Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

'Ra tù, đường đấu tranh còn gian nan'

Cù Huy Hà Vũ
Ông Cù Huy Hà Vũ tới Hoa Kỳ trực tiếp sau khi ra tù.
Là một người tham gia hoạt động của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, tôi vui khi được biết Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Cầu, Đinh Đăng Định, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi vừa được ra khỏi nhà tù ở Việt Nam trước thời hạn bản án.
Ít ra giờ đây họ không còn bị vây khuất trong những bức tường tù mà được sum họp cùng gia đình. Tuy nhiên cũng thương tiếc thầy giáo Định đã qua đời sau khi ra khỏi nhà tù không được bao lâu.


"
Việc Hà Nội thả tù trước hạn định cho thấy những vận động nhằm liên kết nhân quyền vào quan hệ Mỹ-Việt có những kết quả nhất định. Việt Nam đã phải thả người bất đồng chính kiến để có thể phát triển quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, để việc thảo luận về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương Trans-Pacific Partnership (TPP) có tiến bộ hơn.
Trong chính sách ngoại giao của những quốc gia cộng sản thường có sự việc nhà nước dùng tù nhân chính trị – là những người bất đồng với quan điểm của chính phủ – để thương lượng với phương Tây vì thành phần này được dùng để trao đổi và vì họ cũng là những cái gai cần tống xuất ra khỏi quê hương"
Dù hoan nghênh việc trả tự do cho tù nhân chính trị, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí cũng khuyến cáo Hà Nội không nên dùng tù nhân làm con tin, mà cần thay đổi chính sách để thăng tiến nhân quyền cho dân Việt. Ủy ban Bảo vệ Ký giả – Committee for Protection of Journalists, CPJ – có trụ sở ở New York kêu gọi lãnh đạo Việt Nam sửa đổi chính sách để những tiếng nói bất đồng được cất lên mà không lo sợ phải đối diện với án tù.
Chuyện thả tù nhân để đáp lại yêu cầu của Hoa Kỳ trong tiến trình phát triển bang giao hai nước đã được Hà Nội sử dụng từ thập niên 1980, khi họ còn giam giữ nhiều nghìn cựu quân cán chính Việt Nam Cộng hòa trong các trại học tập cải tạo.
Trong phỏng vấn với chương trình '60 Minutes' trên đài CBS cách đây 30 năm, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã nói nếu Hoa Kỳ nhận tù cải tạo, họ sẽ thả ra ngay. Với đề nghị đó của Hà Nội và sau nhiều năm thương lượng, những người đi học tập cải tạo đã được đến Mỹ qua chương trình H.O.
Mới tháng trước, nhà ngoại giao đặc trách về người Việt ở nước ngoài là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn lại cũng phát biểu tương tự trong cuộc gặp gỡ với giới chức Canada khi ông nói nếu chính phủ Canada đồng ý bảo lãnh những tù nhân lương tâm, Hà Nội sẽ thả họ ngay.

'Cái gai cần tống xuất'

Trong chính sách ngoại giao của những quốc gia cộng sản thường có sự việc nhà nước dùng tù nhân chính trị – là những người bất đồng với quan điểm của chính phủ – để thương lượng với phương Tây vì thành phần này được dùng để trao đổi và vì họ cũng là những cái gai cần tống xuất ra khỏi quê hương.
Không chỉ Việt Nam đã và đang làm thế. Chính quyền Liên Xô cũ đã tống xuất nhà văn đối kháng Alexander Solzhenitsyn vì những tác phẩm phơi bày sự thật về nhà tù cộng sản; đã đưa nhà khoa học hạt nhân Andrei Sakharov đi đày ở Gorky hẻo lánh vì lên tiếng phản đối Liên Xô xâm lăng Afghanistan, đòi nhân quyền.
Cộng đồng VN ở hải ngoại
Nhiều tù nhân chính trị đang là 'những cái gai' cần tống xuất dưới con mắt của chính phủ, theo tác giả.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc năm 2012 trục xuất luật sư khiếm thị Chen Guancheng sang Mỹ. Đầu năm nay, giáo sư Xia Yeliang của khoa kinh tế Đại học Bắc Kinh bị cho thôi việc và tống xuất sang Hoa Kỳ vì tham gia vào Linh Bát Hiến chương kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc.
Hoa Kỳ là nơi cư trú của nhiều người bất đồng chính kiến với chế độ Bắc Kinh, có người đi du học và ở lại sau biến cố Thiên An Môn 1989, có người vượt thoát hay được Mỹ can thiệp để rời Trung Quốc: Chai Ling, Wei Jingsheng, Wang Dan, Tang Baiqiao, Zheng Yi, Harry Wu, Yang Jianli.
Nước Pháp cũng đã đón nhiều nhân vật bất đồng quan điểm với cộng sản Hà Nội hay Bắc Kinh, trong đó có Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên; có Yue Wu, Cai Chongguo, Chen Xuanliang.
Riêng tại Mỹ số người từng phản đối chế độ Hà Nội rất đông, từ thuyền nhân vượt biển đến các bác H.O. và nhiều thành phần khác từng ở tù như Đoàn Văn Toại, Nguyễn Hữu Hiệu, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Viết Hoạt, Mai Văn An, Phan Nhật Nam, Doãn Quốc Sĩ.
Mới nhất là Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một người con, cháu của những công thần chế độ đã lên tiếng chống lại sự độc tài của cộng sản nên bị kết án tù. Ông Vũ được cho “đi Mỹ chữa bệnh” vào tuần trước. Nhưng sau khi chữa bệnh, nếu ông muốn trở về thì ước nguyện đó có thực hiện được hay không? Thời gian sẽ là câu trả lời.
Trong quá khứ có trường hợp Hồng y Nguyễn Văn Thuận, một chức sắc của giáo hội công giáo được Hà Nội cho qua Úc trị bịnh nhưng sau đó không được phép trở về.
Sự kiện ông Vũ được đưa thẳng từ nhà tù ra phi trường đi Mỹ cũng giống trường hợp của Luật sư Đoàn Thanh Liêm, bị án tù nhiều năm vì lên tiếng kêu gọi dân chủ hoá đất nước trong thập niên 1990.

'Tiến bộ và giới hạn'

Nhìn vào hai tù nhân phải rời nhà tù đi lưu vong cách nhau 20 năm cho thấy trong khoảng thời gian đó tuy Việt Nam đã có tiến bộ trong tự do kinh tế nhưng tự do chính trị của dân Việt vẫn còn bị giới hạn.
"Các phát biểu của quan chức Hà Nội, đặc biệt là của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, cho thấy điều đó. Ông bêu xấu người biểu tình đòi nhân quyền là vì muốn có thêm thu nhập"
Ở Việt Nam ngày nay vẫn còn nhiều người bị giam tù chỉ vì nói lên quan điểm của họ: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Việt Khang, Trần Minh Nhật, Trương Duy Nhất v.v…
Nhiều tổ chức quốc tế xếp hạng Việt Nam thấp về tự do ngôn luận và chính trị. Theo một số tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập quốc tế, Việt Nam hiện có ít nhất vài trăm tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, cầm tù hoặc quản chế.
Vì thế, trong 20 năm qua những phong trào tranh đấu cho tự do, nhân quyền đã nở ra trong và ngoài nước với những hoạt động trên đường phố, qua diễn đàn, có lúc tại nghị trường và trước cơ sở ngoại giao của Hà Nội ở những nơi có đông người Việt sinh sống.
Nhiệt tình tham gia là những cựu tù cải tạo, dù trước khi được rời nước họ đã phải ký giấy cam kết không tham gia vào những việc “chống phá đất nước”. Thực tế những ai còn ôm ấp mơ ước tự do dân chủ cho quê hương thì vẫn tiếp tục góp phần bằng cách này hay cách khác.
Với chính sách ngăn cản người dân trong nước tìm kiếm thông tin, không cho phát tán những gì nhà nước gọi là “nhạy cảm”, nên hoạt động đấu tranh ở hải ngoại được ít người trong nước biết đến. Nhưng những đóng góp ở nước ngoài cho dân chủ, nhân quyền có ảnh hưởng đến dư luận quốc tế khiến Hà Nội rất khó chịu.
Chính phủ Việt Nam luôn phủ nhận họ giam giữ tù nhân chính trị. Hà Nội đưa quan điểm những người tranh đấu cho tự do, dân chủ đang bị cầm tù là vì phạm luật, dựa theo các điều 79, 88 và 258 luật hình sự là những điều luật mơ hồ để kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, âm mưu lật đổ chính quyền, lợi dụng dân chủ làm hại quyền lợi nhà nước, trong khi những tù nhân chỉ phát biểu quan điểm bất đồng hay chỉ trích Đảng Cộng sản.
"Nếu Việt Nam còn những điều luật phản văn minh, ngược xu thế tiến bộ của nhân loại thì những ai thật sự vì một nước Việt Nam tự do dân chủ sẽ còn phải đấu tranh với nhiều gian nan trước mặt"
Với chính sách dùng tù nhân lương tâm để trao đổi với các nước phương Tây, gần đây có cụm từ “tài nguyên nhân quyền” để mỉa mai việc Hà Nội dùng tù nhân để đổi lấy quyền lợi.
Những Dương Thu Hương, Đoàn Thanh Liêm, Đoàn Viết Hoạt, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Cù Huy Hà Vũ đã được Hà Nội biến thành “tài nguyên quốc gia”, không phải để dùng cho việc phát triển đất nước mà là để trao đổi với phương Tây.
Vì thế nếu không có những cải cách luật pháp, hủy bỏ vĩnh viễn các điều 79, 88 và 258 bộ luật Hình sự và đặc biệt từ gốc rễ là điều 4 của Hiến pháp, thì số tù nhân lương tâm ra vào nhà tù ở Việt Nam sẽ không giảm mà còn tăng như những năm gần đây.
Nếu Việt Nam còn những điều luật phản văn minh, ngược xu thế tiến bộ của nhân loại thì những ai thật sự vì một nước Việt Nam tự do dân chủ sẽ còn phải đấu tranh với nhiều gian nan trước mặt.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do đang sinh sống tại California, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: