các blog này.
Trong bối cảnh này, báo chí trong nước đưa tin là công an bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, để điều tra trong vụ « hủy hoại tài sản tại đầm ông Vươn ».
Vụ việc này nằm trong khuôn khổ vụ cưỡng chế khu đầm lầy của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Một số người thân trong gia đình ông Vươn đã nổ súng chống lại đoàn cưỡng chế. Sau đó, nhà cửa và vườn tược của những người thân trong gia đình ông Vươn, không nằm trong diện trưng thu, đã bị tàn phá. Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ việc phá hoại tài sản công dân từ tháng Hai, nhưng đến nay mới bắt tạm giam ông Khanh, người chỉ huy cưỡng chế.
Điều trớ trêu là chính gia đình ông Vươn đã đề nghị chính quyền hủy bỏ, hoặc giảm nhẹ kỷ luật đối với ông Khanh vì ông đã từng phản đối việc cưỡng chế trưng thu đất đai của gia đình họ.

Không có nhận xét nào: