Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Khi chế độ trở thành vấn nạn

Hiện chỉ còn vài nước trên thế giới theo Chủ nghĩa Cộng sản như Bắc Hàn.
Đều nằm trên bán đảo Triều Tiên, có chung một dân tộc, cùng chung một nền văn hóa và nói chung một ngôn ngữ nhưng Nam Triều Tiên trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ trong khi Bắc Triều Tiên vẫn phải đối diện với nghèo đói, cô lập.
Trường hợp Nam và Bắc Hàn cho thấy một thể chế chính trị cởi mở, tự do có thể giúp một đất nước phồn thịnh. Trái lại, một chế độ độc tài, toàn trị lại kìm hãm sự phát triển của một quốc gia.


Chế độ Assad ở Syria
Ngoài chế độ độc tài, gia đình trị ở Bắc Hàn, trên thế giới ngày hôm nay vẫn còn có không ít nhà lãnh đạo, chế độ – thay vì giúp đất nước mình phát triển hay là giải pháp cho những vấn nạn của đất nước mình – họ lại trở thành vật cản cho sự phát triển hoặc thậm chí là nguyên nhân dẫn đến bất ổn, xung đột của chính quốc gia nơi họ nắm quyền.
Một ví dụ cụ thể cho trường hợp ấy là Tổng thống Bashar al-Assad của Syria – người đẩy đưa quốc gia Bắc Phi này vào một cuộc nội chiến đẫm máu trong gần ba năm qua và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chia rẽ tại hòa đàm Syria, diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, trong những ngày qua.
Lên nắm quyền năm 2000 – khi cha ông là Hafez al-Assad chết sau 30 năm cai trị Syria – ông Bashar al-Assad, sinh năm 1965, là một tổng thống tương đối trẻ. Tuy vậy, cũng giống như cha mình, ông vẫn tiếp tục lối lãnh đạo độc quyền, độc tài và gia đình trị. Ông và những người thân cận với ông chi phối toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Syria.
Syria tan hoang sau hơn 3 năm xung đột.
Theo một bài viết trên The Guardian – một trong những nhật báo quan trọng tại Anh –ngày 19/07/2012, trước khi cuộc nổi dậy xẩy ra ông Assad và người thân của ông sở hữu khoảng từ 60% đến 70% tài sản của Syria và đến năm 2012, ông đã bòn rút khoảng 1.5 tỷ đôla cho gia đình và những người thân cận.
Dưới thời cai trị của ông, Syria cũng được coi là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Theo các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, chế độ của ông Assad đã bắt bớ, tù giam, tra tấn và giết hại những tiếng nói, nhân vật chính trị đối lập.
Đó cũng là lý do tại sao, ngay sau có khi các cuộc nổi dậy ở các nước Ả Rập-Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập và Libya, phong trào nổi dậy chống chế độ Assad cũng bùng nổ tại Syria.
Tuy vậy, khác hẳn với Zine al-Abidine Ben Ali ở Tunisia, Hosni Mubarak ở Ai Cập và Moammar Gaddafi ở Libya – những nhà độc tài bị truất phế hay chịu một kết cục bi thảm như trường hợp ông Gaddafi – ông Assad vẫn chưa bị lật đổ.
Nhưng khi dùng mọi thủ đoạn để cầm cố quyền lực, ông đã gây nên không ít tội ác trong ba năm qua. Chẳng hạn, theo một bản phúc trình của một nhóm công tố viên về tội ác chiến tranh và chuyên gia pháp y nổi tiếng quốc tế được tiết lộ mới đây, chế độ của ông đã tra tấn và giết hại khoảng 11.000 người thuộc phe đối lập.
Hơn nữa, chính sự tham quyền, cố vị ấy đã lôi kéo Syria vào một cuộc nội chiến đẫm máu, tương tàn và đẩy người dân Syria vào một thảm cảnh rất bi thương. Uớc tính đến nay, cuộc nội chiến ở Syria đã cướp đi hơn 100 ngàn sinh mạng và gần 10 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa – trong số có hơn 2 triệu người phải chạy sang các nước làng giềng lánh nạn. Đó là những con số thật không nhỏ với một quốc gia chỉ có hơn 22 triệu dân.
"Hội nghị Geneva khẳng định không có chuyện ông Assad nhượng bộ và đồng ý ra đi. Và điều này cũng có nghĩa là cuộc nội chiến ở Syria khó có thể kết thúc và người dân nước này vẫn tiếp tục phải chịu cảnh ly tán, chết chóc trong thời gian tới"
Vẫn biết rằng lực lượng đối lập Syria cũng ít nhiều nhúng tay vào thảm cảnh này. Chẳng hạn, Nga – một đồng minh thân cận của chế độ Assad – thường cho rằng trong các nhóm đối lập có các thành phần khủng bố và những đối tượng này cũng tiến hành những vụ tàn sát ở Syria trong thời gian qua. Các tổ chức quốc tế, như Tổ chức theo dõi nhân quyền, cũng đã từng lên tiếng tố cáo phe đối lập giết hại dân thường.
Ngoài ra, nếu phe đối lập – trong đó có các thành phần Hồi giáo cực đoan, những người đã từng tuyên bố họ sẽ cho thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria – được lên nắm quyền, cũng không chắc Syria có thể tiến tới dân chủ, ổn định. Việc ông Mohammed Morsi cho áp dụng luật Hồi giáo bảo thủ, hà khắc của Huynh đệ Hồi giáo – một phong trào có khẩu hiệu ‘Hồi giáo là giải pháp’ – ở Ai Cập khi lên nắm quyền và cũng vì vậy bị truất phế một năm sau đó, dẫn đến tình trạng bất ổn hiện nay ở Ai Cập chứng minh điều đó.
Tuy vậy, ít ai có thể phủ nhận rằng ông Assad đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đẩy Syria đến thảm cảnh ngày hôm nay. Do đó, dù không còn mặn mà ủng hộ phe đối lập ở Syria như họ đã từng làm với phong trào nổi dậy ở Lybia, các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Pháp nhất quyết buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
Nhưng đại diện của chính phủ ông tại Hội nghị Geneva khẳng định không có chuyện ông Assad nhượng bộ và đồng ý ra đi. Và điều này cũng có nghĩa là cuộc nội chiến ở Syria khó có thể kết thúc và người dân nước này vẫn tiếp tục phải chịu cảnh ly tán, chết chóc trong thời gian tới.
Tổng thống Yanukovych ở Ukraine
Một quốc gia khác cũng đang phải đối diện với bạo lực, bất ổn và có thể dẫn tới nội chiến nếu những xung đột hiện tại không sớm được giải quyết là Ukraine.
"Có thể nói ông Yanukovych là nguyên nhân chính dẫn đưa Ukraine đến tình trạng bế tắc, bất ổn và xung đột ngày hôm nay"
Xung đột giữa chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych và những người đối lập tại Ukraine bắt đầu từ giữa tháng 11 năm ngoái khi ông Yanukovych dừng ký kết một hiệp định liên hiệp với Liên hiệp châu Âu (EU).
Lãnh đạo đối lập và người dân ở thủ đô Kiev và nhiều nơi khác ở Ukraine đã đồng loạt xuống đường phản đối quyết định này vì họ muốn Ukraine thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ngà và tiến gần với EU.
Trước áp lực của người biểu tình, ông Yanukovych hứa sẽ ký hiệp ước với EU. Tuy vậy, sau đó ông lại không làm như vậy vì nhận được những hứa hẹn giúp đỡ rất hẫu hĩnh – như giảm một phần ba giá khí đốt cho Ukraine – từ Nga. Điều này càng làm nhiều người Ukraine xuống đường phản đối vì họ không biết ông Yanukovych đã trao đổi gì với Nga để nhận được sự giúp đỡ ấy.
Nằm cạnh một quốc gia lớn và hơn nữa lại phụ thuộc nặng vào quốc gia ấy, đặc biệt là về năng lượng, thoát khỏi sự lệ thuộc của Nga quả thực không dễ đối với Ukraine. Càng không dễ khi Nga lại có những hứa hẹn giúp đỡ rất hấp dẫn, có thể giúp Ukraine thoát khỏi tình trạng nợ nần trước mắt, thậm chí nguy cơ bị phá sản.
Nhưng có thể nói Tổng thống Yanukovych quyết định theo Nga thay vì đến với EU vì điều đó có lợi cho chính bản thân ông hơn là có lợi cho đất nước và người Ukraine.
Theo Nga, ông không cần phải tiến hành những cải cách chính trị hay buộc phải minh bạch trong quyết sách của mình. Và như vậy, ông và những người thân của ông có thể kiếm lời từ những khoản giúp đỡ của Nga. Hơn nữa, biết đâu Nga cũng dành cho ông những ưu đãi cá nhân khác.
Nhưng để đến được với EU, ông Yanukovych và chính phủ của ông cần thực hiện một số điều kiện, trong có cần phải thay đổi luật để xây dựng một nhà nước pháp quyền, minh bạch, dân chủ. Đây là những điều mà đất nước và người dân muốn có vì chúng sẽ giúp Ukraine phát triển, phồn thịnh trong tương lai.
Đó cũng là lý do tại sao người dân ở các tỉnh thuộc phía Đông của Ukraine – nơi từng dành cho ông Yanukovych nhiều sự ủng hộ trong cuộc bẩu cử tống thống năm 2010 – cũng xuống đường biểu tình chống chính phủ của ông lần này.
Các cuộc biểu tình tại Ukraine càng trở nên bạo lực, trầm trọng một phần cũng vì chính phủ ông đã dùng vũ lực để trấn áp biểu tình và thậm chí ra luật ngăn cấm biểu tình. Nếu thay vì dùng những biện pháp mạnh, ông biết đối thoại và chịu nhân nhượng ngay từ đầu chắc Ukraine đã không phải rơi vào tình trạng bất ổn, khủng hoảng, tê liệt như hiện nay.
Hơn nữa, nếu biết làm vậy ông cũng không phải đối diện với nguy cơ bị lật đổ. Dù ông có những nhân nhượng trong mấy ngày qua – chẳng hạn giải tán chính phủ, chịu gặp lãnh đạo đối lập – xem ra giới đối lập và người biểu tình vẫn chưa chịu dừng bước. Giờ họ muốn ông từ chức và tổ chức bầu cử sớm.
Một lý do khác làm người dân Ukraine chống đối và muốn truất phế ông Yanukovych là tình trạng tham nhũng tràn làn tại Ukraine từ khi ông trở thành tổng thống. Năm 2013, Tổ chức minh bạch thế giới đã xếp Ukraine thứ 144 (trên 177 quốc gia, lãnh thổ) về mức độ tham nhũng. Trong khi đó năm 2007 quốc gia này xếp thứ 118.
Một bài viết của Shaun Walker trên nhật báo The Guardian ngày 27/01/2014 đề cập tình trạng các nhóm lợi ích và những người thân cận ông Yanukovych chi phối, khuynh đảo chính trị và kinh tế Ukraine. Theo bài viết, con trai của ông Yanukovych là Oleksandr, một nha sỹ, đã thâu tóm một tài sản rất lớn – ước tính lên đến 500 triệu đôla vào đầu năm 2014 theo một nguồn khác – trong vòng ba năm qua.
Do đó, có thể nói ông Yanukovych là nguyên nhân chính dẫn đưa Ukraine đến tình trạng bế tắc, bất ổn và xung đột ngày hôm nay.
Đảng Cộng sản ở Việt Nam?
Ông Lê Hiếu Đằng, người mới qua đời hôm 22/01/2014 từng nói ĐCSVN là lực cản của dân tộc.
Dù không có những xung đột như ở Syria và Ukraine hay phải đối diện với nghèo đói, cô lập như Bắc Hàn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít bế tắc chính trị, khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội.
Và nếu dựa vào các góp ý, kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 của giới nhân sỹ, trí thức và các tổ chức khác hay những phát biểu, quyết định của một số chuyên gia, đảng viên, cựu quan chức Việt Nam trong thời gian qua xem ra Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối của họ là nguyên nhân dẫn đến những vấn nạn đó.
Chẳng hạn ông Lê Hiếu Đằng – một cựu quan chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người vừa mới qua đời hôm 22/01 – đã tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản sau hơn 40 năm là đảng viên chỉ vì ông nhận ra rằng Đảng Cộng sản đang ‘trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân’.
Trong lời phân ưu của mình trước sự ra đi của ông Lê Hiếu Đằng, những người khởi xướng và điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam đã mô tả chế độ hiện tại là ‘một tập đoàn độc tài tham nhũng đang đưa đất nước vào tình trạng còn tồi tệ hơn cái chế độ mà anh [ông Lê Hiếu Đằng] đã góp phần đánh đổ’.
Vào tháng 11 năm ngoái, những người khởi xướng và hưởng ứng Kiến nghị 72 đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Việt Nam dừng việc thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vì họ cho rằng Bản Dự thảo này ‘thậm chí có một số điểm còn thụt lùi hơn trước. Điều đó có nghĩa là vẫn duy trì một nền tảng pháp lý lỗi thời của thể chế toàn trị, là nguồn gốc đã gây ra cho đất nước và nhân dân rất nhiều thảm họa, đặc biệt là cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội mà cả nước đang lâm vào và vẫn chưa có lối thoát’.
Trước đó, trong góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dù không gay gắt, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã rõ ràng và công khai chỉ ra những bất cập, nguy hại khi hiến định Đảng Cộng sản là ‘lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng’.
Theo các Giám mục Việt Nam, ‘sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật’.
Nếu theo dõi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời gian qua và đặc biệt nếu dựa vào các chỉ số, số liệu của các tổ chức quốc tế, có thể thấy ít hay nhiều những nhận định trên cũng có cơ sở.
Tình trạng các nhóm lợi ích thâu tóm, chi phối nền kinh tế Việt Nam hay tham nhũng tràn lan – có người ước tính đến ‘50% quan chức dính vào tham nhũng’ – được giới quan sát, chuyên gia nêu trong thời gian qua cho thấy mô hình kinh tế của Việt Nam có không ít bất cập. Và phải chăng đây là một trong những lý do Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước khác khu vực khác?
Theo Ngân hàng thế giới, thu nhập đầu người (GDP per capita) của Việt Nam năm 2012 chỉ ở mức 1755 đôla/người, trong khi đó ở Singapore là 51709, Malaysia 10432, Thái Lan 5580, Indonesia 3557 và Philippines 2587.
Việt Nam thua xa sáu nước ASEAN trên không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều lĩnh vực khác.
Năm 2013, chỉ số dân chủ của The Economist xếp Việt Nam thứ 144 (trên 167 quốc gia) trong khi đó Indonesia được xếp thứ 53, Thái Lan 58, Malaysia 64, Philippines 69 và Singapore 81. Năm 2013, Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Việt Nam vào gần cuối bảng (172 trên 179) – và sau tất cả chín nước ASEAN khác, trong đó có cả Lào, Cambodia và Myanmar – về tự do báo chí.
Các quan chức Việt Nam và một số người thường biện minh rằng Việt Nam thua các nước Đông Nam Á trên tại vì các quốc gia ấy không có chiến tranh như Việt Nam.
Không ai phủ nhận những tác động tiêu cực của chiến tranh lên sự phát triển của Việt Nam. Nhưng cứ mãi hay chỉ đổ lỗi cho chiến tranh để biện hộ cho sự yếu kém của mình xem ra không thuyết phục lắm.
Nhân dân khổ, đất nước tụt hậu
"Khi giới cầm quyền chỉ biết quan tâm đến lợi ích của mình, của đảng mình, của phe nhóm hay người thân của mình và quên đi lợi ích của người dân, của đất nước thì quốc gia ấy không thể phát triển, ổn định"
Những ví dụ trên – đặc biệt là trường hợp Syria – cho thấy ở bất cứ một quốc gia nào khi giới cầm quyền chỉ biết quan tâm đến lợi ích của mình, của đảng mình, của phe nhóm hay người thân của mình và quên đi lợi ích của người dân, của đất nước thì quốc gia ấy không thể phát triển, ổn định.
Những biến động, xung đột ở Syria và các nước Ả Rập-Bắc Phi trong thời gian qua cũng minh chứng rằng bất cứ hình thức độc tài nào – về chính trị hay tư tưởng – cũng kìm kẹp sự phát triển của đất nước và làm người dân cực khổ.
Và nếu một nhà lãnh đạo, một chế độ chỉ biết coi trọng lợi ích của mình thì người lãnh đạo hay chế độ ấy – dù có tuyên truyền hay biện hộ kiểu gì – cũng chỉ là gánh nặng hay vấn nạn cho nhân dân và đất nước của mình.
Trái lại ở đâu có một vị lãnh đạo, một chính quyền biết đặt lợi ích của người dân, đất nước lên trên hết và biết tìm cách giúp quốc gia vượt qua những vấn nạn mà nó đang đối diện, đất nước ấy sớm hay muộn sẽ tự do, ổn định, phát triển.
Trường hợp ông Nelson Mandela – người đã giúp Nam Phi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc và hàn gắn, hòa giải những vết thương, xung đột quá khứ để tiến tới dân chủ, tự do, bình đẳng và phát triển – là một ví dụ điển hình. Đây cũng là lý do tại sao người dân Nam Phi và thế giới tiến bộ nói chung đều dành cho ông Nelson Mandela nhiều sự thương tiếc, kính trọng, ngưỡng mộ khi ông qua đời.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hiện làm việc nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.

Không có nhận xét nào: