Pages

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

"Hậu thế” của Vinashin 'muốn nhiều thứ'

Báo trong nước đưa tin “hậu thế” của Vinashin sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm tới.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC), tên mới của tập đoàn Vinashin, sẽ cổ phần hóa 4 đơn vị thành viên trong năm nay và 5 đơn vị khác trong năm 2015, Vneconomy đưa tin.

Hầu hết các công ty thành viên của SBIC hiện đều có lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu âm với giá trị lớn, ông Sự nói. Theo luật, các công ty muốn cổ phần hóa phải ít nhất không âm vốn chủ sở hữu. SBIC đề nghị lấy số tiền thu được từ cổ phần hóa để bù đắp các khoản chi phí trên.
Tuy vậy Vneconomy trích lời lãnh đạo SBIC Nguyễn Ngọc Sự cho biết kế hoạch này chỉ thực hiện được nếu Chính phủ tiếp tục cấp vốn và miễn nghĩa vụ đóng thuế, do tập đoàn này vẫn gặp nhiều khó khăn tài chính.

“Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ công ty mẹ thông qua hình thức tái cơ cấu nợ, bù đắp lỗ”, ông Sự nói.
Hiện SBIC vẫn đang nợ nước ngoài khoảng 760 triệu USD, trong đó có 600 triệu USD là số trái phiếu chính phủ bảo lãnh phát hành vào cuối năm 2013 để đảo nợ. Ngoài ra, tổng công ty này vẫn còn nợ trong nước 26.7 nghìn tỷ đồng (1.27 tỷ đô la).
Trả lời phỏng vấn BBC, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển (ADP) thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp có tình trạng tài chính không thể cứu vãn tuyên bố phá sản.
“Kể cả cho phá sản trong im lặng, nhưng chính phủ không nên lùi nữa, vì càng lùi nền kinh tế càng khó khăn,” ông Thọ nói.
‘Khó thành công’
"Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ công ty mẹ thông qua hình thức tái cơ cấu nợ, bù đắp lỗ"
Nguyễn Ngọc Sự, lãnh đạo SBIC
Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Có 25 doanh nghiệp nhà nước chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2014, nhiều gấp ba lần so với năm trước.
Tuy vậy các đợt cổ phần hóa đầu tiên này không mấy thành công. Theo trang tin VnExpress, hơn 70% cổ phiếu của các công ty nhà nước được chào bán trên sàn chứng khoán không có ai mua trong vòng 3 tháng qua. Tổng giá trị của khoảng 249 triệu cổ phiếu này ước đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (120 triệu đô la).
Có công ty hầu như không bán được chút nào như công ty vận tải đường thủy Trancinwa (bán được 0.01% số cổ phiếu), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội Hancorp (0.03%), hay bán được rất ít như Tổng công ty ô tô Vinamotor (3%), Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Viwaseen (4%).
Được biết, trong giai đoạn 2011 - 2013, chỉ có 99 doanh nghiệp được cổ phần hóa, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014 - 2015.
PGS. TS Phạm Quý Thọ nói với BBC rằng từ “ý chí chủ quan” đến thực tế là khá xa, và rất khó để Chính phủ hoàn thành được kế hoạch cổ phần hóa trong hai năm tới do số lượng quá lớn và điều kiện thị trường chưa cho phép.
“Những doanh nghiệp làm ăn được như Mobifone và Vietnam Airlines thì cổ phần hóa có thể thành công, nhưng với các doanh nghiệp khác thì rất khó,” Ông Thọ nói.
‘Nguy cơ thất thoát’
Trả lời BBC, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Quốc gia Hà Nội từng cảnh báo rằng ‘ồ ạt’ cổ phần hóa có thể dẫn đến tài sản của nhà nước bị định giá thấp và thất thoát.
"Ồ ạt có thể có hậu quả là giá của tài sản bị thấp, vì nguồn cung ra lớn. Đây cũng là trường hợp của các nước Đông Âu và Đông Đức trước đây.
"Cái này chúng ta (Việt Nam) phải thận trọng, tuần tự trong tiến trình đưa ra cổ phần hóa và đồng thời đi theo sức mua của thị trường tài sản."
Tiến sỹ Thành cũng cho rằng các nhóm lợi ích ở có thể đang nhòm ngó một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế Việt Nam qua đợt cổ phần hóa để thủ lợi. Đó có thể bao gồm khai thác tài nguyên, khoáng sản, hầm mỏ cho tới những cơ sở doanh nghiệp nhà nước có lợi thế về cơ sở hạ tầng và mạng lưới hạ tầng lớn.
"Đây là hai loại hình doanh nghiệp mà tôi nghĩ không cần vội vã trong quá trình cổ phần hóa và nếu có cổ phần hóa, cần phải có một lộ trình đặc biệt, với những nguyên tắc minh bạch, rõ ràng và sự tham chiếu đặc biệt," ông Thành nói thêm.
'Ngăn chặn đi đêm'
"Minh bạch có nghĩa là các quy định phải được công bố một cách rất công khai, bởi vì đây thực sự là bán một phần tải sản của toàn dân, cho nên toàn dân phải có quyền được biết"
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Hôm thứ Sáu tuần trước, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biển độc lập IDS (đã tự giải thể) cũng nhất trí về việc cần minh bạch hóa toàn bộ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Ông nói: "Minh bạch có nghĩa là các quy định phải được công bố một cách rất công khai, bởi vì đây thực sự là bán một phần tải sản của toàn dân, cho nên toàn dân phải có quyền được biết,
"Có nghĩa là cổ phần hóa công ty nào, thông tin về công ty đó, thông tin về những người mua và mua với giá bao nhiêu phải được công bố rộng rãi và quan trọng nhất là phải có một cơ chế giám sát để làm sao ngăn chặn được sự đi đêm của họ với nhau."
Theo Tiến sỹ Quang A, nhóm lợi ích có thể đang để mắt tới một số lĩnh vực trong đợt cổ phần hóa hiện nay là viễn thông, xây dựng cơ bản, hay năng lượng.
Ông cũng cảnh báo có thể có thành phần nước ngoài 'nhòm ngó' tới một số lĩnh vực có thể liên quan tới an ninh, vị trí địa lý chiến lược và cả lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam mà họ tìm cách lách luật, núp bóng sau những người tham gia mua doanh nghiệp, kể cả là một phía nước ngoài khác.
Ở một khía cạnh khác, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có một số nguyên tắc ưu tiên.
Ông nói: "Cần ưu tiên cổ phần hóa những doanh nghiệp có khả năng chia nhỏ được tương đối dễ dàng, và tính chất sản phẩm của nó gần với đời sống dân sinh để nhiều bên có thể tham gia, với những chuyên môn không quá đặc thù,
"Tôi cho rằng đây là nhóm dễ kiểm soát hơn, dễ mở cửa, minh bạch hơn, dễ được mọi người tham gia hơn, vì mỗi người có thể tham gia một phần. Đó là cách tôi nghĩ để hạn chế tài sản của nhà nước bị thôn tính hoặc bị thao túng bởi một nhóm nhỏ."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói thêm với BBC là để bảo vệ tài sản nhà nước và minh bạch hóa việc cổ phần hóa này, các quan chức của nhà nước trong các lĩnh vực chức năng liên đới cần công khai 'lợi ích của mình' và tốt nhất là không được tham gia vào mọi khâu đoạn, tiến trình của quá trình cổ phần hóa, dưới bất cứ hình thức, danh nghĩa nào.

Không có nhận xét nào: