Pages

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Muốn bảo vệ đảng thì nên rút lại quyết định sa thải Nguyễn Đắc Kiên

Hà Hiển

Việc sa thải Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên có đúng pháp luật?

Việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia đình & Xã hội (GĐ & XH) bị đuổi việc đang gây xôn dư luận cả trong và ngoài nước
Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên
Dư luận xôn xao vì việc kỷ luật này diễn ra ngay sau khi Nguyễn Đắc Kiên có bài viết phản biện lại một bài nói chuyện của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Phú Thọ được Đài Truyền hình Việt Nam phát lại trong Chương trình Thời sự buổi tối ngày 25/2/2/2013 (*) khiến nhiều người liên hệ việc kỷ luật này với bài viết ấy của anh mặc dù lý do mà Báo GĐ & XH đưa ra cho việc kỷ luật này chỉ được nêu rất chung chung là Nguyễn Đắc Kiên đã “vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động.”


Không rõ anh Kiên đã vi phạm gì nhưng nếu việc đuổi việc anh Kiên chỉ xuất phát từ lý do anh đã viết bài phản biện TBT thì quyết định này của Báo GĐ- XH là rất không thuyết phục. Cho dù “Quy chế của Báo và Hợp đồng lao động” của Báo với anh Kiên được quy định thế nào thì chúng cũng không được trái với các quy định của pháp luật. (*)

Trong một bài viết trên trang Ba Sàm (***), tác giả Quách Hoàng Lân đoán rằng có thể người ta đã cáo buộc anh Kiên vi phạm vào khoản “gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp” (khoản 1a, điều 85) để đuổi việc anh vì anh “đã bị cho là nói trái với chủ trương của Đảng, và vì thế, lợi ích của doanh nghiệp (cụ thể là tòa báo GĐ&XH) sẽ bị ảnh hưởng (bị Đảng rút giấy phép chẳng hạn)…”. Nhưng tác giả này cũng phân tích thêm một cách rất xác đáng rằng “ lý do này chưa thỏa đáng vì chính ông Phan Trung Lý đã thông báo với nhân dân là không có cấm kỵ nào trong việc góp ý sửa đổi hiến pháp cả…” nên đó không thể là cái cớ hợp pháp để đuổi việc Nguyễn Đắc Kiên.

Nên rút lại một quyết định sai lầm.
Nếu việc kỷ luật này là có sự chỉ đạo từ “trên” nữa chứ không phải chỉ là ý chí của lãnh đạo Báo GĐ & XH thì sự chỉ đạo ấy là một sai lầm về chính trị vì nó không phục vụ cho việc bảo vệ đảng mà còn gây hiệu ứng ở chiều ngược lại.

Nếu đây chỉ là quyết định của những người lãnh đạo Báo GĐ&XH để bảo vệ (doanh nghiệp) mình như phân tích của tác giả Quách Hoàng Lân mà không phải do lãnh đạo ở cấp cao hơn sai khiến thì lãnh đạo của Báo đã chỉ vì quan tâm bảo vệ lợi ích của mình mà làm tổn hại đến thanh danh của đảng, làm cá nhân TBT Nguyễn Phú Trọng bị mang tiếng, “các thế lực thù địch” nhân việc này lại công kích vào đảng.

Nếu đúng như vậy thì hành động này của báo GĐ & XH, dù cố ý hay vô tình, đã làm tổn hại đến đảng.

Vì thế, nếu muốn thực sự bảo vệ đảng thì lãnh đạo Báo GĐ & XH nên rút lại quyết định đuổi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.

Còn nếu lãnh đạo của Báo không muốn thế thì thôi.

Bài liên quan:
_______________________________________

Ghi chú:

(*) Bấm vào ĐÂY để đọc bài viết này của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên
(**) Điều 85 của Luật Lao động quy định việc kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau:
a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật;
c) Người lao động tự ý bỏ việc bảy ngày trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng“
(Theo Quách Hoàng Lân)
(***) Bấm vào ĐÂY để đọc bài viết này

(Quê Choa)

Không có nhận xét nào: