Pages

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Ông Obama ủng hộ Nhật bảo vệ đảo

Ông Obama tới Nhật đầu tiên trong chuyến công du các nước châu Á
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đảm bảo với Nhật Bản rằng chuỗi đảo mà Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ bằng hiệp ước quân sự song phương.
Trong cuộc phỏng vấn trước chuyến công du Á châu, ông Obama nói Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với chuỗi đảo này.


Hôm thứ Tư, ông Obama đã tới Nhật trước khi có các chặng dừng chân tại ba nước Á châu khác.
Các quan chức Hoa Kỳ từng có những nhận xét tương tự, nhưng đây là lần đầu tiên ông Obama tỏ rõ sự ủng hộ như vậy.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh phản đối việc các hòn đảo được bảo vệ bằng hiệp ước quân sự.
"Cái gọi là liên minh Mỹ-Nhật chính là một thỏa thuận songphương từ thời Chiến tranh Lạnh và không nhằm đe dọa chủ quyền lãnh thổ và các quyền hợp lý khác của Trung Quốc," phát ngôn nhân Tần Cương nói trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh.
Ông Obama không tới Bắc Kinh, nhưng quan hệ với Trung Quốc được trông đợi là sẽ bao trùm trong các cuộc họp của ông với các lãnh đạo khu vực.
Chuyến đi là cơ hội nhằm củng cố tầm quan trọng của Hoa Kỳ tại Á châu, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ PJ Crowley nói với BBC.
"Nhiều đồng minh truyền thống...trân trọng sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực nhằm đối trọng với một nước Trung Quốc quyết đoán," ông nói thêm.
Chuyến đi của ông Obama, từ 23 đến 29/4, diễn ra gần bảy tháng sau khi ông hủy một chuyến thăm tới khu vực do vụ chính phủ đóng cửa vì thiếu tiền hoạt động.
Các hoạt động chính trong chuyến đi gồm có một bữa ăn tối riêng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cùng các cuộc họp song phương với lãnh đạo các nước Nam Hàn, Malaysia và Philippines.
Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh được trông đợi sẽ nằm cao trong nghị trình làm việc khi ông Obama tới Tokyo vào tối thứ Tư.
Sự căng thẳng xuất phát từ một số vấn đề, trong đó có chuyện về chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông, nơi mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nơi cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Hai nhà lãnh đạo cũng được trông đợi sẽ thảo luận về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia.
Sự rạn nứt Nhật-Mỹ quanh mức thuế quan áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp cũng là một nội dung quan trọng.

Không có nhận xét nào: