Pages

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Ukraine giải tán đội đặc nhiệm 'Đại Bàng'

Lực lượng cảnh sát Berkut bị tố cáo có hành vi tàn bạo với người biểu tình
Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine tuyên bố giải tán lực lượng đặc nhiệm chống biểu tình Berkut (Đại bàng Vàng) đã nổ súng vào người dân trong những ngày diễn ra cuộc phản kháng chống chính quyền.
Ông Arsen Avakov nói ông sẽ công bố thêm chi tiết trong họp báo vào thứ Năm.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các nước khác lên án tâm lý "dân tộc chủ nghĩa và tân phát xít" ở miền tây Ukraine.
Trong khi đó chia rẽ quốc tế về vụ phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych vẫn tiếp diễn.

Ông Lavrov kêu gọi OSCE lên án "những lời kêu gọi cấm tiếng Nga, biến những người dân nói tiếng Nga thành người 'không phải là công dân' và hạn chế quyền tự do ngôn luận," hãng tin Reuters nói.
Nga coi việc loại bỏ ông Yanukovich là việc dùng bạo lực chiếm quyền của phe đối lập và bày tỏ lo ngại về vai trò của các đảng cực hữu trong các cuộc biểu tình chống lại ông.
Nhiều cư dân nói tiếng Nga ở vùng đông và nam Ukraine đã biểu tình phản đối các hành động của chính quyền lâm thời.
Tại thành phố cảng Sevastopol ở vùng Crimea, một số người đã thay cờ Ukraine bằng cờ Nga tại một khu nhà chính quyền.
Ông Lavrov nói Nga sẽ tiếp tục "chính sách không can thiệp".
Hình ảnh những người thiệt mạng vì bạo lực tại Quảng trường Độc lập ở Kiev
Quảng trường đã trở thành đền thờ cho những người chết
Nhưng nhiều người ủng hộ quan hệ với Nga không hài lòng với diễn biến ở Kiev

'Nguy cơ' ly khai

Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Ukraine không bị kẹt trong cuộc chiến Đông và Tây.
"Đây không phải cuộc đấu một mất một còn, không phải là Nga hay Hoa Kỳ mà nó liên quan tới người dân Ukraine và người Ukraine đưa ra chọn lựa về tương lai," ông Kerry nói.
"Chúng tôi muốn hợp tác cùng Nga và các nước khác, với tất cả những ai [muốn hợp tác], để đảm bảo mọi chuyện diễn ra trong hòa bình từ nay trở đi."
Nhìn chung Hoa Kỳ và châu Âu đã ủng hộ việc phe đối lập chiếm quyền.
Nhưng chính quyền mới ở Kiev vẫn gặp sự phản đối từ vùng nói tiếng Nga của Ukraine.
Trước đó, Tổng thống lâm thời của Ukraine, ông Olexander Turchynov bày tỏ lo ngại về điều ông gọi là nguy cơ ly khai nghiêm trọng sau khi ông Yanukovich mất chức.
Phát biểu tại Quốc hội, ông nói ông sẽ gặp các cơ quan thực thi pháp luật để thảo luận về nguy cơ ly khai tại các vùng với nhiều dân gốc Nga.

Gần phá sản

Trong khi đó Quốc hội đã trì hoãn việc lập chính phủ mới cho tới thứ Năm.
Ông Turchynov nói việc trì hoãn là nhằm để có thêm tham vấn để đảm bảo tạo ra "liên minh niềm tin quốc gia".
Ông Yanukovych trốn khỏi Kiev hồi cuối tuần và hiện chưa rõ ông ở đâu.
Chính quyền lâm thời đã ra lệnh bắt ông và hôm thứ Ba Quốc hội đã bỏ phiếu đưa ông ra Tòa Hình sự Quốc tế ở La Hay.
Ông Yanukovych bị tố cáo đứng đằng sau cái chết của hơn 100 người biểu tình dưới bàn tay của cảnh sát chống bạo động.
Các cuộc phản kháng ở Ukraine bắt đầu hồi tháng Mười Một sau khi ông Yanukovich bác bỏ thỏa thuận thương mại và hợp tác với châu Âu để đổi lấy quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Ukraine đang đứng bên bờ vực phá sản với khoản cho vay từ Nga khó có khả năng thành hiện thực trong khi các nhà lãnh đạo lâm thời đang trông đợi phương Tây giải cứu họ.
Người phụ trách ngoại giao của EU, Catherine Ashton, đã đàm phán với các quan chức Ukraine ở Kiev hôm thứ Ba về ủng hộ chính trị và tài chính cho các nhà lãnh đạo mới.

Không có nhận xét nào: