Pages

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Đã đến lúc nhìn lại để thấy dân đã có "tự do, hạnh phúc" hay vẫn xơi bánh vẽ.

Trên nhiều phương diện, hơn hai tháng rưỡi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Hoàng Sa, với Việt Nam cũng có ý nghĩa như câu chuyện "tái ông mất ngựa". Sáng 3-5-2014, tôi viết: Trung Quốc giả mặt "láng giếng tốt, đồng chí tốt" mới nguy chứ họ hành xử đúng như tâm địa của họ thì phải coi đó là cơ hội.


Giàn khoan 981 đã làm thay đổi cách ứng xử của Hà Nội với các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, cả những điều chúng ta có thể chứng kiến (cách phát ngôn của các nhà lãnh đạo; đưa nhà báo ra chứng kiến những đụng độ trên Biển Đông...) và cả thái độ bên trong phòng họp (cho dù cách hành xử trước công chúng có khác nhau, không có sự khác nhau đáng kể ở cấp cao nhất về đối sách đối với Trung Quốc).

Giàn khoan 981 giúp bạch hóa các vấn đề lịch sử: Từ sự kiện Chu Ân Lai "vạch vĩ tuyến 17" trong Hội nghị Geneva tới cuộc chiến đẫm máu gần đây hơn ở Vị Xuyên; Từ chuyện công khai nhìn nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa đến thái độ với những người lính chiến đấu ở Hoàng Sa năm 1974.

Cho dù yếu tố pháp lý thế nào, giàn khoan 981 cũng đã giúp người dân Việt Nam biết đến những sai lầm chính trị khó tha thứ như: Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng; Bản đồ và sách giáo khoa của miền Bắc (Địa lý lớp 9, 1974 nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Hoa dưới tên gọi Tam Sa, Tây Sa).

Cho dù 981 rút khỏi vùng biển Việt Nam là do bão hay do nó đã "hoàn thành nhiệm vụ" như cách nói của Tân Hoa xã thì đó vẫn là một tin tốt.

Thay vì cứ trút hết bức xúc ra giàn khoan, người dân Việt Nam cần phải quay về, đối diện với những vấn đề của chính mình. Thay vì chỉ đánh bóng tên tuổi bằng vài lời tuyên bố làm sướng tai dân, các nhà lãnh đạo phải thế hiện năng lực và trách nhiệm của mình bằng chính sách.

Đành rằng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ là vô giá. Nhưng, như Hồ Chí Minh có nói: "Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa". Sau 69 năm giành độc lập bằng xương máu của hàng triệu con dân. Đã đến lúc nhìn lại để thấy dân đã có "tự do, hạnh phúc" hay vẫn xơi bánh vẽ.

Đành rằng trên nhiều phương diện, Việt Nam phải "thoát trung". Nhưng, thoát thực dân ngoại bang để ngoan ngoãn với thực dân nội địa thì cũng hoàn toàn vô nghĩa.

Huy Đức

(FB. Huy Đức)

Không có nhận xét nào: