Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

PHÂN TÍCH NHỮNG LẬP LUẬN CỦA TRUNG QUỐC TRONG VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES

BienDong.Net: Trung Quốc tuyên bố phản đối và không tham gia vụ kiện của Philippines, nhưng xem ra Trung Quốc đang đưa ra các lập luận của họ để phản bác lại vụ kiện của Philippines thông qua các phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Vì Trung Quốc là bên bị kiện nên mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện nhưng Tòa Trọng tài có nghĩa vụ phải xem xét những nội dung tuyên bố chính thức của Trung Quốc trong việc xem xét các vấn đề liên quan của vụ kiện.

Qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 30/3/2014 có thể thấy Trung Quốc đang đưa ra các lập luận để bác bỏ thẩm quyền của Tòa thụ lý vụ kiện. Các lập luận của Trung Quốc không có gì mới ngoài việc đưa các nội dung vào Tuyên bố loại bỏ năm 2006 của Trung Quốc đối với nội dung về chủ quyền lãnh thổ hay phân định biển.
Tuy nhiên, trong Tuyên bố khởi kiện cũng như Bản lập luận, Philippines đã chủ động đề nghị Tòa không xem xét vấn đề chủ quyền hay vấn đề phân định. Philippines tập trung vào việc đề nghị tòa giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển 1982 đối với các yêu sách phi lý của Trung Quốc. Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 và một cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước và hoàn toàn đủ thẩm quyền xem xét việc áp dụng Công ước đúng hay sai. Do vậy, Tuyên bố 2006 của Trung Quốc không thể loại bỏ được các yêu cầu khởi kiện của Philippines.
Một lập luận khác Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra là cho rằng Philippines đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) khi khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài. Lập luận này hoàn toàn không vững chắc bởi lẽ DOC chỉ là một văn kiện chính trị ký giữa ASEAN và Trung Quốc và về mặt pháp lý nó không thể cao hơn được Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, một văn bản được coi là Hiến pháp của đại dương. Hơn thế nữa, trong DOC không có một câu chữ nào quy định các quốc gia không được sử dụng cơ chế tài phán quốc tế, bao gồm Tòa Trọng tài để giải quyết tranh chấp. Việc Trung Quốc viện dẫn DOC để bác thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện hoàn toàn không có cơ sở.
Trung Quốc cho rằng Philippines đã vi phạm những thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines về đàm phán song phương giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Philippines đã đưa vào bộ phụ lục của Bản lập luận rất nhiều văn bản để khẳng định Philippines đã nỗ lực trao đổi, đàm phán với Trung Quốc suốt 17 năm qua, nhưng không có kết quả. Cần phải hiểu rằng luật pháp quốc tế cũng hoan nghênh các nước thông qua đàm phán để giải quyết các tranh chấp, nhưng trong một thời gian nhất định nếu không thể giải quyết được qua đàm phán thì các bên có quyền đưa vấn đề ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế.
Trung Quốc còn “chơi bài cùn” là đưa ra tuyên bố “hai không”: không tham gia và không chấp nhận vụ kiện. Giới nghiên cứu đều đặt ra một câu hỏi là “nếu Trung Quốc có cơ sở pháp lý” như họ đã nói thì tại sao không dám ra hầu Tòa để bảo vệ lợi ích của mình? Rõ ràng Trung Quốc tự thấy mình là phi pháp nên họ đã kiên quyết không tham gia vụ kiện.
Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận và không thi hành phán quyết của Tòa. Một khiếm khuyết trong Công ước Luật biển 1982 là không quy định chế tài đối với việc cưỡng bức thi hành phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa là ràng buộc đối với Trung Quốc, nếu Trung Quốc không thi hành thì bộ mặt thật của họ sẽ được phơi bày ra trước cộng đồng quốc tế. Phán quyết của Tòa sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Philippines tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ các lợi ích chính đáng của Philippines.
Trung Quốc sẽ còn đưa ra các lập luận của họ để phản bác lại Bản lập luận của Philippines. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng các lập luận của Trung Quốc sẽ không có cơ sở và không thể có tính thuyết phục do các yêu sách và hành động của Trung Quốc đều trái với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982.
BDN

Không có nhận xét nào: