Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Đường đến Hội đồng Nhân quyền 2014-2016 của Việt Nam

Nghiêm Hoa
Cuộc bầu cử để chọn ra các thành viên mới nhiệm kỳ 2014 – 2016 trong số 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) sẽ diễn ra theo dự kiến vào ngày 12/11/2013 tại Đại hội đồng LHQ. Ngày 25/02/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc về việc Việt Nam lần đầu tiên ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ này. Như vậy, Việt Nam đã chính thức cạnh tranh với Trung Quốc, Maldives, Jordan và Arập Saudi với tỉ lệ 5 chọn 4 cho vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Ảnh: Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chính thức tuyên bố việc Việt Nam lần đầu tiên ứng cứ vào Hội đồng Nhân quyền
cho nhiệm kỳ 2014-2016 (nguồn: internet)

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
HĐNQ là một trong hai loại cơ chế làm việc về nhân quyền của LHQ bên cạnh các Ủy ban công ước. Các Ủy ban Công ước là các cơ chế kỹ thuật, bao gồm các chuyên gia độc lập và hoạt động trên cơ sở các Công ước nhân quyền, còn HĐNQ là một cơ chế liên chính phủ bao gồm 47 nước thành viên được phân bổ theo các khu vực, bao gồm 13 nước châu Phi, 13 nước châu Á – Thái Bình Dương; 6 nước Đông Âu; 8 nước Châu Mỹ La tinh – vùng Caribê; và 7 nước Tây Âu và các quốc gia khác (ở đây chỉ Bắc Mỹ  và Australia).
Tiền thân của HĐNQ là Ủy ban Nhân quyền LHQ (cần phân biệt Ủy ban Nhân quyền thuộc Đại hội đồng LHQ – Human Rights Commission – là cơ chế liên chính phủ, với Ủy ban Nhân quyền – Human Rights Committee, được lập ra để giám sát việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị là cơ chế gồm các chuyên gia độc lập). Ủy ban này được lập ra năm 1948 dưới ECOSOC (Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ). Trong hai mươi năm đầu, Ủy ban Nhân quyền tập trung vào công việc xây dựng các công ước, trong đó quan trọng nhất là Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu, hai công ước về Quyền Dân sự và Chính trị và về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Từ năm 1967, với những thay đổi trên thế giới khi nhiều quốc gia thoát khỏi chế độ thuộc địa và đặc biệt với sự lên tiếng về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã thay đổi cách hoạt động mang hướng can thiệp nhiều hơn: vi phạm nhân quyền ở các quốc gia bắt đầu được đưa ra thảo luận tại Ủy ban. Tuy vậy, những hoạt động của Ủy ban Nhân quyền bị chia rẽ mạnh mẽ do ảnh hưởng của chiến tranh lạnh. Càng về sau, uy tín của Ủy ban Nhân quyền càng sa sút, đặc biệt khi trong số 53 nước thành viên hội đồng nhiều khi có những quốc gia được coi là có vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như trường hợp Sudan (2004) với cuộc diệt chủng Dafur diễn ra cùng lúc với nhiệm kỳ thành viên, hoặc “văn hóa miễn trừ” liên quan đến Israel và các nước lớn.
Trước yêu cầu cải cách, năm 2006, Đại hội đồng LHQ đã quyết định việc thành lập Hội đồng Nhân quyền thay cho Ủy ban Nhân quyền. Hội đồng này trực thuộc trực tiếp Đại hội đồng (thay vì dưới ECOSOC), bao gồm 47 nước thành viên. Mặc dù đã có những cải cách đáng kể, Hội đồng Nhân quyền với bản chất là một tổ chức liên chính phủ vẫn phải đối mặt với bài toán cũ về tính phân cực chính trị của nhân quyền cả trong việc bầu thành viên lẫn trong hoạt động của Hội đồng. Về thành viên, ví dụ, gần đây nhất, Lybia được bầu vào Hội đồng (5/2010, nhiệm kỳ của Lybia sau đó bị tạm ngưng từ tháng 3/2011 và được phục hồi tháng 11/2011). Về hoạt động, HĐNQ có một đổi mới cơ bản là Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review – UPR), trong đó tất cả các nước thành viên LHQ lần lượt đứng ra kiểm điểm và đối thoại về tổng thể những thành tích và tồn tại về nhân quyền của mình theo một chu kỳ 4 năm và bao gồm tất cả các bên liên quan, kể cả các tổ chức phi chính phủ. Tuy UPR là một bước tiến đáng kể trong cách thức hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, bước sang kỳ kiểm điểm thứ hai (đang diễn ra), nhiều nghiên cứu tổng thể đã cho thấy, việc kiểm điểm cũng có thể trở thành một phiên khen tụng giữa các nước có quan hệ thân thiết với nhau thay vì những đối thoại cởi mở, chân thành và thực sự có ý nghĩa xây dựng đối với việc cải thiện tình hình nhân quyền ở một nước. Mặt khác, ở những nước có đầu tư nghiêm túc vào tiến trình UPR trong nước, với sự tham gia rộng rãi và đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt với vai trò tích cực của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, UPR trở thành một tiến trình ý nghĩa nâng cao hiểu biết của tất cả các bên về quyền con người và những việc cần làm để cải thiện quyền con người của chính họ.
Thành viên HĐNQ có giúp cải thiện tình trạng nhân quyền?
Nghị quyết 60/251của LHQ về thành lập HĐNQ yêu cầu thành viên HĐNQ “phải giữ chuẩn mực cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”. Yêu cầu về tư cách thành viên này có nghĩa như thế nào?
Trong khu vực ASEAN, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia đã từng là thành viên của Hội đồng. Trung Quốc là thành viên HĐNQ liên tục hai nhiệm kỳ 2006 -2009 và 2009 – 2012, sau đó theo quy chế chỉ được tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp, Trung Quốc “nghỉ” một năm 2013 và cuối năm nay lại ứng cử tiếp vào nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Việc là thành viên HĐNQ có ý nghĩa tích cực với rất nhiều nước ở cả trong nước và tại Hội đồng. Thái Lan, chẳng hạn, với tư cách là thành viên HĐNQ, đã chủ động phổ biến rộng rãi những khuyến nghị UPR đã được nước này chấp thuận, kèm theo là một kế hoạch hành động rõ ràng để thực hiện những khuyến nghị đó. Malaysia đã có những bước tiến ấn tượng trong việc cải cách và nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan Nhân quyền Quốc gia (Ủy ban Nhân quyền Malaysia – SUHAKAM). Tại Hội đồng, nhiều nước tích cực đưa ra các sáng kiến nhân quyền để giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế, đặc biệt những vấn đề tương đối mới như về quyền về môi trường, giải quyết nạn buôn người, hay trách nhiệm của các công ty đa quốc gia, hay các hợp tác kỹ thuật về nhân quyền cấp độ khu vực. Việc thực thi yêu cầu “phải giữ chuẩn mực cao nhất về thúc đẩy vào bảo vệ nhân quyền” đối với tư cách thành viên HĐNQ thực tế phụ thuộc vào thiện chí và thể diện quốc gia của nước thành viên cũng như các quá trình đối thoại ôn hòa giữa các bên liên quan, còn tư cách thành viên chỉ được đưa ra xem xét chính thức trong trường hợp có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tràn lan như đã xảy ra ở Lybia.
Như vậy, việc trở thành thành viên HĐNQ là một bước tiến thuận lợi cho tiến trình phát triển của một quốc gia. Nó không chỉ tạo ra những cơ hội mới về phương diện ngoại giao hay trong quan hệ quốc tế, mà thực sự là một cơ hội tốt để quốc gia đó khẳng định những cam kết nhân quyền của mình bằng những hành động thực tế, đặc biệt với việc cải thiện tình hình nhân quyền trong nước cũng như đưa ra hoặc tham gia các sáng kiến quốc tế.
Kỳ bầu cử 2013: Việt Nam phải cạnh tranh để không bị loại
Trên nguyên tắc mở với mọi thành viên LHQ, một quốc gia sẽ được bầu vào HĐNQ tại Đại hội đồng LHQ trên cơ sở cân nhắc những đóng góp của nước ứng viên với việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, cũng như những lời hứa tự nguyện và cam kết với công cuộc này.
Về nguyên tắc, một ứng viên sẽ trúng cử khi có tối thiểu 2/3 số nước thành viên LHQ ủng hộ, tương đương với 97 phiếu bầu và phù hợp với số ghế được chia cho từng khu vực như đã nêu trên. Việc phân bổ số ghế một cách rộng rãi khiến cho cuộc đua vào HĐNQ không phải là một cuộc đua có tính cạnh tranh cao. Ví dụ, trong bầu cử tháng 11/2012, số ứng cử viên cũng bằng số ghế quy định ở 4/5 khu vực: các nước Châu Phi (5 vị trí/5 ứng viên); các nước Châu Á – Thái Bình Dương (5 vị trí/5 ứng viên); các nước Đông Âu (2 vị trí/2 ứng viên); các nước Mỹ Latinh và Caribê (3 vị trí/3 ứng viên). Chỉ có khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ là có 3 ứng viên so với 2 vị trí theo tiêu chuẩn. Tình trạng số ứng viên chỉ bằng hoặc thỉnh thoảng nhỉnh hơn 01 so với số ghế đã diễn ra liên tiếp ở tất cả các cuộc bầu cử, trừ cuộc đầu tiên vào năm 2006. Tuy vậy, trước mỗi cuộc bầu cử, các nước cũng phải trình bày “Cam kết tự nguyện về Nhân quyền” của mình. Và cũng như trước rất nhiều cuộc bầu cử, tư cách ứng viên thường được đưa ra xem xét từ các phía khác nhau với những quan điểm, yêu cầu và đòi hỏi khác nhau. Trong một xã hội dân chủ, những yêu cầu và đòi hỏi đó là điều hết sức bình thường, cần thiết cho những thay đổi tích cực, và cần được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Kỳ bầu cử lần này, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 5 ứng viên cho 4 vị trí thành viên HĐNQ. Như vậy lần bầu cử này cũng cạnh tranh hơn so với bình thường. 5 ứng cử viên cho 4 ghế ở khu vực châu Á là Trung Quốc, Maldives, Jordan, Arập Saudi và Việt Nam. Trước đó Syria có ý định ứng cử nhưng đã tuyên bố rút lui. Trong năm nước ứng cử viên, Trung Quốc và Arập Saudi đã từng có 2 nhiệm kỳ thành viên liên tiếp (2006-2009 và 2010 – 2012) và Maldives đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Trong số 5 nước tranh cử, có lẽ quốc đảo Maldives là ít phải hứng chịu các phê phán về nhân quyền hơn cả – mặc dù, ví dụ trên bảng xếp hạng tự do tôn giáo Maldives cũng không được coi là có “thành tích” tốt. Từ khi Trung Quốc, Jordan và Arập Saudi công bố tranh cử, cũng đã có rất nhiều chiến dịch của các tổ chức nhân quyền phân tích “tư cách ứng viên” của các quốc gia này.
Việt Nam đã chính thức nhận được sự ủng hộ của các nước khối ASEAN và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước trong phong trào không liên kết, các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh. Ở phía ngược lại, động thái chính thức diễn ra ở Hoa Kỳ khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền H.R. 1897 trong đó có một nội dung yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ không bỏ phiếu cho Việt Nam và vận động các nước khác không bỏ phiếu cho Việt Nam. Dự luật này cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Obama phê chuẩn trước khi có hiệu lực, và hôm 09/9/2013 đã được đọc trước Ủy ban của Thượng viện sau đó chuyển sang Ủy ban Đối ngoại để cân nhắc.
Ở thời điểm trước bầu cử, bên cạnh những nỗ lực ngoại giao, các ứng viên cần có những bước đi ấn tượng hơn, thể hiện cam kết nhân quyền rộng rãi và thực chất hơn để đảm bảo một chiến thắng thuyết phục không chỉ với những bên ủng hộ, mà còn cả với những bên phản đối. Trong khi Trung Quốc có cơ hội chính thức cuối cùng để ghi điểm trước bầu cử hôm 12/11/2013 là phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Trung Quốc tại Geneva vào tháng 10, phiên UPR của Việt Nam chỉ diễn ra sau bầu cử HĐNQ, dự kiến vào cuối tháng 1/2013. Tuy thế, Việt Nam có cơ hội rõ ràng để thể hiện mình, không chỉ bằng một lời hứa cụ thể trước cộng đồng quốc tế tại LHQ. Cam kết ấy cần được thể hiện mạnh mẽ qua các tiến trình cải tổ trong nước, đặc biệt là việc sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua vào cuối tháng 10 ngay trước phiên bỏ phiếu. Những cải cách mang tính đột phá trong việc ghi nhận các quyền con người và tự do căn bản theo tiêu chuẩn quốc tế, và ở mức độ cao nhất – theo yêu cầu tư cách thành viên HĐNQ chứ không phải chuẩn riêng của Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực thường được quan tâm và khuyến nghị bởi chính các cơ chế nhân quyền LHQ như tự do tư tưởng, tự do hội họp và lập hội, tự do biểu đạt, minh bạch và tinh thần thượng tôn pháp luật, cũng như việc mở rộng cửa cho sự tham gia bình đẳng và chính đáng vào việc hoạch định chính sách, giám sát quyền lực công và thúc đẩy bảo vệ quyền con người của mọi thành phần trong xã hội. Xét cho cùng, cái đích cần hướng đến không phải là một vị trí ở HĐNQ, mà vị thế mới sẽ giúp mỗi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền làm người của chính mình như thế nào.

Không có nhận xét nào: