Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Lê Phú Khải - Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống!

Nhà báo Lê Phú Khải phỏng vấn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Có lẽ chưa bao giờ nhân loại kỷ niệm Đại cách mạng Pháp 1789 trong một thế giới nhiều biến động và đã nảy sinh một cục diện với nhiều đe doạ mới khiến người ta phải tô đậm trên nền trời khẩu hiệu: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” vốn bền vững của Cách mạng Pháp 1789 như lúc này. Và, với Việt Nam chúng ta thì, câu nói nổi tiếng của một lãnh tụ cách mạng 1789 là Marat lại vô cùng có tính thời sự, có ý nghĩa sống còn như lúc này: Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống! (On est grand parce-que vous vous mettez à genoux).

Cách mạng Pháp 1789 được xem là cuộc cách mạng triệt để, tiêu biểu nhất mà các cuộc cách mạng tư sản trước đó ở Anh, ở Hà Lan chưa làm được. Nó đã xoá bỏ triệt để các đặc quyền, đặc lợi của phong kiến. Quần chúng nổi dậy ở Paris đã phá ngục Bastille ngày 14.7.1789, giết tên chỉ huy Launay đã bắn vào quần chúng đi phá ngục. Đầu Launay bị xóc vào ngọn giáo. Vợ chồng vua Louis XVI ăn chơi xa xỉ cũng bị chém đầu. Phá bỏ mọi đặc quyền của giới quý tộc và tăng lữ… Cách mạng 1789 ngay từ hồi đó đã là trung tâm của lịch sử thế giới hiện đại và ngày phá ngục Bastille 14.7.1789 được lấy làm ngày Quốc khánh Cộng hoà Pháp.

Loài người ghi nhận công lao vĩ đại của cuộc Cách mạng Pháp còn ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc Cách mạng dõng dạc Tuyên ngôn về Quyền Con Người.

Ngày 26.8.1789, bản Tuyên ngôn về các Quyền Con Người và các Quyền Công Dân gồm 17 điều được chính thức thông qua. Tuyên ngôn Quyền Con Người và Quyền Công Dân của Cách mạng Pháp đã toả sáng thế giới suốt hơn hai thế kỷ qua và mãi mãi toả sáng trong lịch sử loài người. Lý do có nhiều, nhưng như một nhà sử học đã nhận định, chủ yếu là do “tính chất phổ biến tuyệt đối của nó, do cách lập luận thuần tuý lý trí của nó, do cái giọng nói lên những chân lý tuyệt đối của nó”.

225 năm đã đi qua, chúng ta hãy dành ít phút để đọc lại những dòng mở đầu trịnh trọng của bản tuyên ngôn lịch sử này: “Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con Người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người”.

Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mượn những lời lẽ của Tuyên ngôn 1789 ngay từ những dòng đầu: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi… đó là những lẽ phải không chối cãi được.

Khẩu hiệu cao cả và thiết thực: Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng Pháp, hay nói khác đi, những tư tưởng dân chủ của Cách mạng Pháp là những giá trị tinh thần chung của loài người. Chính vì thế mà Marx đã gọi Cách mạng Pháp là “đầu tàu của lịch sử”.

Đánh giá cho thật công bằng, khách quan về giai cấp tư sản trong Cách mạng Pháp, cần nhắc lại nhận xét sắc sảo của Albert Mathiez, nhà sử học Pháp (1874-1932): Sự nghèo khổ đôi khi dẫn đến những cuộc nỗi loạn nhưng không thể gây ra những đảo lộn lớn. Những đảo lộn này bao giờ cũng xuất hiện từ tình trạng mất cân bằng giữa các giai cấp (La révolution Francaise. Paris 1959, trang 11). Đúng thế, Cách mạng Pháp 1789 như A. Mathiez phân tích đã bùng nổ ra không phải trong một đất nước khánh kiệt mà trái lại, nó bùng nổ trong một đất nước đang phồn vinh, đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Các sử gia Pháp và thế giới hẳn còn nhớ, vua Louis XVI vì triều đình ăn chơi xa xỉ đã phải vay tiền của các chủ ngân hàng để trang trải cho ngân khố. Một giai cấp tư sản lớn mạnh đã hình thành từ thời đó. Giai cấp tư sản Pháp là đại diện cho thế lực đang đi lên của lịch sử. Cùng với nông dân nghèo khổ và các tầng lớp nhân dân lao động khác, giai cấp tư sản có chung kẻ thù là bọn phong kiến quý tộc và tăng lữ. Suốt quá trình Cách mạng Pháp diễn ra, trong nhiều năm, qua nhiều thăng trầm đầy kịch tính, mỗi khi quyền lợi ích kỷ của giai cấp tư sản bị đụng chạm thì nó sẵn sàng phản lại lá cờ tự do dân chủ mà nó đã giương lên trong cách mạng. Đó là tính hai mặt của giai cấp tư sản. Vì vậy không thể xem những thành quả của Cách mạng 1789 là của riêng giai cấp tư sản, thuộc về tư sản.

Một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở các nước cộng sản là đã coi những giá trị tinh thần mà các cuộc cách mạng tư sản giành được, tiêu biểu là Cách mạng Pháp, như các quyền tự do, dân chủ, dân quyền… không phải là những giá trị chung của loài người tiến bộ. “Vì thế khi xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, người ta đã không kế thừa nó, mà trái lại, đem đối lập nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với nền dân chủ tư sản. Thậm chí cứ làm ngược lại với dân chủ tư sản thì có dân chủ xã hội chủ nghĩa!” (Nguyễn Khắc Viện. Cách mạng 1789 và Chúng Ta. NXB TP HCM, 1989, trang 155).

Vì thế, cách mạng vô sản là một bước thụt lùi của lịch sử. Trong cách mạng vô sản, những người nghèo khổ chỉ làm được một việc là “bao nhiêu lợi quyền về tay mình”!

Cách mạng vô sản Nga tháng 10 năm 1917 đã cho ra đời một nhà nước chuyên chính vô sản, tồn tại trong hơn 70 năm với những tội ác được ghi vào lịch sử nhân loại. Trong diễn văn từ chức dài 7 phút đọc trên vô tuyến truyền hình – được Thông tấn xã Việt Nam in lại – Tổng thống Gorbachev đã mở đầu: “Tôi có thể làm Sa hoàng 20 năm nữa, nhưng như thế là vô đạo đức, nên tôi đã cải cách…”. Di hại của cách mạng vô sản Nga còn để lại cho đến nay với một nhà nước độc tài của ông Putin đang biến một dân tộc vĩ đại như dân tộc Nga trở thành những công dân lười nhác, sống nhờ vào nguồn tài nguyên trời cho và kho vũ khí thời Xô viết. Anh chàng sĩ quan KGB Putin còn đang kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan để xâm lược Ukraine.

Ở Trung Quốc, tình hình còn tệ hại hơn nhiều. Những anh Tào Tháo thời nay ở Trung Quốc đã lừa được những chính khách nhẹ dạ phương Tây bằng khẩu hiệu “trỗi dậy trong hoà bình” để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Những gì diễn ra ở Biển Đông những ngày tháng 7 này, khi nước Pháp đang kỷ niệm 225 đại cách mạng Pháp 1789 đang làm cả châu Âu và thế giới lo ngại. Nhưng Trung Quốc là một ngôi nhà cao tầng xây trên nền đất yếu mà không hề được gia cố nền móng. Chọn con đường phát triển nóng làm công xưởng của thế giới, Trung Quốc đã bóc lột đến xương tuỷ người lao động nghèo khó trong các công xưởng đó để nhà nước mau giàu có. Môi trường bị tàn phá đến kinh hoàng, tham nhũng tới vô độ, phân hoá giàu nghèo đến khủng khiếp, các sắc tộc trong cộng đồng Trung Hoa mâu thuẫn như nước với lửa, uất hận ngút trời nên bạo loạn, khủng bố luôn xảy ra… Trong hoàn cảnh ấy, Trung Quốc đã phải dựng dậy một cái thây ma đã thối rữa là Khổng Tử làm giá trị Trung Hoa! Nhưng chính những hậu duệ của Khổng tử ngày nay là các nhà lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc cũng không hề có một phẩm chất nào mà Khổng Tử đã có. Chỉ còn có mỗi một thủ đoạn là ngu dân để phát động chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán hòng “tranh hùng” với thiên hạ. Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trên Biển Đông hiện nay là khối lửa mà Trung Quốc muốn chuyển từ nội địa ra bên ngoài.

Nền dân chủ phương Tây mà Cách mạng 1789 là “đầu tàu” được xây dựng trên nền tảng tự do – bình đẳng – bác ái nên nó có nền móng rất vững chắc. Hơn 200 năm xây dựng nền kinh tế thị trường minh bạch trong thể chế tam quyền phân lập, dân chủ đa nguyên, xã hội dân sự và báo chí tự do đã tạo nền tảng cho xã hội phương Tây. Có biểu tình, có khủng hoảng đấy, nhưng đó chỉ là những dao động trên bề nổi. Giống như thép Eiffel, do bốn chân đế của nó được đặt trên bốn cái phao khổng lồ trên bốn cái bể nước ngầm được xây ở dưới móng, nên khi gió to bão lớn, ngọn tháp chỉ đu đưa dao động từ 6 đến 7 cm mà thôi.

225 năm đã đi qua, nhờ thiết chế dân chủ, xã hội phương Tây phát triển bền vững về hạ tầng, kinh tế và xã hội. Tôi có cô bạn là một nhà nghiên cứu về phát triển nông nghiệp bền vững. Cô thông thạo tiếng Anh, vừa đi tìm hiểu nước Mỹ qua 13 bang về. Cô tâm sự với tôi: Nước Mỹ vững vàng lắm, gặp người dân nào cũng thấy nụ cười trên môi họ. Không hề có cái gọi là “khủng hoảng” như người ta vẫn tuyên truyền. Tôi đã đến Nevada là nơi người Mỹ xây dựng điện hạt nhân. Bang này toàn là sa mạc, rộng đến 110.000 km2, xếp thứ 7 nước Mỹ, bằng 1/3 diện tích nước ta. Nếu có sự cố gì thì không ảnh hưởng đến môi trường sống toàn liên bang. Từ bao lâu nay cũng chưa có biểu hiện gì bất an vì được thiết kế, xây dựng rất nghiêm ngặt. Nhờ điện hạt nhân giá rẻ mà một người dân Mỹ dùng điện thoải mái chỉ hết chừng 50 đô la một tháng, trong khi thu nhập bình quân trên đầu người của Mỹ là 5000 đô la.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, theo tôi biết, thuỷ điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới là một bất ổn thường trực với số phận hàng triệu người dân. Khi xây dựng đập thuỷ điện “vĩ đại” này, một chuyên gia hàng đầu về thuỷ điện của Trung Quốc là ông Đái Tình muốn phản biện nhưng ông không được dự hội thảo. Ông đành ngồi ở thềm của cuộc hội nghị quan trọng này trong suốt thời gian các nhà khoa học “thảo luận” về xây đập tam Hiệp (!). Chính quyền đã cấm thảo luận về con đập này và bắt giam ông Đái Tình cùng nhiều người chỉ trích khác. Việc xây đập chất lượng kém và đã có vết nứt lớn trên thân đập vào năm 2000!

Viết đến đây tôi lại nhớ năm nào, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười đầu năm chúc “đồng bào làm ăn phát tài”. Gặp tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vỗ vai nói: Chỉ có đi buôn mới chúc người ta phát tài, còn nhà báo như cậu mà mong phát tài là phải bẻ cong ngòi bút, cô giáo mong phát tài thì phải sách nhiễu học sinh, thầy thuốc muốn phát tài thì phải nuôi bệnh để bóc lột bệnh nhân… Nước Pháp nhờ khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà trở nên giàu có, còn chỉ mong “phát tài” thì đẩy xã hội xuống bùn!

Bác Viện quả là tiên tri!

Vừa rồi tôi xem chương trình thời sự trên VTV1 lúc 19 giờ ngày 28/6/2014 thấy đưa hình ảnh nhân viên hải quan ở Hải Phòng ăn đút lót công khai. Đút lót đã thành giá cả cố định cho mỗi một vụ việc. Vì thế, đưa tiền lót tay mà còn được thối lại đàng hoàng. Phóng viên VTV1 đã quay được hai năm rõ mười cảnh ăn hối lộ này để phát lên màn ảnh nhỏ cho cả nước, cả thế giới biết về một bộ máy tham nhũng hối lộ đã thành bản chất. Cực chẳng đã, bộ máy tuyên truyền của đảng xưa nay chuyên tô hồng chế độ mới phải phát những hình ảnh này, vì xã hội Việt Nam đã thối rữa đến tận chân lông của nó! Vì ở bất cứ đâu cũng là thế và như thế.

225 năm đã đi qua, lá cờ Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng Pháp vẫn toả sáng, vì thế mà loài người tiến bộ đã sống còn qua được hai trận đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai trong thế kỷ 20. Phe dân chủ mới thắng được phát xít. Và, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Tuyên ngôn Dân quyền Liên Hiệp Quốc) đã ra đời ngày 14/9/1982. Vì loài người đã nhận ra, nguyên nhân của tất cả các cuộc chiến tranh đẫm máu đều sinh ra từ việc quyền con người bị vi phạm. Con người bị sỉ nhục.

Cuộc xâm lăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thế giới phẳng này đang sỉ nhục loài người tiến bộ. Cái giàn khoan khủng Hải Dương Thạch Du 981 hạ đặt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã khiến nước Nhật thay đổi chính sách an ninh, cho phép quân đội của họ tham chiến ở nước ngoài. Đã khiến Thủ tướng mới đắc cử của Ấn Độ Narendra Modi trong lễ nhậm chức đã mời Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan (nước cựu thù của Ấn Độ) đến dự, vì hai cường quốc hạt nhân ở châu Á này đã nhận ra kẻ thù chung của họ lúc này là ai. Đã khiến nước Mỹ xoay trục về châu Á.

Trung Quốc không hề mạnh khi họ phải đối đầu với phần còn lại của thế giới đã có hơn 200 năm văn minh vật chất và tinh thần. Trung Quốc không hề mạnh khi những người giàu có nhất của nước này đều mua nhà, chuyển tiền và đưa con ra định cư ở nước ngoài. Theo sổ xanh (Blue book) thường niên về di trú của Trung Quốc thì từ năm 1990 đến nay đã có 9,3 triệu người Trung Quốc di cư ra nước ngoài đem theo 46 tỷ đô la Mỹ.

Không có quốc gia nào có thể thành siêu cường, đại cường khi những thành phần “tinh hoa” nhất của nó lại ly dị với tổ quốc của mình!

Vậy mà, trong lúc cả thế giới đang lên án giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, Việt Nam lại ấp úng nói không nên lời. Ông đại tướng Phùng Quang Thanh phải gọi kẻ xâm lược là “bạn” và nói rằng “Chuyện Trung Quốc xâm lược Việt Nam là chuyện gia đình”.

Xưa kia, khi phải đương đầu với “hai đế quốc to”, khẩu khí của đảng cầm quyền vô cùng đanh thép và hùng hồn, vì lúc đó đảng có dân hậu thuẫn và có đồng minh là phe xã hội chủ nghĩa. Nay trước một Trung Quốc không mạnh, cả bốn vị tứ trụ triều đình của đảng đều có lời lẽ hết sức nhẫn nhịn, van xin hoà bình(!), vì nay đảng không có nhân dân hậu thuẫn và không có đồng minh! Vì sao không dám kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế? Vì sao không dám liên minh với nước thứ hai để chống xâm lược của nước thứ ba?

Tất cả các câu hỏi “chết người” này sẽ không còn nữa nếu những người lãnh đạo đảng đồng thanh hô vang: Tổ quốc trên hết! (Thay cho khẩu hiệu: Chế độ trên hết… đang là tư tưởng chủ đạo lúc này).

Còn nhân dân thì rất mạnh mẽ. Hãy ra chợ mà gặp các bà bán rau, hãy lên xe buýt mà gặp sinh viên… Đừng gặp các vị cử tri đã được chọn lọc là những thường thích vâng lệnh, nói theo, thích được đứng gần các ông lớn để được có mặt trên vô tuyến truyền hình trong các cuộc gặp gỡ cử tri của các đại biểu Quốc hội. Tất cả đều không có thật trừ một sự thật là sự dối trá!

Hãy gặp nhân dân, vì nhân dân hiểu rất rõ rằng, ngày xưa Trung Quốc trùm chăn đánh Việt Nam trong phòng tối còn không thắng, thì ngày nay giữa thanh thiên bạch nhật của thời đại thông tin toàn cầu làm gì có chuyện cá lớn nuốt các bé dễ dàng như Trung Quốc hoang tưởng. Thế giới đã phẳng rồi!

“Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống!”

Câu nói bất hủ của Marat vẫn còn nguyên giá trị, nhất là với Việt Nam trong giờ phút hiểm nghèo này!

       7/2014

Lê Phú Khải

    Tác giả gửi BVN
( Theo  Bauxite Việt Nam )

Không có nhận xét nào: