Pages

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Tinh Thần Thượng Tôn Luật Pháp


Đỗ Kim Thêm.



 
Vấn đề
Luật pháp là một hệ thống quy định trật tự xã hội, mà cụ thể là giải quyết các tranh chấp, đề ra các hoạt động hợp pháp, hợp pháp hoá về hình thức và nội dung các quyết định của cơ quan nhà nước, tạo những kế hoạch chung cho mọi sinh hoạt và trừng phạt những vi phạm luật pháp. Nếu mọi người cùng ý thức tuân thủ và chính quyền thực hiện tốt được các chức năng kiểm soát thì luật pháp trở thành phương tiện đem lại hội nhập và bình an cho xã hội. Đây là một khái niệm mà cũng là lý tưởng mà mọi người mơ ước.

Luật pháp tại Việt Nam là một thực trạng bi quan, vì luật đã ban hành quá nhiều, nhưng chính quyền không gương mẩu áp dụng, dân chúng không quan tâm tìm hiểu, kể cả luật giới cũng không nắm bắt được vì chuyên môn hoá cao độ và chồng chéo nhau. Nếu giáo dục xuống cấp, đạo đức suy đồi và vô cảm lan rộng là nguyên nhân thì tội phạm lại tăng cao và trật tự xã hội không thể duy trì là hậu quả. 

Với một lạc quan rất dè dặt chúng ta tin là có một thiểu số người đang và sẽ không vi phạm pháp luật, vì họ được thụ hưởng đạo đức tôn giáo và giáo dục gia đình và mối quan hệ giửa đạo đức cá nhân và xã hội này vẫn còn nằm truyền thống văn hoá của người Việt. Ý thức chấp pháp của một thiểu số đáng vinh danh này cũng là khởi điểm để chúng ta cùng suy luận về một cho tương lai: Nếu cá nhân ý thức giá trị của luật  pháp và phát triển thành một loại văn hoá để tuân thủ, thì hiệu ứng lan toả sẽ tạo thành tinh thần thượng tôn luật pháp cho xã hội.

Vậy tinh thần thượng tôn luật pháp là gì, nó đến từ cá nhân hay xã hội, và ai có thể tác động làm phát triển và trong những điều kiện nào, đó là những chủ đề sẽ được thảo luận sau đây.  

Thuật ngữ

Khoa luật có ba phạm vi chủ yếu. Thứ nhất liên hệ đến các phạm trù triết học, bàn tổng quát về  lý thuyết, thí dụ như khái niệm công bình, dân chủ, nhân quyền, tự do và phân phối. Phương cách tiếp cận này nhằm đề ra mục tiêu theo đuổi và lý giải tại sao phải làm luật mà không đi sâu vào  chi tiết kỷ thuật lập pháp.

Thứ hai là thực hiện chính sách lập pháp. Làm luật là nhằm đề ra những quy phạm để áp dụng trong xã hội, đó là các luật mang hình thức và nội dung cấm đoán. Luật pháp được soạn thảo theo trình tự và kỷ thuật quy định thành văn bản ghi rỏ thủ tục và nội dung để giải quyết vấn đề cụ thể.

Thứ ba là mô tả và giải thích tác dụng cuả luật pháp trong thực tại xã hội, mà người Việt có thói quen diễn đạt là đưa luật pháp đi vào cuộc sống, một khiá cạnh nghiên cứu thuộc về xã hội học luật pháp, công việc chủ yếu của các nhà tội phạm học, tâm lý trị liệu và tâm lý xã hội học. Qua phương cách tiếp cận này thì tìm hiểu về hiệu năng cuả luật pháp dựa trên kinh nghiệm chấp pháp là mục tiêu và tinh thần thượng tôn luật pháp là phương tiện.

Tinh thần thượng tôn luật pháp là một thuật ngữ được sử dụng rộng rải trong luật giới miền Nam trước đây và không liên hệ đến nhà nước pháp quyền, một khái niệm chỉ có sau ngày Đổi Mới và đang gây nhiều tranh luận hiện nay mà có hai chủ điểm là nội dung và dịch thuật cần phân biệt.

Về nội dung thì nhà nước pháp quyền (Rechtsstaatsbegriff) là một học thuyết thuộc luật hiến pháp của Đức nhằm đề cao tính cách tối thượng của hiến pháp và luật pháp mà chính nhà nước cũng phải tuân thủ. Liên Xô đã vận dụng và dịch thành Pravovoe gosudarstvo. Việt Nam khi đổi mới đã du nhập cuả Liên Xô và cải biên thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghiã (NNPQXHCN), vì vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường XHCN. Do bối cảnh này mà thành hình khái niệm.

Trên lý thuyết, Đảng xây dựng nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ. Trong thực tế, Đảng đặc biệt tôn trọng vai trò doanh giới do tư bản thân tộc vây quanh và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế, một hình thức tư bản nhà nước. Nghịch lý này còn kéo dài trong khi lý thuyết chuyên chính NNPQXHCN vẫn chưa hoàn chỉnh.

Khi dịch thuật NNPQXHCN, Việt Nam lại dùng Rule of Law của Anh ngữ để diễn đạt, một khái niệm nằm trong một bối cảnh văn hoá, lịch sử và truyền thống khác hẳn. Rule of Law là một học thuyết trong luật học, không phải là một quy phạm luật pháp cụ thể, không có định hướng ý thức hệ chính trị hay là một công cụ cho nhà nước, mà là phương tiện kiểm soát và phải được tất cả tôn trọng, kể cả Đảng cầm quyền. Dịch Rule of Law là NNPQXHCN là một sai lầm mà có thể tạm dịch là tinh thần thượng tôn pháp luật. Thuật ngữ này có hai phạm vi riêng biệt, một thuộc luật hiến pháp và hai thuộc xã hội học luật pháp.

Để tìm hiểu vấn đề tinh thần trọng pháp, tiểu luận này sẽ thảo luận về mức độ vi phạm luật pháp cuả cá nhân qua khảo hướng xã hội học luật pháp và mức độ vi phạm cuả nhà nước qua luật hiến pháp.

Các mức độ vi phạm của cá nhân

Mổi xã hội đều có những cấu trúc khác nhau và tạo ra một loại giá trị hay mục tiêu chung. Luật pháp là một loại giá trị văn hoá nằm trong khuôn khổ chung của xã hội và sự phát triển nhân cách cá nhân là do giáo dục gia đình và xã hội tạo thành. Tùy theo từng giai đoạn phát triển xã hội mà cá nhân đề ra những giá trị khác nhau và coi là mục tiêu riêng để theo đuổi. Luật pháp là giá trị chung vừa là phương tiện thực hiện riêng, nên mục tiêu và phương tiện phải nằm trong khuôn khổ mà xã hội cho phép, nghiả là phải hợp pháp.

Muốn thành công, bất kỳ loại thành công nào và trong bất kỳ trong xã hội nào, người ta cần phải xác định mục tiêu trong hoàn cảnh nhất định, tìm ra phương tiện thích hợp nhưng hợp pháp và nổ lực thực hiện. Nếu thành công hay thất baị là một tiêu chuẩn đánh giá cho xã hội và cá nhân, thì kết quả này đều có quan hệ mật thiết đến luật pháp,vì luật pháp cho phép và tạo phương tiện. Do đó, các nhà tội phạm học bàn đến một số thái độ đặc trưng về tinh thần trọng pháp của cá nhân.

Một người sinh ra trong một gia đình có quyền thế trong xã hội, được học hành đầy đủ, có đủ thông minh và quen biết nên mọi thăng tiến cá nhân, nghề nghiệp, gia đình và xã hội đều dể dàng. Thành công sẽ giúp cho cá nhân chấp nhận mọi giá trị xã hội trong đó có khuynh hướng tôn trọng luật pháp vì họ không có lý do bất mãn xã hội và cá nhân. Trong hoàn cảnh ngược lại, người thất bại sinh ra oán trách thân phận và bất mãn xã hội. Chuyện tuân thủ luật pháp có phần phức tạp hơn vì tùy theo mức độ cảm nhận mà sẽ có bốn loại phản ứng khác nhau:

Một là một số người thất bại có thể lập luận cứu cánh biện minh phương tiện, dùng mọi phương cách, kể cả vô đạo đức và phạm pháp để đạt mục tiêu cuả mình. Khuynh hướng của giới này cho là tuân thủ luật pháp sẽ không đạt mục tiêu. Giết người đoạt của làm phương tiện hưởng thụ và mua bằng và chạy chức để đạt danh vọng là thí dụ quen thuộc.

Hai là khi chấp nhận thất bại, một số khác lại từ bỏ mục tiêu theo đuổi và cố tìm một phương thức thích nghi nào đó cho riêng mình dù là giả tạo hay tạm thời. Không phạm pháp để mưu tìm thành công, nhưng khi họ tuân hành luật pháp, nếu có, chỉ là một vấn đề hình thức, vì không đến từ thực tâm nhận chân giá trị cao cả của luật pháp.

Ba là một số khác lại có thái độ chống đối giá trị xã hội, một phản ứng nhằm từ bỏ mọi ràng buộc trong thực tại và tìm quên trong những phương thức khác mà người nghiện rượu và ma túy là thí dụ. Đối với họ, luật pháp không có giá trị thiết thực cho cuộc sống.

Bốn là loại thái độ đối nghịch với ba thái độ trên. Dù bị thất bại, nhưng với nghị lực, một số người có thái độ chống đối và có ước mơ làm cách mạng để thay đổi cá nhân và xã hội. Họ bất mãn thường trực chính quyền và đòi hỏi thay đổi chính sách hay luật lệ. Hình thức nổi loạn bạo động hay biểu tình chống đối ôn hoà là những biểu hiện thường thấy.

Tựu chung, tinh thần thượng tôn luật pháp là phản ứng phức tạp của từng cá nhân và diễn biến khác nhau trong từng giai đoạn, tùy thuộc vào mức độ thành công hay thất bại, nhưng quan trọng nhất làm khởi điểm cho tinh thần này là sự thay đổi tâm lý và trí thức.

Điều kiện tâm lý cá nhân

Ý thức về giá trị luật pháp là một cảm nhận cá nhân mà ba điều kiện cần thiết cho sự hình thành như sau.

Tránh hậu quả trừng phạt

Nếu không chấp hành luật giao thông thì chết và bị thương là hậu quả có thể xãy ra và không đóng thuế đầy đủ và đúng lúc thì khi bị phát hiện sẽ bị tiền nộp phạt nặng hơn. Thí dụ này cho thấy ý thức về mức độ thiệt hại khi vi phạm luật pháp là chính, tránh hậu quả cuả trừng phạt là chuyện mà không ai muốn xãy ra. Cá nhân tuân thủ luật pháp là một quyết định thuần lý theo quan điểm kinh tế, một sự cân nhắc lợi hại cụ thể và không quan tâm về giá trị cao cả trong luật pháp.

Tuân theo thái độ tập thể 
Thái độ đa số sẽ ảnh hưởng đến quyết định cá nhân, kể cả tuân thủ pháp luật. Một vấn đề quen thuộc trong gia đình, trường học hay tập thể là con người có thói quen bắt chước người khác. Làm không giống ai sẽ gây nhiều ngờ vực và khó chịu, một điều cấm kỵ và không muốn mình bị cô lập trong sinh hoạt chung. Không hẳn theo quyết định kinh tế, nhưng người ta bắt chước người khác vì theo quán tính, môi trường, noi gương theo tập thể hay để duy trì mối quan hệ với tập thể. Trưởng thành trong xã hội đen thì cá nhân không có gương tốt nào để tuân thủ  luật  pháp và vấn đề giá trị luật pháp không thể đặt ra.

Cảm nhận giá trị.
Cảm nhận luật pháp có một nội dung đúng đắn và phương tiện chính đáng cho riêng mình và là giá trị cao cả chung cho xã hội có thể là một ý thức cá nhân mang thái độ độc lập. Theo quan điểm này, tuân thủ luật pháp không vì sợ bị trừng phạt, theo quyền lợi phe nhóm, thành công hay thất bại, không đến từ áp lực, tăng uy tín hay giảm thiệt hại cá nhân, mà cảm nhận giá trị là khởi điểm cho ý thức.

Điều kiện trí thức cá nhân

Tránh hậu quả bị thiệt hại kinh tế, tùng phục giá trị của tập thể và cảm nhận giá trị là những thái độ tâm lý nội tại, ngoài ra cá nhân còn cần đến điều kiện trí thức như là kiến thức, ý thức và đạo đức về luật pháp để thể hiện tinh thần trọng pháp.

Kiến thức về luật pháp.

Kiến thức là khởi điểm cho ý thức và có kiến thức về luật pháp thì mới ý thức để tuân thủ luật pháp. Trình độ dân trí và quan trí đã được thảo luận nhiều, nhưng có ba lý giải cho sự tụt hậu hiện nay.

Một là do kết quả của giáo dục từ nhiều thế hệ. Luật giới là hạt nhân để giới thiệu giá trị của luật pháp, nhưng lại bị đảo thải bởi tình thế và thời gian. Với quan điểm chuyên chính vô sản và trường Đảng quan trọng hơn trường Luật nên miền Bắc không đào tạo luật giới trong suốt thời kỳ chiến tranh và sử dụng luật giới do thực dân để lại để phục vụ chế độ. Đến khi hoà bình tái lập, luật giới miền Nam không thể phát huy kỷ năng vì muốn được yên thân và đóng cửa trường Luật là một nhu cầu để xây dựng XHCN cho cả nước.

Từ ngày Đổi Mới, mở rộng thị trường là chuyện cải cách sinh tử, thay đổi luật pháp không là nổ lực ưu tiên để tìm ra giá trị nội tại của luật pháp, mà nhằm đáp ứng nhu cầu của tình thế và chủ yếu là theo nguyện vọng của doanh giới và các định chế tài trợ, một sư gieo cấy gấp rút các mô hình luật pháp ngoại lai và là giai đoạn khởi đầu trong công cuộc xây dựng. Đến nay, các công trình nghiên cứu về NNPQXHXN chỉ là một giáo trình dành cho sinh viên, không hơn và không kém, do nhu cầu nghiên cứu không được quan tâm đúng mức và thành quả không có hiệu ứng lan toả.

Suốt nhiều thế hệ hệ thống giáo dục không có một tinh thần trọng pháp và không đào tạo những nhà văn hoá và nhà luật học có tầm vóc quốc gia và quốc tế, nên tụt hậu kiến thức luật pháp của toàn xã hội là tất yếu.

Hai là đặc điểm của luật học, một lĩnh vực ngày càng phức tạp và chi phối mọi sinh hoạt xã hội. Tình trạng này các nước đều gặp phải và Việt Nam cũng không thể khác hơn. Lập luận chung đều công nhận là luật pháp có nhiều nhưng không ai hiểu rỏ, nên việc tìm hiểu một lĩnh vực chuyên đề là không cần thiết, kể cả luật giới.

Ba là mất niềm tin về giá trị cuả luật pháp là một thực tế trầm trọng hơn. Đa số cho là luật pháp không cần thiết để giải quyết tranh chấp mà quyền lực, thân tộc và tiền cuả có thể mua luật và làm luật có lợi cho mình, một phương tiện nhanh nhất khi hữu sự. Do đó, nâng cao kiến thức luật pháp của cá nhân không được quan tâm.

Dù có những chiến dịch đề cao „Sống và làm việc theo pháp luật“ và nổ lực phổ biến những tin tức mới về sự thay đổi luật pháp, thực tế thì chỉ là phong trào nhất thời, một hình thức để đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, nên nó không đem lại ý thức sâu xa về giá trị tự tại cuả luật pháp. Một nền giáo dục tự do, nhân bản và khai phóng sẽ mang lại kiến thức này và thành quả  phải được tính bằng nổ lực cuả nhiều thế hệ để trở thành ý thức.

Ý thức về luật pháp.
Các nhà tâm lý học phân biệt có hai khái niệm khác nhau trong đời sống tâm lý con người: ý thức và cảm giác. Các luận điểm này cũng được các nhà xã hội học luật pháp áp dụng để lý giải về tinh thần thuợng tôn pháp luật.

Ý thức luật pháp là một diễn trình tâm lý, do đào tạo quy mô mà ra, có tính thuần lý vì do lý trí hướng dẩn và được đãi lọc qua thời gian. Học vấn và kinh nghiệm giúp nâng cao trình độ lý luận và khả năng phán đoán về tính hợp pháp của vấn đề. Kinh nghiệm về văn hoá luật pháp sẽ tạo một loại trực giác bén nhạy để tìm ra một lý giải ban đầu cho vấn đề và ý thức là phương tiện  rà soát lại trực giác nhầm tìm ra giải pháp đúng đắn hơn. Qua thời gian, ý thức về luật  pháp sẽ tạo nên một thái độ chung đối với pháp luật, một loại trách nhiệm cá nhân đối với xã hội, đôi khi được gọi là đạo đức. Cũng có trường hợp người hiểu luật nhưng không để tuân thủ mà tìm phương cách né tránh hậu quả vì tư lợi.

Ngược lại, cảm giác hay trực giác là những đột biến trong tư duy, có thể do phong trào hay biến cố tác động, nhưng cần kiểm chứng vì có thể không thuần lý. Tinh thần thượng tôn luật pháp đến từ ý thức về luật pháp hay bức xúc trước các bất công xã hội?

Bức xúc do cảm xúc từ lương tâm, một loại trực giác, một tâm trạng vừa bất bình về hiện tình và lại là hy vọng về một sự thay đổi trong tương lai. Đối với nhà tâm lý học đây là một phản ứng nhất thời, nhưng đối với luật giới lại là một tình huống làm cơ sở để so sánh và tìm cách thay đổi qua các quy phạm luật pháp mới.

Thực ra, tinh thần thượng tôn luật pháp là một tổng hợp của suy luận trí thức và trực giác, cả hai tác động vào nhau trong một thực tế xã hội sinh động và không ai có thể lường trước được kết quả. Cảm xúc nhất thời dù là biểu hiện giai đoạn, nhưng lại là khởi đầu cần thiết, có thể gây vang động và đôi khi thắng thế hơn ý thức về luật pháp. Theo lý thuyết thì hai bất công xã hội quan trọng nhất gây nhiều tranh luận là công bình trong phân phối và trao đổi. Nhưng hiện nay học giới phương Tây có khuynh hướng cổ vũ cho công bình trong cơ hội và công bình trong thủ tục, hình thức tối thiểu để thực thi công bình trong thực tế.

Hegel minh chứng là ý thức về luật pháp là một lối diễn đạt về tinh thần lý trí khách quan và bức xúc theo công lý tự nhiên khó kiểm chứng bằng lập luận. Luật giới lập luận rằng phản ứng trước bất công là cần thiết nhưng chưa đủ và ý thức luật pháp với luận chứng khoa học khách quan sẽ thuyết phục hơn. Điều kiện để ý thức này thành hình và phát triển chỉ có ở các nước có dân chủ thực sự, vì đó chính là nơi mà các quyền đóng góp ý kiến về thay đổi luật pháp của người dân được tôn trọng. Ý kiến đa số này định hướng cho học giới và chính giới thực hiện lập pháp. Từ đó mà người dân có khuynh hướng tuân theo luật pháp vì mình là tác giả.

Phức tạp hơn khi đặt ý thức luật pháp trong mối quan hệ với tinh thần dân tộc. Đa số có khuynh hướng theo quy luật tự nhiên, một cảm xúc chung và mơ hồ, để chống bất công hơn là một ý thức luật pháp theo tinh thần thuần lý. Luật giới dè dặt hơn khi lập luận là cảm xúc bất công dể bị nhà cầm quyền lợi dụng, nên cần rà soát xem ai có đủ quyền thế để huy động các bức xúc được thể hiện trong thực tế để nhận xét. Phản ứng của xã hội đen và thờ ơ của chính quyền cho thấy là bức xúc tự phát không thể tạo giá trị lâu dài cho luật pháp mà chỉ mang đến bất ổn thường trực cho xã hội. Do đó, hy vọng còn lại cho sự phát huy tinh thần trọng pháp là do đạo đức cá nhân.

Đạo đức về luật pháp.

Một số nhà đạo đức học phương Tây cho là với tinh thần đạo đức tổng quát về luật pháp là đủ, không cần kiến thức chuyên môn và ý thức luật pháp. Cụ thể hơn, người dân coi hệ thống luật pháp như một máy vận hành mà công nhân sử dụng trong công nghiệp, có nghiả là chỉ biết sử dụng máy khi cần và kêu cứu sửa chứa khi máy không chạy. Tùy theo trình độ tuổi tác, giáo dục vả mức độ thông tin người ta có thể sử dụng máy một cách khác nhau, mức độ áp dụng về cách vận hành của guồng máy luật pháp cũng tương tự. Điều kiện tiên quyết là dân chúng tin máy sẽ chạy, một giá trị chung cho sinh hoạt xã hội và phù hợp với công lý mà trong Anh ngữ gọi chung là genreal sense of justice.

Khái niệm tổng quát về công lý này khá mơ hồ nhưng là một khởi điểm cho hy vọng. Khi tìm đến xã hội thì mổi cá nhân đều có cảm xúc riêng, xem mình là một cá thể yếu đuối trong xã hội, một loại tự ti mặc cảm, luôn cần đến xã hội. Xã hội là một chổ dựa mà công bình là một hy vọng cuả tất cả mọi người về sự chung sống hài hoà. Ngoài cảm xúc còn có lương tâm. Lương tâm cá nhân hiểu đơn giản là một loại tiếng lòng trước vấn đề đạo đức mà mặc cảm tội lỗi là một thí dụ điển hình vì sự trừng phạt không đến từ luật pháp hay dư luận.Tự kiểm là tư phê bình là một thước đo quen thuộc của người Việt trong sinh hoạt tập thể, nó giúp cá nhân tự thể hiện mình trong sinh hoạt xã hội và tạo thành lương tâm chung.

Có hai đề tài công bình được ngưòi Việt thảo luận sôi nổi, một là những người đóng góp xương máu trong chiến tranh không được đãi ngộ xứng đáng trong thời bình và hai là nhiều thành tựu trong sự nghiệp Đổi Mới không được phân bổ tương xứng theo nổ lực đóng góp. Còn tự kiểm thì ai cũng biết là một hình thức tha thứ cho nhau trong tinh thần chín bỏ làm mười cuả nội bộ và không đủ giá trị để trở thành lương tâm tập thể.

Tại phương Tây các lập luận về đạo đức cá nhân khó thuyết phục được luật giới. Họ phê bình là  đạo đức  là do sự phát triển nhân cách, thuộc về lĩnh vực đạo đức học, giáo dục và tâm lý xã hội học hơn là luật học. Do đó, các kiểm nghiệm không thể là cơ sở khách quan để đề ra chính sách luật pháp thích hợp. Gần đây, những khám phá mới thuộc hoạt động nảo bộ cuả các nhà thần kinh bệnh học và tâm lý trị liệu đã làm thay đổi về chính sách về hình sự, đặc biệt xét lại khung hình phạt đối với các phạm nhân mang trọng tội.

Điều này khác hẳn với bối cảnh văn hoá Việt Nam, nơi mà đạo đức và luật pháp không có một biên giới rỏ rệt mà sự phân biệt chỉ dành cho học giới nhiều hơn trong công luận. Văn hoá, tôn giáo, truyền thống phương Đông, đạo lý ở đời và bổn phận là một loại văn hoá tổng hợp góp phần quan chính trong việc phát triển nhân cách, tư duy, kể cả nghiã vụ đối với pháp luật. Người Việt coi ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình và xã hội như một phạm vi tổng hợp trong một tinh thần liên đới, một loại ý thức cộng đồng và gia đình mạnh hơn quyền lợi cá nhân. Trách nhiệm đối với luật pháp và hy sinh của cá nhân trước lợi ích tập thể trở thành truyền thống. Khi đặt vấn đề tinh thần này nằm trong phạm vi đạo đức cá nhân và xã hội thì được người Việt dể dàng chấp nhận hơn người phương Tây. Do đó, đạo đức cá nhân, trong chừng mực nhất định, sẽ nâng cao tinh thần trọng pháp.

Các vi phạm luật pháp cuả nhà nước
Nếu cá nhân vi phạm luật pháp vì thiếu ý thức và đạo đức, thì vi phạm luật pháp của chính quyền  lại đến từ hệ thống chính trị mà Hiến pháp là văn bản quy định cao nhất, một lĩnh vực thuộc công pháp, không thuộc tội phạm học. Do đó, các vấn đề tâm lý và trí thức không thể đặt ra mà vi phạm Hiến pháp của nhà nước cần thảo luận.

Các thảo luận về thay đổi Hiến pháp thường dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập của mô hình dân chủ phương Tây, thường được coi là chuẩn mực hơn để đem lại niềm tin của dân chúng vào sự vận hành cuả luật pháp. Thực ra, không cần bàn đến các khái niệm này để so chiếu mà Hiến pháp hiện nay có những nghịch lý nội tại, một thực trạng không liên hệ đến các mô thức ngoại lai mà là do kỷ năng lập hiến, tình thế và duy ý chí chuyên chính tạo ra. Những đặc điểm này đã được nói nhiều nên chỉ tóm lựợc như sau:

Đảng quyền và luật pháp

Nghịch lý thứ nhất là Hiến pháp quy định là mọi hoạt động của Đảng phải nằm trong khuổn khổ cuả Hiến pháp và luật pháp. Điều khoản này chỉ có giá trị tuyên bố nhưng không đem lại ràng buộc pháp lý. Vì không có luật pháp làm cơ sở nên hậu quả là Đảng có quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhưng không chịu trách nhiệm pháp luật: tất cả các nghị quyết của Đảng đứng ngoài và đứng trên luật pháp, mọị sinh hoạt nội bộ của Đảng không theo nguyên tắc dân chủ và mọi kỷ luật Đảng dựa trên đạo đức cách mạng và lương tâm tập thể.

Có lập luận cho rằng quyền làm chủ cuả nhân dân sẽ được phát huy khi Đảng chứng tỏ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Mối quan hệ chủ tớ chỉ có trong thời phong kiến, không còn thể hiện đúng được mối quan hệ chính trị giửa người dân và nhà nước trong sinh hoạt dân chủ văn minh hiện đại. Ngày nay, dân chúng chờ đợi Đảng cầm quyền làm việc có hiệu năng kinh tế và trách nhiệm trước luật pháp; mọi ràng buộc xã hội phải dựạ trên luật lệ, nhất là nhân phẩm con phải được tôn trọng và người phục vụ cũng có quyền lợi và nghiã vụ do luật lao động. Sự tái lập quan hệ chủ tớ, dù chỉ trong phong cách văn hoá Việt, là đi ngược trào lưu và không thuyết phục. Tinh thần công bộc và những khái niệm khác như chuyên chính NNPQXHCN, lơị ích tổ quốc và nhân dân, phản động và diển biến hoà bình là những đặc thù trong văn hoá luật pháp cuả Việt Nam cần làm rỏ để thay đổi tư duy.

Tạo ra một khuôn khổ pháp chế cho Đảng hoạt động và đề ra mối quan hệ giữa Đảng trong vai trò lảnh đạo và chức năng điều hành Nhà nước là một nhu cầu khách quan thời đại, mà không nhất thiết dựa vào mô thức nào của phương Tây.

Thẩm quyền lập hiến.

Nghịch lý thứ hai là chủ quyền của nhân dân và vai trò của Quốc hội. Tất cả quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân và Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân. Nhưng làm sao người dân thực hiện quyền này trong thực tế? Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp và chỉ có Quốc hội mới quyền sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp đề cao chủ quyền cuả nhân dân, nhưng không minh thị thẩm quyền lập hiến và phúc quyết hiến pháp, biểu hiện sự thiếu nhất quán trong quy định quyền lực của nhân dân. Hiến pháp mặc nhiên không phát huy đúng mức quyền làm chủ của nhân dân vì cho phép Quốc hội không thực hiện trưng cầu dân ý, đây là một lổi hệ thống.

Xác định thẩm quyền lập hiến và phúc quyết hiến pháp của nhân dân qua các hình thức dân chủ trực tiếp, tổng tuyển cử và trưng cầu dân ý chính là khởi điểm cải cách.

Kỷ năng lập pháp và lập quy
Nghịch lý thứ ba là nguyên tắc quyền lực nhà nước. Trên lý thuyết, quyền này phải được thống nhất và do phân công và phối hợp giửa các cơ quan nhà nước. Trong thực tế, mức vi phạm của các văn bản quy phạm luật pháp đến mức độ báo động vì các cơ quan ban hành không có kỷ năng và cơ quan kiễm tra cũng không thể hoàn thành chức năng.

Lý giải chủ yếu là do nguyên tắc phân công nội bộ của Đảng và không theo hệ thống hành chính tổng quát. Vấn đề kiểm soát thẩm quyền lập hiến, lập pháp và lập quy không được đặt ra đúng mức, nên trùng lấp thẩm quyền trong khi ban hành các văn bản quy phạm luật pháp là chuyện thông thường. Nhiều Nghị Định quy định các quyền tự do hiến định của người dân mà không hề dựa vào Hiến pháp, chỉ căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ để ban hành, một vi phạm trầm trọng về luật thủ tục, vì quá quen thuộc nên không ai phản ứng.  

Triển vọng cải cách lại khó khăn hơn vì nhiều lý do khác. Một là, Việt Nam chưa có Toà Baỏ Hiến để  xét vấn đề vi hiến hay vi luật của các quyết định hành chính trong khi Toà án Hành chính hay Toà án Nhân dân lại không có thẩm quyền. Quyền giải thích luật pháp thuộc về Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội, một cơ chế kiểm tra nhưng không bảo đảm tính thống nhất cuả hệ thống luật pháp và một số Đại Biểu Quốc Hội phải dồn sức trao dồi kỷ năng viết, đọc và chất vấn.

Hai là các cảnh báo cuả Cục Kiểm tra thuộc Bộ Tư Pháp về các văn bản vi phạm cũng không có tác dụng, vì cơ quan vi phạm không có trách nhiệm giải trình trực tiếp theo luật, mà giám sát nội bộ do Đảng ủy cơ sở chi phối, nên mọi vi phạm phát hiện đều dể dải thông qua. Một văn bản quy phạm  luật pháp được coi là có chất lượng khi phù hợp quan điểm chính trị của Đảng, một tiêu chí không bị luật pháp ràng buộc. Nâng cao kỷ năng lập pháp và lập quy và phân công và phân quyền rỏ ràng là giải pháp cho vấn đề, nhưng nguyên tắc thống nhất quyền lực không cho phép, nghịch lý sẽ kéo dài.

Do đó, phân biệt mục tiêu chính trị của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp các văn bản phạm quy phạm luật pháp trong tiến trỉnh lập quy là bước đầu để thay đổi.

Tôn trọng nhân quyền

Nghịch lý thứ tư liên hệ đến lập luận cho rằng Việt Nam có những hoàn cảnh đặc thù mà giá trị phổ quát của Bảng Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền không thể áp dụng. Thực ra, Hiến pháp vi phạm nhân quyền do từ kỷ năng lập hiến và duy ý chí chính trị, tự tạo ra khó khăn nội tại và không liên hệ gì đến các cam kết quốc tế hay điều kiện khả thi.

Hiến pháp không phân biệt dân quyền và nhân quyền, hai phạm trù cần áp dụng riêng biệt. Hiện pháp công nhận nhân quyền như một ban phát của nhà nước, không nằm trong ý nghiả cao cả cuả nhân quyền là một quyền tự nhiên nội tại, một thành tựu văn minh chung của nhân loại và có giá trị phổ quát. Hiến pháp công nhận tổng quát nhưng không liệt kê cụ thể các nhân quyền căn bản để tuân thủ, không có một cơ chế tranh tụng khi vi phạm, không công nhận tố quyền trực tiếp của nạn nhân để khởi động và không có cơ quan theo dỏi các vi phạm để cảnh báo khi cần thiết. Khái niệm tập trung dân chủ và làm chủ tập thể không đem lại một cơ chế tôn trọng nhân quyền mà quyền sở hữu toàn dân gây nhiều thiệt haị kinh tế. Đây là một vi phạm nặng nề nhất.

Tựu chung, dân chủ tập trung và làm chủ tập thể không thể hoà hợp để phát huy nhân quyền và dân quyền; Đảng và Nhà nước dùng chính sách để quản lý thay cho pháp luật; luật pháp là phương tiện chuyên chính dùng để kiểm soát các vi phạm của dân chúng, nhưng không thể chế tài nhà nước và quyền cá nhân phải hy sinh trước quyền lợi của tập thể, một hình thức cưỡng chế ngoài phạm vi luật pháp. Trong khi Hiến pháp chưa tu chỉnh thì nhà nước sẽ tiếp tục vi phạm pháp luật, trật tự xã hội không được duy trì và tự do cá nhân của người dân không được bảo vệ, nhưng người dân có thể tin vào đạo đức nhà nước như là một lý do giải trình cho các vi phạm này không?

Đạo đức nhà nước
Luật giới phưong Tây không quan tâm đạo đức nhà nước vì theo quan điểm Rule of Law nhà nước cần phải có trách nhiệm giải trình theo luật pháp, một loại trách nhiệm chính trị không dựa theo quan điểm đạo đức. Ngược lại, các nhà đạo đức đã tìm cách đề ra những phương thức ứng xử cho từng loại vấn đề chuyên biệt thành một mô thức đạo đức đồng thuận có giá trị hướng dẫn cho cá nhân (người tiêu thụ), tổ chức (doanh nghiệp, ngân hàng), hay xã hội (bảo vệ môi sinh).

Phương Tây hiện nay đang gặp nạn suy thoái kéo dài, tham nhũng lan rộng, giá trị dân chủ và luật pháp bị lạm dụng. Ngoài ra, các vấn đề như chống khủng bố, kiểm soát thị trường tư bản tài chính và giải quyết nợ công cần những biện pháp mạnh, hữu hiệu và nhanh chóng. Nhưng vì thủ tục phức tạp, thảo luận bị chuyên môn hoá và giải pháp tìm ra lại là thoả hiệp chính trị tạm thời trong một cơ chế ngắn hạn, đôi khi quá chậm trể, nên không thể đem lại một căn bản đạo đức nhà nước với giá trị phổ quát trong khi đạo đức của Thiên Chúa giáo không còn chiếm ưu thế trong sinh hoạt chính trị như trong quá khứ. Do đó, công luận đòi hỏi nhà nước cần một trách nhiệm chung và tinh thần đạo đức của một nhà nước thế tục, hơn là theo đạo đức tôn giáo để đáp ứng tình thế. Nghịch lý vẫn còn là vấn đề phải giải quyết.

Thực ra, một biện pháp nhanh chóng và không dân chủ không luôn luôn có nghiả là hữu hiệu, đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngược lại, các nước chậm tiến không có cơ sở nghiên cứu với kỷ năng chuyên môn cao độ và thiết chế hạ tầng cần thiết, nên duy ý chí chính trị không thể đem lại giải pháp tốt đẹp. So sánh mức độ tín nhiệm và đạo đức của các vua quan thời phong kiến với hoàn cảnh hiện nay là thiếu thực tế. Các nước Á Đông vừa không có kinh nghiệm quản lý nhà nước hiện đại và không muốn áp dụng trách nhiệm giải trình theo luật định mà thường dựa vào truyền thống văn hoá và thành công trong lịch sử để lập luận, mà trưòng hợp Việt Nam là một thí dụ.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh là đạo đức nhà nước phong kiến đã ăn sâu vào tâm khảm của dân chúng. Tinh thần đạo đức cuả vua quan đã gây được lòng trung quân ái quốc của dân chúng và là tấm gương sáng về đạo đức nhà nước. Tìm sự đồng thuận để giải quyết vấn đề hệ trọng của đất nước không quá phức tạp như ngày nay.

Qua thời gian và tình thế mà đạo đức nhà nước trở thành đạo đức cách mạng. Người Việt cho rằng sự thay đổi khái niệm này là cần thiết vì truyền thống luân thường Khổng Mạnh phải phù hợp với tình huống đấu tranh giải phóng dân tộc và giai cấp. Ý niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, công bộc cho dân, hy sinh vì đại cuộc rất dể thu phục lòng người trong hoàn cảnh bấy giờ. Đạo đức cách mạng chi phối triệt để đời sống Đảng viên, kể cả đến chuyện lập gia đình và tổ chức lể cưới cũng phàỉ có ý kiến của Đảng. Đến ngày nay, sự phân biệt đạo đức cá nhân và cách mạng vẩn chưa rỏ ràng.

Thời kỳ toàn cầu hoá và sau ngày Đổi Mới, giá trị về đạo đức cách mạng không còn phù hợp để làm một khuôn khổ thảo luận về truyền thông đạo đức của đất nước. Từ năm 2008 Việt Nam đã triển khai khái niệm đạo đức công vụ trong sinh hoạt hành chính. Về nội dung, khái niệm này cũng không thể mang luận chứng mới lạ, mà là tiếp nối tinh thần công bộc xưa củ trong bối cảnh kinh tế thị trường. Thực ra, đây là một giáo trình cho sinh viên, nên giá trị thuyết phục trong công luận bị hạn chế. Giá trị đạo đức, cũng như giá trị văn hoá khác, cần rầt nhiều thời gian để được dân chúng công nhận và áp dụng. Đạo đức công vụ chỉ là một khởi đầu nên chưa đi vào cuộc sống để trở thành đạo đức nhà nước, mà trở ngại chính cho sư phát triển này là quốc nạn tham nhũng đang hoành hành.

Trong hoàn cảnh hiện nay, dù có nhiều chiến dịch học tập đaọ đức cách mạng để làm sống lại các giá trị đạo đức nhà nước trước đây, nhung không thể là biện luận thuyết phục cho các vi phạm pháp luật của Nhà nước ngày càng trầm trọng.

Kết luận
Cá nhân và nhà nước phải tuân thủ luật pháp để duy trì trật tự xã hội. Một nền văn hoá giaó dục trọng pháp sẽ làm giảm đi vi phạm của cá nhân. Thay đổi hiến pháp, tôn trọng chủ quyền nhân dân và cải thiện đạo đức nhà nước sẽ đem lại niềm tin về giá trị của luật pháp. Đạo đức cá nhân, tôn giáo, truyền thống giáo dục gia đình, trong chừng mực nhất định, vẫn còn có thể tạo nên nền tảng cho sự tuân thủ. Đó là những chủ đề đã thảo luận trong tiểu luận này và chỉ là những lý giải thuần lý thuyết, hy vọng sẽ có những công trình khác nghiên cứu nghiêm túc hơn và đem lại nhiều thực chứng để bổ sung.

Tinh thần thượng tôn luật pháp của Việt Nam là tương lai cuả một ảo ảnh hay là một hy vọng tìm thấy? Có thể là cả hai. Triển vọng về một nền luật pháp nghiêm minh chỉ là một ảo ảnh vì giáo dục đang xuống cấp và thành tựu cải cách không thể tìm thấy trong một sớm một chiều. Trước những biến chuyển liên tục của thời cuộc làm băng hoại mọi giá trị tinh thần, một thiểu số ưu tư về tiền đồ đất nước đang cố tìm ra trong truyền thống cao đẹp của dân tộc những chân giá trị cần cứu vớt để bảo tồn và phát huy. Can đảm chìm đắm trong thế giới viễn mơ này có thể đem lại một cảm giác ấm áp về một thuở văn minh xa xưa của đất nước thanh bình và hài hoà như là một giấc mộng êm đềm. Đa số người Việt đều lạc quan và tự tin, nhưng cũng cần thêm một chút lãng mạn để chúng ta cùng nhau cứu vớt giấc mộng này, một hy vọng khởi đầu cho tương lai huy hoàng về tinh thần thượng tôn luật pháp của Việt Nam.
 
Đỗ Kim Thêm.

Không có nhận xét nào: