Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Trung Quốc, vỏ cứng ruột mềm


Nguyên nhân nội chính của sự hung hăng đối ngoại
Suốt năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh không lỡ cơ hội chứng tỏ với thế giới sự hùng mạnh của Trung Quốc. Nơi mà họ biểu dương ý chí mãnh liệt nhất chính là Ðông Hải.Ðông Hải của Trung Quốc, hay biển Hoa Ðông, là tại khu vực Ðông Bắc Á, với đầu mối tranh chấp trở thành nguy cơ xung đột với Nhật Bản là chủ quyền trên một cụm đảo nhỏ mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư, Ðài Loan gọi là Ðiếu Ngư Ðài và Nhật gọi là Senkaku. Ðông Hải của Việt Nam, hay biển Hoa Nam, là tại khu vực Ðông Nam Á, với đầu mối tranh chấp là chủ quyền trên vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những biến cố liên tiếp được thời sự thường xuyên loan tải khiến người ta nghĩ đến một sự xoay chuyển trong lập trường của lãnh đạo Trung Quốc. Thay vì tinh thần “quật khởi hòa bình” hay “peaceful rise,” Bắc Kinh tiến hành quật khởi hung hãn.


Nhưng dường như biểu hiện hung hăng ấy lại có nguyên nhân sâu xa là sự bất ổn ở bên trong. “Hồ Sơ Người-Việt” kỳ này sẽ phân tích sự bất ổn đó để quý độc giả thấy ra cái tương quan nhân quả giữa hai chuyện trong và ngoài.

Quan niệm về an ninh của Trung Quốc
Trước hết, lãnh đạo của quốc gia đông dân và rộng lớn này không hề có toàn quyền quyết định về mọi chuyện mà họ gọi là “thiên hạ” – dưới vòm trời.
Họ bị câu thúc bởi địa dư hình thể cực kỳ bất lợi của một quốc gia chỉ có một phần ba lãnh thổ là khu vực duyên hải, nơi sống được nhờ có đất canh tác, nước tiêu tưới và sông ngòi cho chuyển vận. Ðó là đất “Trung Nguyên.” (Chuyện khan hiếm nước là đề tài đã được “Hồ Sơ Người-Việt” trình bày kỳ trước).
Phần còn lại là đất đai hoang vu khô cằn ở bên trong, vây quanh bởi sa mạc và núi rừng hiểm trở. Nhưng miền Tây ở bên trong và ba hướng bao vây từ Tây Nam lên Ðông Bắc cũng là nơi xuất phát nhiều biến động trong lịch sử.
Người dân đói khát từ miền Tây khô cằn tràn qua miền Ðông trù phú hơn đã dẫn đến nhiều cuộc đổi đời, thay đổi triều đại ở tại Trung Nguyên. Ðồng thời, bị Hán tộc khinh miệt là man rợ, các sắc tộc thiểu số vây quanh đã nhiều lần tiến vào Trung Nguyên từ mấy đời Xuân Thu Chiến Quốc và còn làm chủ Hán tộc trong nhiều thế kỷ. Chuyện Hung Nô, Tây Tạng, Liêu, Kim, Mông Cổ, Mãn Thanh, v.v… đã chiếm kinh đô Trung Hoa là thực tế của lịch sử và nỗi lo cho lãnh đạo mọi thời.
Vì vậy, từ mấy ngàn năm rồi, quan niệm về an ninh của lãnh đạo Trung Quốc là Hán tộc phải 1) làm chủ được Trung Nguyên, rồi 2) kiểm soát được các tỉnh bát ngát ở miền Tây và 3) khống chế được vùng biên vực để ngăn ngừa đại loạn và ngoại xâm. Ðời nay, vùng biên vực đó là Cao Nguyên Thanh Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu.
Lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc cũng không làm khác các hoàng đế thời xưa.
Ngay sau nội chiến “Quốc-Cộng,” Mao Trạch Ðông chiếm Tân Cương (1949) và Tây Tạng (1950), củng cố quyền lực tại Nội Mông và xây dựng khu vực Mãn Châu tại Ðông Bắc như một trung tâm công nghiệp nặng theo đúng mẫu mực Mác-Lenin. Và bắt đầu lấy nước từ sông Dương Tử lên Hoàng Hà qua các dự án hoang tưởng.
Bế tắc về kinh tế
“Hồ Sơ Người-Việt” nhắc đến các dự án hoang tưởng này là để nhấn mạnh đến kế hoạch “xây dựng xã hội chủ nghĩa” của Mao Trạch Ðông
Mối lo về an ninh – giải trừ những yếu tố độc hại từ bên ngoài vào – khiến Mao chủ trương bế môn tỏa cảng, khép kín xã hội và công nghiệp hóa nền kinh tế theo lối tự cung tự cấp, tự lực tự cường. Tinh thần xã hội của ông là “cào bằng” trong sự bình đẳng dưới quyền lãnh đạo tập trung của đảng và quản lý của kế hoạch nhà nước. Kết quả là một chuỗi khủng hoảng kinh tế dội ngược lên thành khủng hoảng chính trị trên thượng tầng. “Bước Nhảy Vọt Vĩ Ðại” phải dẫn tới “Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Ðại.”
Trong khi ấy, kế hoạch phát triển các khu vực nghèo túng lạc hậu bên trong lãnh thổ vẫn không đem lại kết quả. Trung Quốc gặp cảnh ngộ mà chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa gọi là “Nhất Quốc Tam Kinh,” một quốc gia có ba nền kinh tế khác biệt.
Khi Ðặng Tiểu Bình lên lãnh đạo và tiến hành cải cách kinh tế từ đầu năm 1979, ông lấy các tỉnh duyên hải miền Ðông làm lực đẩy cho chiến lược xuất cảng và mong rằng tài nguyên thu vét sẽ được phân phối cho các tỉnh nghèo khổ và lạc hậu bên trong. Qua hai thế hệ lãnh đạo sau đó, của Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Ðào, năm kế hoạch “Tây Tiến” hay “Phát Triển Nội Ðịa” đều thất bại, bất công vẫn lan rộng cùng sự bất mãn của người dân về nạn tham ô, cường hào ác bá.
Và dị biệt về lợi tức lẫn nhận thức của cư dân trong ba khu vực này đã trở thành vấn đề an ninh.
Các tỉnh miền Ðông thì lao ra làm ăn với thế giới bên ngoài và nói đến kinh tế thị trường hay lợi nhuận tư bản chẳng khác gì cộng đồng Hoa kiều tại Ðông Nam Á và thực tế thì khắng khít hợp tác với doanh nghiệp ngoại quốc. Các tỉnh bị khóa trong đất liền thì uất ức vì lợi tức trung bình chỉ bằng một phần ba khu vực duyên hải, trong khi vẫn phải nuôi sống gần 500 triệu dân có rất ít cơ hội thăng tiến. Còn khu vực biên trấn vây quanh thì vẫn có mấy trăm triệu nghèo đói trên một lãnh thổ rộng hơn phân nửa lãnh thổ toàn quốc, mà phải gánh thêm trách nhiệm ổn định sắc tộc và bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Chế độ chính trị tập quyền và không chấp nhận một hình thái dân chủ liên bang không thể giải quyết nổi các bài toán kinh tế xuất phát từ địa dư hình thể. Và đang gây ra bài toán an ninh xã hội.
Kinh tế, an ninh và sắc tộc
Xin hãy nhắc về khía cạnh an ninh bất ngờ này.
Cư dân trong ba khu vực sinh hoạt của Trung Quốc gồm có người Hán, được đưa vào vùng sâu vùng xa để mở rộng tầm kiểm soát của Hán tộc trong vùng biên vực. Cư dân ấy cũng là các sắc tộc thiểu số tại năm khu tự trị hành chính của các tỉnh bên trong, bị phân tán để khỏi có hiện tượng tập trung dân số. Cư dân cũng là thành phần “dân công” nghèo khốn từ miền Tây tiến ra các tỉnh thành miền Ðông để kiếm việc và gửi tiền về quê cho gia đình.
Ngần ấy thành phần dân chúng đều bất mãn với tổ chức kinh tế và phân bố lao động.
Lực lượng “dân công” không được có hộ khẩu tại nơi lao động tạm bợ, nên chẳng có quyền và không được bảo vệ về xã hội, y tế hay giáo dục. Họ là công dân hạng hai và bị sa thải trước tiên khi các cơ sở sản xuất tại miền Ðông bị suy trầm do hậu quả kinh tế quốc tế từ Hoa Kỳ và Âu Châu đã đánh sụt mức xuất cảng của Trung Quốc từ năm 2008. Trở về quê, họ tăng cường cho lực lượng thất nghiệp và bất mãn tại địa phương.
Thành phần thiểu số bị đánh bật ra khỏi bản địa và bị đồng hóa cũng bất mãn vì trở thành công dân hạng ba.
Người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương đã có phản ứng. Họ đấu tranh cho quyền tự trị, thậm chí quyền độc lập của nước “Ðông Thổ” (East Turkmenistan) đã bị Mao Trạch Ðông thủ tiêu khi chiếm đóng Tân Cương. Người Tây Tạng trong lãnh thổ bị thôn tính và bị gọi là Khu Tự Trị Tây Tạng đã được đẩy qua các tỉnh lân cận như Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải và tôn giáo cùng văn hóa bị lặng lẽ tiêu diệt. Họ phản ứng và từ tháng 4 năm ngoái đến nay đã có 53 vụ tự thiêu để phản đối. Ðáng chú ý là phong trào tự thiêu lại xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng, trong các khu tạm cư đã trở thành vĩnh viễn ở các tỉnh lân cận.
Và phong trào phản đối này cũng hòa nhập vào làn sóng bất mãn của người Hán.
Từ những năm 1987 trở về sau, lãnh đạo Bắc Kinh có thấy ra mối nguy sắc tộc xuất phát từ chính sách kỳ thị và đồng hóa nên tìm cách cứu vãn. Họ nâng đỡ một số người trong cộng đồng thiểu số về xã hội, y tế và giáo dục để cất nhắc và cho các phần tử “tốt” một chút quyền hành tại địa phương theo kiểu dân Hồi cai trị người Hồi, dân Tạng quản lý người Tạng.
Chính sách ấy lại gây phản tác dụng với thành phần di dân người Hán ở địa phương. Họ cho là bị chính quyền địa phương kỳ thị ngược để nâng đỡ dân thiểu số. Và sau khi xung đột với dân thiểu số thì cũng biểu tình chống chính quyền.
Theo chủ trương chính thức của nhà nước, khi có năm người trở lên mà xuống đường bày tỏ ý kiến thì đấy là biểu tình và phải được kiểm soát.
Thực tế thì chính quyền kiểm soát không nổi vì người dân biểu tình phản đối về đủ mọi chuyện lớn nhỏ. Từ cục bộ ở địa phương như tham nhũng, môi sinh, thiên tai, bệnh tật hay dự án bị rút ruột và gây tai nạn cho dân chúng đến những việc có kích thước quốc gia như tăng lương, lạm phát, diệt chủng, Cách mạng Hoa Nhài, hoặc cả sự nhu nhược của chính quyền trước đà bành trướng của… “Ðế quốc Nhật,” v.v… người ta có rất nhiều lý do xuống đường và gây bạo động.
An ninh và quốc phòng
Người ta hay nói đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc với ngân sách quốc phòng thực tế cao gấp đôi con số chính thức vì nhiều khoản chi “dân sự” chỉ là hình thái tăng cường quân sự. Nhưng có một sự kiện khác mà “Hồ Sơ Người-Việt” phải nhắc tới, là từ thượng tầng lãnh đạo của đảng, an ninh nội địa lại có ưu tiên cao hơn an ninh quân sự.
Trung Quốc có quân đội hùng hậu và đông đảo nhất địa cầu, nhưng ưu tiên của lực lượng quân sự đó là yểm trợ lực lượng an ninh nội địa. Cảnh sát võ trang dưới đủ hình thức khác nhau mới là sức mạnh bảo vệ chế độ. Khi có biến động, hệ thống an ninh đó mới chỉ đạo quân đội. Ngân sách và cấp số nhân lực cho nhu cầu an ninh nội địa còn lớn hơn ngân sách quốc phòng.
Chúng ta phải trở lại những hồ sơ đã trình bày trên cột báo này:
Trong hệ thống lãnh đạo chính trị của Bộ Chính Trị – và thâu tóm vào Thường Vụ Bộ Chính Trị – cơ chế bảo vệ lý luận và tư tưởng trong đảng có vị trí cao nhất, còn quan trọng hơn Ban Tổ Chức Trung Ương. Kế tiếp là cơ chế thi hành kỷ luật đảng rồi đến các bộ phận phụ trách về an ninh.
Ưu tiên chiến lược và sinh tử cho lãnh đạo Trung Quốc ngày nay là an ninh của chế độ, chứ không hẳn là chủ quyền quốc gia trên lãnh hải hay các quần đảo gần xa.
Ngay trong các đề mục có tranh chấp với xứ khác, khi Bắc Kinh nói đến “quyền lợi cốt lõi” (core interests) thì quyền lợi có vẫn hàm ý an ninh. Tân Cương hay Tây Tạng là những quyền lợi cốt lõi đích thực vì nếu không kiểm soát được các khu vực này thì Trung Quốc bị nội loạn như đã từng bị trong lịch sử.
Khi Cộng Hòa Mông Cổ ở Ngoại Mông đã giành lại quyền độc lập từ Liên Bang Xô Viết từ hai chục năm trước và năm năm qua còn xây dựng nền dân chủ chưa từng thấy trong lịch sử, đời sống có thay đổi của dân Mông Cổ ở miền Bắc đã khiến người Mông Cổ trong khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc phải so sánh và suy nghĩ.
Ý thức của họ là một vấn đề mới. Về văn hóa và lịch sử thì họ là dân Mông Cổ, cũng tôn sùng Thành Cát Tư Hãn như Mao Trạch Ðông và lãnh đạo đời nay tại Bắc Kinh. Nhưng về chính trị thì họ chỉ là công dân hạng ba của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Họ sẽ không chấp nhận điều ấy!
Chi tiết đó khiến chúng ta càng nhớ đến vai trò của bí thư Nội Mông là Hồ Xuân Hoa, người vừa được Hồ Cẩm Ðào cất nhắc để chuẩn bị vai trò lãnh đạo của thế hệ thứ sáu trong 10 năm tới, sau thế hệ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ lên lãnh đạo vào đầu năm 2013, sau Ðại hội 18 vào tháng 11 này.
Kết luận ở đây là gì?
Sau ba mươi năm cải cách của Ðặng Tiểu Bình, Trung Quốc đang có nguy cơ nội loạn. Lý do động loạn là những nhược điểm trong tổ chức kinh tế và chính trị khiến lãnh đạo xứ này không thể vượt nổi bài toán truyền thống về địa dư hình thể.
Nỗi lo sợ đó nằm trong xương tủy của chế độ vì đảng không thể thỏa mãn nổi nhu cầu quốc kế dân sinh của 800 triệu người thất thế sau khi đã tạo ra phép lạ kinh tế cho 500 triệu người có giao tiếp với kinh tế thị trường và thế giới bên ngoài. Nếu thiếu áo cơm thì tự ái dân tộc có thể là liều thuốc an thần, một loại nha phiến để ru ngủ.
Ðã vậy, trong các cuộc vận động chính trị nội bộ để đưa lớp người mới lên lãnh đạo sau Ðại hội 18, ngần ấy phe phái đều muốn lấy lòng các tướng lãnh và ve vãn xu hướng cực đoan về đối ngoại qua lập luận ái quốc.
Nhu cầu khích động tự ái dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa ái quốc và tinh thần bài ngoại là giải pháp đã từng được Từ Hy Thái Hậu áp dụng, trước khi nhà Mãn Thanh sụp đổ đúng 10 năm sau.

Không có nhận xét nào: