Pages

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Tại sao hiến pháp năm 1946 lại dân chủ nhất? Nguyễn Đắc Kiên



ndk2

Nguyễn Đắc Kiên
Điều 70 – Hiến pháp năm 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.
Hiến pháp năm 1959 đã sửa điều khoản quan trọng bậc nhất này và trao toàn quyền sửa đổi hiến pháp cho quốc hội. Điều 112, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.

Không có toàn dân nào phúc quyết cho những sửa đổi hiến pháp năm 1959. Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ 11, thông qua trong phiên họp ngày 31/12/1959, lúc 15h50. Ngay ngày hôm sau, 1/1/1960, Chủ tịch nước khi đó, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh SL/01 ban hành[1].
Cũng trong tháng 12/1959, NXB Sự Thật phát hành cuốn “Hiến Pháp” Mỹ – Diệm, một công cụ nô dịch nhân dân miền Nam[2]. Trong cuốn sách này, tác giả Đinh Gia Trinh cho rằng bản Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa là bất hợp pháp vì “một hiến pháp phải có cơ sở là nhà nước hợp pháp. Nhà nước riêng biệt mà Mỹ – Diệm thiết lập ở miền Nam Việt Nam là bất hợp pháp, vì nó là sản phẩm trực tiếp của sự vi phạm trắng trợn những điều khoản chính trị của hiệp nghị Giơ-ne-vơ”[3].
Vậy bản Hiến pháp năm 1959, một sản phẩm của sự vi phạm Hiến pháp năm 1946 thì sao? Đây là một câu hỏi mà cần phải nhìn lại hoàn cảnh ra đời của bản Hiến pháp năm 1946 mới thấy hết ý nghĩa hệ trọng của nó.
Ông Hồ là một trong 7 người soạn thảo ra Dự án Hiến pháp đầu tiên đăng báo Cứu quốc số 88, ngày 10/11/1945[4]. Những thay đổi về quyền phúc quyết toàn dân trong bản hiến pháp năm 1959, thực ra là sự trở lại với dự án hiến pháp đầu tiên do nhóm của ông Hồ dự thảo. Theo ông Võ Nguyên Giáp thì Hồ Chí Minh là trưởng ban dự thảo và trực tiếp chủ tọa nhiều phiên họp của ban[5].
Tuy nhiên, nhà thơ Huy Cận (Cù Huy Cận) cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin hơn về việc này, trước khi có nhóm 7 người nói trên đã có một nhóm khác dự thảo hiến pháp được lập ra[6]. Cũng theo ông Cù Huy Cận, bên cạnh Ủy ban Hiến pháp lại có Ủy ban kiến thiết quốc gia (Ủy ban kiến quốc), tập hợp những nhân sỹ có tiếng ở Hà Nội và trong cả nước như: luật sư Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Trần Văn Chương; các giáo sư khoa học như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển… Ủy ban kiến quốc cũng đề xuất một dự thảo Hiến pháp riêng. Tinh thần cơ bản của dự thảo này là một chế độ đại nghị với hai viện dân biểu (Hạ nghị viện và Thượng nghị viện) phỏng theo mô bản chế độ đại nghị phương Tây. Cù Huy Cận viết trong hồi ký: “Ủy ban kiến quốc đã tập trung bàn nhiều về chính thể và chế độ, vì một số vị trong Ủy ban cho rằng điểm này là mấu chốt, là cơ bản… Thật ra, đây cũng là một cuộc tranh luận về chính trị, với hai quan điểm khác nhau, nếu không nói là đối lập thì cũng tranh chấp ảnh hưởng”.
Không có quá nhiều thay đổi so với dự án hiến pháp đầu tiên đăng công báo Cứu quốc số 88, nhưng kết quả của những cuộc tranh luận và dự án hiến pháp của Ủy ban kiến quốc cũng mang lại hai thay đổi quan trọng trong bản dự thảo cuối cùng trình Quốc hội: Dự án hiến pháp đầu tiên để quốc hội toàn quyền sửa hiến pháp thì dự thảo cuối cùng đưa vào điều khoản toàn dân phúc quyết; Dự thảo trình quốc hội ghi rõ: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” khác với ghi nhận chung chung trước đó “Nhà ở và tài sản của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm đến”[7].
Dự thảo cuối cùng sau đó được quốc hội lập hiến thông qua và trở thành bản Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (thêm phần Lời nói đầu)[8].
Ủy ban kiến quốc khi đó chỉ là một sản phẩm chính trị của ông Hồ. Nhưng tiếng nói Ủy ban kiến quốc sở dĩ mạnh vì sau lưng họ có sự hậu thuẫn của cả quốc dân đồng bào. Hồ Chí Minh và phe phái của ông đã nắm thế chủ động trong việc soạn thảo hiến pháp nhưng tất cả đều dưới một áp không nhỏ từ các phe phái khác và từ tầng lớp tri thức tiến bộ. Ông Hồ và phe phái của ông không dễ gì thể hiện hết tham vọng cộng sản hóa đất nước ở thời điểm đó[9].
Ông Hồ sợ mang tiếng cộng sản
Những ngày cuối năm 1945, dưới sự bảo trợ của 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 đến biên giới Việt – Trung, Việt Quốc do ông Vũ Hồng Khanh đứng đầu và Việt Cách do ông Nguyễn Hải Thần đứng đầu đã chiếm giữ một số địa bàn Móng Cái, Yên Bái, Vĩnh Yên. Đặc biệt, Việt Quốc, được coi là đảng phái lớn nhất khi đó đã hợp nhất với Đại Việt Quốc dân đảng và Đại Việt dân chính đảng, xuất bản báo, in truyền đơn tuyên tuyền chống thực dân – cộng sản. Việt Quốc lập một lực lượng vũ trang 2.000 người và mở các lớp sơ, trung cấp, cao đẳng quân sự, chính trị; chia miền Bắc và miền Trung thành 7 chiến khu đảng bộ[10].
Sau mấy chục năm cùng nhau làm cách mạng, Việt Minh là đảng phái chiếm ưu thế lớn nhất sau sự kiện 19/8/1945, nhưng công lao của Việt Quốc, Việt Cách và các đảng phái khác không dễ gì bị lu mờ trong một sớm một chiều.
GS Hoàng Xuân Hãn kể lại một cuộc tiếp kiến với Hồ Chí Minh vào thời điểm cuộc đảng tranh đang hồi căng thẳng, ngày 13/10/1945[11].
“Hai lần xin cáo biệt, nhưng cụ giữ lại. Ban đầu bình phẩm về chính quyền. Tôi có nói: (Nay ta chưa độc lập, đang cần dư luận ngoại bang bênh vực. Nếu tỏ ra bất lực, hoặc có thái độ độc tài, thì khó lòng họ giúp mình). Cụ bảo rằng ủy ban địa phương làm bậy, chứ chính phủ không có ý chuyên quyền. Cụ hỏi đi hỏi lại: “Thế ra họ nói chính phủ cộng sản, thực chăng?”[12]. Tôi đáp: (Cụ đã nghe vậy thì có thật). Cụ nói: “Còn nói chính phủ độc tài, thì có đâu. Trong nội các có nhiều người không phải ở trong mặt trận Việt Minh…”
Cụ lại phân trần lâu việc bài xích hạng trí thức. Cụ nói chính phủ không làm điều ấy; nhưng có người làm thì chính phủ phải nhận lỗi. Rồi nói sang chuyện đảng tranh làm dân chúng hoang mang. Chủ tịch rất chăm chú nghe, cặp mắt sáng trương to như rót vào mặt tôi. Cụ hỏi: “Trí thức theo cụ Nguyễn Hải Thần nhiều phải không? Ông giao thiệp rộng chắc biết”. Trong trả lời tôi có nói: “Hình như khi ở nước ngoài các cụ đã trù tính việc chung. Nay đều về, lại thấy các cụ chia rẽ, cho nên họ hoang mang. Nếu cụ Nguyễn Hải Thần chỉ kéo bè đảng thôi, thì chắc họ không theo. Cụ Nguyễn có tìm gặp tôi, tôi đã thưa rằng người tri thức chân chính không tìm địa vị. Các cụ già cứ hòa hiệp với nhau, rồi thì hạng trẻ như chúng tôi theo. Các cụ có cần gọi ra quét đường, họ cũng nhận”.
Nét mặt không di chuyển, Chủ tịch đặt câu hỏi thẳng: “Đối với ông, thì cụ Nguyễn là thế nào?” Tôi đáp: “Tôi không được biết rõ. Nhưng cảnh huống bây giờ thì tuy là bậc cách mệnh lão thành nhưng trở về chậm nước, cụ phải ép vào thế non,… xem ra thế nào!” Cụ hỏi gặn: “Thế nào?” Tôi nói: “Thế nào… tôi không tiện nói, chỉ có thể nói thế cụ Nguyễn không được thuận. Tuy nhiên, làm cách mạng trong bốn mươi năm nay, cụ ấy có thanh thế. Vả hạng tri thức ai cũng sẵn sàng làm việc nước, mà bị chính phủ đem lòng ngờ vực, thì họ đi theo cụ Nguyễn, cũng là người ái quốc, đó cũng không nên lấy làm lạ!””.
Sau đó Hồ Chí Minh hỏi thêm: “Đối với cụ Nguyễn Hải Thần nên làm thế nào?” Hoàng Xuân Hãn trả lời: “Nếu cụ Nguyễn có thể làm dễ cho sự ngoại giao, thì nên dùng cụ. Tuy không nên cải tổ hấp tấp ra đang sợ áp lực, nhưng nên cải tổ chính phủ để hợp tác. Sự hợp tác phải thành thật, đừng để có cảm tưởng lấy danh mà thôi”.
Tinh thần bản Hiến pháp
Ông Hồ dường như đã nghe thấy một nửa lời khuyên của GS Hoàng Xuân Hãn. Sau đó, 70 đại biểu của các đảng phái khác Việt Minh đã bổ sung vào quốc hội năm 1946 mà không qua tổng tuyển cử[13]. Một “Chính phủ liên hiệp kháng chiến” đã được Hồ Chí Minh lập ra ngày 2/3/1946 với Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch, Vũ Hồng Khanh là phó Chủ tịch Quân ủy trung ương và Phan Anh Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng sau này Phan Anh thừa nhận với GS Hoàng Xuân Hãn, chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông chỉ là tượng trưng, quân đội thực chất nằm trong tay tướng Giáp[14].
Chính phủ này chỉ tồn tại được 10 tháng, ngày 3/11/1946, một Chính phủ mới không còn người đối lập đã được lập ra[15], chấm dứt thời kỳ có thành phần đối lập trong chính phủ và quốc hội[16], lịch sử Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ cộng sản[17].
Nếu non tay chính trị ông Hồ đã có thể đưa những điều khoản “đỏ” hơn vào bản Hiến pháp năm 1946, nhưng ông là một chính trị gia lão luyện đến kẻ thù của ông cũng phải khâm phục.
Hồ sơ của Louis Marty ghi nhận một sự việc như vậy. Năm 1927, ở Maxcova, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố: “sự thành lập đảng Cộng sản tại Đông Dương không thể thực hiện được hồi đó, “bởi vì chưa ai thấu hiểu nghĩa của tiếng “cộng sản”””. Tuyên bố này giải thích cho chiến thuật thận trọng trước đó của Nguyễn Ái Quốc. Kể từ ngày 20/6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tại Quảng Châu tờ tuần báo “Thanh Niên”. Trong những số đầu, ông nhấn mạnh nhiều về tinh thần đoàn kết, kêu gọi tinh thần độc lập và ý thức quốc gia. Kế đó ông cung cấp cho độc giả các tài liệu về các phong trào quốc tế. Lâu lâu, một câu hay một bài báo ngắn cố tình cho độc giả hiểu về sự hiện hữu của Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc đã không ngần ngại sử dụng 60 số báo để sửa soạn tinh thần độc giả trước khi bộ lộ ý định của ông khi viết: “chỉ có đảng Cộng sản là có thể đảm bảo hạnh phúc cho Annam”. Khi đó tờ tuần báo của Nguyễn Ái Quốc đã được tất cả đảng viên trong và ngoài nước cùng nhiều cảm tình viên đọc và chép đi chép lại nhiều lần[18].
Nhưng những thủ đoạn chính trị dù có được bày đặt tinh vi đến đâu thì cuối cùng cũng chỉ là cái xác bị đè dưới bánh xe lịch sử.
Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 bắt đầu bằng “cuộc Cách mạng tháng Tám”, xóa bỏ đô hộ thực dân, chế độ vua quan cũ, cũng đồng thời xóa bỏ toàn bộ công tích của các phong trào đấu tranh của các nhà yêu nước trước đó. Lịch sử khởi đầu một thời kỳ mới bắt đầu từ “Cách mạng tháng Tám” được viết bởi người Cộng sản[19].
Nhưng lịch sử là cái đã diễn ra chứ không phải là cái được kể lại, nó lưu giấu trong những thực thể mà sự tồn tại của những thực thể đó nằm ngoài hết thảy những dự tính, những âm mưu, thủ đoạn. Bản Hiến pháp năm 1946 là một thực thể như thế, người ta có thể bóp méo tất cả, nhưng chẳng có cách nào bóp méo bản thể tinh thần đã sinh ra nó. Người ta không thể giấu giếm tinh thần dân chủ của bản Hiến pháp năm 1946, cũng như không thể giấu giếm tính toàn trị của những bản hiến pháp sau đó, được viết từ sức mạnh tuyệt đối của Đảng Cộng sản.
Hà Nội, ngày 12/2/2013
N.Đ.K
Chỉ dẫn:
[1] – Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, NXB Dân Trí, năm 2011; Xem thêm: Lịch sử quốc hội Việt Nam 1946 – 1960, NXB Chính trị Quốc gia, năm 1994. Hình dưới là ảnh Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 01/SL ban hành Hiến pháp năm 1959 ngày 1/1/1960. Ảnh Tư liệu

[2] – Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, do Quốc hội Lập hiến biểu quyết ngày 20/10/1956, được Tổng thống Ngô Đình Diệm ký ban hành ngày 26/10/1956.
[3] Xem thêm: Đinh Gia Trinh,  “Hiến pháp” Mỹ – Diệm, một công cụ nô dịch nhân dân miền Nam, NXB Sự Thật, năm 1959.
[4] – Đặng Thanh Xuân (Phan Đăng Thanh), Tư tưởng lập hiến thế kỷ XX và sự ra đời Hiến pháp đầu tiên ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ lịch sử, năm 2003.
[5] – Hồi ký đại biểu Quốc hội khóa I, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2000, tr.20-21.
[6]- Trong Sắc lệnh số 34 ngày 20/9/1945 lập ủy ban dự thảo Hiến pháp thì danh sách 7 người không có tên ông Cù Huy Cận và có tên ông Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại). Tuy nhiên, theo Huy Cận, trước khi ra Sắc lệnh số 34, ngày 13/9/1945, Hội đồng Chính phủ lâm thời đã quyết định lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người trong đó Hồ Chí Minh giữ vai trò cố vấn và có mặt ông Cù Huy Cận trong thành phần ủy ban. Ủy ban họp mỗi tuần một lần ở phòng hóa học của trường Đại học Đông Dương cũ. Bản dự thảo hiến pháp này theo tinh thần dân chủ mới: quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và giống chế độ đại nghị phương Tây, nêu rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Còn theo biên bản buổi họp toàn thể đại hội lần thứ nhất, ngày 2/3/1946 thì ông Cù Huy Cận là thành viên của nhóm 11 người trong Ban dự thảo Hiến pháp của quốc hội.
[7] – Xem thêm: Phan Đăng Thanh, sđd, phụ lục 5-11.
[8] – Ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với 240 đại biểu tán thành trên 242 đại biểu; hai đại biểu không tán thành là Nguyễn Sơn Hà và Phạm Gia Đỗ. Ông Phạm Gia Đỗ, đại biểu của Việt Quốc trước đó, phát biểu tranh luận, không tán thành chế độ một viện mà cần có chế độ hai viện vì ông cho rằng, chế độ một viện là “độc tài của đa số”.
Về bất đồng của đại biểu Nguyễn Sơn Hà, nhà tư sản, được coi như người mở đường cho ngành sơn dầu Việt Nam, ông Hà không tán thành vì Hiến pháp không có điều quy định công nhận cho công dân có quyền tự do kinh doanh[Xem thêm: Phan Đăng Thanh, sđd, chú thích 8].
Bản Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua và Quốc hội cũng đã quyết định không cần phải đưa Hiến pháp ra trưng cầu dân ý trong toàn quốc nữa. Bản Hiến pháp đã trở thành chính thức từ 9/11/1946. Việc bầu Nghị viện nhân dân cũng chưa thể tổ chức được, Quốc hội lập hiến, tiếp tục hoạt động và trở thành Quốc hội lập pháp. [Xem thêm: Lịch sử quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, NXB Chính trị Quốc gia, năm 1994].
[9] – Khi đó, Điều 126, Hiến pháp Liên Xô năm 1936 đã viết: “Những người công dân hoạt động nhất và giác ngộ nhất thuộc gia cấp công nhân, nông dân lao động và lao động trí thức kết hợp cùng nhau trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng là đội tiên phong của những người lao động trong cuộc đấu tranh xây dựng xã hội cộng sản và là hạt nhân lãnh đạo của mọi tổ chức lao động, mọi tổ chức xã hội cũng như mọi cơ quan nhà nước”.
[10] Xem thêm: Nguyễn Văn Khánh, GS.TS Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN, Việt Nam Quốc dân đảng trong thời kỳ thoái trào và biến chất (từ 1930 đến 1954), Nghiên cứu lịch sử, số 6 – năm 2010.
[11] Đoạn khá dài này được trích nguyên văn vì tính chất quan trọng của nó. Đoạn trích được dẫn từ bài viết: “Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt” của GS Hoàng Xuân Hãn trên Tập san Sử Địa, Số 23-24, năm 1971. Tập san Sử Địa là một tập san sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, với sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm có 29 số (22 tập), được phát hành từ năm 1966 cho tới sự kiện 30/4/1975 thì ngừng lại.
[12] – Xem thêm: Việt Nam 1945-1995 – Chương 1: Quốc gia và Cộng sản
[13] – Ông Cù Huy Cận ghi lại sự việc đó như sau: “Ngày 3/3/1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên. Có một sự kiện mà chỉ có Quốc hội ta mới có. Đó là việc ngoài các đại biểu chính thức được bầu qua tổng tuyển cử trong cả nước, Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội chấp nhận thêm 70 đại biểu của Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) vì vừa rồi các vị ấy không có điều kiện ra ứng cử. Quốc hội biểu quyết thông qua”.
[14] – Vũ Đình Hòe, Hồi ký Thanh Nghị,  NXB Văn Học, năm 1997, tr.620. Vũ Đình Hòe trích lại bài viết Tưởng nhớ Phan Anh của GS Hoàng Xuân Hãn trên báo Hồng Lĩnh số 6. Thanh Nghị: Nghị luận trong trẻo của kẻ trí thức, là tờ báo ra một số từ 1/5/1941, rồi mỗi tháng ra hai số từ 1/5/1942. Báo Thanh Nghị do một nhóm thanh niên trí thức chủ trương gồm có các giáo sư, luật gia, bác sỹ… Trong đó Phan Anh đóng góp chủ yếu những bài lập hiến. Trong chuỗi bài về lập hiến, có một đoạn viết về vai trò của đảng như sau: “Chính phủ Trung Hoa hiện thời là Chính phủ của một đảng, giống như Chính phủ Nga Xô viết, Đức hoặc Ý (phát xít). Những cơ quan của Đảng và của Chính phủ thâm nhập lẫn nhau, khó mà phân biệt được… Từ ngày một Hiến pháp lâm thời được thực hiện, hoạt động của Quốc dân đảng dần dân lu mờ đi trước hoạt động của Chính phủ. Đảng tuyên bố hoạt động của Đảng sẽ thôi hẳn, khi nào Hiến pháp chính thức được ban bố để thi hành. Khác hẳn với những chính thể Nga Xô viết, Đức và Ý, ở ba nước này, người ta không hề dự định giải tán đảng vì nhiệm vụ của đảng giống hệt như nhiệm vụ của Chính phủ”. Còn trong bài Tưởng nhớ Phan Anh của GS Hoàng Xuân Hãn đã dẫn ở trên, có một chi tiết khác khá thú vị là khi đi cùng Hồ Chí Minh sang dự hội nghị Fontainebleau, Phan Anh đã mang về một cuốn sách của A.Koestler, “cuốn sách đã gây một tiếng giội lớn ở Âu châu Âu vì chỉ trích thâm trầm chế độ và tư tưởng của Xtalin trong các vụ giết các bạn hữu đồng chí”.
[15] – Trong 70 đại biểu vào Quốc hội không qua Tổng tuyển cử cuối cùng “chỉ có Trần Văn Cầu (Việt Quốc), Lê Viết Cường, Đinh Chương Dương, Lý Đào, Ngô Văn Hợp, Nguyễn Văn Lưu, Trần Tân Thọ (Việt Cách) là đủ tư cách đại biểu Quốc hội, còn hầu hết là bị Quốc hội truất quyền đại biểu”. Theo ghi nhận của tướng Võ Nguyên Giáp, Quốc hội khóa I, kỳ 2 khai mạc ngày 28/10/1946: “Số ghế dành cho các tổ chức này trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên, nay để trống gần một nửa”. Cũng tướng Giáp ghi lại, trả lời chất vấn của các đại biểu ngày 31/10/1946 về việc Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh rời Quốc hội, Hồ Chí Minh nói: “Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, về ông Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh… Các ông ấy không có mặt ở đây… Lúc nhà nước đương gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào trao người ấy công việc lớn mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Những người đã bỏ việc kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ năng lực gánh vác; nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cứ gánh vác như thường”. Xem thêm: Hồi ký đại biểu Quốc hội khóa I, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2000, phần hồi ký của tướng Võ Nguyên Giáp.
Còn theo Phan Đăng Thanh, trong sách đã dẫn ở trên, ngày 11/3/1946 Hội đồng Chính phủ đã cử Vĩnh Thụy sang giao hảo với Trung Hoa, nhân chuyến đi này ông đã ở lại luôn Trung Quốc và sau đó sang Hồng Kông. Sau Hiệp ước Pháp – Hoa, ngày 28/2/1946, quân đội Tưởng Giới Thạch rút về nước, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh… “bỏ nhiệm vụ” trốn theo[Xem thêm: Việt Nam 1945-1995 – Chương 1: Quốc gia và Cộng sản]. Vệ quốc quân của Chính phủ đã đồng loạt tấn công các “dư đảng” còn lại. Đến “ngày 7/11/1946, nhiều phần tử Việt Quốc, Việt Cách bị bắt giam ở Hà Nội. Các nhóm chính trị phản động tiếp tục bị khám phá, tém dẹp”.
[16] – Phan Đăng Thanh, sđd, tr.161
[17] – Đến lần sửa đổi Hiến pháp năm 1980, Đảng chính thức đưa quyền lãnh đạo của mình vào Điều 4. Điều 4, Hiến pháp năm 1980 ghi: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”
[18] – Tập san Sử địa, số 14-15, tr.178-182, trích đăng Tài liệu của Sở mật thám Đông Dương về “Đông Dương cộng sản đảng” do trùm mật thám Louis Marty chủ trương biên soạn.
[19] – Việc có một bản Hiến pháp, một Quốc hội, một Chính phủ khi đó có ý nghĩa hệ trọng trong việc tuyên bố với thế giới về một nước Việt Nam độc lập. Đó là điều mà lịch sử của Đảng Cộng sản nhấn mạnh như một công lao không thể chối cãi thuộc về đảng. Tuy nhiên, có một sự kiện liên quan đến việc thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim, chính phủ được người cộng sản tuyên truyền là bù nhìn, tay sai cho Nhật, có thể cho người ta một góc nhìn khác. Trong bài trả lời phỏng vấn của Stein Tonnessson, một nhà sử học Na Uy, cuối năm 1989, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh Niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim và sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ của Đảng Cộng sản cho biết, ngay từ khi lập ra chính phủ, vua Bảo Đại, Trần Trọng Kim đã xác định tính chất “lâm thời” của chính phủ. Việc thành lập chính phủ chỉ là bước đệm để toàn dân vươn tới mục tiêu độc lập. Hoàn cảnh lịch sử khi đó, cần phải có một chính phủ để tuyên bố với quốc tế, khẳng định sự độc lập của người Việt Nam, ngăn cản sự trở lại của người Pháp. Trong đó một việc có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng là Chính phủ Trần Trọng Kim đã đòi lại cho Việt Nam những mảnh đất mà chế độ thuộc địa Pháp đã tách ra là: Nam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội. Đó là những mảnh đất trước đó được gọi là thuộc địa[Xem thêm: Vũ Đình Hòe, sđd, Phụ lục 7]. GS Hoàng Xuân Hãn, một Bộ trưởng khác trong Chính phủ Trần Trọng Kim cũng xác nhận điều này. Theo GS Hãn, Trần Trọng Kim và những nhân sỹ trí thức trong chính phủ chỉ có một mục tiêu chung là “gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập tự tin để đến khi hòa bình trở lại, Đồng Minh không có cớ đặt ách ngoại trị vào cổ dân ta”. Nhưng điều các ông không lường trước được là biến cuộc bất ngờ ở chiến trường Thái Bình Dương, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật và đảng Việt Minh ra lệnh tổng khởi nghĩa. Tin đồn “đoàn quân Việt – Mỹ” sắp về, làm cho toàn dân say sưa[Xem thêm: Việt Nam 1945-1995 – Chương 1: Quốc gia và Cộng sản]. Chính phủ Trần Trọng Kim đã đánh điện cho chủ tịch 5 nước Đồng Minh, yêu cầu nhìn nhận sự độc lập đã thành của nước và đề nghị hợp tác với quân Việt Minh. Nhưng ngày 21/8/1945, Việt Minh lại ra yêu cầu Bảo Đại thoái vị, giải tán Chính phủ Trần Trọng Kim. Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị (ngày 24/8) để Chính phủ của Việt Minh dễ thương thuyết độc lập với Đồng Minh. Theo GS Hãn, sở dĩ có việc này vì vua Bảo Đại và những Bộ trưởng của ông tin rằng khi đó chỉ có Việt Minh có quân đội đủ mạnh để gìn giữ độc lập cho đất nước[Xem thêm: Vũ Đình Hòe, sđd, phụ lục 8]. Còn Việt Minh thì đã tuyên truyền Chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn, việc để Bảo Đại làm cố vấn và thu nhận một số thành viên cũ của Chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Anh là do chính sách đại đoàn kết và trọng dụng tri thức. Tuy nhiên, như đã thấy, số phận của từng người sau đó khác nhau, tùy thuộc vào việc họ có đồng ý hay không với ý thức hệ cộng sản.

Không có nhận xét nào: