Pages

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Nato dừng mọi hợp tác với Nga

Máy bay Nato sẽ tăng cường tuần tiễu trên bầu trời các nước Baltic
Các ngoại trưởng Nato đã đồng ý dừng mọi hợp tác quân sự và dân sự thực tiễn với Nga.
Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen nói việc Nga sáp nhập khu tự trị Crimea của Ukraine là thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh của châu Âu trong một thế hệ.

Trước đó, ông hoàn toàn bác bỏ tin tức rằng Nga đang rút quân ra khỏi biên giới với Ukraine.
Nato và Nga sẽ không còn ‘làm việc như thường nữa’, ông nói.

Moscow được cho là đang tập trung hàng ngàn binh sỹ tại biên giới phía Đông của Ukraine trong những ngày gần đây khiến cho Kiev và phương Tây cảnh giác.

Ngôn từ mạnh mẽ

Ngoại trưởng 28 nước thành viên Nato đã nhóm họp ở Brussels lần đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea. Họ đã ra thông cáo chung với ngôn từ mạnh mẽ lên án việc Nga ‘sáp nhập Crimea của Ukraine một cách phi pháp’.
Họ đồng ý tạm ngừng hợp tác với Nga trong một số cơ quan nhưng cũng nói rằng các cuộc tham vấn trong Hội đồng Nga-Nato vẫn tiếp tục ở cấp đại sứ và cao hơn nếu cần thiết để ‘cho chúng tôi trao đổi quan điểm, trước hết là về cuộc khủng hoảng này’.
Thông cáo cũng cho biết Nato sẽ xem xét lại mối quan hệ với Nga tại cuộc họp vào tháng Sáu tới.
Họ cũng đang xem xét các khả năng trong đó đặt căn cứ quân sự thường trực ở các nước Baltic để trấn an các đồng minh Đông Âu. Hành động của Nga ở Ukraine đã gây quan ngại cho Estonia, Latvia và Lithuania, những nước từng thuộc vào Liên bang Xô viết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
"Hành động hung hăng của Nga đối với Ukraine thách thức tầm nhìn của chúng ta về một châu Âu hoàn toàn tự do và hòa bình."
Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen
Phi cơ của Nato sẽ tham gia tuần tiễu ở khu vực này trong hoạt động tập trận thường kỳ. Tuy nhiên các phân tích gia cho rằng các cuộc tập trận sẽ càng trở nên quan trọng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Một vài quốc gia Nato, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp đã đề nghị gửi thêm máy bay tuần tiễu.
Trong một diễn biến khác, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua một dự luật tài trợ cho Ukraine và áp đặt một số lệnh trừng phạt Nga với số phiếu áp đảo. Dự luật này còn phải chờ Tổng thống Barack Obama ký thành luật.
Thông báo việc tạm ngừng quan hệ với Nga, Tổng thư ký Rasmussen nói thông điệp của Nato là rất rõ ràng: họ sát cánh cùng đồng minh, sát cánh cùng Ukraine và tuân thủ các quy định quốc tế đã được xây dựng trong những thập kỷ gần đây.
Ông kêu gọi Nga tham gia vào một giải pháp ‘tôn trọng luật pháp quốc tế và biên giới Ukraine’.

Hợp tác Nato-Ukraine

Ông cũng nói Nato sẽ cho phép Ukraine tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động tập trận của khối và ủng hộ nước này phát triển quân đội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông nói rằng hợp tác giữa Nato và Nga trong hồ sơ Afghanistan vẫn sẽ tiếp tục.
Tổng thư ký Nato thận trọng trong cách giải quyết cũng khủng hoảng Ukraine
Các bộ trưởng Ukraine cũng có mặt ở Brussels để gặp đồng sự các nước châu Âu. Thông cáo chung Nato-Ukraine cho biết hai bên sẽ tăng cường hợp tác và giúp đỡ cải cách quốc phòng của Ukraine thông qua huấn luyện và các chương trình khác.
Trước đó, ông Rasmussen đã ca ngợi điều mà ông gọi là ‘sự kiềm chế mẫu mực’ của Chính phủ và quân đội Ukraine và hoan nghênh ‘nền dân chủ vững chắc’ của nước này.
“Hành động hung hăng của Nga đối với Ukraine thách thức tầm nhìn của chúng ta về một châu Âu hoàn toàn tự do và hòa bình,” ông nói.
Tuy nhiên bất chấp ngôn ngữ cứng rắn, ông Rasmussen vẫn nói: “Con đường duy nhất đối với chúng ta là con đường chính trị và ngoại giao.”
Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo Kiev về việc nước này muốn gia nhập Nato. Moscow nói rằng hành động như vậy từ phía Ukraine trước đây đã ‘làm đóng băng liên hệ chính trị Nga-Ukraine, tạo ra ‘vấn đề nhức đầu’ trong quan hệ Nato-Nga và gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ukraine’.
Trong khi đó, công ty năng lượng Gazprom của Nga đã loan báo tăng giá bán khí đốt cho Ukraine kể từ ngày 1/4.
Ông Alexei Miller, giám đốc điều hành Gazprom, thông báo giá bán khí đốt cho Ukraine đã tăng lên 385,5 đôla Mỹ cho 1.000 mét khối từ giá cũ là 268,5 đôla. Giá này sẽ áp dụng từ quý 2 năm nay.
Ông Miller còn nói Ukraine còn nợ Nga 1,7 tỷ đôla tiền khí đốt.

Không có nhận xét nào: