Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Đại Hội Đồng LHQ bác bỏ việc Nga sát nhập Ukraina

Các kết quả của cuộc biểu quyết tại trụ sở Liên hiệp quốc về
Ukraine hiển thị trên màn hình, 27/3/14
Margaret Besheer

VOA - 28.03.2014

Đa số thành viên Liên hiệp quốc hôm thứ Năm đã cho Moskova biết là họ sẽ không công nhận việc sát nhập vùng Crimea của Ukraine.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về một nghị quyết do Ukraine và gần 50 thành viên bảo trợ đưa ra, 100 quốc gia thành viên đã tái xác nhận sự ủng hộ đối với sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

Các nước này cũng khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 3 tại vùng Crimea là vô giá trị. Cuộc trưng cầu dân ý này được tổ chức dưới sự canh chừng của quân đội Nga và đưa đến việc Moskova sáp nhập Crimea trong tuần qua.

Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời Ukraine Andriy Deshchytsia, nói tại cuộc họp của Đại hội đồng rằng hành động của Nga vi phạm hiến chương Liên hiệp quốc:

“Nhiều người còn đang vất vả nắm bắt thực tế này. Chuyện này xảy ra tại Ukraina, trung tâm của châu Âu và diễn ra vào thế kỷ 21.”

Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc không có tính cách ràng buộc như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, nhưng có sức nặng về đạo đức của cộng đồng quốc tế.

Nhiều phái đoàn, trong đó có Hoa Kỳ, bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. Đại sứ Samantha Power nói nghị quyết này củng cố cho sự tin tưởng là “biên giới không chỉ là chuyện gợi ý.”. Bà nói tiếp:

“Chúng tôi luôn luôn nói là Nga có những quyền lợi chính đáng tại Ukraine. Chúng tôi vô cùng thất vọng khi thấy Nga đã hành động như thể Ukraine không có quyền lợi chính đáng nào tại Crimea, trong khi Crimea là một phần của Ukraina.”

28 nước thuộc Liên hiệp châu Âu đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ đối với Kyiv. Đại sứ Liên hiệp châu Âu Thomas Mayr-Harting nói liên hiệp này lên án sự gây hấn của quân đội Nga.

“Liên hiệp châu Âu yêu cầu Nga có những bước giúp xuống thang cuộc khủng hoảng, giảm thiểu ngay tức khắc quân số của các lực lượng của họ và đưa các lực lượng này trở lại những vị trí trước cuộc khủng hoảng cho phù hợp với những cam kết quốc tế của Nga, sẵn sàng hưởng ứng với các cơ chế quốc tế để tìm một giải pháp hòa bình thông qua thương thuyết, tôn trọng hoàn toàn những cam kết song phương và đa phương của nước này để tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Mười quốc gia đứng về phía Moskova và bỏ phiếu chống, trong đó có Syria, Bắc Triều Tiên và Cuba. Trong số những quốc gia bỏ phiếu trắng có Trung Quốc, và một số nước châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói nghị quyết “có tính cách đối đầu” và không cần thiết. Ông nói với các phóng viên là việc có 58 quốc gia không bỏ phiếu chứng tỏ có sự ủng hộ ngày càng tăng đối với lập trường của Nga:

“Dù nghị quyết chống lại chúng tôi được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận, tôi nghĩ đây là một thắng lợi đạo đức của ngoại giao Nga vì có con số ngày càng tăng những quốc gia hiểu được sự phức tạp của tình hình và những động cơ phía sau những hành động của Crimea và của Liên bang Nga.”

Tuy nhiên, khi phát biểu với Đài VOA sau cuộc biểu quyết, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine không đồng ý với nhận định đó. Ông nói rằng sự ủng hộ cho nước ông ngày càng gia tăng trên toàn cầu:

“Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đang gia tăng và trở nên sâu rộng và cụ thể hơn.”

Ông nói sự ủng hộ này bao gồm những biện pháp chế tài kinh tế mà Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt lên các cá nhân Nga và các cựu giới chức Ukraine.

Không có nhận xét nào: