Pages

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

BRICS làm đảo lộn trật tự tài chính thế giới ?

Lãnh đạo 5 nước thành viên nhân kỳ thượng đỉnh BRICS tại Brazil
- REUTERS /Ueslei Marcelino
Thanh Hà
Tại thượng đỉnh BRICS 2014, nhóm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ Trung Quốc và Nam Phi đưa ra hai quyết định quan trọng : thành lập Ngân hàng Phát triển Mới New Development Bank (NDB) và một quỹ dự trữ 100 tỷ đô la. Trung Quốc đóng góp hơn 40 % vào quỹ đó. Phải chăng BRICS đang sắp đặt lại trật tự tài chính thế giới ?

Nghe Bài Này
Ngân hàng NBD được lập ra với mục đích cấp vốn cho các nước nghèo đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Thế còn chủ đích của quỹ dự trữ chung 100 tỷ đô la là nhằm can thiệp trong trường hợp khẩn cấp, để bảo vệ tỷ giá đơn vị tiền tệ của các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Nước Nga của Tổng thống Putin đang bị cô lập vì khủng hoảng Ukraina đánh giá hai dự án nói trên là « một thách thức chống lại thế độc quyền của Mỹ trên bàn cờ tài chính quốc tế. Đối với Brazil thì sáng kiến của nhóm BRICS sẽ góp phần « cải tổ hệ thống tài chính của thế giới, vốn không được cân bằng và quá thuận lợi cho Tây phương ».
Bắc Kinh khéo léo hơn khi cho rằng, Ngân hàng Phát triển Mới NDB sẽ không cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) mà sẽ đóng một vai trò « bổ sung » so với định chế tài chính có trụ sở ở Manila.
Cũng Trung Quốc trong một thông cáo lưu ý : WB và ADB chú trọng nhiều vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, trong lúc NDB của nhóm BRICS sẽ dồn nỗ lực giúp các nước nghèo đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Lại cũng Bắc Kinh đã kín đáo đưa ra nhận xét : một khi đi vào hoạt động, Ngân hàng Phát triển Mới sẽ không đòi hỏi nhiều trước khi cấp tín dụng cho các quốc gia cần được cấp vốn. Nói cách khác quyết định cho vay hay không của NDB sẽ không đi kèm theo các điều kiện như điều mà cả IMF lẫn WB đang làm.
Cúp bóng đá Thế giới 2014 vừa hạ màn, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã chủ trì thượng đỉnh nhóm BRICS lần thứ 6. Tại Fortaleza, miền đông bắc Brazil, lãnh đạo 5 nước chính thức khai sinh New Development Bank (NDB) để giảm bớt lệ thuộc vào các cường quốc tài chính quốc tế. Đây là một sáng kiến đã được các bên nêu lên từ thượng đỉnh ở New Delhi năm 2012 với dụng ý hỗ trợ cho các nước « phương Nam » có vốn đầu tư, bớt lệ thuộc vào hai định chế tài chính đa quốc gia là Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
NDB trên nguyên tắc chính thức hoạt động vào năm 2016. Trụ sở sẽ được đặt tại Thượng Hải. Ngân hàng này có số vốn hoạt động ban đầu là 50 tỷ đô la. Mỗi thành viên đóng góp 10 tỷ. Nhưng trong tương lai, vốn của Ngân hàng Phát triển mới có thể sẽ được tăng lên gấp đôi.
Sáng kiến thành lập một ngân hàng phát triển riêng cho những nước nghèo xuất phát từ việc các nước công nghiệp phát triển đã bơm quá nhiều tiền vào guồng máy kinh tế của họ để khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính 2008. Hiện tượng đó dẫn tới tình huống « dư thừa tiền mặt » trên thị trường, làm khuynh đảo nền kinh tế ở các quốc gia đang vươn lên.
Bên cạnh đó, nhóm BRICS chỉ trích tiến trình cải tổ quá chậm chạp của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Cả hai vẫn gần như do châu Âu và Mỹ độc quyền kiểm soát. Còn Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB thì do Nhật Bản và Mỹ áp đảo. Hai quốc gia này đóng góp trên 30 % vốn cho ABD.
BRICS bao gồm 40 % dân số trên hành tinh, bảo đảm đến 25 % GDP toàn thế giới. Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa 5 thành viên tăng 28 %, đạt 230 tỷ đô la trong năm 2012. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ tăng trưởng tương đối hấp dẫn. Cho dù đang gặp khó khăn so với thời điểm đầu những năm 2000, GDP của Trung Quốc vẫn tăng 7,5 %, của Ấn Độ là trên dưới 5 %, của Nam Phi là khoảng 2 %. Yếu hơn một chút là Brazil với khoảng 1 %. Kém nhất là Nga.
Nhóm BRICS hiện đang làm chủ một khối dự trữ ngoại tệ 5.000 tỷ đô la và như vậy là có điều kiện để thành lập một ngân hàng riêng. Với trọng lượng kinh tế ngày càng lớn, nhóm này đòi hỏi phải có tiếng nói trên sân khấu kinh tế thế giới.
Trả lời trong chương trình phát thanh democracynow.org của Mỹ, ngày 17/07/2014, giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz nêu ra 3 yếu tố khiến ông coi NDB là một sáng kiến hay của nhóm BRICS :
« Đây là một quyết định hết sức quan trọng, vì nhu cầu đầu tư của các quốc gia đang phát triển hiện rất lớn. Mỗi năm các nền kinh tế này cần đầu tư khoảng 2 tỷ đô la để phát triển hạ tầng cơ sở. Các định chế tài chính đang hiện hành không có đủ phương tiện để đáp ứng nhu cầu đó. Như vậy với Ngân hàng NDB những quốc gia nào cần đầu tư – nhất là các nước nghèo- sẽ dễ dàng được cấp tín dụng hơn. Những khoản tiền đó có thể được sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hay đầu tư vào các dịch vụ xã hội, giúp các nước chậm tiến thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu chẳng hạn. 
Điểm thứ nhì là việc nhóm BRICS thành lập ngân hàng NDB phản ánh một sự thay đổi quan trọng về tương quan lực lượng cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Nhóm BRICS ngày nay giàu hơn các nước phát triển ở vào thời kỳ Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được hình thành. Trong hơn 60 năm qua cục diện của thế giới đã thay đổi trong khi đó thì các định chế đa quốc gia truyền thống này vẫn không thích nghi được với những thay đổi đó.
Tôi đơn cử một thí dụ cụ thể là nhóm G 20 đã thảo luận và đồng ý cải tổ hệ thống vận hành của Ngân Hàng Thế Giới và IMF, cả hai đã được hình thành từ những năm 1944-45. Thế nhưng Hạ viện Mỹ thì lại không đồng ý cải tổ hai định chế đó. Vào thế kỷ XXI mà một số người vẫn chưa hiểu rằng lãnh đạo của IMF hay Ngân Hàng Thế Giới phải là những nhân vật được chọn vì khả năng của họ chứ không phải chì vì họ là người Mỹ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Phát triển Mới NDB sẽ góp phần cân bằng hóa lại phần nào sự thiếu dân chủ đó trong các định chế tài chính đa quốc gia.
Yếu tố thứ ba nữa là Ngân hàng phát triển của nhóm BRICS sẽ tạo ra một sự năng động mới. Tôi hy vọng đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy IMF và Ngân Hàng Thế Giới nhanh chóng tiến hành cải tổ. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là ngân hàng NDB sẽ có đóng vai trò cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới hay không, mà chủ yếu đây sẽ là một cơ quan cấp tín dụng cho những quốc gia cần vốn để phát triển, vì quyền lợi và để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế chậm tiến ».
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự áp đảo của Trung Quốc trong định chế Ngân hàng Phát triển Mới sắp tới. Khi biết rằng Trung Quốc với 3 200 tỷ đô la dự trữ - nặng gấp 6 lần chiếc gối đô la của Nga và gần gấp 10 lần so với Ấn Độ- sẽ lấn át 4 thành viên còn lại trong nhóm BRICS.
Một số chuyên gia lo ngại, NDB sẽ là cửa ngõ để Bắc Kinh « đổ vào các nước nghèo những dự án đầu tư bừa bãi, gây tai hại cho môi trường và đời sống con người ». Về điểm này giáo sư Joseph Stiglitz không bi quan như vậy. Ngược lại ông cho rằng đây là điều hợp lý vì Trung Quốc có của, Brazil thì có nhiều kinh nghiệm :
« Trung Quốc đang có một khoản dự trữ ngoại tệ hơn 3000 tỷ đô la. Bắc Kinh cần sử dụng số tiền đó vào những chuyện khác, chứ không chỉ để mua công trái phiếu của Mỹ. Trong khi đó thì bản thân Trung Quốc cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, đang thực sự cần vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần có phương tiện tài chính để đáp ứng một số nhu cầu cơ bản về phương diện xã hội. 
Còn đối với Brazil, không mấy ai biết rằng quốc gia này đã có một ngân hàng phát triển BNDES với khả năng hoạt động lớn không thua gì Ngân Hàng Thế Giới. Ngân hàng này đã hoạt động rất hiệu quả. Điều đó cho thấy Brazil hoàn toàn đủ kinh nghiệm để đóng góp vào Ngân hàng Phát triển Mới, NDB ».
Về câu hỏi cụ thể đâu là khác biệt giữa ngân hàng NDB với những ngân hàng phát triển khác ở những nước phương Tây, giải Nobel Kinh tế và cũng là cựu kinh tế trưởng của Ngân Hàng Thế Giới, Joseph Stiglitz cho rằng chưa thể trả lời một cách cụ thể vì Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS sẽ chỉ bắt đầu hoạt động vào năm 2016 nhưng ông nhấn mạnh đến quyết tâm hợp tác của 5 nền kinh tế thường có những lợi ích mâu thuẫn với nhau :
« Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Ngân hàng Phát triển Mới chưa thực sự đi vào hoạt động. Dự án này đã được các bên đề cập tới từ ba năm nay. Điểm đáng khích lệ là 5 nền kinh tế đang trỗi dậy của nhóm BRICS đã vượt lên trên các bất đồng về những quyền lợi riêng để lập ra một ngân hàng phát triển chung. Họ có thể hợp tác với nhau một cách có hiệu quả. Thậm chí, còn hiệu quả hơn so với những gì mà các quốc gia phát triển đang làm. »
« Vượt lên trên những bất đồng » như giáo sư Stiglitz vừa nói đối với nhóm BRICS không phải là chuyện dễ nhưng đây là một tín hiệu mạnh mà 5 nền kinh tế đang trỗi dậy muốn gửi đến cộng đồng quốc tế như phân tích của kinh tế trưởng Cơ quan bảo hiểm ngoại thương Pháp COFACE, Yves Zlotowski. Ngân hàng Phát triển Mới được lập ra trong bối cảnh chính bản thân 5 nước thành viên nhóm này đang đứng trước nhiều thách thức :
« Kinh tế của nhóm này đang chựng lại chủ yếu là do các vấn đề cơ cấu. Đương nhiên là những khó khăn kinh tế của khu vực đồng euro đã tác động dây chuyền đến các nền kinh tế đang trỗi dậy, đặc biệt là qua ngả giao thương. Nhưng bản thân nhosm BRICS cũng đang phải đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi thì bị thiếu điện và đó là trở lực đối với khu vực sản xuất của các nền kinh tế này. 
Vấn đề thứ nhì liên quan đến môi trường làm ăn buôn bán : Nga, Brazil và Ấn Độ bị coi là những quốc gia bị tham nhũng lũng đoạn. Điều này làm nản lòng giới đầu tư. Cuối cùng, vấn đề chính đối với nhóm BRICS là khối nằng thực sự thiếu một nguồn lao động có tay nghề cao ».
Vậy đâu là lợi ích chung của BRICS ? Kinh tế trưởng COFACE trả lời :
« Lợi ích chung của các thành viên trong nhóm BRICS chủ yếu xoay quanh vấn đề đầu tư. Các nước này muốn lôi cuốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và muốn tránh để tư bản ồ ạt rút đi như kịch bản đã xảy ra khi Mỹ tăng lãi suất ngân hàng. BRICS lập ra quỹ dự trữ chung để bảo vệ đơn vị tiền tệ của chính họ. Đây là một phương tiện để trấn an các nhà đầu tư trước những rủi ro về hối đoái và nhất là để chứng minh rằng các nền kinh tế đang lên có khả năng hợp tác với nhau. Họ có thể vượt lên các bất đồng để đổi lấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế ».
Trên thực tế, nhóm BRICS lợi dụng thời cơ để mở rộng tầm ảnh hưởng. Trước sáng kiến ở New Delhi năm 2012, với Tổ chức Thượng Hải năm 1996, Bắc Kinh và Matxcơva đã nghĩ tới việc hợp tác để làm đối trọng với sự độc quyền của Mỹ trên sân khấu tài chính quốc tế.
Từng bước Trung Quốc và Nga đã lôi kéo thêm Ấn Độ, Brazil, rồi Nam Phi. Mục tiêu của nhóm BRICS là để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào đồng đô la.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong tương lai các nước đang phát triển có chịu thuần phục Trung Quốc hay không bởi vì đương nhiên là Ngân hàng Phát triển Mới sẽ được đặt dưới trướng của Bắc Kinh.
Giáo sư Jean Pierre Lehmann chuyên gia về kinh tế và chính trị quốc tế tại trường thương mại Lausanne- Thụy Sĩ cho rằng, bản thân 5 thành viên BRICS luôn thiếu một sự gắn bó keo sơn. Không thiếu những mâu thuẫn giữa 5 nền kinh tế đang lên này : chỉ riêng trong lĩnh vực thương mại Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc vừa là những bạn hàng vừa là những nguồn cạnh tranh của lẫn nhau. Chưa kể tới những hiềm khích lịch sử hay tranh chấp lãnh thổ giữa ba nước lớn trong khối này như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Không có nhận xét nào: