Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

RENEW và Dự án khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị

Thanh Trúc, phóng viên RFA

RENEW's-Temporary-Holding-Bin-of-Munitions-awaiting-being-disposed-305.jpg

Một hố an toàn để chứa bom mìn chưa nổ của dự án RENEW ở Quảng Trị.
RENEW PHOTO

Nghe Bài Này

Sau gần bốn thập niên hết chiến tranh, những vụ nổ gây thương vong do bom mìn còn sót lại trên địa bàn Quảng Trị, nơi có mức độ ô nhiễm bom mìn chưa nổ cao nhất nước, đã giảm đi theo từng năm.
Tuy nhiên vụ một quả đạn M79 phát nổ ngày 14 vừa qua ở Khe Sanh, làm một thanh niên dân tộc Vân Kiều bị thương nặng, một lần nữa cho thấy mối nguy hiểm chết người vẫn còn đó.

Vẫn còn nhiều bom mìn

Ông Ngô Xuân Hiền, Quản Lý Liên Lạc Và Phát Triển của RENEW, Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh ở Quảng Trị, cho biết:
Ngô Xuân Hiền: Tai nạn xảy ra hôm thứ Hai ngày 14 tháng Tư, hai anh em người dân tộc đào hố để chuẩn bị trồng cà phê thì người em phát hiện một quả đạn, cầm lên kêu người anh và định ném cho người anh xem. Nhưng mà quả đạn ấy phát nổ ngay trên tay người em làm nạn nhân bị thương rất nặng cả hai tay. Khi được cấp cứu ở bệnh viện thì bác sĩ đã cắt cụt bàn tay phải và bàn tay trái cũng bị toe nát.
Bằng chứng từ năm 75 đến nay là trên 7.100 trường hợp thương vong do tai nạn bom mìn, trong đó 2.400 người đã chết. Điều thực tế này cho thấy mức độ ô nhiễm bom mìn ở Quảng Trị rất lớn.
-Ông Ngô Xuân Hiền
Bởi vì người dân trồng trồng cà phê ở Khe Sanh nhiều năm rồi người ta cũng biết những loại đạn gì, thì người anh trai nói với chúng tôi rằng đó là một quả đạn M79. Và thực tế ở Quảng Trị thì đạn M79 cùng với bom bi, bom chùm đó, là nguyên nhân hàng đầu gây ra hơn 45% tổng số các vụ nổ bom mìn từ 1975 cho đến nay.
Nếu như đội rà phá của chúng tôi gặp đạn M79 hoặc bom bi thì không bao giờ chúng tôi di dời mà phải hủy nổ tại chỗ bởi vì cầm nắm hoặc di chuyển thì nó sẽ phát nổ. Trong trường hợp này thì do nạn nhân không biết, cầm lên và ném thế là nó phát nổ trên tay.
Thanh Trúc: Từ tai nạn mới nhất đó, thưa ông Ngô Xuân Hiền, xin cho biết đến lúc này tình hình ô nhiễm bom mìn chưa nổ ở Quảng Trị được xử lý ra sao?
Ngô Xuân Hiền: Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 thì quân đội cũng như chính quyền địa phương đã triển khai hàng loạt các hoạt động di dời, rà phá bom mìn để giúp người dân di tản trong chiến tranh khi trở lại có đất đai an toàn để làm nhà làm ruộng.

WP_20140416_08_09_30_Pro-250.jpg
Thanh niên dân tộc Vân Kiều, nạn nhân vụ một quả đạn M79 phát nổ ngày 14/4/2014 ở Khe Sanh, Quảng Trị. RENEW PHOTO.
Nỗ lực đó rất tốt tuy nhiên bom mìn còn sót lại rất nhiều. Bằng chứng từ năm 75 đến nay là trên 7.100 trường hợp thương vong do tai nạn bom mìn, trong đó 2.400 người đã chết. Điều thực tế này cho thấy mức độ ô nhiễm bom mìn ở Quảng Trị rất lớn. Từ năm 96 đến nay Quảng Trị, được sự đồng ý của trung ương, đã chấp nhận những nguồn tài trợ từ bên ngoài để tiến hành các hoạt động rà phá nhân đạo.
Qua hơn 13 năm hoạt động ở địa bàn Quảng Trị Dự Án RENEW chúng tôi thấy rằng tỷ lệ tai nạn bom mìn giảm rõ rệt qua các năm. Bên cạnh việc rà phá, điều quan trọng là phải duy trì hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về bom mìn cho người dân và đặc biệt trẻ em, từ đó biết cách phòng tránh, khi thấy bom mìn người ta biết cách báo cáo cho đội xử lý bom mìn lưu động của các tổ chức như tổ chức RENEW chẳng hạn. Vụ tai nạn hôm thứ Hai nếu như chàng thanh niên Hồ Lây đấy mà nhìn thấy quả đạn và gọi điện cho chúng tôi thì tai nạn đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Giảm thiểu thương vong rõ rệt

Thanh Trúc: Xin ông cho biết RENEW, Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, khởi đầu như thế nào ở Quảng Trị và do ai tài trợ?
Ngô Xuân Hiền: Trở lại năm 2001, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Trị kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh giúp xây dựng cho tỉnh một mô hình mang tính chất toàn diện và lồng ghép để giải quyết triệt để vấn đề bom mìn.
Trước đó thì cũng đã có một số tổ chức khác hoạt động trên địa bàn tỉnh rồi, thí dụ tổ chức MAG Mines Advisory Group của Anh Quốc và một tổ chức khác của Đức là SODI, thì họ cũng tập trung rà phá từ năm 98.
Năm 2001 dự án RENEW mới được thành lập với sự hỗ trợ ban đầu của Tổ Chức Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Mỹ Tại Việt Nam (Vietnam Veteran Memorial Fund VVMF), tổ chức đã xây bức tường khắc tên các binh sĩ Mỹ tử trận ở Việt Nam tại thành phố Washington DC. VVMF đã tài trợ cho ủy ban tỉnh để thành lập dự án RENEW này tháng Tám năm 2001. Những năm tiếp theo chúng tôi tiếp tục vận động nguồn kinh phí. Ban đầu thì triển khai hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân để phòng tránh tai nạn bom mìn. Những năm sau đó thì chúng tôi đã có nguồn ngân sách, đã triển khai đào tạo và đưa vào hoạt động những đội rà phá bom mìn, tiếp nhận thông tin báo cáo của người dân để xử lý trong vòng hai hoặc ba tiếng đồng hồ, bảo đảm tính mạng cho người dân.
Năm 2001 ở Quảng Trị có 59 người hoặc chết vì tai nạn bom mìn, nhưng  đến năm ngoái 2013 thì giảm xuống còn 6.
-Ông Ngô Xuân Hiền
Đến năm 2011 VVMF kết thúc sứ mệnh của mình ở Việt Nam, chúng tôi lại được Bộ Ngoại Giao của Na Uy, thông qua một đối tác về hành động bom mìn nhân đạo có tên gọi là Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy, tiếp nhận và trở thành nhà tài trợ chính của Dự Án RENEW từ đó cho đến nay. Hiện chúng tôi đang hoạt động với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng là nhà tài trợ, hiện nay chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân về tai nạn bom mìn cũng được tài trợ bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Thanh Trúc: Những thành quả mà Dự Án RENEW đạt được trong 13 năm qua ở Quảng Trị là gì, thưa ông?
Ngô Xuân Hiền: Nỗ lực về giáo dục phòng chống tai nạn bom mìn cho cộng đồng và những hoạt động rà phá của dự án đã đem lại sự giảm thiểu rõ rệt số thương vong. Năm 2001 ở Quảng Trị có 59 người hoặc chết vì tai nạn bom mìn, nhưng  đến năm ngoái 2013 thì giảm xuống còn 6. Đó là địa bàn toàn tỉnh.
Riêng địa bàn mà Dự Án RENEW hoạt động trên 4 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ và Đak Rông thì năm 2001 số tai nạn bom mìn ở 4 huyện này là 29 người chết hoặc bị thương, nhưng mà năm ngoái 2013 là chỉ còn 1 trường hợp bị thương. Vụ tai nạn hôm thứ Hai tại thôn Trầm xã Hướng Tân làm bị thương anh thanh niên người dân tộc 21 tuổi đấy là vụ tai nạn đầu tiên của năm nay.
Mục tiêu của chúng tôi là không còn ai chết hay bị thương vì tai nạn bom mìn nữa. Dự Án RENEW có 3 đội xử lý bom mìn lưu động, hàng ngày chúng tôi tiếp nhận trung bình ít nhất 3 cuộc điện thoại người dân báo cáo phát hiện bom mìn trong lúc làm ruộng, đi chăn thả gia súc, làm nhà đào móng nhà vân vân…
Ví dụ đầu tháng Ba chẳng hạn, một thanh niên đi tập thể dục buổi sáng ở bờ ruộng, khi nước rút xuống thì lồi lên hai quả bom bi. Từng tham gia hoạt động giáo dục phòng chống bom mìn nên anh ấy biết và anh ấy đánh dấu rồi về nhà lấy điện thoại để báo cho chúng tôi. Trong vòng một tiếng đồng hồ chúng tôi đến đấy, cho hủy nổ an toàn hai quả bom bi. Đây là một ví dụ để thấy những người được tiếp cận được hướng dẫn hành vi an toàn thì không bao giờ có những hành động như anh thanh niên dân tộc Vân Kiều hôm thứ Hai vừa rồi.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn thời giờ của ông Ngô Xuân Hiền, quản lý Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh ở Quảng Trị
.

Không có nhận xét nào: