Pages

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Kinh tế và Quyền lợi Quốc gia

Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

000_Hkg9135995-305.jpg

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một lần duyệt binh ở Asaka, ảnh chụp hôm 27/10/2013.
AFP PHOTO / Toru YAMANAKA

Nghe Bài Này

Năm 2014 này đặc biệt đáng chú ý ở một trào lưu chung là các quốc gia đều cố gắng bảo vệ quyền lợi của mình trước những áp lực đa diện và trong chuyện này ý thức hệ thật ra lại giữ vai trò không đáng kể. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tổng hợp về trào lưu đó trong vùng Đông Á qua phần trao đổi sau đây do Việt Long thực hiện cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Vị trí của kinh tế

Việt Long: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, năm 2014 mở đầu với biến động tại Âu Châu với vụ khủng hoảng Ukraina và phản ứng đối phó của Liên bang Nga khi xoay qua liên kết với Trung Quốc tại Viễn Đông. Trong khu vực Đông Á, người ta cũng nhìn thấy phản ứng phòng thủ của Nhật và nhiều nước Đông Nam Á trước sức ép ngày càng rõ rệt của lãnh đạo Bắc Kinh tại biển Hoa Đông và biển Đông Nam Á. Xuyên qua những biến động lan rộng từ Tây qua Đông, người ta thấy ra một sự kiện là quốc gia nào cũng cố bảo vệ quyền lợi của mình trước nhiều sức ép khác nhau. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho vị trí của kinh tế trong quan hệ về quyền lợi giữa các quốc gia với nhau. Chúng ta sẽ khởi đầu từ quốc gia vắt ngang đại lục địa Âu-Á là Liên bang Nga.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là năm 2014 khởi đầu với vụ biến động tại Ukraine khi người dân không chấp nhận sự chọn lựa của Tổng thống Viktor Yanukovych và biểu tình phản đối thì bị đàn áp. Kết cuộc thì ông Yanukovych bị lật đổ và sự chọn lựa thân Nga của ông bị hủy bỏ vào Tháng Hai. Nhưng biến cố ấy cho Liên bang Nga lý cớ tấn công Ukraine và thôn tính luôn bán đảo Crimea của xứ này. Vụ khủng hoảng Ukraine mới dẫn tới việc Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ, ta gọi chung là các nước Tây phương, chống lại sức ép của nước Nga.
Khi nhìn lại sáu tháng khủng hoảng vừa qua, ta nghiệm thấy một điều là các nước đều có thể lên tiếng bênh nhau về mặt đạo lý, thí dụ như nền độc lập quốc gia hay chủ quyền dân tộc, nhưng chỉ trong những giới hạn nhất định về quyền lợi riêng khi Âu Châu đã có những quan hệ kinh tế quá sâu đậm với nước Nga, nhất là về năng lượng. Đó là một bài học mà các nước Đông Âu, thí dụ như Ba Lan hay các nước trên vùng biển Baltic, đang nghiền ngẫm.
Nhật muốn từ bỏ tinh thần phi quân sự của bản Hiến pháp do nước Mỹ soạn thảo từ 70 năm trước với một lý do rất quốc tế. Đó là Nhật Bản có thể sử dụng võ lực để bảo vệ các đồng minh.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Cũng vụ khủng hoảng Ukraine khiến Nga cố vượt nhiều trở ngại sau 10 năm thương thuyết để hoàn tất kế hoạch cung cấp năng lượng cho Trung Quốc trong 30 năm tới. Thế giới cứ nói đến ngân khoản lớn lao là 400 tỷ đô la của kế hoạch bán khí đốt của Nga cho Trung Quốc, chúng ta không nên quên điều ấy có nghĩa là mỗi năm chỉ bán được 15 tỷ đô la là nhiều! Nga vẫn chỉ là một nước bán năng lượng và Trung Quốc vẫn là một xứ đói ăn khát dầu. Dù sao, Nga phải tìm nơi mua năng lượng để khỏi lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Âu Châu và dù mở rộng hợp tác với các nước Á Châu trong kế hoạch của Tổng thống Vladmir Putin gọi là Liên hiệp Thuế quan Âu-Á, nước Nga vẫn ngại một xứ Trung Quốc quá đông dân và thiếu cả đất lẫn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên nên rất thèm thuồng khu vực Xibia, mà ngày xưa ta gọi là Tây Bá Lợi Á.
Việt Long: Có lẽ ông nhắc lại chuyện này với hàm ý là các quốc gia đều nói chuyện hợp tác mà vẫn biết phòng thân chứ không thể phó thác quyền lợi lâu dài của mình cho thiện chí của một nước láng giềng được. Đi tiếp qua khu vực Á Châu thì ông thấy gì về quyền lợi ở nơi đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về hợp tác thì ta không quên rằng Nhật Bản đã hợp tác kinh tế với Trung Quốc qua một nỗ lực đầu tư rất lớn vì lợi ích của cả đôi bên. Nhưng từ vài năm nay, khi Bắc Kinh bành trướng và gây khủng hoảng vì tranh chấp chủ quyền trên vài cụm đảo rất nhỏ thì lãnh đạo Nhật Ban đã xoay chuyển. Bên trong, Thủ tướng Shinzo Abe đang cải tổ cơ chế kinh tế xã hội sau hai đợt kích thích kinh tế và với bên ngoài, ông Abe đang thuyết phục dư luận Nhật nhìn lại bản Hiến pháp để xây dựng khả năng phòng vệ quốc tế. Điều đáng chú ý là Nhật muốn từ bỏ tinh thần phi quân sự của bản Hiến pháp do nước Mỹ soạn thảo từ 70 năm trước với một lý do rất quốc tế. Đó là Nhật Bản có thể sử dụng võ lực để bảo vệ các đồng minh của mình.
Việt Long: Khi đó, các nước trong khu vực có thể suy ngẫm về quan hệ với Nhật, cụ thể thì có muốn làm đồng minh qua một hiệp ước phòng thủ hỗ tương hay chăng. Thưa ông, có phải là như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không quên rằng Nhật Bản từng là một Đế quốc xâm lược tại Á Châu cho tới khi bị Hoa Kỳ đánh bại và giải giới vào năm 1945. Từ đó, Nhật không được có quân đội mà chỉ có lực lượng tự vệ và dồn sức phát triển kinh tế để thành một chủ nợ và chủ đầu tư lớn nhất Châu Á cho tới khi bị khủng hoảng từ 20 năm trước rồi bị Trung Quốc qua mặt.
Ngày nay, Nhật thấy quốc gia quần đảo và ít tài nguyên của mình quá lệ thuộc vào kinh tế quốc tế mà lại không có khả năng bảo vệ luồng trao đổi ấy trước đà bành trướng của Trung Quốc. Vì vậy, cùng nỗ lực ngoại giao, Nhật đang trở lại chuyện bình thường là phải có khả năng quân sự. Nỗ lực ngoại giao này là cần thiết để trấn an các nước, rằng Nhật không có chủ trương xâm lược mà chỉ muốn cùng các nước bảo vệ quyền tự do vận chuyển ngoài biển khơi.

000_Hkg10018996-250.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và TT Nam Hàn Park Geun-Hye (phải) tại Seoul hôm 3/7/2014. AFP PHOTO.
Việt Long: Thưa ông, trong các nước đó, có một xứ láng giềng là Nam Hàn lại chẳng yên tâm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy cho nên ta mới chú ý đến việc Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình thăm viếng Nam Hàn tuần này. Tại thủ đô Seoul, lãnh đạo Bắc Kinh khéo nhắc là Đại Hàn đã từng bị Nhật Bản xâm lược nhưng lại quên hẳn lịch sử vì Trung Quốc cũng nhiều lần chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và dùng khu vực này làm bàn đạp tấn công Nhật. Thật ra, vị trí địa dư của bán đảo khiến hai cường quốc láng giềng là Tàu và Nhật đều muốn chi phối trong lịch sử. Sau Thế chiến II, chính Trung Cộng góp phần gây ra khủng hoảng với Chiến tranh Cao Ly rồi còn nuôi dưỡng chế độ Cộng sản Bắc Hàn để gây rối Nam Hàn cho tới khi mở cửa và cần hợp tác kinh tế với Nam Hàn để có tư bản và kỹ thuật hiện đại hơn.
Cũng chuyện Nam-Bắc Hàn khiến ta chú ý đến hai điều khác. Thứ nhất, Nam Hàn là một cường quốc kinh tế đã học theo và đang cố vượt Nhật Bản trong một số lĩnh vực và dù có quan hệ kinh tế gắn bó với Nhật thì vẫn có phản ứng phòng thủ vì nhiều bài học của quá khứ. Thứ hai là vị trí của Bắc Hàn trong câu chuyện này. Tuần qua, khi lãnh đạo Bắc Kinh ve vuốt Nam Hàn thì Nhật Bản lại lặng lẽ cải thiện quan hệ với chế độ Bắc Hàn.
Nhìn lại cho kỹ thì Nhật đang muốn kéo Bắc Hàn ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và có khi góp phần chuyển hóa chế độ Bắc Hàn. Trong cả câu chuyện, ta thấy ra vấn đề quyền lợi của hai đại cường Hoa-Nhật tại Châu Á và sự chọn lựa của dân tộc Đại Hàn ở hai miền Nam Bắc. Miền Nam có tự do và dân chủ nên trở thành cường quốc kinh tế hiện đại. Miền Bắc thì nghèo đói kiệt quệ nên mới dùng võ khí để tống tiền thiên hạ. Ý thức hệ cộng sản hay tư tưởng gọi là tự chủ của Bắc Hàn chỉ là cái cớ!

Hoàn cảnh của Việt Nam

Việt Long: Hiển nhiên là khi nói tới điều này, chúng ta không thể quên trường hợp Việt Nam! Ông nghĩ sao về hoàn cảnh của Việt Nam ngày nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ lãnh đạo Việt Nam có những sai lầm mang kích thước lịch sử!
Khi TQ hiện nguyên hình đế quốc và trực tiếp uy hiếp VN thì nhà cầm quyền Hà Nội vẫn còn nói đến chuyện "bốn tốt và 16 chữ vàng" vì lầm tưởng rằng quyền lợi của đảng là quyền lợi của quốc gia.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Lãnh đạo Việt Nam sai lầm khi tin vào chủ nghĩa cộng sản và tinh thần quốc tế vô sản nên gây ra cuộc tương tàn Nam-Bắc chỉ có lợi cho Trung Quốc. Sau đó, chủ nghĩa cộng sản khiến quốc gia khủng hoảng và kinh tế kiệt quệ nên mới họ đổi mới. Nhưng khi đổi mới kinh tế thì vẫn học theo Bắc Kinh khiến kinh tế lẫn an ninh càng lệ thuộc vào nước láng giềng này, sau khi chủ nghĩa cộng sản bị phá sản tại Liên Xô. Ngày nay, khi Bắc Kinh hiện nguyên hình đế quốc và trực tiếp uy hiếp Việt Nam thì nhà cầm quyền Hà Nội vẫn còn nói đến chuyện "bốn tốt và 16 chữ vàng" vì lầm tưởng rằng quyền lợi của đảng là quyền lợi của quốc gia! Sự thật thì quyền lợi của đảng là quyền lợi của Trung Quốc. Bắc Kinh dùng đảng Cộng sản tại Hà Nội làm công cụ thôn tính Việt Nam.
Việt Long: Vì thời lượng có hạn, ta đi vào đoạn kết. Thưa ông, bài học về quyền lợi ở đây là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi cho rằng ta nên lạnhlùng nhìn lại Trung Quốc. Đây là một xứ đông dân mà nghèo và người dân chưa giàu đã già và kinh tế đang trôi dần vào khủng hoảng mà dù lãnh đạo có biết vẫn chưa thể sửa được. Chuyện thứ hai, bên ngoài kinh tế, là xứ này có mầm nội loạn sau khi thôn tính các dân tộc khác, điển hình là nạn bạo động lan rộng trong cộng đồng Hồi giáo và sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Chuyện thứ ba, về đối ngoại, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các lân bang, từ Ấn Độ qua Nga, Nhật hay Việt Nam và thật ra có rất ít đồng minh. Tinh thần lý tài và tham vọng khiến xứ này chỉ có bạn hàng chứ không có bạn!
Sau cùng, nhờ sức nặng kinh tế Trung Quốc tưởng rằng mình sớm thành cường quốc quân sự, vì chưa hùng mà đã hung, họ gây phản ứng e ngại cho các nước trong khi chưa chắc đã lấn át được Ấn Độ hay Nhật về mặt quân sự, chứ đừng nói tới Hoa Kỳ ở rất xa mà lại rất gần! Vì vậy, Trung Quốc mới trở thành một vấn đề của thế giới, kể cả các nước gọi là "bạn hàng". Xứ nào cũng nghĩ đến quyền lợi kinh tế khi làm ăn với Trung Quốc nhưng đều lo về an ninh khi ở gần tầm đạn của Bắc Kinh. Ở gần nhất chính là Việt Nam, một nước cũng ít đồng minh mà lãnh đạo coi dân còn nguy hiểm hơn kẻ thù.
Việt Long: Khi tổng kết lại từ chuyện Nga tại Âu Châu rồi Trung Á hay Viễn Đông đến chuyện Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta nghĩ gì về quyền lợi của Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta khởi sự từ chuyện Ukraine thì cũng có thể kết thúc bằng bài học của xứ này. Dưới sự cai trị của ông Yanukovych, chế độ chính trị Ukraine có thực chất là độc tài và tham ô nhưng bị người dân lật đổ chính là vì ông ta muốn lệ thuộc vào Liên bang Nga, tức là vì lý do độc lập. Biến cố chính trị ấy tạo cơ hội cho Nga can thiệp, nhưng nội tình nước Nga cũng có vấn đề trầm trọng về kinh tế và chưa chắc ông Putin đã thôn tính hay chi phối được Ukraine mà chỉ khiến thế giới nhìn ra bộ mặt thật của một đế quốc đáng ghét. Nhiều người có thể nghĩ rằng dân Ukraine dại dột chọc giận nước Nga khi lật đổ một chế độ thân Nga, người Việt chúng ta nên nhìn lại và nghĩ khác về quyền lợi của quốc gia dân tộc.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lối so sánh đầy thú vị này
.

Không có nhận xét nào: