Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Quốc Hội VN đối mặt với kinh tế khó khăn, đấu đá nội bộ


(NV) - Quốc Hội VN bắt đầu họp khóa cuối năm, bắt đầu từ ngày Thứ Hai, 22 tháng 10, giữa những khó khăn kinh tế chồng chất và đấu đá trong nội bộ đảng biểu lộ ở chóp bu quyền lực.

Quốc Hội CSVN gồm đại đa số là các đảng viên cao cấp trong đảng CSVN lại đồng thời nắm các chức vụ cao nhất trong guồng máy nhà nước. Giới truyền thông quốc tế gọi Quốc Hội Hà Nội là con dấu cao su (rubber stamp) của đảng CSVN.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), “Khóa họp dự trù chỉ kéo dài một tháng đến ngày 22 tháng 11, 2012.”

Một số luật người ta muốn có như Luật Biểu Tình, sửa Luật Lao Ðộng đã lỗi thời thì không thấy đụng chạm tới, trong khi Luật Ðất Ðai cũng đã lỗi thời chỉ được đưa để “cho ý kiến” chứ chưa biết sẽ thông qua hay không.

Cuộc họp Trung Ương Ðảng hai tuần lễ mới kết thúc ngày 15 tháng 10, 2012 vừa qua là tiền đề cho kỳ họp Quốc Hội lần này để lại nhiều sự thất vọng cho những ai muốn nhìn thấy có sự thay đổi trong cách suy nghĩ của những kẻ cầm đầu đảng CSVN. Người ta chỉ thấy xuất hiện những lời ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đả kích kịch liệt các sự tồi tệ của “đồng chí X,” mà ai cũng hiểu là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo bản tin TTXVN hai vấn đề sẽ có trong nghị trình họp Quốc Hội CSVN sắp tới là thảo luận về “Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc Hội, Hội Ðồng Nhân Dân bầu hoặc phê chuẩn” và “Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992.”

Quốc Hội CSVN tuy Hiến Pháp định nghĩa là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” nhưng lại có cái đảng CSVN cưỡi trên đầu nên luôn luôn được hiểu là chỉ làm nhiệm vụ tay sai, thực hiện các quyết định của đảng thông qua chính phủ.

Bà Ðặng Thị Hoàng Yến, một nữ đại biểu bị gạt ra khỏi Quốc Hội CSVN giữa năm vừa qua trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 4 tháng 10, 2012 có một nhận xét bẽ bàng là “người ta” (tức đảng) chỉ “thích những con cừu” chứ không phải là những người đóng góp phản biện, đả kích những sai trái hay đưa ra các kế hoạch ích nước lợi dân.

Chuyện sửa lại bản Hiến Pháp CSVN đã được nói nhiều từ đời chủ tịch Quốc Hội khóa trước, nhưng đến nay, những gì chế độ Hà Nội muốn sửa lại, không phải là cái người dân thực sự muốn. Không hề thấy chế độ Hà Nội bỏ điều 4 dành độc quyền cho đảng CSVN cưỡi trên đầu nhân dân. Nhân dân tuy là “chủ” đất nước nhưng cái đảng độc tài này tuy là “đầy tớ nhân dân” lại có quyền bỏ tù nhân dân khi phản đối các trò cướp ngày của đảng. Dùng quyền tự do báo chí, tự do phát biểu như bản Hiến Pháp công nhận thì lại bị bỏ tù vì “tuyên truyền chống nhà nước.”

Chủ tịch đảng, chủ tịch nước, thủ tướng, tướng lãnh quân đội và công an, các bộ trưởng, tỉnh ủy, chủ tịch “Ủy Ban Nhân Dân” các tỉnh cũng đều là “đại biểu Quốc Hội.” Báo chí quốc tế đều gọi Quốc Hội CSVN là con dấu cao su (rubber stamp) của Ðảng CSVN chứ không phải là một cơ quan lập pháp theo đúng nghĩa của các nước dân chủ theo đúng nguyên tắc phân quyền hoàn toàn giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nền kinh tế Việt Nam hướng về xuất cảng bị điêu đứng một phần vì sự suy thoái toàn cầu nhưng lỗi chính ở các chính sách kinh tế tài chính sai lầm dựa trên nguyên tắc tư bản bè đảng, chia chác quyền lợi giữa những kẻ cùng phe phái trong đảng.

Quốc Hội CSVN, theo TTXVN, ngày Thứ Hai tới đây sẽ “nghiên cứu, thảo luận về các báo cáo của chính phủ” về thực hiện các chương trình kế hoạch kinh tế xã hội nhưng trong vai trò “con dấu cao su” thì chỉ có những lời phát biểu chiếu lệ ra cái vẻ “đại biểu nhân dân” mà chẳng có tác dụng gì.

Hơn 80,000 xí nghiệp lớn nhỏ hoặc đã phá sản, hoặc “chết lâm sàng” tức chết mà không khai báo trong năm qua. Vụ bắt giữ một số ông cầm đầu ngân hàng Á Châu được ngầm hiểu lũng đoạn thị trường tài chính, tay chân của ông thủ tướng. Vụ bắt giữ Dương Chí Dũng, cục trưởng Cục Hàng Hải về những tội lỗi của ông này khi còn nắm tổng công ty tàu biển Vinalines. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng được báo cáo chưa tới 10% nhưng giới chuyên viên quốc tế ước tính lên tới 20% chỉ vì cho đám quốc doanh vay bừa bãi vào các dự án đầu tư địa ốc.

Những vụ này liên tiếp xảy ra sau khi tai tiếng tập đoàn đóng tàu Vinashin làm cho ông thủ tướng bị vạch mặt chỉ tên trong cuộc họp Trung Ương Ðảng vừa diễn ra và có thể ảnh hưởng nhiều đến cơ hội của ông leo lên ghế tổng bí thư đảng CSVN ở kỳ đại hội đảng vào năm 2015.

Quốc Hội CSVN không có thực quyền nên sẽ không đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước ngoài sự “nhất trí” với đảng và nhà nước mà cũng là chính các ông tay trái “nhất trí” với tay phải để hệ thống truyền thông của đảng và nhà nước tuyên truyền.

Sự thật về những khó khăn của đất nước và sự thất bại của các chính sách sai lầm của đảng và nhà nước mọi mặt sẽ tiếp tục bị che giấu.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: