Pages

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Trung Quốc bị “sốc” khi Mỹ tiến vào “sân sau” Myanmar?

(Kienthuc.net.vn) - Liệu Trung Quốc có bị "sốc" khi Tổng thống Thein Sein bất ngờ tôn trọng “ý nguyện của người dân” và Mỹ đột nhiên “tốt” với Myanmar?

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Myanmar, Thein Sein.

Quan hệ thương mại đầu tư Trung Quốc-Myanmar tăng vọt

Tuy có lịch sử lâu đời, nhưng quan hệ thương mại Trung Quốc-Myanmar đã tăng vọt trong những năm gần đây.

Theo số liệu thống kê năm 2012 của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), đầu tư chính thức của Trung Quốc tại Myanmar trong hai năm 2010 và 2011 đã vượt mức 12 tỷ USD, gấp gần 8 lần tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này từ năm 1988 đến năm 2009. Hầu hết các khoản đầu tư tập trung vào lĩnh vực năng lượng và khai khoáng.



Quan hệ chiến lược Trung Quốc-Myanmar xem ra khá vững chắc. Trung Quốc là đồng minh giàu tiền mặt của Myanmar và từng bảo vệ nước này bằng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Về phần mình, Myanmar cung cấp cho Trung Quốc nguồn năng lượng, tài nguyên và cửa ngõ tiếp cận Ấn Độ Dương.

Sau năm 2000, Myanmar đã được phê duyệt những dự án ngày càng tham vọng của Trung Quốc – trong đó có dự án đập thủy điện Myitsone khổng lồ, dự án khai thác đồng trị giá hàng tỷ USD gần Monywa và đường ống dẫn dầu khí song hành từ bờ biển Myanmar đến thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam.

Các dự án này đều có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Lượng điện được tạo ra từ dự án đập thủy điện ngăn sông Irrawaddy ở Myitsone được dành riêng cho tỉnh Vân Nam đang phát triển bùng nổ. Trung Quốc cũng thèm khát mỏ đồng lớn ở Monywa. Đường ống dầu khí nối Kyaukpyu trên Biển Andaman với Côn Minh sẽ cung cấp cho miền Tây Nam Trung Quốc lượng dầu thô tối quan trọng đến từ châu Phi và Trung Đông, cùng với nguồn khí đốt tự nhiên khổng lồ được khai thác ở ngoài khơi bờ biển Myanmar.

Trong tháng 5/2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và tân Tổng thống Myanmar, U Thein Sein, đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Myanmar.

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar và sẽ sớm vượt Thái Lan vốn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Mối quan hệ chiến lược Trung Quốc-Myanmar xem ra khá vững chắc.

Khi Tổng thống Thein Sein tôn trọng “ý nguyện nhân dân”…
Ngày 30/9/2011, Tổng thống Thein Sein đã khiến cho Trung Quốc choáng váng, với thông báo đình chỉ 5 năm dự án đập thủy điện Myitsone có số vốn đầu tư lên tới 3,6 tỷ USD.

Tổng thống Thein Sein cho biết thông báo nói trên là tôn trọng ý nguyện của nhân dân Myanmar. Nói cách khác, người dân Myanmar không còn muốn để cho Trung Quốc tiếp tục bòn rút các nguồn tài nguyên như trước. Việc Myanmar quá lệ thuộc vào Trung Quốc đã khiến cho tình hình trong nước trở nên bất ổn.

Ông David Steinberg, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Myanmar tại Đại học Georgetown, nhận xét: “Tình cảm chống Trung Quốc tại Myanmar đang ngày càng gia tăng… Người Trung Quốc đã tài trợ cho việc xây dựng khoảng ba chục con đập ở Miến Điện, chủ yếu là để cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam. Một trong những khúc mắc cho dự án đập thủy điện Myitsone là hơn 90% sản lượng điện của nó sẽ được chuyển đến Trung Quốc và đó là một vấn đề”.

…Trung Quốc có nhiểu lý do để lo ngại
Có một bí mật mà ai cũng biết là Bắc Kinh đang rất lo lắng về các dự án đầu tư bị “ý nguyện của dân chúng” Myanmar cản trở và sự can dự ráo riết của Mỹ vào nước này càng làm cho Bắc Kinh cảm thấy lo ngại hơn.

Hồi đầu năm 2012, công ty khai khoáng Wanbao - một công ty con của Tập đoàn sản xuất vũ khí Norinco, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc - bắt đầu hoạt động khai thác tại mỏ đồng Monywa. Trong một tuyên bố, Corp Norinco Corp. nói rằng dự án Monywa sẽ giúp "tăng cường dự trữ chiến lược tài nguyên đồng và tăng cường ảnh hưởng” của Trung Quốc tại Myanmar.

Ba tháng sau, dự án này đã trở thành một thứ “cột thu lôi” hứng chịu sấm sét của tình cảm chống Trung Quốc trong dân chúng Myanmar, với một số lý do: cưỡng bách di dân, phá hủy một ngôi đền Phật giáo cổ, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và khơi dậy tâm trạng oán giận đối với việc Trung Quốc bòn rút các nguồn tài nguyên của Myanmar.

Cuộc biểu tình nhỏ hồi đầu tháng 6/2012 đã biến thành một làn sóng biểu tình thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội Myanmar: từ nông dân đến các nhà hoạt động xã hội. Làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao này đòi hủy bỏ dự án mỏ đồng Monywa trị giá hàng tỷ USD này.

Còn quan trọng hơn dự án mỏ đồng Monywa là hành lang năng lượng đang được xây dựng giữa cảng nước sâu Kyaukpyu (Myanmar) và thành phố Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc). Đường ống dẫn dầu khí này sẽ chạy từ bờ biển Myanmar đến Côn Minh, sang Quảng Tây và Quý Châu với tổng chiều dài là 1.700 dặm. Đường ống này có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc, góp phần làm giảm 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca vốn dễ bị Mỹ phong tỏa. Bắc Kinh coi sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại eo biển chiến lược này là một mối đe dọa đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Việc đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư không phải là mối quan tâm duy nhất của Trung Quốc ở Myanmar. Cuộc chiến ở bang Kachin giữa quân đội Myanmar và Quân Kachin độc lập (KIA) đã được cảm thấy ở Vân Nam, tỉnh đã phải đón nhận 90.000 người tị nạn và hứng chịu 4 bốn quả tên lửa rơi vào lãnh thổ Trung Quốc, kể từ tháng 12/2012 đến nay.

Bắc Kinh đã yêu cầu Myanmar công khai xin lỗi về các vụ nổ nói trên và đưa quân đến sát biên giới Vân Nam-Kachin. Với hơn 1 triệu người Kachin ở Myanmar và hơn 130 nghìn người cùng sắc tộc với họ sống ở Vân Nam, đây là một trong các nhóm sắc tộc đang làm phức tạp thêm mối quan hệ Trung Quốc-Myanmar. Tại Côn Minh và Bắc Kinh, một số quan chức đã chủ trương hỗ trợ các phiến quân sắc tộc ở miền Bắc Myanmar vốn có mối quan hệ trực tiếp lâu đời với Trung Quốc.

Hồi tháng 1/2013, phía Bắc Kinh đã bác bỏ một báo cáo của Jan’s Intelligence Review nói rằng Trung Quốc đã cung cấp cho Quân đội Thống nhất của nhà nước Wa (lực lượng dân quân sắc tộc lớn nhất Myanmar) hai xe chống tăng. Bất kể báo cáo này đúng hay không, có một điều chắc chắn là Bắc Kinh đang sử dụng con “át chủ bài” sắc tộc ở miền Bắc Myanmar.

Nhà phân tích Steinberg nhận định: “Xét tới thành phần dân tộc ở Vân Nam, nơi cũng có các sắc tộc Wa, Shan, Kachin và Lisu, một vụ nổ bên trong Myanmar sẽ mang lại nhiều vấn đề cho các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc và các quan chức ở Côn Minh và Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ gây áp lực đối với các nhóm sắc tộc thiểu số hành động theo sự chỉ đạo của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh”.

Cơ hội và rủi ro của Mỹ
Các chuyến thăm Myanmar của Ngoại trưởng Clinton trong tháng 12/2011 và của Tổng thống Obama vào tháng 10/2012 sau nhiều thập kỷ mất liên lạc đã khiến cho không chỉ Trung Quốc mà cả phía Myanmar bị bất ngờ. Một cựu quan chức ngoại giao Myanmar yêu cầu giấu tên nói: “Chính phủ Thein Sein đã bị bất ngờ trước mức độ can dự của Mỹ. Chính phủ này đã học được rất nhiều từ ‘Mùa xuân Arập’ và lo ngại cái điều tương tự có thể xảy ra ở Myanmar”.

Quan hệ hữu nghị với Myanmar sẽ cung cấp cho Washington với một “cơ hội bằng vàng” để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và chiến lược ở châu Á. Thế nhưng, Washsington cũng phải tránh làm trầm trọng thêm sự lo ngại của Trung Quốc vì Bắc Kinh vốn đã nghĩ rằng Mỹ đã áp dụng chính sách “kiềm chế” Trung Quốc.

Nhà phân tích Steinberg nói: “Có một thực tế là người Trung Quốc vốn coi Đông Nam Á là khu vực ảnh hưởng của mình. Đây là sân sau của họ và họ có ý định tăng cường hơn nữa mức độ ảnh hưởng này. Họ sẽ rất quan ngại nếu Myanmar chuyển sang quan hệ gần gũi với Mỹ. Họ nghĩ rằng đây là vòng thứ hai trong chiến lược ngăn chặn (Trung Quốc) của Mỹ ... Đó là là những gì mà Trung Quốc lo ngại”. Ông Steinberg cho rằng Myanmar sẽ theo đuổi một chính sách cân bằng vì nước này không muốn lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ hoặc Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Steinberg, Myanmar sẽ cố gắng không làm mất lòng Trung Quốc, trong khi cho phép phương Tây can dự nhiều hơn. Ông nói: “Xét về khía cạnh kinh doanh, Trung Quốc đã không tổn thất nhiều sau vụ Myitsone. Nhưng Trung Quốc lại bị mất rất nhiều chính trị và chiến lược. Trung Quốc đã bị bất ngờ trước những diễn biến hiện nay ở Myanmar”./Lê Chân (theo The Atlantic)

Không có nhận xét nào: