Pages

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Perestroika và những bài học đáng giá


Hiệu Minh


Hội nghị Trung ương 6 ĐCS VN đang thảo luận “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay”, tôi chợt nhớ đến perestroika của nước Gorbachev cách đây 30 năm về trước.

Do những vấn đề tế nhị và trong bối cảnh nhậy cảm hiện nay, đề nghị bạn đọc phản hồi một cách xây dựng. Chúng ta đều mong những thay đổi tốt đẹp cho cả lãnh đạo và người dân.
220px-rian_archive_850809_general_secretary_of_the_cpsu_cc_m-_gorbachev_crop.jpg?w=186&h=236
Gorbachev thời oanh liệt. Ảnh: Wiki
Cải tổ Đảng CS Liên Xô – chậm quá hóa hỏng

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Jonathan Steele tháng 11-2011 (báo The Guardian), Gorbachev từng hối tiếc sao không từ bỏ ĐCS sớm hơn. Ông thừa nhận 5 sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, sự ra đi của chính ông và cũng đưa nước Nga hỗn loạn trong thời gian dài, một số thành tỷ phú trong lúc hàng triệu người khác rơi vào cảnh lầm than.

Điều ăn năn nhất của ông là “Tôi đã cố gắng quá lâu để đổi mới đảng Cộng sản.”, làm trật đường ray con đường perestroika do chính ông đặt ra. Cải tổ, chỉnh đốn mà làm quá lâu thì khó thành công.

Có một người khác giúp cho Liên Xô sụp đổ, đó là Yeltsin rất thân cận của Gorbachev, người từng đấu tranh không khoan nhượng với những đặc quyền đặc lợi của những người trong đảng, chống tham nhũng đến cùng.

Lúc làm Thị trưởng Moscow, Yeltsin từng đi metro, đi xe bus, vi hành và nói chuyện với dân thường. Chính mắt ông chứng kiến cảnh mua bán trao tay tại các cửa hàng phân phối, người ta ăn hối lộ và lại quả một cách trắng trợn.

Yeltsin sa thải hàng loạt cán bộ dưới quyền ở Moscow và quyết tâm nói không với nạn tham nhũng. Gorbachev rất mừng vì có một người dám nghĩ dám làm.

Tuy nhiên, khi Yeltsin định tấn công vào Trung ương ĐCS và BCT thì Gorbachev đã tỏ ra bất đồng.

Trong hồi kí của mình, Yeltsin viết “Gorbachev sợ sờ vào bộ máy quan liêu ĐCS, nơi được gọi là nơi bất khả xâm phạm.”

Yeltsin có lòng tin mãnh liệt khi gia nhập ĐCS “Tôi đã chân thành tin tưởng vào các lý tưởng về sự công bằng do đảng tuyên truyền, và cũng có cảm giác ấy khi gia nhập đảng, nghiên cứu toàn bộ các hiến chương, các chương trình và các giáo điều, đọc lại các tác phẩm của Lênin, Marx và Engels.”

ussr_stamp_perestroyka1_1988_5k.jpg?w=300&h=148
CCCP – perestroika
Nhưng khi ở trong bộ máy một thời gian thì chính Yeltsin lờ mờ hiểu mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản chính là sự bảo thủ, nạn tham nhũng, quan liêu đã mọc rễ từ rất lâu trong nội bộ.

Phong trào dân chủ và cách mạng mầu ở Đông Âu hay sự khích bác của phương Tây chỉ là chất xúc tác rất nhỏ đối với người Nga.

Một người muốn thay đổi triệt để thì không đủ sức, người kia có quyền lực lại thay đổi nửa vời. Cuối cùng, cả hai bị cuốn vào một cuộc chiến giành quyền lực để hành động theo ý mình.

“Dịp may” đã đến với cả hai. Cuộc đảo chính tháng 8-1991 do phe cứng rắn trong ĐCS Liên Xô đã biến Yeltsin thành anh hùng cứu đất nước Nga và Gorbachev thành người ngoài cuộc.
Liên Xô sụp đổ do người dân tự quyết định lấy vận mệnh của mình, sự lựa chọn đến từ đường phố mà ngay cả Gorbachev, Yeltsin và dân Moscow không ngờ tới. Một sự hoán đổi quyền lực lạ lùng ngay cả những đạo diễn chính trị lừng danh khó nghĩ đến.

Yeltsin bước vào cái bẫy của quyền lực

Rất đáng tiếc, khi ngồi vào ghế quyền lực thì Yelsin lại sai lầm trong điều hành đất nước, kinh tế thảm họa, lạm phát tăng cao, tham nhũng hoành hành, chính bàn tay ông cũng vấy bẩn.

Dân chúng tự hỏi, tiền ở đâu mà gia đình Yeltsin sở hữu hai thuyền buồm tốc độ cao với giá 450.000 USD, một biệt thự tại Pháp trị giá 11 triệu USD. Cháu trai du học tại Anh Quốc với chi phí 25.000 USD/năm.

Ông phạm luật khi chỉ định con gái ông, Tatyana Dyachenko, một người lập chương trình máy tính, trở thành cố vấn tổng thống năm 1996, một sự nhạo báng quyền lực
boris_yeltsin-2.jpg?w=178&h=268
Yetlsin từ chức ngày 31-12-1999.
 Những điều Yeltsin chống ngày xưa thì sau đó chính ông mắc phải. Thứ quyền lực tuyệt đối của ông bị tha hóa vì không có ai kiểm soát nổi Tổng thống nát rượu.

May mắn cho nước Nga vì chính cô con gái Tatyana, người chuyên về IT hiểu tính logic của thời cuộc, đã khuyên bố từ chức.

Yeltsin nhường quyền cho Putin vào đầu năm 2000 khi thế giới bước sang thế kỷ và thiên niên kỷ mới. Người Nga mất thêm 10 năm để tìm ra lối rẽ khác.

Bài học cho Việt nam

BCH TƯ ĐCS VN đang họp khẩn và quyết định những điều hệ trọng. Bối cảnh Liên Xô hay nước Nga sau này không giúp gì Việt Nam, nhưng có vài bài học bổ ích rút ra từ quá khứ.
Gorbachev cải cách nửa vời và chậm đã thất bại. Đợi lúc dân tự quyết định vận mệnh của chính họ trên đường phố thì không phải là giải pháp tốt nhất, tác giả perestroika và không ít người mong muốn.

Yeltsin thắng nhưng sau đó lại bị chính cái bẫy quyền lực hãm hại. Nước Nga rơi vào hỗn loạn một thời gian dài.

Chính trị gia hiểu thời cuộc thì sẽ giúp cho chính họ và hàng trăm triệu người.

Đừng để như Gorbachev hối hận “giá như ra khỏi ĐCS sớm hơn”, rồi ngồi than thảm trạng nước Nga sau này.

Còn Yeltsin trước khi thoái vị đã thỏa thuận với Putin không động đến gia đình ông vì lạm quyền, dối trá và tham nhũng.

Trong bài phỏng vấn, tay nhà báo The Guardian còn viết xỏ xiên về lễ sinh nhật thứ 80 của Gorbachev tại Royal Albert Hall. Một nhóm các ca sĩ lập dị như Shirley Bassey, Paul Anka, Melanie C, Scorpions, đã chơi cho ông nghe. Ít người chăm chú nghe.

Khi Gorbachev hát một bản tình ca Nga thì hàng ngàn khán giả mê mẩn giọng trong veo của nhà chính trị về vườn trong vai ca sĩ.

Jonathan Steele thú nhận là không biết Gorbachev có thể hát một cách tuyệt vời và có tài năng tiềm ẩn.
Gorbachev cười. “Nếu cần tôi sẽ trở thành một ca sĩ nhạc pop,” ông nói. “Raisa thích khi tôi hát.”

Gorbachev đã có lý. Cải cách chính trị nửa vời thì nên về đuổi gà và hát cho vợ nghe khi nấu bếp.

10-1-2012

Hiệu Minh

(Blog HM)

Không có nhận xét nào: