Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

TRUNG QUỐC ÁP ĐẶT QUAN ĐIỂM CỦA RIÊNG HỌ CHO VIỆC XÂY DỰNG COC


BienDong.Net: Sau cuộc họp tham vấn giữa Trung Quốc và ASEAN lần đầu tiên về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC, truyền thông Trung Quốc đã có nhiều bài viết về xây dựng COC, trong đó kêu gọi Trung Quốc phải giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng về xây dựng COC cả về tốc độ trong việc xây dựng COC.
Nhiều nhà phân tích quốc tế đang đặt ra câu hỏi tại sao phải tiến hành xây dựng COC “tuần tự tiệm tiến”, phải chăng Trung Quốc đang áp đặt ý kiến của họ đối với các nước ASEAN trong việc xây dựng COC.

Tại cuộc họp báo thưng kỳ ngày 16/9/2013 ngay sau cuộc tham vấn lần đầu tiên về COC, phóng viên đã thẳng thắn đặt câu hỏi “Trong khi các vụ việc, tranh cãi không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây ở Biển Đông mà tại sao Trung Quốc chỉ thúc đẩy quá trình COC một cách tuần tự, tiệm tiến”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã quanh co giải thích và cho rằng đó là nhận thức chung của các bên tham dự hội nghị.
Sự thật đâu phải như vậy, tại cuộc họp tham vấn về COC ở Tô Châu, Trung Quốc và trước đó các nước ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng COC nhằm sớm có COC tạo cơ sở cho việc kiểm soát tình hình Biển Đông. Do vậy, không thể nói “tuần tự tiệm tiến” là quan điểm của các nước ASEAN trong việc xây dựng COC mà đây là ý kiến áp đặt đơn phương của Trung Quốc lên cả khối ASEAN. Chúng ta còn nhớ ngay từ đầu tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra 4 điều kiện áp đặt cho các nước ASEAN trong việc xây dựng COC là: (i) mong muốn hợp lý; (ii) hiệp thương nhất trí; (iii) gạt bỏ quấy nhiễu; (iv) tuần tự tiệm tiến. Bốn điều kiện này chính là cản trở lớn nhất cho việc xây dựng một COC theo nhu mong muốn của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. “Mong muốn hợp lý” là điều kiện đưa ra nhằm ngăn cản việc đưa những nội dung thực chất mang tính ràng buộc cao vào nội dung của COC. “Hiệp thương nhất trí”, điều này xem ra là đúng, song đây chính là điều kiện để bắt buộc nội dung của COC phải theo ý kiến của Trung Quốc; nếu Trung Quốc không đồng ý thì sẽ không thể đưa vào COC. Như vậy, Trung Quốc sẽ phản đối tất cả những nội dung mang tính ràng buộc, hạn chế những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. “Gạt bỏ quấy nhiễu” là điều kiện Trung Quc đưa ra để nhằm vào Philippines, Trung Quốc coi việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài là “sự quấy nhiễu” đối với xây dựng COC. “Tuần tự tiệm tiến” là điều kiện Trung Quốc đưa ra để trì hoãn, kéo dài tiến trình đàm phán về COC.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp và căng thẳng ngày một leo thang do những hành động hiếu chiến, thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông thì các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế từ chính giới đến các nhà nghiên cứu, học giả và cả các phóng viên báo chí đều cho rằng việc sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với những nội dung thực chất mang tính ràng buộc cao sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, thúc đẩy hợp tác trên biển. Riêng Trung Quốc thì đi ngược lại với mong muốn và nguyện vọng của cả cộng đồng quốc tế. Ban đầu họ không muốn xây dựng COC nhưng trước áp lực của cộng đồng quốc tế họ buộc phải có cử chỉ “thiện chí” là đồng ý tham vấn về COC nhưng đã đưa ra nhiều điều kiện để ngăn cản tiến trình xây dựng COC thực chất.
Nguyên nhân sâu xa của việc Trung Quốc đòi phải “tuần tự tiệm tiến” trong xây dựng COC là để họ có thời gian rảnh tay trong các hành động leo thang mới của họ ở Biển Đông, để có thời gian tiếp tục “gặm nhấm” vùng biển của các nước ven Biển Đông, để có thời gian phá vỡ cục diện hiện nay, thiết lập một “trật tự mới” dưới sự kiểm soát, khống chế của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc không thật lòng trong quan hệ với các nước ASEAN mà họ đang lừa dối các nước ASEAN và cả cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng COC. Nếu thực sự muốn cùng các nước ASEAN duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông thì họ đã hành động khác vì điều kiện để xây dựng COC đã chín muồi, các nước ASEAN đã nhất trí được với nhau về những thành tố chính của COC. Mặc dù tham vấn về COC là một bước tiến mới góp phần giảm căng thẳng, nhưng đây chỉ là một con bài chính trị của Trung Quốc để xoa dịu những bức xúc của cộng đồng quốc tế, đây chưa phải là một bước tiến thực chất trong việc xây dựng COC.
Đánh giá về ý đồ của Trung Quốc trong việc áp đặt quan điểm “tuần tự tiệm tiến” trong xây dựng COC, báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết mục tiêu của Trung Quốc là “kéo dài thời gian” xây dựng COC và trong thời gian đó Trung Quốc sẽ không tạo ra “việc đã rồi” để tăng cường khống chế trên thực tế đối với Biển Đông. Trung Quốc đồng ý tham vấn với ASEAN về COC làm nhằm tránh những chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước lớn Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Châu Âu tại diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS) tổ chức tại Brunei tháng 10 tới đây.
Tờ Yomiuri còn phê phán việc Trung Quốc áp dụng sách lược phân biệt đối xử với các nước ASEAN nhằm phân hoá chia rẽ ASEAN. Trung Quốc ve vãn các nước ASEAN khác thì Trung Quốc thi hành chính sách cứng rắn từ đầu đến cuối với Philippines, chĩa mũi nhọn vào chỉ trích Philippines nhằm cô lập Philippines.
Mặt khác, cùng với việc tham vấn với ASEAN về COC, Trung Quốc tiếp tục khẳng định chính sách cứng rắn, khẳng định quyết tâm bảo vệ những cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ” và “quyền lợi biển” của Trung Quốc.
Như vậy, tiến trình xây dựng COC sẽ còn hết sức gian nan do những điều kiện của Trung Quốc áp đặt thô bạo lên cả cộng đồng các nước ASEAN.
BDN

Không có nhận xét nào: