Pages

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Bị cáo Dương Chí Dũng: “đến chết cũng không nhận tội“

(PLO)- Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị chủ tịch HĐQT Vinalines, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội". 

Xin nhấn F5 để tiếp tục cập nhật.

Sáng nay (22-4) Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng tham ô tài sản và cố ý làm trái xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). PLO sẽ tường thuật trực tiếp phiên xử, mời bạn đọc đón theo dõi.

9H44: Trước khi vào phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cách ly 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và bắt đầu xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.

9h30: Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2006, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Trong các hạng mục của tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng, có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.

Ông Dũng bị cáo buộc, dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 đã hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga cho dừng hoạt động từ năm 2006 nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt cho mua.

Tại thời điểm bị kiểm tra, tổng số tiền Vinalines đổ vào ụ nổi là hơn 525 tỷ đồng trong khi chưa đưa vào sử dụng. Cơ quan giám định kết luận: việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng.

Trong vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều bị cáo buộc chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được bên môi giới chuyển lại theo thỏa thuận riêng. Cụ thể, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng.

9h20: Chủ tọa tóm tắt lại nội dung bản án sơ thẩm.











9h17: HĐXX quay lại làm việc sau khi hội ý.

Chủ tọa Nguyễn Văn sơn cho rằng, đối với yêu cầu của các luật sư cần triệu tập thêm nhân chứng ở Nga, (những người có thể biết việc ăn chia của các bị cáo trong vụ án này), HĐXX nhận thấy tại phiên tòa, luật sư Triển đã có những tài liệu liên quan đến lời khai của ông Goh (công ty AP), nếu các luật sư khác có yêu cầu HĐXX sẽ photo cung cấp.

Việc yêu cầu triệu tập lái xe của bị cáo Sơn, (người đã đến đón Sơn tại khách sạn Victory sau khi Sơn gặp bị cáo Dũng) thì đã có lời khai tại cơ quan điều tra. Do đó, HĐXX quyết định vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

9h12: HĐXX hội ý.



9h10: Luật sư Trần Đại Thắng đề nghị triệu tập đại diện Công ty Nga nơi bán ụ nổi và lái xe của bị cáo Sơn đã đón Dũng tại khách sạn Victory. Đại diện VKS cho rằng việc mua bán đã được thể hiện trong hợp đồng, điều này đã rõ nên không cần triệu tập đại diện bên bán.

Về việc triệu tập người lái xe: có thì tốt, không thì cũng không sao vì lái xe không liên quan đến việc chuẩn bị tiền. Xét đề nghị của luật sư là không cần thiết, HĐXX vẫn có thể tiến hành xét xử.

Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng (đã có mặt tại tòa kịp thời do trước đó đi trễ): Liên quan đến 1,666 triệu USD giữa phía Nga với công ty AP. Công ty AP chúng tôi đã thu thập đúng trình tự của Công ước quốc tế và đã cung cấp cho HĐXX tại phiên tòa hôm nay. Phía Nga thì chưa có. Đây là vấn đề mấu chốt của vụ án: ai là người thương thảo, ai là người được hưởng lợi? Đề nghị của luật sư đồng nghiệp là đúng. Luật sư Triển đề nghị có lẽ phải hoãn phiên tòa. "Vì toàn bộ hồ sơ chúng tôi đã thu thập thêm được rất dày, tôi không photo kịp nên tôi sẽ cung cấp toàn bộ cho HĐXX vào đầu giờ chiều"- Luật sư Triển nói. 

Trước đó, Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị chủ tịch HĐQT Vinalines, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội". 

8h50: Chủ tọa công bố nội quy phiên tòa, quyền và lợi ích của các bị cáo và những người liên quan tại phiên tòa.

Vụ án này có 9/10 bị cáo kháng cáo. Ngoài ra ba người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo. Ba người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo gồm: Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng), Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Mai Văn Phúc) và “bạn gái” Dương Chí Dũng là Phan Thị Thảo có đơn xin xét xử vắng mặt và xin xem xét phần bản án liên quan đến hai căn hộ bị kê biên.

 8h35: HĐXX cho biết “bạn gái” Dương Chí Dũng là Phan Thị Thảo có đơn xin xét xử vắng mặt.


  Bị cáo Trần Hữu Chiều, cựu Phó Tổng GĐ Vinalines bị tuyên án 10 năm tù về hành vi tham ô, 9 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp 19 năm tù.

 Bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines bị tuyên án 14 năm về hành vi tham ô và 8 năm về tội cố ý làm trái, tổng hợp 22 năm tù giam.

  Bị cáo Bùi Thị Bích Loan, cựu Kế toán trưởng Vinalines bị tuyên án 4 năm tù giam và là bị cáo duy nhất trong vụ án không kháng cáo.

Theo Vnexpress, trước đó, theo đề nghị của ông Dũng, hai luật sư của bị cáo Dũng đã qua Singapore để xác minh lời khai của ông Goh Hoon Seow (giám đốc công ty AP) - đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M - về lời khai "lại quả" hơn 28 tỷ đồng cho ông Dũng cùng 3 cán bộ cấp cao của Vinalines khi bán ụ nổi. Các luật sư của bị cáo Dũng đều cho biết sẽ quyết liệt tranh tụng kêu oan tội tham ô của bị cáo Dũng tại phiên phúc thẩm lần này.

  Bị cáo Dương Chí Dũng. Ảnh chụp qua màn hình.
8h28: Hội đồng xét xử bắt đầu làm việc. Thư ký phiên tòa sau khi kiểm tra đã đang báo cáo các thành phần tham dự với chủ tọa. Hiện luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dũng vẫn chưa có mặt.

 Kiểm tra chặt chẽ giấy tờ của những người ra vào trụ sở TANDTC. Ảnh:tienphong
8h24:  Theo bà Phương- vợ bị cáo Dương Chí Dũng, sức khỏe của ông Dũng khá tốt, ông vẫn tập dưỡng sinh đều đặn, tinh thần khá ổn định.
Trong trại giam, ông Dũng được đọc báo, nghe đài nên vẫn biết được tình hình thời sự bên ngoài. Gia đình bà đã được tạo điều kiện vào trại thăm Dương Chí Dũng 2 lần. Về khoản tiền nộp 4,7 tỷ đồng khắc phục một phần hậu quả vụ án, bà Phương cũng cho biết là gia đình phải chạy vạy, vay mượn anh em họ hàng mới có được khoản tiền này. 
Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay(22-4). Ảnh chụp màn hình. 
8h00: Tham gia phiêntòa lần này có 16 luật sư tham gia bào chữa cho 9 bị cáo. 
Riêng bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư tham gia bảo vệ, đó là luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng.
Được biết, trước phiên xử phúc thẩm, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã nộp tiền khắc phục hậu quả để mong được giảm nhẹ hình phạt. 
Cả bị cáo Dũng và Phúc đều bị Tòa sơ thẩm kết tội tham ô mỗi người 10 tỷ đồng và cùng phải nhận bản án tử hình cho tội danh này.

Bị cáo Dũng và Phúc 
Như vậy, việc gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ có lợi cho bị cáo trước phiên phúc thẩm sắp diễn ra. Tuy nhiên đến thời điểm này, hai bị cáo Dũng và Phúc vẫn cho rằng mình không phạm tội Tham ô.
Theo Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao. Mục 4 hướng dẫn xử lý với tội Tham ô tài sản: Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
7h40: Hiện các bị cáo đã có mặt tại tòa.

Dự kiến phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra trong ba ngày.
 
  Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 12-2013, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) nhận mức án tương tự bị cáo Dương Chí Dũng.
Bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm về hành vi tham ô và 8 năm về tội cố ý làm trái, tổng hợp 22 năm tù giam.
Bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Vinalines) 10 năm tù về hành vi tham ô, 9 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp 19 năm tù.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, cựu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Lê Văn Lừng (SN 1959, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) và Lê Ngọc Triện (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) cùng bị tuyên 8 năm tù về tội cố ý làm trái.
Bị cáo Lê Văn Dương (SN 1970, cựu Đăng kiểm viên) và Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines) bị tuyên 7 năm tù.
Mức án thấp nhất là bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines) về hành vi cố ý làm trái: 4 năm tù giam.


 Người thân ông Dương Chí Dũng làm thủ tục vào tham dự phiên toà. Ảnh: Viết Thịnh
THU NGUYỆT-PLO tổng hợp

Không có nhận xét nào: