Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Lúa đầy bồ nhưng lòng nặng trĩu

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

sauvumua-600.jpg

Lấy rơm làm nấm sau vụ lúa
RFA photo

Nghe Bài Này

Có thể nói, những cánh đồng Tây Nam Bộ từ Đồng Tháp, An Giang xuống tận Cà Mau, nơi nào cũng trĩu hạt, vụ mùa bội thu, sản lượng có thể nói là đạt mức cao nhất sau gần bốn mươi năm nay. Một công ruộng, tức là 1000 mét vuông đạt được một tấn. Với sản lượng như vậy, tương đương với mỗi mét vuông đạt một ký lô lúa. Tuy nhiên, lúa đạt sản lượng cao nhưng nông dân lại buồn bã, thất vọng vì nhiều thứ. Một bông dân Đồng Tháp cho biết:
“Mình sản xuất lúa mà phân, vật tư nó lên, nông dân đang gặp khó ở khâu này, bởi vì khâu vật tư nó không ổn định, quá mắc, nó không có sụt, nó cầm cầm thôi à. Còn lúa khi thì lên được chút đỉnh, còn đa số thì giá quá thấp. Cho nên nông dân không có lãi nhiều, qua nhiều công lắm, cày, bừa, công lao động. Hạt lúa tí tí mà làm ra được cả tấn là đổ công vô dữ lắm, nhưng mình đây làm nghề nông không làm thì biết làm gì. Cho nên buộc lòng phải làm, có người người ta thấy làm không lời, người ta cho mướn, mà bây giờ người mướn họ cũng không mướn nữa, vì thuê ruộng, không có lãi.”

Giá lúa trồi sụt tùy hứng

Bà Nguyễn Thị Hải, một nông dân ở An Giang, cho chúng tôi biết: “Lúa này là lúa Nhật, tám ngàn một ký, nó bao lô mình tám ngàn hai một ký, mình phơi khô, còn lúa thường mình thì chỉ có bốn ngàn hai bốn ngàn ba một ký lô à. Chỉ có lúa này mới không rớt giá thôi chứ lúa mình thì rớt lên rớt xuống à. Phân thuốc thì lên rồi đó, vật tư lên cao lắm, vật tư năm nào cũng lên cao, lúa năm này thì không có lên à. Đất nhà còn đỡ chứ đất mướn thì lỗ. Nông dân người ta trồng năm nay trúng mùa lắm, nhưng mà rớt giá, bấp bênh lắm, lên xuống không biết đường.”
Theo bà Hải, tình hình lúa gạo miền Tây đang ngày càng thêm bi đát cho dù lúa có trĩu hạt thì bi đát vẫn cứ bi đát. Năm nay, chỉ có một giống lúa duy nhất có thể cứu người nông dân miền Tây thoát khỏi nợ nần là giống lúa Nhật với chất lượng cao, hạt gạo thơm ngon, giàu dinh dưỡng và giá bán trên thị trường là tám ngàn đồng mỗi ký lúa. Nếu chịu khó xay gạo, giá gạo sẽ đạt từ hai mươi ngàn đồng trở lên.
nongdan-250.jpg
Nông dân miền Tây trong phút giải lao. RFA photo
Riêng các giống lúa khác, giá lúa sụt liên tục, từ sáu ngàn đồng mỗi ký xuống còn năm ngàn rưỡi, năm ngàn, rồi bốn ngàn rưỡi, và hiện tại, giá của nó dao động từ bốn ngàn đến bốn ngàn hai trăm đồng. Với giá thành như vậy, người nông dân thua đậm, không tài nào cứu nổi. Nhìn những núi lúa cao vòi vọi nhưng bán ra rẻ bèo, không đủ bù tiền phân, tiền giống và tiền công, người nông dân chỉ biết chua chát lắc đầu.
Đất nhà còn đỡ chứ đất mướn thì lỗ. Nông dân người ta trồng năm nay trúng mùa lắm, nhưng mà rớt giá, bấp bênh lắm, lên xuống không biết đường.
- Nông dân Nguyễn Thị Hải, An Giang
Theo bà Hải, vấn đề người nông dân đang đối diện hiện nay không phải là lúa có được mùa hay không mà là phân, thuốc, công làm đang lên giá một cách không thể kiểm soát. Trước đây, một công lúa cho lãi ít nhất một triệu đồng nhưng bây giờ, người nông dân không còn hy vọng gì vào tiền lãi trên công ruộng của mình. Họ làm là để duy trì hoạt động và tìm lãi trong chăn nuôi, làm nấm rơm và một số dịch vụ nông nghiệp.
Chẳng hạn như gia đình bà Hải, với hơn hai mươi công lúa, nghĩa là hơn hai mươi ngàn mét vuông đất để làm lúa, mỗi vụ bà kiếm được từ mười mấy đến hai mươi tấn lúa. Nhưng khi thu hoạch xong, thanh toán tiền xăng dầu chạy máy cày, tiền công lao động và tiền phân tro, bà chỉ lãi được chưa đầy năm triệu đồng. Một con số quá thấp trong làm kinh tế. Nhưng nếu không làm thì bỏ đất hoang và không có lúa. Với người nông dân, không có lúa trong nhà cũng đồng nghĩa với đói khổ.
Để xoay cho hạt lúa sinh lãi, gia đình bà thành lập trại chăn nuôi và trồng nấm. Về mảng trại chăn nuôi, bà nuôi vài chục con heo thịt và nuôi lươn, để có thức ăn cho heo, bà nấu rượu. Vừa bán được rượu, tạo được đồng lãi cho hạt gạo lại vừa lấy được hèm để nuôi heo, tiền bán rượu bà dành ra một ít để mua thức ăn cho lươn. Còn rơm rạ từ cánh đồng, gia đình bà xử lý để trồng nấm. Với hai mô hình nuôi trồng như vậy, mỗi năm bà kiếm được ngót nghét hai trăm triệu đồng.
Nhưng đó là chuyện chăn nuôi lúc may mắn, chứ nếu như gặp mùa dịch cúm, chuyện chăn nuôi trở thành con dao hai lưỡi, nó có thể làm cho gia đình bà tán gia bại sản và lại chạy vay chạy mướn để làm lại từ đầu. Nói chung, đời sống của người nông dân không còn bình yên, thảnh thơi như vốn có của miệt Tây Nam Bộ trước đây.

Những cánh đồng đang hẹp dần

Một người nông dân tên Út, ở An Giang, chia sẻ: “Người ta đổ thêm cát rồi người ta lên thổ cư rồi người ta bán đó, giờ nhà nước không cho cũng bỏ không rồi đó. Trước đó cũng do nhà nước bơm lên rồi bán. Mấy ông đầu tư mua vô nhưng giờ nhà nước không cho bán, cũng bỏ không rồi đó, cũng phân lô rồi đó, nhưng giờ toàn cỏ đế cỏ xị mọc không à.”
Cũng theo ông Út, người nông dân miền Tây hiện tại đang trở nên bất an mặc dù họ vẫn chân lấm tay bùn, vẫn cần mẫn làm ăn. Sở dĩ có chuyện bất an như vậy là do hai nguyên nhân rất dễ nhận thấy: Quĩ đất nông nghiệp đang hẹp dần và; Giá thành bấp bênh, không ổn định.
phoiluadongxua-250.jpg
Phơi lúa vụ Đông Xuân. RFA photo
Ở chuyện quĩ đất đang hẹp dần, ông Út nói thêm là đất miền Tây Nam Bộ dành cho ruộng đồng thuộc vào diện rộng nhất nước, nói nó hẹp dần nghe có vẻ hoang tưởng nhưng trên thực tế, nó hẹp từ lòng người cho đến chính sách nhà nước. Vì hiện tại, có vẻ như các cánh đồng Tây Nam Bộ thuộc vùng ven thành phố, có mặt bằng tương đối cao ráo, ít bị ngập đang là đích nhắm của nhiều dự án xây dựng. Bởi nó được đền bù với giá rẻ mạt, chỉ cần gấp đôi giá một công đất sang nhượng giữa nông dân với nhau là họ đã vui vẻ chấp thuận đền bù giải tỏa.
Khi nhận đền bù giải tỏa xong, họ đi vào những nơi xa hơn một chút và mua lại đúng số lượng các công đất mình đã bán để canh tác mà vẫn dư được một nửa tiền dành cho việc khác. Chính vì thế, ban đầu, người nông dân chấp nhận đền bù giải tỏa khá nhiều và trông đợi vào chuyện này. Nhưng sau này, khi quĩ đất vùng sâu vùng xa cũng bị hẹp lại, các dự án càng phình to ra, người nông dân chuyển sang lo lắng và sợ mình sẽ bị mất đất.
Mấy ông đầu tư mua vô nhưng giờ nhà nước không cho bán, cũng bỏ không rồi đó, cũng phân lô rồi đó, nhưng giờ toàn cỏ đế cỏ xị mọc không à.
- Một nông dân ở An Giang
Câu chuyện quĩ đất nông nghiệp đang hẹp dần không dừng ở đó mà còn đẩy đa số nông dân từ chỗ quen với đồng ruộng, kiếm sống bằng nghề nông sang một nghề mới mà họ chưa hề đụng vào, nhiều người dùng vốn để mở quán nhậu, quán cà phê, buôn chim, làm các loại dịch vụ khác, thậm chí mở nhà trọ. Hậu quả của chuyển dịch nghề nghiệp này là đa phần các cô gái nhà nông chân lấm tay bùn rơi vào con đường mại dâm và nhiều nhà phá sản hoàn toàn, trắng tay, phải dựa vào thu nhập bán dâm của các cô con gái trong gia đình.
Bên cạnh câu chuyện quĩ đất eo hẹp dần, câu chuyện giá thành bấp bênh, không ổn định cũng khiến cho người nông dân trở nên ngột ngạt, khó sống. Trong vài năm trở lại đây, giá thành các loại phân đều tăng đột ngột, giá thuốc trừ sâu và giá xăng dầu phục vụ cho máy móc nông nghiệp cũng tăng ngất ngưỡng. Người nông dân vốn dĩ không có sẵn tiền để mua các loại hàng này nên phải mua nợ và chịu giá cao hơn so với người khác. Đến cuối vụ, chỉ riêng chuyện thanh toán các khoản nợ đầu tư vào cánh đồng, cộng thêm tiền thuê công lao động, hầu như người nông dân chẳng còn lãi là bao nhiêu.
Và một khi những hoạt động sản xuất nông nghiệp đều mang tính thử thách người nông dân, trong khi đó, đầu ra của hạt lúa hết sức bấp bênh vì giá cả không ổn định, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, niềm tin của người nông dân hoàn toàn bị mất. Và có lẽ cũng chính vì thế mà tệ nạn cờ bạc, mại dâm, lô đề, cho vay nặng lãi, buôn ma túy đang diễn ra ngày càng tàn bạo ở Tây Nam Bộ.
Tất cả những tệ nạn đóng vai trò đầu ra cho thất nghiệp, tuyệt vọng lại vừa đóng vai trò bản án tử hình nhanh nhất cho những gia đình nông dân, người lao động vốn chân chất mấy chục đời nay của xứ miệt vườn hiền hòa, lòng người khoáng đạt này!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
.

Không có nhận xét nào: