Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Đối phó với âm mưu của Trung Quốc, cách tốt nhất là kiện

Hiện nay, Trung Quốc vẫn một mặt hung hãn trên thực địa xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đồng thời vu cáo Việt Nam. Đó là âm mưu vô cùng thâm độc. Vậy Việt Nam nên làm gì để đối phó?

Để trả lời câu hỏi này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ. 

Ts Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ (ảnh Hồng Chuyên)

Thưa ông, vậy là đã hơn hai tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn hai tháng nay, tình hình căng thẳng trên Biển Đông vẫn không hề có chiều hướng thuyên giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng. Là người từng đề xuất rất nhiều lần “nên kiện Trung Quốc”, vậy cho đến bây giờ ông còn giữ với quan điểm đó không?

Sau một thời gian dài chúng ta kiên trì, khéo léo, nhẫn nại cùng Trung Quốc ngồi lại bàn bạc, xử lý vấn đề một cách êm thấm nhưng câu trả lời mà chúng ta nhận được lại hoàn toàn ngược lại. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì những hoạt động ngang ngược trước đó, hiện nay Trung Quốc còn điều thêm một số giàn khoan khác đặc biệt là giàn khoan Nam Hải 9 để đẩy căng thẳng lên cao, hay vấn đề Gạc Ma, vụ bắt bớ ngư dân đánh cá của Việt Nam... Vừa mới đây, họ còn có một số động thái khác trong vấn đề thông báo bão cũng như tiến hành một số động thái mà người ta cho rằng Trung Quốc chuẩn bị có những hoạt động mạnh mẽ về mặt quân sự trong khu vực Biển Đông.

Với tất cả những động thái đó tôi nghĩ rằng nếu chúng ta vẫn còn muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình thì chúng ta cần phải tiếp tục làm rõ việc này thông qua Cơ quan Tài phán Quốc tế.

Nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam nên kiện độc lập hay tham gia cùng Philippines?

Có mấy phương án như sau: Một là chúng ta có thể tham gia cùng với Philippines. Hai là chúng ta cũng có thể đơn phương kiện.

Cả hai việc đó đều có kết quả như nhau và đều tạo được sự đồng thuận với các nước trong khu vực và quốc tế cũng như tranh thủ được tiếng nói ủng hộ của dư luận nói chung. Tất nhiên, nội dung của từng đơn kiện phải được xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của từng nước.

Theo ông, nếu kiện Trung Quốc một cách độc lập với tư cách là bên nguyên đơn, Việt Nam cần chuẩn bị những nội dung gì?
Đối với những tranh chấp như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vạch định ranh giới trong các vùng chồng lấn... nếu không có thỏa thuận của các bên liên quan thì tòa án sẽ không thụ lý giải quyết.

Do đó, chúng ta có thể đơn phương kiện lên Cơ quan tài phán quốc tế và cơ quan này có thể thụ lý đó là việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai về Công ước Luật biển năm 1982 để bảo vệ và duy trì một yêu sách rất vô lý, không có cơ sở, không có căn cứ, đó là yêu sách về đường lưỡi bò.

Nếu Việt Nam tiến hành kiện Trung Quốc, theo ông nên chọn tòa án nào?

Cái đó cũng cần phải tính kỹ. Trước đây, Philippines cũng tính toán và đưa ra Hội đồng tòa án trọng tài về luật biển theo Phụ lục 7. Tôi cho rằng, nếu Việt Nam cũng làm với hình thức đó thì có thể tạo ra một sự đồng thuận, một tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống lại “yêu sách bành trướng” của Trung Quốc.

Là người theo dõi rất kỹ động thái của Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc bất ngờ đưa công hàm lên Liệp Hợp Quốc. Ông có đánh giá gì về những chứng cứ mà Trung Quốc đưa ra?
Những tài liệu mà phía Trung Quốc đưa ra tại Liệp Hợp Quốc chủ yếu là những tài liệu trước năm 1970 để nói rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa. Do đó, Trung Quốc cho rằng mọi hoạt động vừa qua của Trung Quốc đều nằm trong vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) còn Việt Nam đang cố tình làm phức tạp vấn đề.

Chúng ta phải lưu ý rằng, trong văn bản gửi Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không hề đề cập đến Luật Biển hay Công ước luật biển hay yêu sách trên biển.... đấy là tính toán của Trung Quốc. Tức là họ dựa vào một số tài liệu mà họ có thể khai thác để từ đó tạo ra một lực lượng dư luận ở trong nước cũng như quốc tế nhầm tưởng rằng Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền. Từ chỗ đó, họ bắt đầu tính đến các hoạt động rộng hơn trên cơ sở vị trí này. Đấy là cách đi của Trung Quốc mà chúng ta cần lưu ý.

Tôi đã từng phân tích, vào giai đoạn lịch sử đó, Chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa theo hiệp định Geneva có quyền quản lý lãnh thổ phía Bắc bắt đầu từ vĩ tuyến 17 trở ra và không được quyền giao trách nhiệm quản lý vùng lãnh thổ phía Nam. Do đó, mọi động thái, ý kiến kể cả những văn bản chính thức nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không có giá trị gì khi nói trên Công pháp Quốc tế. Không chỉ những tài liệu tham khảo có tính chất cá nhân, chia sẻ kiến thức như sách giáo khoa, bản đồ địa lý, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng không có giá trị pháp lý. 

Chính thể của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ quản lý hai quần đảo này bao gồm: Việt Nam Cộng hòa và tiếp đến là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Xin khẳng định một lần nữa, chỉ có 2 chính thể được Luật pháp quốc tế thừa nhận này mới có quyền bảo vệ và quản lý chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông có nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng những luận điệu, bằng chứng này cũng như là những bằng chứng “ngụy tạo” khác để “kiện ngược” Việt Nam hay không?
Đây không phải lần đầu tiên tôi được nghe vấn đề này, trái lại họ nói rất nhiều lần và trong bối cảnh hiện nay mục đích của Trung Quốc là để cho dư luận hiểu nhầm vấn đề. Đó là cách “tung hỏa mù” mà Trung Quốc đã từng sử dụng nhiều lần.

Về mặt pháp lý, tôi đảm bảo rằng công thư của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, sách giáo khoa cũng như một vài lời tuyên bố trước đây không có giá trị bởi vì nó không có căn cứ để nói rằng Trung Quốc có chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo này.

Chúng ta nhớ rằng, các quyền thụ đắc lãnh thổ đối với vùng này phải là vấn đề chiếm hữu thực sự với tư cách Nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình chiếm hữu đó không vấp phải bất kỳ một phản đối nào và có những bằng chứng có giá trị pháp lý chứ không phải đem tất cả những tài liệu, các bản đồ địa lý một cách chung chung mơ hồ để đưa ra và gọi nó là chứng cứ để đấu tranh. Đấy chẳng qua chỉ là hình thức tuyên truyền có tính chất chính trị nhiều hơn là pháp lý.

Phải chăng theo ông việc kiện Trung Quốc bây giờ nên làm và phải làm?

Chúng ta phải tận dụng và hành động ngay nếu chúng ta muốn làm cho tình thế bớt căng thẳng hơn cũng như hạn chế được những bài bản mà Trung Quốc đã tính toán sẵn. Nếu chúng ta không hành động thì khó khăn càng chống chất, căng thẳng càng tiếp tục mạnh hơn và nguy cơ của những xung đột không thể kiểm soát vẫn tiềm ẩn.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Chuyên- Lại Hà 

( Theo Infonet )

Không có nhận xét nào: