Pages

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Trung Quốc thay đổi chiến lược trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nhật Bản



BienDong.Net: Với nhan đề trên, bài đăng trên New York Times số ra ngày 27.9 đã phân tích cuộc khủng hoảng quan hệ Trung Nhật liên quan đến tranh chấp biển đảo và tác động của nó.
Bài báo viết: Sau khi cho phép các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra tới mức có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Trung Quốc đã siết lại và thay vào đó họ chuyển sang một chiến thuật ngoại giao sắc nét để giảm thiểu các thiệt hại mà cuộc xung đột Senkaku/Điếu Ngư có thể gây ra đối với nền kinh tế đang giảm đà tăng trưởng và cuộc chuyển giao ban lãnh đạo đầy nhạy cảm ở nước này.

alt
Quần đảo Điếu Ngư ( ảnh AP )
Trong khi quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đang xuống mức rất thấp, Trung Quốc đã quyết định tổ chức một cuộc tiếp tân nhỏ tối 27.9 để kỉ niệm 40 năm hai nước nối lại quan hệ ngoại giao.
Một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là Giả Khánh Lâm đã tham dự cuộc chiêu đãi cùng với một số quan chức khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp không thật tế nhị tới Tokyo khi không cấp phép cho chiếc máy bay lẽ ra sẽ đưa một vị khách quan trọng là chủ tịch Tập đoàn Toyota tới Trung Quốc. Tuy nhiên, một quan chức khác người Nhật đã tham dự sự kiện này, và tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, hai bên đã có cuộc gặp riêng và tranh cãi công khai.
Xung quanh quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật gọi là Senkaku, Tờ Ashahi Shimbun của Nhật cho biết một lực lượng lớn tàu hải giám Trung Quốc đã bị giám sát bởi một nửa hạm đội bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Các cuộc biểu tình tại tại hơn 80 thành phố nơi các đại lí xe hơi và các nhà máy điện tử của Nhật bị phá phách khiến dư luận cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã bật đèn xanh cho sự bùng phát tâm lí dân tộc chủ nghĩa coi đó phần nào như phương thuốc để tránh sự chỉ trích nhằm vào bản thân đảng trong quá trình chuyển giao quyền lực được dự kiến sẽ diễn ra tại Đại hội Đảng lần thứ 8 khai mạc vào ngày 8.11 tới. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng các cuộc biểu tình này có nguy cơ gây bất lợi trở lại cho chính phủ Trung Quốc.
Cho dù Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng cách thức mà Bắc Kinh xử lí cuộc tranh chấp, được thúc đẩy bởi quyết định của chính phủ Nhật Bản mua ba trong số các hòn đảo này từ tay chủ sở hữu tư nhân, cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như những mức giới hạn mà giới lãnh đạo có thể cho phép.
Quan niệm trừng phạt Tokyo về kinh tế vì việc họ mua các hòn đảo mà qui chế vẫn còn chưa rõ ràng sau Thế chiến II là không thực tế- Hu Shuli, Tổng Biên tập hãng Caixin Media, đồng thời là một trong những nhà báo hàng đầu về kinh tế nhận định. Rất nhiều công nhân Trung Quốc làm việc cho các công ti Nhật Bản, và bất kì sự leo thang căng thẳng nào dẫn đến việc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản cũng có thể dẫn tới tình trạng mất việc hàng loạt.
Trên tạp chí Century Weekly của Trung Quốc, bà Hu viết: Đó sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế đang lung lay của Trung Quốc.
Bà nhận xét: Năm ngoái, vào khi tổng các khoản đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc giảm xuống thì đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc lại tăng 16%. Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản thông báo đầu tư của Nhật vào Trung Quốc năm ngoái là 12,6 tỉ USD so với 14,7 tỉ của Mỹ.
Một nhà nghiên cứu tại Học viên Khoa học Xã hội Trung Quốc là Piao Guangji cho rằng Nếu như đầu tư của Nhật vào Trung Quốc bị đe dọa thì không chỉ Trung Quốc, mà toàn bộ châu Á sẽ phải đối mặt với suy giảm kinh tế nghiêm trọng.
Vấn đề thực sự các cuộc biểu tình chống Nhật được tổ chức theo cách nào, và ai đứng đằng sau chuỗi sự kiện này vẫn là điều tù mù.
Điểm qua các diễn biến sự việc cho thấy ngay sau khi chính phủ Nhật công bố đã mua lại các hòn đảo thì các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Bắc Kinh và một số thành phố khác.
Sau đó các cuộc biểu tình lan rộng và lên tới đỉnh điểm vào dịp kỷ niệm Sự cố Mukden ngày 18.9.1931 đã dẫn tới việc quân đội Nhật chiếm đóng Mãn Châu. Sau đó, các cuộc biểu tình bị chặn lại.
Có vẻ như việc cho phép tiến hành các cuộc biểu tình kéo dài cả tuần lễ đã được thảo luận ở cấp rất cao, một nhà ngoại giao theo dõi sát diễn biến này nhận xét.
Các nhà phân tích nói các cuộc biểu tình có thể đã được một phe nhóm trong đảng cộng sản sử dụng như một vũ khí chống lại một phe phái khác như một phần trong âm mưu nội bộ liên quan đến việc những ai sẽ giữ vị trí trong Ban thường vụ, song đích xác chuyện đó diễn ra như thế nào dù sao thì vẫn không rõ.
Các nhà ngoại giao nói rằng những bức ảnh màu in đậm trên trang nhất các tờ báo do nhà nước quản lí, đặc biệt là ảnh biểu tình bên ngoài Tòa Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo cao cấp đã tán thành chúng và làm cho người ta nghĩ rằng trên một số phương diện, các cuộc biểu tình này thậm chí đã được chính phủ tổ chức.
Các nhà ngoại giao còn nhận xét: Rất hiếm khi thấy ảnh biểu tình trên các phương tiện truyền thông do nhà nước TQ kiểm soát. Một nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên nói: Bằng cách cho đăng các bức ảnh này, chính phủ gửi tới người dân Trung Quốc thông điệp rằng tham gia biểu tình là có thể được chấp nhận.
alt
Biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc ( ảnh Internet )
Các nhân viên đô thị ở Bắc Kinh, những người thường canh gác các khu phố đã được cấp trên gọi dậy vào lúc 4 giờ sáng hôm nổ ra một trong các cuộc biểu tình, được lệnh lên các xe buýt đưa họ tới nơi tổ chức biểu tình bên ngoài sứ quán Nhật Bản, và được phát cơm hộp- một trong những nhân viên này cho biết. Nhiệm vụ của họ là cùng với lực lượng cảnh sát bảo đảm an ninh.
Khi các cuộc biểu tình gia tăng cường độ, có những dấu hiệu ngày càng rõ cho thấy chúng có thể vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Một số người biểu tình ở Bắc Kinh mang theo biểu ngữ: “Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc, ông Bạc thuộc về nhân dân”. Đó là nhắc tới Bạc Hy Lai, Cựu Bí thư đảng cộng sản tỉnh Trùng Khánh bị thất sủng, người đã thu hút được một lực lượng người ủng hộ theo xu hướng dân túy trước khi ông ta bị ngã ngựa sau khi bà vợ bị buộc tội giết một đối tác làm ăn người Anh.
Một người theo dõi một cuộc biểu tình bên ngoài sứ quán Nhật Bản cho biết các biểu ngữ này đã đượccác nhân viên an ninh mặc thường phục lặng lẽ gỡ xuống từ tay những người biểu tình.
Tuy nhiên, việc chấm dứt các cuộc biểu tình không có nghĩa rằng cơn thịnh nộ chống Nhật Bản đã nguôi xuống.

Tại một hội nghị tổ chức tháng này ở Bắc Kinh, các học giả phương Tây đã sửng sốt trước tâm trạng thù địch sâu sắc đối với nước Nhật trong số các chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
DeLury, trợ lí giáo sư thuộc Khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Yonsei ở Seoul cho biết tại hội nghị người ta đã nói tới” xung đột “ để dạy cho Nhật Bản một bài học vì đã làm cái việc mà người Trung Quốc coi như là một sự ăn cướp không thể chấp nhận được đối với phần lãnh thổ mà về lịch sử thuộc về Trung Quốc.
Ren Xiao,nguyên là quan chức ngoại giao từng công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo nhận định: Với ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ sớm tiếp quản hoàn toàn quyền lực, cùng lúc với việc Nhật Bản có thể quay sang một chính quyền của đảng Dân chủ Tự do bảo thủ dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe có tư tưởng diều hâu hơn trong cuộc bầu cử năm tới, khả năng giảm căng thẳng có vẻ là xa vời.
Tôi nghĩ ít có khả năng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ nhượng bộ”, ông Ren, người hiện là giáo sư khoa chính trị quốc tế đại học Fudan ở Thượng Hải nói. Đối với chính phủ của đảng Dân chủ tự do có thể lên cầm quyền ở Nhật cũng tương tự như vậy. Đó là lí do vì sao tôi vô cùng lo ngại về quan hệ Trung- Nhật”.
Chương Dương ( chuyển ngữ )

Không có nhận xét nào: